Vụ ám sát tổng giám đốc điều hành của UnitedHealthcare Brian Thompson vào ngày 4 tháng 12 2024 ở New York đã gây ra một cuộc tranh luận toàn quốc về sự thất vọng sâu sắc của người Mỹ đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh việc chỉ trích lên án hành động bạo lực, trên mạng truyền thông xã hội có không ít những lời bình luận tỏ vẻ đồng cảm với vụ ám sát ông Thompson, một phản ứng được xem là không nên có trong truyền thống văn hóa của nước Mỹ! Vì đâu nên nỗi? Nhiều người đổ lỗi cho các công ty bảo hiểm y tế như UnitedHealth đẩy giá chi phí bảo hiểm sức khỏe lên cao, và những chính sách từ chối chi trả chi phí y tế cho những người cần được chăm sóc nhất.
Một cuộc điều tra của ProPublica trong năm 2024 tiết lộ rằng các công ty bảo hiểm hiện nay thường xuyên từ chối hàng triệu yêu cầu chi trả y tế bằng cách sử dụng AI. Những người chỉ trích cho rằng sử dụng AI để xét duyệt việc chăm sóc sức khỏe thường dẫn đến sự bất bình đẳng về chủng tộc và mức thu nhập trong quyết định ai được điều trị, ai không được điều trị. Hàng triệu ca bảo hiểm y tế yêu cầu bồi thường bị từ chối mà không cần bác sĩ mở hồ sơ của bệnh nhân! Điều đáng nói là 2/3 các công ty bảo hiểm y tế có kế hoạch tăng chi tiêu cho AI trong ba năm tới.
Vào ngày 20 tháng 12 2024, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS) có một cuộc họp báo qua zoom. Các chuyên viên trong lĩnh vực y tế đã phân tích về những điểm bất cập của nền y tế Hoa Kỳ khi các tập đoàn bảo hiểm sử dụng AI để xét duyệt việc điều trị.
Theo Tiến Sĩ Katherine Hempstead, giám đốc chính sách cấp cao của Robert Wood Johnson Foundation, bảo hiểm y tế Mỹ kém hiệu quả, gây ra căng thẳng, bất bình giữa những người mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm. Trong bảo hiểm y tế, người mua bảo hiểm thường phải liên lạc với công ty bảo hiểm mỗi khi cần trị bệnh, hoặc cảm thấy sức khỏe của họ đang bị đe dọa. Người bệnh sẽ cảm thấy bất lực nếu văn phòng bác sĩ nói một chữa trị nào đó là cần thiết, nhưng công ty bảo hiểm lại nói rằng không cần thiết. Ở hệ thống bảo hiểm của Mỹ, qui định về những gì được phép điều trị là rất phức tạp, có nhiều khác biệt giữa các tiểu bang hoặc giữa các chương trình bảo hiểm khác nhau.
Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 11 năm 2024 cho thấy người Mỹ đánh giá về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2001. Tại quốc gia giàu có nhất thế giới, chỉ có 44% số người được hỏi cho rằng chất lượng bảo hiểm là “tuyệt vời” hoặc “tốt”; và chỉ có 28% cho rằng phạm vi bảo hiểm là “tuyệt vời” hoặc “tốt”.
Tại sao người Mỹ ngày càng không hài lòng với hệ thống bảo hiểm y tế? Ngày càng có nhiều người Mỹ được bảo hiểm y tế theo các chương trình chăm sóc được quản lý và Medicare Advantage; nhưng đây cũng là những chương trình hiện có tỉ lệ từ chối chi trả cho thuốc men và điều trị tăng cao. Trong số những loại thuốc có thể bị từ chối trả tiền có những loại rất quan trọng, thí dụ như thuốc GLP cho các loại bệnh tiểu đường và béo phì.
Medicare Advantage (MA) là một chương trình bảo hiểm y tế tư nhân được Medicare chấp thuận, dành cho người cao tuổi và người khuyết tật. Ba công ty MA lớn nhất Hoa Kỳ là UnitedHealthcare, Humana và CVS, hiện đang chăm sóc 60% số người ghi danh Medicare. Một báo cáo vào tháng 10 năm 2024 do Thượng viện Hoa Kỳ công bố cho thấy ba công ty này đã tăng mạnh các trường hợp từ chối yêu cầu chi trả y tế một cách tự động thông qua AI. Họ hạn chế một cách có hệ thống việc chăm sóc hậu cấp tính (PA), bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và chăm sóc tại bệnh viện dài hạn, với mục đích để tối đa hóa lợi nhuận.
Tỷ lệ từ chối PA của UnitedHealthcare đã tăng từ 10.9% vào năm 2020 lên 22.7% vào năm 2022 khi công ty tăng cường tự động hóa. Tỷ lệ từ chối PA của Humana cao hơn 16 lần so với tỉ lệ từ chối bình quân của công ty. Điều đáng nói là một khi bệnh nhân kháng cáo việc từ chối, đặc biệt là khi có báo chí tham gia đưa tin, các công ty bảo hiểm thường thay đổi quyết định, sau đó đồng ý chi trả. Điều này cho thấy khuynh hướng của các công ty bảo hiểm là từ chối trước cho đến khi bị phát hiện là làm sai hoặc bị gây áp lực! Đây chính là tiền đề cho sự bất bình đẳng trong vấn đề chăm sóc y tế. Những bệnh nhân không đủ giỏi tiếng Anh, có trình độ học vấn thấp thường là những người ít dám khiếu nại, do đó ít có khả năng làm thay đổi quyết định của công ty bảo hiểm.
Theo Tiến Sĩ Miranda Yaver, phó giáo sư về chính sách và quản lý y tế tại Đại học Pittsburgh, hiện nay các công ty bảo hiểm áp dụng qui định bệnh nhân phải được chuẩn thuận trước khi bắt đầu được điều trị hoặc được mua thuốc. Tiến trình xét duyệt của các công ty bảo hiểm thường chậm, và thường hạn chế chi phí điều trị. Đó là một thủ tục hành chính làm cản trở việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
20% chi tiêu ở Hoa Kỳ là dành cho chăm sóc sức khỏe, chiếm 17% GDP quốc gia. Vào năm 1960, tỉ lệ này chỉ là 5%. Trong đó, khoảng 1/3 chi phí y tế của Hoa Kỳ — khoảng 750 tỷ đô la mỗi năm — được dùng cho chi phí hành chính. Dù chi phí y tế tăng vọt như vậy, nhưng chi phí từ tiền túi mà tất cả người Mỹ phải chi trả cho bảo hiểm y tế tăng theo: từ $115 vào năm 1970 (nếu điều chỉnh theo lạm phát vào năm 2024 sẽ tương đương $677) lên $1,425 cho mỗi người vào năm 2022, chưa bao gồm tiền phí bảo hiểm y tế hàng tháng.
Tiến Sĩ Yaver đã làm một nghiên cứu với 1,340 người Mỹ toàn quốc, ghi nhận rằng 36% trong số họ đã trải qua ít nhất một lần bị từ chối yêu cầu điều trị. Ai cũng dễ bị tổn thương trước sự từ chối, nhưng hậu quả nặng nề nhất dành cho những người thuộc nhóm cộng đồng thiểu số ít có khả năng khiếu nại. Ngay cả đối với những người khiếu nại thành công, những hậu quả về việc chậm trễ trong điều trị là không thể bù đắp được.
Điều đáng buồn cho người dân Mỹ là Hoa Kỳ gần như là quốc gia công nghiệp duy nhất dùng AI để xét duyệt chi phí y tế kiểu này. Một lần nữa, tiểu bang California lại đi đầu trong việc bảo vệ quyền lợi cho người dân trước các tập đoàn bảo hiểm. Đạo Luật Bác Sĩ Ra Quyết Định (SB 1120) đã được Thống Đốc Newsom ký vào tháng 9 năm 2024, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5 tháng 1 năm 2025. Đạo luật này hạn chế việc sử dụng AI, yêu cầu bác sĩ đưa ra quyết định cuối cùng về phương pháp điều trị mà bệnh nhân nhận được. Đạo luật cho phép việc giám sát các quyết định do AI đưa ra trong lĩnh vực chấp thuận chữa trị y tế. Thượng nghị sĩ tiểu bang California Josh Becker, tác giả của dự luật, cho rằng người Mỹ cần yếu tố con người để các quyết định chăm sóc sức khỏe ưu tiên cho bệnh nhân hơn. Ông cho biết dự luật này gặp phải sự phản đối của các công ty bảo hiểm; nhưng nhận được sự ủng hộ của các nhóm bác sĩ bao gồm Hiệp Hội Y Khoa California. Một số tiểu bang khác bày tỏ ủng hộ sáng kiến của California.
Một ví dụ cho sự sai lầm của việc sử dụng AI để ra quyết định chấp nhận điều trị là vào năm 2023, Cigna Healthcare đã phải đối mặt với một vụ kiện ở California. Lý do là công ty đã sử dụng thuật toán AI, chỉ trong hai tháng đã từ chối hơn 300,000 yêu cầu điều trị đã được chấp thuận từ trước. AI chỉ sử dụng 1.2 giây để từ chối một yêu cầu chữa trị. Bệnh nhân sau đó kháng cáo, kết quả là 80% các ca bị từ chối được khôi phục trở lại. Cigna hiện đang chăm sóc bảo hiểm sức khỏe cho khoảng 18 triệu người Mỹ.
Cùng năm 2023, các công ty bảo hiểm y tế kiếm được 70.7 tỷ đô la lợi nhuận. Nhiều khả năng lợi nhuận có được một phần là nhờ các hoạt động từ chối bằng AI. Có vẻ như các công ty bảo hiểm y tế làm tốt công việc hạn chế chi phí hơn là chữa trị cho người dân Mỹ! (VB)