Quận Cam (VB) - Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, cựu Tổng Thống Donald Trump theo đuổi chính sách chống di dân cả chính thức lẫn bất hợp pháp. Ông đã thực hiện những thay đổi lớn đối với hệ thống nhập cư, bao gồm việc chia cắt các gia đình di dân ở biên giới; áp đặt “Lệnh cấm Hồi Giáo”, hủy bỏ quy chế TPS (tình trạng được bảo vệ tạm thời) đối với người Honduras; tìm cách xóa bỏ chương trình DACA dành cho trẻ em di dân... Hầu hết những chính sách này đã bị hủy bỏ bởi chính quyền Biden kế nhiệm.
Mùa bầu cử 2024 đang đến gần. Nếu tháng 11 này tái đắc cử, ông Trump sẽ có nhiều kế hoạch tham vọng hơn: trục xuất và giam giữ di dân quy mô lớn, đóng băng các danh mục nhập cư hợp pháp, trừng phạt công dân và cư dân hợp pháp nếu sống với những di dân không có giấy tờ… Nhiều nhà lập pháp Cộng Hòa bảo thủ đang chờ đợi cơ hội thực hiện những cải cách này.
Vào ngày 14 tháng 6, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS) tổ chức cuộc họp báo qua mạng với giới truyền thông sắc tộc. Một nhóm chuyên gia đã phân tích kế hoạch chống di dân trong một tài liệu dài hàng trăm trang của Heritage Foundation, một viện nghiên cứu chính sách công của phe bảo thủ; đồng thời chỉ ra những tác động tiềm tàng của kế hoạch này đối với người dân Mỹ, người nhập cư và nền kinh tế Hoa Kỳ.
Những diễn giả của buổi họp báo:
Cecilia Esterline, Nhà Phân Tích Nghiên Cứu Di Dân, Niskanen Center
David J. Bier, Giám Đốc Nghiên Cứu Di Dân, Cato Institute
Zachary Mueller, Giám Đốc Nghiên Cứu Cao Cấp, America’s Voice Education Fund
Theo cô Cecilia Esterline, Heritage Foundation đã công bố kế hoạch mang tên “Project 2025”, được xem như tầm nhìn của họ đối với chính quyền bảo thủ tiếp theo nếu ông Trump tái đắc cử. Kế hoạch này đề nghị hơn 175 thay đổi đối với chính sách nhập cư. Nó có sự ủng hộ của một số thành viên nổi bật trong chính quyền đầu tiên của cựu Tổng Thống Trump.
Theo cô Cecilia, Projet 2025 không phản ánh những gì mà đa số người Mỹ muốn thấy ở một hệ thống nhập cư an toàn, được kiểm soát một cách có hiệu quả. Nhưng nó thu hút một nhóm những người có tư tưởng chính trị cực đoan. Những chính sách đó nếu thực hiện sẽ gây hậu quả xấu cho các doanh nghiệp nhỏ; đồng thời gây nguy cơ mất cân bằng quyền lực giữa các tiểu bang và chính phủ liên bang.
Một trong những chính sách được đề nghị là cắt giảm mạnh việc cung cấp visa H2-A và H2-B, là loại visa cấp tạm thời để di dân vào Mỹ làm việc theo thời vụ, phục vụ cho ngành nông nghiệp, xây dựng, lâm nghiệp, du lịch… Điều này sẽ gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động của nhiều doanh nghiệp nhỏ, thí dụ như những trang trại nông nghiệp tại California.
Project 2025 dự định sử dụng nguồn tài trợ liên bang để buộc các tiểu bang phải tuân thủ các ưu tiên chính trị của chính phủ. Ví dụ như trong giáo dục, theo qui định nguồn hỗ trợ tài chính liên bang cho sinh viên chỉ dành cho thường trú nhân và công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tiểu bang cũng được quyền xác định mức học phí. Mỗi tiểu bang có thầm quyền yêu cầu thời gian cư trú khác nhau để nhận được tài trợ học phí tiểu bang. Vì vậy, hiện nay có 26 tiểu bang và DC cho phép di dân DACA đủ điều kiện nhận tài trợ học phí tiểu bang; đồng thời 23 tiểu bang và DC cũng cho phép một số người nhập cư chưa có giấy tờ chính thức được hưởng quyền lợi này nếu họ đáp ứng các yêu cầu về thời gian cư trú tối thiểu.
Nếu Trump đắc cử, Project 2025 có thể đề nghị Bộ Giáo Dục cắt tài trợ liên bang đối với tất cả sinh viên của các trường đại học tài trợ học phí cho những “người nhập cư bất hợp pháp” theo cách gọi của những người chống di dân. Nếu điều này được thực hiện, gần 10.7 triệu sinh viên Mỹ đang theo học tại các trường đại học ở các tiểu bang trợ giúp người nhập cư sẽ bị mất nguồn tài trợ liên bang. Điều này sẽ gây xáo trộn hệ thống giáo dục đại học của Mỹ rất nhiều.
Diễn giả David Bier cho biết nếu ông Trump đắc cử và thực thi Project 2025, những lệnh cấm người Hồi Giáo, cấm di dân vì lý do an ninh sẽ được hồi phục, và có thể mở rộng thêm. Di dân từ Venezuela có thể trở thành mục tiêu. Các chính sách ngăn chặn di dân qua đường biên giới phía Nam sẽ thêm nghiêm ngặt. Di dân có thể bị giam giữ vô điều kiện, trục xuất nhanh chóng mà không tuân theo những qui tắc công ước quốc tế về di dân mà Hoa Kỳ đã từng ký kết. Quân đội có thể được huy động để làm công việc ngăn chặn di dân ở biên giới, cho dù điều này là vi hiến. Chính phủ tương lai của ông Trump có thể thực hiện nhiều chính sách vi hiến, sẵn sàng đối đầu với các vụ kiện tụng. Bởi vì họ hy vọng khi lên đến Tối Cao Pháp Viện, các vị thẩm phán bảo thủ hiện chiếm đa số có thể giúp họ lật ngược tình thế.
Theo diễn giả Zach Mueller, trong chiến dịch tranh cử 2024, ông Trump và nhiều ứng cử viên Cộng Hòa đã công khai nói lên nền tảng chống di dân của mình. Số lượng di dân nằm trong diện trục xuất có thể từ 15-30 triệu người, đa số là những di dân chưa có giấy tờ. 4.4 triệu di dân trẻ em cũng sẽ nằm trong tầm ngắm. Đặc biệt, nhiều chính trị gia theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đang công khai ý định ngăn chặn di dân da màu vào Mỹ. Họ gieo rắc tâm lý sợ hãi rằng những cuộc bầu cử ở Mỹ hiện đang bị gian lận bởi những di dân không phải là công dân Hoa Kỳ cũng đi bầu; rằng cuộc sống của những công dân da trắng đang bị đe dọa bởi di dân da màu; rằng di dân làm thâm thủng ngân sách, đe dọa đến an ninh kinh tế Hoa Kỳ. Những thuyết âm mưu như vậy được những cơ quan truyền thông bảo thủ, cánh hữu tiếp tay truyền bá. Nhiều ứng cử viên Cộng Hòa hiện đang chi hằng trăm triệu đô la để cho chạy những quảng cáo vận động bầu cử 2024 có nội dung chống di dân. Còn phải kế đến mạng xã hội hiện là nơi phát tán những tin giả theo thuyết âm mưu mạnh mẽ vào bậc nhất.
Theo chiều hướng ngược lại, các diễn giả cho rằng nếu tái đắc cử, Tổng Thống Biden nên sử dụng nhiệm kỳ thứ hai của mình để hoàn thiện kế hoạch cải tổ di dân. Cần phải có những tiến trình xét duyệt hợp lý, minh bạch, tạo điều kiện những di dân có đóng góp cho sự thịnh vượng của nước Mỹ được trở thành thường trú nhân, từng bước trở thành công dân Hoa Kỳ. Cần phải khôi phục vào niềm tin lâu đời của người dân Mỹ rằng lịch sử của Hoa Kỳ là lịch sử của di dân, và nước Mỹ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới một phần là nhờ có sự đa dạng về văn hóa, sắc tộc.