Trong những năm gần đây, Bộ Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe (DHCS) California đã cải tổ sâu rộng chương trình y tế Medi-Cal. Tiểu bang Vàng đang thực hiện những nỗ lực đầy tham vọng, nhắm đến việc giải quyết các nhu cầu xã hội thông qua chương trình chăm sóc y tế, thí dụ như nhà ở, chăm sóc tại gia. Medi-Cal hiện đang cung cấp bảo hiểm y tế cho một phần ba dân số California, tương đương 15 triệu người dân California.
Medi-Cal đang hướng tới các dịch vụ xã hội có liên quan đến vấn đề sức khỏe của những thành viên có nguy cơ mất nhà cửa. Các chương trình mới này vượt ra ngoài phạm vi y tế bình thường như văn phòng bác sĩ, bệnh viện… hướng tới việc phòng chống tình trạng mất nhà, trợ giúp trả tiền thuê nhà, chăm sóc y tế ngay trên đường phố... cho những thành viên của mình.
Vào ngày 2 Tháng 5 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom. Tại cuộc họp báo, các nhà lãnh đạo DHCS, các tổ chức dịch vụ cộng đồng, và các nhân viên chăm sóc sức khỏe chia sẻ cách Medi-Cal giúp những cư dân California đang trong tình trạng vô gia cư hay bất ổn về nhà. Đây là buổi họp thứ hai trong chuỗi buổi giới thiệu về tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ của Medi-Cal.
Các diễn giả chính trong buổi họp báo:
• Glenn Tsang, Cố Vấn Chính Sách Về Nhà Ở & Vô Gia Cư, California DHCS
• Amber Middleton, Giám Đốc Chương Trình HOPE, Trung Tâm Sức Khỏe Cộng Đồng Shasta
• Brian Zunner-Keating, Giám Đốc Điều Hợp Chăm Sóc Sức Khỏe Cho Người Vô Gia Cư, Đại Học UCLA
Ông Tsang cho biết Medi-Cal là chương trình chăm sóc y tế dành cho người có thu nhập thấp. Họ cũng là những người có nguy cơ bị mất nhà cao. Hiện nay, số người vô gia cư ở California đang ở mức báo động, gần 180,000 người! Cộng đồng người da màu có nguy cơ mất nhà cao hơn. Để có thể chăm sóc ý tế cho những cư dân đáng thương này, Medi-Cal cần phải xây dựng một mạng lưới hỗ trợ trong cộng đồng, có thể hiểu rõ được nhu cầu cần trợ giúp, đồng thời xây dựng được sự tin tưởng với người vô gia cư. Đội ngũ nhân viên y tế cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch nhân đạo này.
Thí dụ về sự giúp đỡ mới của Medi-Cal đối với người vô gia cư đó là chăm sóc y tế trên đường phố, hỗ trợ thuốc men cần thiết cho những người không thể đi đến bênh viện, phòng khám. Hay trường hợp một thành viên Medi-Cal phải nằm bệnh viện trong thời gian lâu, không thể trả tiền nhà đúng hẹn, có nguy cơ mất nhà. Nhân viên chăm sóc sẽ hỗ trợ bằng cách đóng tiền nhà đúng hạn, để bệnh nhân không trở thành vô gia cư khi rời bệnh viện.
Ông Tsang cũng lưu ý rằng với chương trình Medi-Cal mở rộng, những người hội đủ điều kiện bất chấp tình trạng di trú hay tình trạng gia cư đều có thể nhận được sự chăm sóc y tế. Việc chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương đối với người vô gia cư là khả thi hơn việc đợi họ tìm đến bệnh viện. Đa phần những người vô gia cư thường nhập viện trong tình trạng khẩn cấp, bệnh trạng đã nặng hơn, điều trị tốn kém hơn. Với số lượng người vô gia cư lớn như hiện nay, việc chủ động chăm sóc y tế dự phòng mà California đang thử nghiệm từ vài năm qua chứng tỏ có hiệu quả. Hiện nay, các tiểu bang Oregon, Arizona cũng đang xem xét đến việc ứng dụng chương trình này.
Trong phần trình bày của mình, bà Amber Middleton cho biết Trung Tâm Sức Khỏe Cộng Đồng Shasta nằm ở thị trấn xa xôi Redding miền Bắc California, với Chương Trình HOPE chuyên trợ giúp những người vô gia cư từ 20 năm qua. Chương trình có một trạm y tế lưu động. Từ năm 2023, HOPE bắt đầu chương y tế đường phố (Street Medicine), thực hiện việc chăm sóc y tế ngay tại các khu tạm cư của người vô gia cư. Đối với những thành viên Medi-Cal được hưởng Housing có nguy cơ bị mất nhà vì không rành thủ tục hành chính, sẽ có nhân viên giúp đỡ trong việc nộp đơn, bổ túc giấy tờ, trả tiền nhà đúng hẹn. Bà đặc biệt đánh giá cao việc Medi-Cal chủ trương đưa nhân viên y tế cộng đồng đến tận nhà để giúp đỡ những thành viên cao niên, người tàn tật. Có trường hợp một người bị mất xe lăn mà không biết phải làm gì; nhờ có nhân viên y tế đến tận nhà biết được, nên kịp thời giúp xin xe lăn mới. Bà Amber cũng cho biết đội ngũ nhân viên của Hope nói được những ngôn ngữ sắc tộc khác nhau, một điều quan trọng để phục vụ y tế cộng đồng.
Ông Brian Zunner-Keating đã kể lại những mẫu chuyện hết sức nhân bản khi nhóm y tế trợ giúp người vô gia cư của UCLA bắt đầu chương trình của mình từ tháng 1 năm 2022. Lúc khởi đầu chỉ là hai nhóm, nay đã tăng lên thành năm. Nhóm đưa ý sĩ, nhân viên xã hội đến tận những khu tạm cư của người vô gia cư để giúp đỡ việc chăm sóc sức khỏe. Trong nhóm luôn có một người là nhân viên địa phương, thường xuyên tiếp xúc, hiểu rõ những người đáng thương này. Nhóm cũng có khả năng nói nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Việc chăm sóc y tế đối với người gia cư không hề đơn giản. Đầu tiên là phải tạo được lòng tin với họ. Có khi nhóm trong một tuần chỉ đến để phát thức ăn, hỏi chuyện làm quen, rồi từ từ mới đề nghị khám sức khỏe, chăm sóc y tế. Sự kiên nhẫn này đem lại những kết quả rất đáng khích lệ. Ông Brian kể chuyện về một số người vô gia cư được chăm sóc y tế kịp thời đã phục hồi sức khỏe, dần dần lấy lại nghị lực, tìm cách trở lại với đời sống bình thường để thoát khỏi kiếp không nhà.
Vấn đề khó khăn nhất đối với chương trình y tế dành cho người vô gia cư của Medi-Cal có lẽ là ngân sách. Hiện nay ngân sách tiểu bang đang bị thâm thủng, liệu có đủ tiền để duy trì chương trình? Ông Brian cho rằng những người lãnh đạo và cả cư dân California phải ý thức được rằng đây là một vấn đề quan trọng có liên quan đến mọi người. Tình trạng vô gia cư nay xảy ra với nhiều nhóm cư dân, và ảnh hưởng lớn đến tình hình chung của xã hội. Bà Amber cho biết HOPE đã có kinh nghiệm hoạt động trong 20 năm, cho nên không chỉ dựa vào ngân sách của tiểu bang, mà còn tìm sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn khác. Ông Tsang cũng hy vọng DHCS sẽ giữ được ngân sách cho chương trình. Con số gần 180,000 người vô gia cư hiện nay ở California cho thấy đây phải là ưu tiên hàng đầu của Medi-Cal.
Trong phần kết luận, các diễn giả cho rằng việc chăm sóc y tế người vô gia cư là một vấn đề nhân đạo. Để giải quyết vấn đề tận gốc cần có một kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, không thể không làm gì trước thực trạng hiện nay, cái giá phải trả sẽ là rất lớn. Mỗi tổ chức cần nên bắt đầu từ một chương trình nhỏ, thiết thực để làm giảm đi gánh nặng của vấn đề xã hội lớn này. (VB)