Garden Grove (VB)- Vào chiều ngày Chủ Nhật 8 tháng 12 2024, tại Tu Viện Đại Bi (Garden Grove, California), nhóm Phật tử Đuốc Tuệ đã tổ chức buổi nói chuyện về đề tài Chánh Niệm trong gia đình, người thuyết trình là tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ. Khoảng 50 người đã tham dự buổi nói chuyện, thuộc nhiều lứa tuổi và thành phần, từ những Phật tử cao niên cho đến những huynh trưởng trong các Gia Đình Phật Tử.
Được biết trong cùng khoảng thời gian này, các vị tăng ni thuộc tu viện Lộc Uyển cũng có những buổi nói chuyện trên zoom, cũng về đề tài Chánh Niệm trong gia đình. Điều này cho thấy những khúc mắc, mâu thuẫn trong một gia đình luôn luôn tồn tại. Các thế hệ trong gia đình không tạo được sự truyền thông tốt đẹp với nhau dẫn đến những rạn nứt, cần tìm những giải pháp để nối lại nhịp cầu thương yêu.
Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ không xa lạ với cộng đồng gốc Việt California. Là một giáo viên trung học ở Sacramento, anh thường xuyên đi giảng về Chánh Niệm ứng dụng trong đời sống, trong học đường cho nhiều thành phần: giáo viên, Phật tử, và cả tù nhân. Cùng một đề tài Chánh Niệm, nhưng cách thức truyền đạt của anh luôn có những điều mới để phù hợp với những nhóm thính giả khác nhau.
Trong buổi nói chuyện ngày 8 tháng 12, T.S Phẻ nói rằng lý thuyết về Chánh Niệm anh đã nói nhiều lần, và cũng có nhiều sách vở viết về đề tài này. Anh muốn dành thời gian để cùng mọi người thực tập những phương cách cơ bản nhất mà ai cũng có thể làm được, chỉ trong vài phút vẫn đem lại nhiều lợi lạc. Trong các tu viện, giới tăng ni vẫn thực hành ngồi thiền, đi thiền hành, thiền trong bữa ăn. Ở trong đời sống hằng ngày, bất cứ ai cũng phải đi đứng nằm ngồi; đều phải ăn, phải thở. Và những giây phút đó đều có thể thực hành Chánh Niệm.
Theo T.S Phẻ, ai cũng có thể sử dụng hơi thở như là một công cụ để duy trì Chánh Niệm, bảo vệ tâm trước tác hại do cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực thường xuyên xuất hiện trong đời sống. Mỗi ngày chúng ta thở vào ra khoảng 25,000 lần, nhưng không có mấy ai ý thức về nó. Mỗi khi lo lắng, phiền muộn, chỉ cần ý thức, trở về theo dõi hơi thở sẽ thấy tâm tĩnh lặng hơn, không bị cuốn hút theo những vui buồn, dòng suy nghĩ thầm thì trong đầu. Trong khi theo dõi hơi thở, có thể nguyện cho mình được bình an; nguyện cho người thân được bình an; nguyện cho muôn loài được bình an. Làm vậy để nuôi dưỡng tâm từ bi cùng hơi thở.
Đi cũng là một phương thức thực hành chánh niệm. Thí dụ như khi đi bộ tập thể dục, chúng ta cũng có thể kết hợp với điều hòa hơi thở, theo dõi chuyển động của bàn chân khi đi: dở chân lên, bước chân tới, đặt chân xuống. Bước từng bước khoan thoai, với ý thức tràn đầy về những gì đang diễn ra ngay trong giây phút này, ngay ở từng bước chân. Thiền Sư Nhất Hạnh từng nói rằng phép lạ là đi trên mặt đất, chứ không cần phải đi trên than hồng như những người làm xiếc.
T.S Phẻ mời mọi người cùng ăn quít trong Chánh Niệm. Ăn trái quýt với toàn bộ các giác quan: mắt nhìn rõ ràng hình dạng, màu sắc trái quýt; nhận diện cảm giác tay chạm vào vỏ quýt; bóc vỏ và ngửi thấy mùi thơm. Bỏ vào miệng nhai thật chậm, lần đầu nhai 15 lần một múi quýt rồi mới nuốt; lần sau tập nhai 25 lần. Ăn chậm rất có lợi cho sức khỏe, nhưng vì đời sống hằng ngày bận rộn không cho phép chúng ta làm điều này. T.S Phẻ kể có lần chỉ cho hai người giáo viên quen cách ăn chậm; sau một thời gian họ cho biết xuống cân rõ ràng mà sức khỏe vẫn bình thường. Lý do là vì khi ăn chậm, hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Thêm nữa, hệ thần kinh có đủ thời gian truyền tín hiệu rằng cơ thể đã “no”, không cần ăn thêm nữa. Ăn nhanh quá, cảm giác “no” chưa tới mà đã ăn nhiều hơn mức cần thiết, cho nên bị tăng cân.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Thiền Sư Nhất Hạnh cũng nhắc một người bạn trong tù là nhớ ăn quýt trong Chánh Niệm. Người này là một nhà hoạt động trẻ, năng động, ở tù vì biểu tình chống chiến tranh. Sau đó, người bạn trẻ cho biết lời khuyên của Thầy đã cứu ông ta trong tù, giúp ông ta sống bình an hơn trong giai đoạn cuộc sống mất tự do.
Trở lại với Chánh Niệm và gia đình, TS. Phẻ mời người tham dự lên trình diễn một vở kịch vui ngắn. Một người đóng vai mẹ, một người đóng vai người con trai, nói lại những mẫu đối thoại từng xảy ra trong gia đình mình. Người con trai ở tuổi mới 15 báo cho mẹ biết mình có bạn gái; rồi muốn có quan hệ tình dục với bạn… Người mẹ trả lời hiền hòa, tỏ ý hoàn toàn thông cảm, ủng hộ con. TS Phẻ cho biết mình là cha của hai cậu con trai ở tuổi teen, cho nên không xa lạ với những mẫu đối thoại kiểu này. Hành xử của cha mẹ là quan trọng để định hướng cho con cái. Nếu cứng rắn, cấm đoán thì con cái sẽ xa lánh, không muốn đối thoại. Nếu hoàn toàn đồng ý với tất cả những điều con làm, nếu sau này có những hậu quả đáng tiếc xảy ra, cả cha mẹ và con đều hối hận. Đối thoại trong gia đình là một nghệ thuật, cần có cả hai yếu tố “hiểu” và “thương”. Hiểu hoàn cảnh, tâm lý của con trẻ, cha mẹ vẫn thương con nhưng thương đúng cách, cho con những lời khuyên để vượt qua những giai đoạn khó khăn đầu đời.
TS Phẻ khuyên các bậc phụ huynh cần có những qui ước, và làm gương cho con về cách hành xử trong gia đình. Các thành viên trong gia đình nên có thời gian cho nhau. Thí dụ, theo nghiên cứu thông kê cho biết trẻ em bây giờ dành khoảng 1 đến 10 giờ mỗi ngày cho chiếc điện thoại, chủ yếu cho các mạng truyền thông xã hội. Nên qui ước với con rằng gia đình nên dành thì giờ để có mặt cho nhau. Thí dụ như trong giờ cơm chiều hằng ngày. Trong khoảng thời gian đó, cha mẹ con cái nói chuyện với nhau như những người bạn, không làm việc gì khác. Cha mẹ nên làm gương cho con trong việc không sử dụng điện thoại trong lúc ăn. Mỗi ngày dành cho nhau dù chỉ mười phút nhưng trọn vẹn, truyền thông trong gia đình mới có thể được nuôi dưỡng, giúp con cái tiếp tục gần gũi với cha mẹ.
Vào cuối buổi nói chuyện, T.S Phẻ đề nghị mọi người ghi lại một điều thường làm cho mình vui; một điều thường làm cho mình phiền muộn, rồi bỏ mảnh giấy vào một cái chuông. Đọc những điều phiền muộn của người tham dự trong ngày hôm đó, anh nhận ra rằng nỗi phiền muộn của những gia đình trong cộng đồng vẫn không thay đổi nhiều so với hơn chục năm trước, khi anh bắt đầu đi giảng về Chánh Niệm. Con tự tử, cha mẹ ăn năn vì lẽ ra mình có thể làm tốt hơn để giúp con vượt qua khủng hoảng. Con cái không vâng lời cha mẹ. Con cái lớn lên, lo làm ăn không dành thì giờ cho cha mẹ già…
Phiền não, khổ đau là một thực tế không thể tránh trong cõi người ta. Cách thoát khổ không phải là tìm cách xóa đi đau khổ trong cuộc đời; mà là thay đổi cách nhìn về nó. Khổ đau, phiền muộn không phải là cái tâm chân thật của mình, chúng đến rồi sẽ đi. Bình thản quan sát nó cũng như mọi cảm thọ vui buồn khác, chúng ta sẽ thấy phiền não không thể làm hại hay hủy diệt mình. Thực tập Chánh Niệm là phương cách hữu hiệu để mọi người có được sự bảo vệ mầu nhiệm này.
Gửi ý kiến của bạn