Hôm nay,  

Chiều “dạ Tâm Khúc”: Tưởng Niệm Thanh Tâm Tuyền

06/04/200600:00:00(Xem: 6294)
Houston (ĐPV)--Chiều chủ nhật, 2 tháng 4 vào lúc 5 giờ chiều, chương trình “Dạ Tâm Khúc” - Tưởng Niệm Thanh Tâm Tuyền đã được diễn ra rất nghiêm trang và long trọng tại Trung Tâm Học Đường Thái Bình Dương (Pacific Learning Center) địa chỉ 8018 Boone Road, Houston, Texas.

Có khoảng 100 quan khách tham dự. Bên cạnh những nhà văn, nhà thơ của Houston, Ban Tổ Chức nhận thấy có sự tham dự của vợ chồng nhà văn Nguyễn Hữu Nhật - Nguyễn Thị Vinh đến từ Oslo, Na-Uy.

Mở đầu chương trình, Nhà Văn Trần Hồng Văn, người điều hợp buổi Tuởng Niệm Thanh Tâm Tuyền, đọc qua thân thế và sự nghiệp của thi văn sĩ Thanh Tâm Tuyền. Ông nói rằng tuy không được hân hạnh quen biết với Thanh Tâm Tuyền nhưng khi nghe một mẩu tin ngắn trên đài phát thanh về sự ra đi của Thanh Tâm Tuyền, ông thấy ngỡ ngàng và thầm tiếc một ngôi sao sáng nữa của nền văn học Việt Nam đã tắt.

Tiếp đến, Nhà Văn Trần Hồng Văn giới thiệu Bạch Hạc, một thành viên của Ban Tổ Chức lên giải thích về chủ đề “Dạ Tâm Khúc” của buổi tưởng niệm. Trước khi vào đề, Bạch Hạc đã ngỏ lời cám ơn đến báo Việt Báo Houston, Đài Little Saigon Radio, Đài VAB (Vietnamese American Broadcasting), đài TNT (Tiếng Nước Tôi), đài VOVN, các anh chị trong Ban Tổ Chức như anh chị Trần Trí, anh chị Đoàn Hữu Đức, anh Nguyễn Mạnh Hùng, anh Lê Đức, chị Nguyễn Mimi, vợ chồng nhà thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt - Thương Thương, anh chị Hoàng Bách - Song Kim và các thân hữu Nha Sĩ Nguyễn Thị Thi và phu quân, chị Phạm Kim Oanh, anh chị Đặng Thiệu - Quỳnh Hoan, anh chị Ngu Yên - Ngọc Phụng.

Hiện diện trong buổi này có một số quan khách rất quen thuộc với cộng đồng là vợ chồng danh ca một thời Duy Trác, ông bà Lê Văn, cựu Tổng Biên Tập Đài VOA, Nhạc Sĩ Đăng Khánh và phu nhân, chị Phương Hoa, Nhạc Sĩ Vĩnh Lạc, ông bà Giáo Sư Dương Nhự - Từ Nguyên, Ông Bà Giáo Sư Đàm Quang Hưng, Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, Nhà Văn Tạ Xuân Thạc, ông bà Vũ Văn Hoa – Vân Khanh của Nhật Báo Việt Nam Mới, ông bà Phạm Thông của báo Con Ong. Theo Bạch Hạc, “Dạ Tâm Khúc” là một nhạc phẩm được cố Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ “Dạ Khúc” của Thanh Tâm Tuyền. Chữ “Tâm” được cố Nhạc Sĩ tài ba Phạm Đình Chương thêm vào trong ngoặc kép, rất trịnh trọng. Từ trong tận cùng sâu thẳm, cố Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương đã nhìn thấy cái “Tâm” trong con người của Thanh Tâm Tuyền, cái “Tâm” trong thơ ông và Tâm cũng chính là tên của ông, Dzư Văn Tâm. Bạch Hạc nghĩ rằng chữ “Tâm” phải được lấy làm đầu, trong thi văn cũng như trong đời sống thường ngày. Có thế ta mới tìm thấy được sự thanh thản, niềm vui và hạnh phúc. Bài thơ “Dạ Khúc” của Thanh Tâm Tuyền đã được Bạch Hạc diễn ngâm ngay sau đó:

Anh sợ những cột đèn đổ xuống

Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta

Bóp chết mọi hy vọng

Nên anh dìu em đi xa

Đi đi chúng ta đến công viên

Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối

Ôi môi em như mật đắng

Như móng sắc thương đau

Đi đi anh đưa em vào quán rượu

Có một chút Paris

Để anh được làm thi sĩ

Hay nửa đêm Hà Nội

Anh là thằng điên khùng

Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới

Chiếc kèn hát mãi than van

Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng

Tuổi trẻ sao quá buồn

Như con mắt giận dữ

Tuổi trẻ sao quá buồn

Như bàn ghế không bầy

Thôi em hãy đứng dậy

Người bán hàng đã ngủ sau quầy

Anh đưa em đi trốn

Những dày vò ngày mai

Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, mặc dù tuổi đã ngoại bát tuần nhưng với giọng nói rõ ràng, mạch lạc và nhiều cảm xúc khi nói về Thanh Tâm Tuyền đã làm cho người nghe xúc động đến ngạc nhiên, nhất là khi ông đọc bài thơ “Ba Nhịp” mà Thanh Tâm Tuyền đã làm để tặng ông. Nhạc Sĩ Vĩnh Lạc đã yêu cầu ông đọc lại bài thơ lần nữa. Đúng là một bài thơ hay và lạ. Thơ của Thanh Tâm Tuyền là thế đấy! Không dễ đọc và rất khó nhớ nhưng một khi đã đọc, đã nhớ thì không bao giờ quên được, đó là điểm độc đáo của cõi thơ Thanh Tâm Tuyền.

Nhạc phẩm “Đêm Mầu Hồng” của cố Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương phổ đoạn từ bài thơ “Bài Ngợi Ca Tình Yêu”của Thanh Tâm Tuyền đã được trình bầy qua giọng ca rất truyền cảm, gợi nhớ và nhiều nuối tiếc của chị Nguyễn Mimi:

Em gối đầu sương xuống

Chuyện trò bằng bóng mình

Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát

Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương nhiều nhớ thương

Em là cánh hoa là khói sóng Đêm Mầu Hồng

Nhà Thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt lên ngỏ đôi lời tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền. Anh nói vắn tắt nhưng xúc tích và đã chuyên chở được những lời thơ trong thơ Thanh Tâm Tuyền qua một số bài thơ như Dạ Khúc, Lệ Đá Xanh, nhất là bài thơ Phục Sinh mà anh cho rằng mang nhiều tính “Nhân Bản”.

Sau Nhà Thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt, nhà Thơ Ngu Yên đã lên nói về thơ Thanh Tâm Tuyền, trước và sau năm 1975. Anh so sánh một số bài thơ và thơ từ của hai giai đoạn này. Một sự so sánh khá mới mẻ của một nhà thơ là thế hệ đàn em của Thanh Tâm Tuyền. Anh đọc qua bài thơ “Bài Ngợi Ca Tình Yêu” và đã gợi nhiều cảm xúc để Bạch Hạc trở lại, sự xuất hiện bất ngờ không có trong chương trình, với nhạc phẩm “Bài Ngợi Ca Tình Yêu” do cố Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương” phổ nhạc:

Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão

Hôm nay tuổi trẻ khóc trên vai

Hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt

Như người yêu từ chối vùng vằng

Tôi chờ đợi cười lên sặc sỡ

Lan qua mái ngói thành phố đồng ruộng

Bấu lấy tim tôi thành nhịp thở

Ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh

Cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng

Chảy máu tiếng kêu

Giáo Sư Đàm Quang Hưng, chủ nhân của Trung Tâm Học Đường Thái Bình Dương và cũng là dịch giả của bảy cuốn Liêu Trai Chí Dị đã được mời lên. Ông kể một vài mẩu chuyện nhỏ ông có với Thanh Tâm Tuyền. Được biết Thanh Tâm Tuyền là bạn với em trai của Giáo Sư Đàm Quang Hưng. Ông hơn Thanh Tâm Tuyền đến tám tuổi. Gọi Thanh Tâm Tuyền bằng “chú” thì hơi ngang vì chưa quen thân. Gọi bằng anh thì Thanh Tâm Tuyền không chịu. Sau đó ông đề nghị gọi nhau bằng “mầy, tao” thì Thanh Tâm Tuyền chịu ngay. Mẩu chuyện vui ông có với Thanh Tâm Tuyền được ngừng lại khi ông giới thiệu nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, đến từ Oslo, Na-Uy lên nói tiếp về Thanh Tâm Tuyền. Những nhận xét và cái nhìn tinh tế của ông về Thanh Tâm Tuyền cũng như thơ Thanh Tâm Tuyền đã để lại rất nhiều dấu ấn với cử toạ. Ông rất “ấn tượng” khi xuất hiện với chiếc mũ dạ trên đầu. Không nói cũng biết ông đến từ xứ lạnh dù thời tiết Houston hôm ấy là 84 độ F.

Diễn giả cuối cùng của chương trình là Nhà Văn Tạ Xuân Thạc, chủ nhiệm Đặc San Đồng Tâm mà trong đó Giáo Sư Doãn Quốc Sĩ là một trong những vị cố vấn. Được biết văn đàn Đồng Tâm là cánh tay nối dài của nhóm Sáng Tạo. Đặc San Đồng Tâm đón nhận tất cả mọi cây bút, không phân biệt tuổi tác. Mục đích của Đồng Tâm là bảo tồn và gìn giữ văn học, văn hóa Việt Nam. Nhà Văn Tạ Xuân Thạc đã đọc lời tiễn biệt Thanh Tâm Tuyền xen lẫn với lời thơ trong bài thơ “Lệ Đá Xanh”. Bài thơ này đã được diễn ngâm một cách trọn vẹn qua giọng ngâm của Bạch Hạc:

Tôi biết những người khóc lẻ loi

Không nguôi một phút

Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình

Em biết không

Lệ là những viên đá xanh

Tim rũ rươi

Đôi khi anh muốn tin

Ôi những người khóc lẻ loi một mình

Đau đớn lệ là những viên đá xanh

Tim rũ rượi

Thanh Tâm Tuyền giờ đây đã không còn “…khóc lẻ loi một mình” nữa. Chúng ta, những người còn lại, mong ông được an nghỉ và sống ung dung như ông đã sống nơi cõi vĩnh hằng bởi nơi đó đang có nhiều người thân cùng bạn bè chào đón ông. Hãy yên nghỉ anh Thanh Tâm Tuyền nhé

Nhạc phẩm “Nửa Hồn Thương Đau” do cố Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ “Lệ Đá Xanh” của Thanh Tâm Tuyền qua tiếng hát của chị Nguyễn Mimi đã chấm dứt chương trình “Dạ Tâm Khúc” - Tưởng Niệm Thanh Tâm Tuyền chiều 2 tháng 4 năm 2006.

Như vậy đã có hai buổi tưởng niệm nhà thơ ở hai thành phố là Quận Cam, Nam Cali và Houston, Texas.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.