Tưởng tượng một khu vườn xinh đẹp như vườn thượng uyển của vua chúa ngày trước với hoa lá muôn màu lung linh trong gió hiền và nắng ấm. Rồi bỗng dưng một cơn mưa đá đổ xuống. Cây, lá, cành, nụ… đủ sắc màu quằn quại dưới những cục đá thả xuống từ không gian. Tàn cơn mưa, những nụ, những hoa, những cánh lá xanh non tan nát. Những cục nước đá tan đi. Bạn không còn tìm ra dấu vết thủ phạm, bạn chỉ thấy những thứ bạn phải gánh chịu: ấy là những tổn thất bất ngờ. Ở một nơi mà vô số các sắc tộc sống chung với nhau như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mỗi ngôn ngữ là một loài hoa đầy hương sắc trong khu vườn muôn sắc màu ấy. Nhưng rồi trong trận thiên tai, mỗi sắc lệnh của chính phủ là một hòn đá ném xuống, hoa lá cành tan nát theo nhau. Bạn không biết những cơn mưa đá còn bao lâu. Bạn cũng không thể nào đoán trước được những tổn thất chúng đổ xuống cho khu vườn yêu quý mà bạn dày công gầy dựng.
Giữa thời khắc mà mỗi ngày, hàng chục sắc lệch mới của chính quyền Tổng Thống Trump được ban hành, giữa những rừng xáo trộn trật tự hàng loạt liên quan không riêng gì khu vườn ngôn ngữ mà còn ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao, kinh tế… Từ đó, một số vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền có thể bị ngó lơ.
Vào ngày 1 tháng 3 năm 2025, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố tiếng Anh (hay còn được gọi một cách trật đường rầy là “tiếng Mỹ”) là ngôn ngữ chính thức của Hoa Kỳ, đánh dấu lần đầu tiên trong gần 250 năm quốc gia này có một ngôn ngữ chính thức. Sắc lệnh này có vẻ đang hợp thức hóa một điều hiển nhiên vì trước đó, 32 tiểu bang Hoa Kỳ đã tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Sắc lệnh ấy quyết đoán rằng vườn hoa của bạn chỉ được phép trồng một loại hoa. Mầm mống nguy hại của nó nằm trong phần liệt kê sắc lệnh mới này hủy bỏ Sắc Lệnh Hành Pháp 13166.
Hai mươi lăm năm trước, vào ngày 11, tháng Tám, năm 2000, Tổng thống Bill Clinton ban hành Sắc Lệnh Hành Pháp 13166, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ được tài trợ bởi liên bang cho những cá nhân có khả năng tiếng Anh hạn chế (LEP). Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang xác định và loại bỏ rào cản ngôn ngữ trong các chương trình của họ để bảo đảm những người không may mắn có Anh ngữ (hay “tiếng Mỹ”) là tiếng mẹ đẻ có thể tiếp cận các dịch vụ ấy một cách hiệu quả. Theo Sắc Luật này, các cơ quan phải phát triển và thực thi các kế hoạch hỗ trợ ngôn ngữ, bao gồm dịch thuật và thông dịch, để tuân thủ Điều VI của Đạo Luật Dân Quyền Năm 1964. Đạo luật này cấm phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc quốc gia. Ngoài ra, những tổ chức nhận tài trợ liên bang cũng phải thực hiện các biện pháp hợp lý để cung cấp hỗ trợ ngôn ngữ.
Theo chỉ thị mới của TT Trump, các cơ quan liên bang không còn bắt buộc phải cung cấp dịch vụ bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh (hay còn gọi là “tiếng Mỹ”). Tuy nhiên, người đứng đầu các cơ quan vẫn có quyền quyết định tiếp tục cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ nếu thấy cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính quyền Trump lập luận rằng việc thiết lập một ngôn ngữ quốc gia thống nhất sẽ thúc đẩy sự đoàn kết xã hội và tăng cường sự tham gia công dân. “Đoàn kết xã hội” trên lý thuyết nghe có vẻ hợp lý nhưng “tăng cường sự tham gia của công dân” thì cả lý thuyết lẫn thực hành đều vô cùng nan giải.
Những người phản đối cho rằng chính sách này có thể làm hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ công quan trọng—như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hỗ trợ pháp lý—đối với hàng triệu người không nói tiếng Anh, đẩy các cộng đồng nhập cư vào tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội và làm suy yếu sự đa dạng văn hóa. Việc loại bỏ hỗ trợ ngôn ngữ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia công dân và khả năng tiếp cận các nguồn lực công cộng, cũng như thúc đẩy thêm làn sóng kỳ thị dựa trên sự khác biệt ngôn ngữ.
Từ những suy nghĩ ấy bạn vẫn có thể giúp đỡ những di dân mới đến định cư và những người không có “tiếng Mỹ” là tiếng mẹ đẻ để họ có thể tiếp cận và tham gia vào dòng chính. Một trong những phương cách giúp đỡ cụ thể là giúp thông dịch cho những người mới đến, còn lạ nước lạ cái ở xứ sở này. Bạn có thể - từ chuyện nhỏ như - dịch dùm một người đồng hương tình cờ gặp trên đường phố lúc người ấy hỏi đường, hay - to tát hơn - trở thành một thông dịch viên chuyên nghiệp để giúp đỡ người mới tới trong những môi trường mà ngôn ngữ chính xác là yếu tố quan trọng như y tế, luật pháp…
Cô Kathy Nguyễn, giáo viên trưởng của chương trình chứng chỉ và bằng cấp Thông Dịch và Phiên Dịch Song Ngữ Anh Việt của Trường Đại Học Santa Ana chia sẻ: “Hơn bao giờ hết, cộng đồng người Việt với tiếng Anh hạn chế đang rất cần thông dịch viên. Tôi mong các bạn sẽ phát triển năng khiếu đa ngữ của mình bằng cách học lấy bằng cấp để trở thành những thông dịch viên có trình độ. Ngoài việc có mức lương khá và công việc với thời khoá biểu uyển chuyển, bạn còn có để giúp đỡ rất nhiều cho các cô chú bác lớn tuổi. Trong giai đoạn này, chúng ta cần đồng lòng để tạo nên tiếng nói cho cộng đồng người Việt. Bạn có thể liên lạc với tôi để biết thêm chi tiết về chương trình học Nguyen_Kathy@sac.edu.”
Hãy đóng góp cho đất nước đã cưu mang chúng ta trong khả năng của chính mình. Và giúp người đồng hương hội nhập qua phương tiện ngôn ngữ là đóng góp cụ thể nhất. Hãy cùng nhau chăm bón cho loài hoa mình yêu thích trong khu vườn thượng uyển muôn sắc màu.
Gửi ý kiến của bạn