Quận Cam, (VB) – Hiện nay, công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) là một trong những chủ đề nóng bỏng không riêng ở Mỹ. AI đang có tác động mạnh đến đời sống của người dân, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Các nhà làm luật đang cân nhắc những biện pháp để kiểm soát việc ứng dụng AI sao cho có lợi nhất cho nhân loại.
Trong phương diện chính trị, các chuyên gia, viên chức chính phủ, các nhà quan sát cho rằng AI đang làm tăng thêm mối đe dọa đối với hệ thống bầu cử Hoa Kỳ nói chung, và cho cuộc bầu cử 2024 nói riêng. Việc sử dụng AI để tạo ra hình ảnh, video, âm thanh giả, rồi phổ biến tràn lan trên mạng xã hội đang gây nhiều nhầm lẫn cho cử tri. Theo các báo cáo, những gì trước đây phải cần đến một studio, những chuyên viên kỹ thuật, nay có thể được tạo ra chỉ bằng một vài cú nhấp chuột. Kết quả là cử tri nay đang sống trong một môi trường rất khó đánh giá được tính xác thực của những hình ảnh, video.
Vào ngày 12 tháng 7 2024, Tổ Chức Truyền Thông Sắc Tộc EMS tổ chức một cuộc họp báo trên mạng, trong đó các chuyên gia trình bày về sự gia tăng của tin giả được tạo bởi AI. Cuộc họp cũng ghi nhận những nỗ lực của nhà lập pháp trong việc ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội. Các chuyên gia cũng lưu ý AI không chỉ nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống, mà cả đối với các cuộc bầu cử địa phương.
Những diễn giả của cuộc họp báo:
Jonathan Mehta Stein, Giám Đốc Điều Hành, California Common Cause, một tổ chức giám sát phi lợi nhuận
Jinxia Niu, Giám Đốc Chương Trình, Chinese Digital Engagement, Chinese for Affirmative Action
Brandon Silverman, nguyên CEO, CrowdTangle (nay thuộc Meta)
Trong phần trình bày của mình, ông Jonathan Stein đưa ra một số hình ảnh, video giả bằng AI xuất hiện gần đây, một số từ các tài khoản trên mạng xã hội có nguồn gốc từ Nga. Ví dụ:
- Hình ảnh giả về một đám cháy ở Ngũ Giác Đài, được giới truyền thông Nga dùng để đưa tin giả “Hoa Kỳ đang bị tấn công”!
- Hình ảnh cựu tổng thống Trump chụp chung với Dr.Fauci. Hình ảnh giả được những người ủng hộ Thống Đốc Ron Desantis sử dụng, trong cuộc đua đại diện cho Đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống 2024. Hình ảnh giả để thuyết phục cử tri Cộng Hòa rằng ông Trump trong thời đại dịch Covid-19 đã “quá gần gũi với Dr.Fauci”!
- Hình ảnh ông Trump chụp chung với cử tri da đen, được họ ủng hộ. Những hình ảnh giả này được những người ủng hộ ông Trump tạo ra và tung lên mạng xã hội.
- Một đoạn video giả với nội dung Tổng Thống Biden đọc diễn văn tổng động viên để tuyển quân cho chiến trường Ukraine! Những video dài chừng 2 phút kiểu này khá phổ biến trên mạng xã hội. Video được thực hiện bằng kỹ thuật AI, tung lên trên mạng vào tháng 2 năm 2023, nhân dịp đánh dấu một năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine. Mục đích của video là làm cho người Mỹ lo sợ chính quyền Biden sẽ sa lầy vào cuộc chiến. Về mặt kỹ thuật, video này kỹ thuật chưa tinh vi lắm, có thể nhận ra nếu chú ý kỹ đến miệng nhép của Tổng Thống Biden không khớp với nội dung phát biểu. Tuy nhiên, đối với những người xem video trên màn hình phone cũng khó nhận ra được sự giả mạo này.
- Cả một trang web giả mạo mang tên Miami Chronicle, chuyên đưa thông tin và hình ảnh giả về chiến tranh Ukraine. Thực ra đây không phải là một tờ báo địa phương ở Miami, mà là một trang web do Nga thực hiện.
Ông Jonathan cho rằng những thông tin giả như trên không chỉ nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống, mà còn vào cả những cuộc bầu cử ở cấp địa phương như nghị viên thành phố, dân biểu tiểu bang… Trên bình diện quốc tế, cuộc bầu cử phổ thông vừa qua ở Ấn Độ cũng bị chi phối bởi những thông tin giả trên mạng xã hội.
Theo ông Jonathan, không phải các trang mạng xã hội đều có chức năng kiểm tra và loại bỏ tin giả. Facebook đủ nguồn lực làm việc này, nhưng chủ yếu cũng chỉ dựa trên phương pháp dò tìm “từ khóa” để loại tin giả, vì vậy độ chính xác cũng không cao. Có nhiều tin đưa lên là trung thực nhưng vẫn bị loại. Trách nhiệm ngăn chặn tin giả thuộc về tất cả những cư dân mạng yêu chuộng sự thật. Nếu xem những hình ảnh, video đáng ngờ thì nên kiểm tra tính xác thực trước khi truyền đi cho người khác. Đối với nhà báo, đạo đức nghề nghiệp là quan trọng để ngăn chặn việc thực hiện và truyền tin giả.
Jinxia Niu Jinxia là người quản lý chương trình của Chinese for Affirmative Action(CAA), quản lý nhiều tài khoản WeChat, kiểm tra và xác nhận tin giả trên trang web tiếng Hoa Piyaoba. WeChat là ứng dụng trên phone tiếng Hoa có nhiều người sử dụng nhất thế giới. Thông tin giả hiện đang tràn lan trên mạng xã hội này, đưa thông tin sai lệch đến với cộng đồng người Hoa ở Mỹ. Hình ảnh, video giả được thực hiện ngày càng tinh vi, càng nhanh nhờ vào AI.
Những nhóm chính trị cực hữu thường tung tin giả trên WeChat. Jinxia đưa ra hai hình ảnh giả của những nhóm ủng hộ ông Trump: một là hình ảnh ông Trump và những người ủng hộ da đen; hai là hình ảnh những cử tri ủng hộ Trump thánh thiện đối nghịch với cử tri ủng hộ Biden xấu xí, hợm hĩnh. Mục đích của việc tung tin giả là kiếm phiếu của cộng đồng gốc Hoa vốn thường theo dõi các mạng truyền thông xã hội bằng tiếng Hoa. Điều này cũng đúng với những cộng đồng thiểu số khác, trong đó có cộng đồng gốc Việt.
Theo cô Jinxia, các cộng đồng thiểu số thường là mục tiêu của những nhóm tung tin giả lên mạng xã hội. Vai trò kiểm chứng thông tin của những tổ chức như Chinese for Affirmative Action là quan trọng trong việc giáo dục cộng đồng.
Trong phần trình bày của mình, ông Brandon Silverman cho rằng những nhóm chính trị cực hữu cố tình tung tin giả lên trên mạng xã hội càng nhiều càng tốt, để cư dân mạng không đủ thì giờ để kiểm chứng hết. Ông cũng đồng ý với hai diễn giả trước là chính mỗi người dân Mỹ, nếu có ý thức về sự tác hại của sự dối trá đến nền dân chủ, sẽ là tuyến đầu của cuộc chiến chống tin giả hữu hiệu. Nếu thấy có hình ảnh, tin tức đáng nghi ngờ, hãy kiểm chứng trước khi lan truyền chúng. Cách kiểm chứng hay nhất là lên Google, tìm hiểu tin tức tương tự từ những nguồn tin khả tín hơn. Cần ý thức rằng tin tức trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook, X, Instagram không phải là nguồn đáng tin cậy như những cơ quan truyền thông có mặt từ lâu đời.