Westminster (Bình Sa) - Tại hội trường Miriam Warne Community Building 14491 Beach Blvd., Thành phố Westminster vào lúc 4 giờ chiều thứ Bảy ngày 8 tháng 3 năm 2025, Đảng Bộ Việt Tân Orange County đứng ra tổ chức buổi Công Bố Văn Kiện Việt Nam Nửa Thế Kỷ Tụt Hậu và Lối Thoát cho Tương Lai.
Tham dự buổi lễ ngoài các thành viên các cấp trong Đảng Việt Tân về phía quan khách nhận thấy có nhà báo Nguyễn Văn Khanh đến từ Hoa Thịnh Đốn, Kỹ Sư Nguyễn Đại Ngữ, đại diên Đảng Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, Nhà báo Điếu Cầy… một số đại diện các hội đoàn, cộng đồng, một số các cơ quan truyền thông.
Điều hợp chương trình do cô Thanh Lan thành viên Đảng Việt Tân.
Sau phần nghi thức chào cờ và phút mặc niệm.
Tiếp theo Ông Trần Trung Dũng, đại diện Đảng Việt Tân Orange County, Trưởng ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn quý vị lảnh đạo tinh thần, quý vị đại diện các cộng đồng, hội đoàn, đảng phái, và tất cả quý quan khách, đại diện cơ sở Việt Tân tại Orange County, tôi xin chào đón quý vị và xin được cảm ơn sự hiện diện của quý vị trong Buỗi Lễ Công Bố Văn Kiện: Việt Nam: Nửa Thế Kỷ Tụt Hậu & Lối Thoát Cho Tương Lai.
Ông tiếp: “Ngày 30, tháng 4, 1975, là một ngày đánh dấu sự chìm đắm của cả nước Việt Nam thân yêu và trong vòng cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự cai trị này đã đem bao nhiêu lầm than, mất mát, chia cách, và hy sinh trong gần hết các gia đình từ Bắc xuống Nam. Những hy sinh và mất mát trong cuộc chiến xâm chiếm Miền Nam, tù đày, kinh tế mới, và vượt biên đã đem được lợi ích gì cho đất nước và dân tộc?
Trong 50 năm qua, đã có 8 người lên nắm chức vụ Tổng Bí Thư Đảng CSVN, vấn đề đặt ra là họ và Đảng CSVN đã đem lại lợi ích gì cho đất nước và dân tộc. Từ các chính sách Quốc Hữu Hóa Tài Sản của người Việt Gốc Hoa, đến kế hoạch Kính Tế Mới, Kinh Tế Quốc Doanh trong thời “Kinh Tế Bao Cấp” của Lê Duẫn và Trường Chinh, chỉ đem lại một thời kỳ tối tăm cho kinh tế và xã hội Việt Nam. Chính sách Đổi Mới và Kinh Tế Thị Trường Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa của Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười chỉ cứu vãn nền kinh tế tụt hậu mà chính Lê Duẫn đã áp dụng.
Trong thời điểm này, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã khởi đầu chính sách ngoại giao lệ thuộc Bắc Kinh, khởi đầu bằng Hội Nghị Thành Đô năm 1990. Kế tiếp, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh cho ra đời thêm chính sách Xây Dựng Đảng Ngày Càng Trong Sạch và Vững Mạnh chỉ đưa đến nạn tham nhũng trầm trọng trong hàng ngũ đảng viên ĐCSVN. Họ cũng là người chủ trương đưa nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào nến kinh tế Trung Quốc. Người bí thư Đảng CSVN kế tiếp là Nguyễn Phú Trọng, với chiến dịch Đốt Lò đã làm cho người dân nhìn thấy sự tiến triển chậm chạp của Việt Nam từ xã hội, luân lý, dân trí, đến kinh tế là do bộ máy chỉ đạo và cai trị của Đảng CSVN. Sau gần một năm lên cầm quyền, Tô Lâm với đường lối ngoại giao “Cây Tre Việt Nam” và công cuộc Đổi Mới Hiện Đại Hóa Đất Nước vẫn chưa đem được kết quả nào cụ thể mà ta có thể nhìn thấy cả.
Ngày hôm nay, Đảng Việt Tân sẽ công bố Văn Kiện, Việt Nam: Nửa Thế Kỷ Tụt Hậu & Lối Thoát Cho Tương Lai. Chúng tôi hy vọng tất cả đồng bào quốc nội và hải ngoại có cơ hội thẩm định lại lịch sử trong 50 năm qua và đi đến một quyết định là chúng ta cần phải đẩy mạnh những thay đổi cần thiết để dân tộc chúng ta có một tương lai sáng lạng và con cháu chúng ta hãnh diện là người Việt Nam. Với ước vọng trên, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ Công Bố Văn Kiện, Việt Nam: Nữa Thế Kỷ Tụt Hậu & Lối Thoát Cho Tương Lai.”
Sau đó Ông Lý Thái Hùng, Chủ Tịch Đảng Việt Tân lên trình bày về: “Việt Nam Nửa Thế Kỷ Tụt Hậu và Lối Thoát cho Tương Lai.”
Ông cho biết: Sau nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh và sau hơn ba thập niên hội nhập, nền kinh tế, Việt Nam tuy có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững và nền tảng phát triển vẫn chưa theo kịp trình độ các nước tiên tiến trong khu vực. Nguy cơ tiếp tục tụt hậu vẫn còn đang ở trước mặt.
Trong khi toàn cầu đang cạnh tranh để tiến vào thời đại Công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ thông minh, thì Việt Nam vẫn còn loay hoay ở trình độ gia công sản xuất, xuất khẩu. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã và đang tung ra một số biện pháp cải tổ như chống tham nhũng, chống lãng phí, tinh gọn hệ thống chính trị, chuyển đổi số; nhưng, các biện pháp này không giải quyết gốc rễ của sự tụt hậu sau nửa thế kỷ dưới sự cai trị độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam.
Vào thời điểm 1975, đối mặt với thực trạng chiến tranh, ít nhất một nửa phía Nam của đất nước vẫn ở vị trí phát triển đáng ước ao của một số nước như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng 50 năm sau, tại thời điểm 2025, người dân Việt lại phải kéo nhau đến xin việc ở những nước này và nhất là liều mạng sống đi tìm cuộc đời mới tại nhiều quốc gia phương Tây. Người Việt Nam vẫn chưa giải quyết nổi các nhu cầu căn bản nhất của xã hội như thực phẩm, nguồn nước sạch, y tế, giáo dục cấp tiểu học. Nhiều mặt xã hội Việt Nam đã và đang xuống cấp trầm trọng từ nền tảng đạo đức đến lối sống, ngay cả so với thời điểm 1975.
Đâu là những bài học của quá khứ? Đâu là những nguyên nhân cốt lõi đẩy đất nước ta vào tình trạng hiện nay? Và quan trọng hơn hết, đâu là lối thoát cho dân tộc Việt tiến vào tương lai?
Trong phần nhận định ông cho biết:
Cơ hội thứ nhất: Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, Khi đã “thắng cuộc”, đây là cơ hội bằng vàng để gấp rút hoà giải dân tộc làm sức mạnh đi lên. Tuy nhiên, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam lại tiến hành chính sách trả thù và duy trì lòng thù hận đến tận ngày nay. Tệ hại hơn nữa, thay vì dùng hạ tầng kinh tế và các thành tựu xã hội đã xây dựng được tại miền Nam để đưa cả nước cùng tiến lên, thì giới lãnh đạo tại Hà Nội lại phá sạch và cào bằng để cả nước cùng nghèo như nhau.
Tham vọng thành lập Liên Bang Đông Dương và việc chiếm đóng Campuchia trong suốt một thập niên (1979 – 1989), đã đẩy đất nước Việt Nam rơi vào tình trạng kiệt quệ trầm trọng. Đây là tình trạng mà các thế hệ sau này gọi chung là "Thời Bao Cấp" để diễn tả quy mô thất bại của chính sách nhà nước và mức độ đói khổ kinh hoàng trong dân chúng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cũng đã có những tiếng nói can đảm hiếm hoi của các ông Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Võ Văn Kiệt từ trong guồng máy cai trị, chỉ ra các chính sách sai lầm.
Cơ hội thứ hai: Khi khối Cộng sản Quốc tế sụp đổ tại Đông Âu năm 1989 và Liên Xô năm 1991
Khi chủ nghĩa xã hội hiện thực bị chính thức từ bỏ ngay tại nơi sinh của nó, đây là cơ hội bằng vàng để thoát ra khỏi sự trói buộc của một ý thức hệ sai lầm, phi nhân để Việt Nam có thể hiên ngang chuyển sang con đường tốt nhất cho riêng mình như nhiều quốc gia tại Đông Âu đã thức tỉnh.
Nhưng vô cùng đáng tiếc là giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam lại rơi vào tình trạng hoảng hốt. Họ gấp rút xin lệ thuộc Trung Quốc để thế vào chỗ dựa Liên Xô vừa mất, dù với cái giá phải dâng hiến một phần lãnh thổ và chủ quyền đất nước. Hội Nghị Thành Đô 1990 không chỉ là vết nhơ lịch sử mà còn đánh dấu "Thời kỳ Bắc Thuộc mới" của dân tộc Việt Nam như lời Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch và được Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Quang Cơ viết lại chi tiết trong hồi ký vào lúc đó.
Cơ hội thứ ba: Khi Việt Nam gia nhập WTO và thế giới đổ tiền đầu tư vào VN năm 2007. Trong xu hướng toàn cầu hóa, nhiều chính phủ và công ty quốc tế đổ tiền đầu tư vào Việt Nam. Đây là cơ hội bằng vàng không chỉ để phát triển đất nước theo hướng văn minh, mà còn là cơ hội Thoát Trung hiếm hoi.
Ngoài các khoản đầu tư trực tiếp (FDI), còn thêm cả những khoản nợ và hỗ trợ phát triển chính thức ODA quốc tế - hàng trăm tỷ Mỹ kim mà nhiều nước "đang phát triển" khác mong ước. Tuy nhiên, hầu hết số tiền trên lại được xem là cơ hội bòn rút, chia nhau giữa các nhóm lợi ích quanh ông Nguyễn Tấn Dũng. Đây là thời kỳ một Việt Nam gầy guộc nhưng lại sản sinh ra nhiều tỷ phú Mỹ Kim nhất trong lịch sử đất nước.
Hệ quả là các "quả đấm thép" lần lượt bị phá sản, tàn lụi, và chỉ để lại những núi nợ cho các thế hệ tương lai. Chỉ nội số tiền lời phải trả cũng đủ làm thui chột khả năng vươn mình của đất nước trong nhiều thập niên.
Một hệ quả cực kỳ tai hại khác là sau khi loại được phe cánh Nguyễn Tấn Dũng năm 2016, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đất nước quay trở lại và dấn sâu hơn trong vòng tay Bắc Kinh. Từ đó, ông Trọng thẳng tay đàn áp mọi hình thức phản đối Trung Quốc xâm lược của các con dân Việt yêu nước. Ngay cả những tiếng nói yêu nước trong guồng máy cai trị như tướng Trương Giang Long cũng bị trừng phạt và loại trừ.
Rõ ràng Việt Nam đã có nhiều cơ hội và phương tiện rất dồi dào để phục hồi và phát triển đất nước, nhưng tất cả đều bị bỏ lỡ. Hàn Quốc và Đài Loan từng mong ước được sánh bằng Nam Việt Nam thì nay GDP đầu người của hai nước này đã vượt qua Việt Nam gấp 10 lần.
Nguyên nhân nào đã kéo đất nước thụt lùi mọi mặt thay vì tiến lên?
Sự tụt hậu của Việt Nam đến từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nhưng cốt lõi của sự tụt hậu kéo dài nửa thế kỷ qua, đến từ ba tư duy tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Cuối cùng Ông đã nêu lên 3 nguyên nhân chính gồm:
Nguyên nhân Thứ Nhất: Tư duy độc tài và cố thủ trong lô cốt Mác - Lênin lỗi thời
Đảng tự phong là độc tôn, chỉ đạo và điều hành mọi lãnh vực của đất nước, kể cả trong suy nghĩ và hành xử của người dân. Hậu quả tai hại là không chỉ làm kiệt quệ nền kinh tế và sự phát triển của người dân, mà còn dung túng hai vấn nạn là tham nhũng và lãng phí tài nguyên, nhân lực của đất nước.
Mọi cơ chế trở thành công cụ của Đảng để trước hết là bảo vệ Đảng và tiếp tay cho hệ thống chính trị, trù dập các tiếng nói công tâm, vì nhân quyền và công lý. Sự cấu kết giữa thành phần quyền lực tha hóa với đám “tư bản đỏ” đưa đến những nhóm lợi ích đang làm khánh kiệt đất nước.
Nguyên nhân Thứ Hai: Tư duy trấn áp bằng đe dọa, gây nghi kỵ và chia rẽ mọi thành phần trong xã hội Không những đàn áp và khủng bố tinh thần người dân, chế độ còn gieo rắc sự nghi kỵ trong trường học, công sở, và nhất là tạo sự chia rẽ giữa các thành phần trong xã hội để không còn ai tin ai. Hệ quả là một xã hội thụ động, sợ sệt, thiếu sáng tạo; thờ ơ hoặc ỷ lại không dám bàn chuyện đất nước, phó mặc toàn bộ cho chế độ tự tung tự tác. Tôn giáo bị kiềm chế theo kiểu “xin -cho”, còn các giá trị truyền thống khác đều bị xem thường. Tất cả phải nhường chỗ cho sự tôn vinh "đạo đức Cách Mạng". Hệ quả là sự hình thành một khoảng trống luân lý khổng lồ trong xã hội, dẫn đến đủ loại tệ nạn trầm trọng, từ bằng cấp giả đến chế biến thực phẩm bằng hóa chất độc hại đến số lượng phá thai.
Nguyên nhân Thứ Ba: Quán tính lệ thuộc đàn anh trong khối độc tài - toàn trị, đặc biệt là Trung Quốc. Sự lệ thuộc này đã khiến Việt Nam mất sự độc lập và tính tự chủ, phải luôn luôn dè chừng những phản ứng của Bắc Kinh trong bối cảnh thay đổi địa chính trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Từ sự lệ thuộc vào Trung Quốc, chế độ đã làm giảm sút phần lớn khả năng của quân đội Việt Nam trong trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhiều sĩ quan Việt ở cấp trung và cao bị gửi sang Trung Quốc học tập vừa quân sự vừa tư tưởng chính trị theo quan điểm thần phục Bắc Kinh.
Và quan trọng nhất, chế độ đã để nền kinh tế quá lệ thuộc vào Trung Quốc, dẫn đến việc không dám kiểm soát biên giới và để mặc cho dòng hóa chất độc hại chảy tràn vào Việt Nam làm ô nhiễm nguồn lương thực của cả nước và lan tràn nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, dẫn đến việc không dám ngăn chặn các đoàn lái thương Trung Quốc liên tục lũng đoạn nền nông nghiệp Việt Nam, tạo ra nhiều mặt hàng khan hiếm hoặc dư thừa giả tạo; lừa bịp người nuôi trồng.
Vậy đâu là lối thoát cho dân tộc Việt để tiến tới tương lai?
Ông cho biết tiếp: Tự do dân chủ là lối thoát để dân tộc tiến tới tương lai.
(Tài liệu Văn Kiện Việt Nam Nửa Thế Kỷ khá dài trong phạm vi bản tin chúng tôi không thể đăng hết chi tiết, đồng hương muốn tìm hiểu chi tiết xin liên lạc về Đảng Bộ Việt Tân Orange County điện thoại số (714) 622-9988 hoặc vào: namcali@viettan.org).
Sau phần trình bày là phần thảo luận, trong phần thảo luận Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, Kỹ Sư Nguyễn Đại Ngữ, nhà báo Điếu Cầy… cũng đã nêu lên một số ý kiến về những điều căn bản của “Văn Kiện Việt Nam Nửa Thế Kỷ Tụt Hậu và Lối Thoát cho Tương Lai” .
Kết thúc chương trình là bài hợp ca hùng hồn “Trả Lại Cho Dân”.
Mọi chi tiết liên lạc (714) 622 9988.
Bình Sa - VB
Gửi ý kiến của bạn