Westminster, California (Thanh Huy) - Tại hội trường Nhật Báo Người Việt vào chiều Thứ Bảy ngày 20 tháng 7 năm 2024, Nhạc Sĩ Trần Chí Phúc và thân hữu đã tổ chức đêm nhạc kỷ niệm “45 năm Quốc Tế cứu thuyền nhân Việt Nam 20/7/1979-20/7/2024”. Mặc dù một buổi chiều với nhiều sinh hoạt diễn ra tại khu Little Sài Gòn nhưng số người tham dự đã ngồi kín hội trường, nhiều người còn phải đứng chung quanh để thưởng thức chương trình nhạc và nghe kể lại những kỷ niệm một thời vượt biển gian nan sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đa số những người tham dự là thuyền nhân, trong đó có Giáo Sư Đoàn Ngọc Đa, Nha Sĩ Kim Loan, Nhà văn nhà báo Phan Tấn Hải va phu nhân, nhà báo Kỳ Phát, Xướng Ngôn Viên, nhà báo Ngọc Ân, các cơ quan truyền thông có Phan Đại Nam Đài Truyền Hình SBTN, Nguyễn Viết Hưng, Việt Phố TV, Văn Lang, Người Việt, Thanh Huy, Việt Báo.v.v… Dân cử có Dân Biểu Tiểu Bang Ông Tạ Đức Trí…
Mở đầu chương trình, Ca Sĩ Phong Dinh lên điều hợp chương trình nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm.
Sau đó Nhạc Sĩ Trần Chí Phúc, Trưởng ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự hưởng ứng tham dự đông đão của quý đồng hương. Ông cho biết:
“Mục đích của Đêm 45 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân Việt Nam,” là bày tỏ lòng biết ơn của người tị nạn Việt Nam đối với thế giới gồm nhiều quốc gia, nhiều tổ chức bác ái, những ân nhân hảo tâm, đã cứu giúp họ qua Hội nghị Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân Việt Nam 45 năm xưa. Và cũng để nhắc nhớ tinh thần thuyền nhân vượt biển và cũng là dịp để các thuyền nhân hội ngộ ôn lại những kỷ niệm…”
Ông tiếp “Ngày 20 Tháng Bảy, 1979, hơn 60 quốc gia đã họp tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, để bàn cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam đang khốn khổ tại các trại tị nạn Đông Nam Á và gặp nguy hiểm trên biển cả như sóng to gió lớn và hải tặc cướp giết. Kết quả của hội nghị này là nhiều quốc gia đồng ý nhận định cư thêm người tị nạn Việt Nam, tăng ngân sách viện trợ cho các trại tị nạn thuyền nhân ở Đông Nam Á, khuyến khích tàu thuyền ngoại quốc cứu vớt thuyền nhân giữa biển khơi.
Cũng nhờ hội nghị này mà chính quyền Malaysia và chính quyền Thái Lan không còn xua đuổi thuyền nhân và kéo ghe thuyền của họ ra lại biển cả rồi chặt đứt dây kéo.
Quan trọng hơn cả là hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam vượt biển và những người vượt biên bằng đường bộ được định cư khắp thế giới, tạo nên một cộng đồng Việt Nam tự do ngày nay.
Thuyền nhân Việt Nam mãi biết ơn tấm lòng nhân đạo của thế giới…”
Ngay sau đó ban hợp ca lên hát bản ‘Thuyền Nhân Hành Khúc” một sáng tác mới hùng hồn của Nhạc Sĩ Trần Chí Phúc.
Chương trình văn nghệ tiếp nối qua những tiếng hát: Như Mai, Philip Huy, Ngọc Diệp, Nam Trân, Erlinda Dương, Đào Tâm, Huy Hoàng, Mạnh Quân, Phương Trang, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Ái Liên, Đoàn Cẩn, Phong Dinh, Thy An, Nhàn Nguyễn… qua những nhạc phẩm do Trần Chí Phúc sáng tác như: Mai Em Đi- Xác Em Nay Ở Phương Nào- Vượt Biển Tình Người- Kota Bharu Kỷ Niệm- (bản nhạc nầy đã được Nha Sĩ Kim Loan người đã từng ở trại tỵ nạn Kota Bharu lên giới thiệu qua phần trình bày của ca sĩ Đào Tâm)-Thu Tiễn Người-Chiều Ohio-Mời Em Ghé Phố Bolsa-Sài Gòn Em Ở Đó- Cánh Chim Hải Âu-Đưa Em Thăm Huế-Mai Mốt Em Về Đâu-và cuối cùng với bản hợp ca “Cảm Ơn Tấm Lòng Thế Giới”
Nhạc đệm với Lê Sĩ Dự dương cầm, Trúc Linh và Trần Chí Phúc tây ban cầm, âm thanh Tuyền Soundman.
“Rất may mắn lúc ấy tàu chúng tôi đi yên lành tới đảo KuKu, một trong nhiều đảo của Nam Dương. Phải tự làm nhà lá để ở tạm trên đảo không có người, vài tháng sau mới được tiếp tế từ Liên Hiệp Quốc về lương thực. Chúng tôi rất mang ơn những hội của người ngoại quốc cưu mang, tôi được may mắn sang Hoa Kỳ, được ăn học thành tài trong ngành y. So với những người anh trong gia đình, tôi là người nghèo nhất.”
Mấy ca khúc mới là “Thuyền Nhân Hành Khúc,” “Giã Từ Pulau Bidong,” “Đảo Thương Tị Nạn,” “Kota Bharu Kỷ Niệm.”
Riêng bản Pulau Bidong Giã Từ nói về hòn đảo ở Malaysia nơi từng dung chứa khoảng 200,000 thuyền nhân Việt Nam, có mấy câu như sau: “Ngày mai em lên đường đi Canada, người kia đi Âu Châu, bạn tôi đến Úc, còn anh tới Mỹ… Đêm cuối cùng Pulau Bidong, nấu nồi chè tiễn nhau đi, đàn lên tiếng hát, hát những bài ca, một thời yêu thương, kỷ niệm quê hương.”
Mời xem nghe Pulau Bidong Giã Từ:
Nhạc sĩ Trần Chí Phúc tâm sự rằng việc thực hiện Đêm 45 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân là để hâm nóng tinh thần thuyền nhân Việt Nam.
Theo nhạc sĩ thì tinh thần thuyền nhân Việt Nam là lòng can đảm, yêu chuộng tự do dân chủ, dù lang thang khắp cùng thế giới nhưng thuyền nhân Việt Nam lúc nào cũng giữ gìn truyền thống hào hùng của dòng giống Lạc Hồng, dòng giống Tiên Rồng để vươn lên nơi xứ người.
Mong là các thế hệ con cháu thuyền nhân tiếp tục giữ gìn tinh thần này để phát triển cộng đồng gốc Việt Nam vững mạnh tại hải ngoại.