Santa Ana (Bình Sa) – 10 giờ sáng Thứ Bảy, ngày 11 tháng 11 năm 2023 tại chánh điện của Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, 1612 N. Spurgeon Street, Santa Ana, CA 92701, do Tiền Sĩ Huỳnh Tấn Lê Chủ Tịch Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo, Đốc Sự K.17 và chức vụ sau cùng của ông là Chánh Sự Vụ Sở Hành Chánh Nhân Viên Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, trưởng ban tổ chức, tham dự buổi lễ có một số cựu SVQGHC từng giữ chức vụ Phó Tỉnh Trưởng như các Đốc Sự Trần Bạch Thu, Nguyễn Huy Sỹ, Trần Ngọc Thiệu, Bà quả phụ Jackee Bông, một số các cơ quan truyền thông và thân hữu.
Lễ Tưởng Niệm Lần Thứ 52 GS Nguyễn Văn Bông cùng quý vị Giáo Sư và cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh đã Quá Vãng. Mở đầu buổi lễ với nghi thức niệm Phật cầu gia hộ, tiếp theo Giáo Sư Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê, thay mặt ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự tham dự của quý vị quan khách, quý đồng môn và thân hữu. Ông cho biết: “Hôm nay ngày thứ Bảy 11-11 năm 2023, ngày tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, quý vị Giáo Sư và cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh quá vãng. Được biết GS. Nguyễn Văn Bông bị ám sát vào ngày 10 tháng 11 năm 1971 tại Sài Gòn, hôm nay là lễ tưởng niệm lần thứ 52 của cố GS. Nguyễn Văn Bông. Ông cho biết, trước đây vào ngày 30 tháng 11 năm 2003, ngày tưởng niệm lần thứ 32 và cũng là lần đầu tiên tổ chức Lễ Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Văn Bông tại Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đại diện Tổng Hội Quốc Gia Hành Chánh lúc bấy giờ là Anh Lưu Văn Trang và Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo đã quyết định tổ chức chung ngày giỗ quý vị Giáo Sư và cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh quá vãng.
Hai năm sau đó, tôn tượng Giáo Sư Nguyễn Văn Bông đã được Ban Chấp Hành Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh do Anh Lê Hữu Em làm Chủ Tịch đã thực hiện xong và do yêu cầu của cụ bà thân sinh cố Giáo Sư Nguyễn Văn Bông nên tôn tượng đã được đưa về an vị tại đây.
Như thường lệ hằng năm nếu ngày 10 tháng 11 không rơi vào ngày chủ nhật thì Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo tổ chức lễ giỗ vào ngày chủ nhật gần nhất.
Tiếp theo lời phát biểu của Bà Quả Phụ Jackee Bông, trước tiên bà cảm ơn Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê, cảm ơn quý cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, đã thể hiện đúng tinh thần truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo” bà rất xúc động về việc làm của quý cựu sinh viên trong nhiều năm qua. Sau đó bà cũng đã kể lại một vài kỷ niệm của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông trong thời niên thiếu, sau cùng bà không quên cảm ơn Anh Lê, Anh Ngữ đã hết lòng lo cho Mẹ Giáo Sư Bông.”
Tiếp theo nghi thức Lễ Tưởng Niêm bắt đầu theo nghi thức Phật Giáo do Ni Sư Chúc Hiếu làm chủ lễ. Kết thức lễ tưởng niệm cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh ông Trần Bạch Thu, Hội Trưởng cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh Nam California, thay mặt ban tổ chức có lời cảm ơn quý quan khách cùng các cựu sinh viên QGHC, các cơ quan truyền thông đã đến tham dự buổi lễ hôm nay. Ông tiếp: “… hy vọng sẽ có một ngày toàn dân Việt Nam ghi nhớ công ơn Thầy Nguyễn Văn Bông, cảm ơn Anh Huỳnh Tấn Lê đã gìn giữ ngày truyền thống nầy.”
Trong lời tâm tình cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh Nguyễn Văn Sĩ, Trần Ngọc Thiệu đã nói: “Giáo Sư Nguyễn Văn Bông là một bậc thầy đáng kính, tư cách của giáo sư ai ai cũng kính trọng. Lúc nào chúng tôi cũng không quên ân sư đã dạy chúng tôi về chính trị học…”
Nói về Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, GS Trần Văn Chi đã nói trong ngày giỗ GS. Nguyễn Văn Bông ngày 10-11-2006. Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, tài năng, đức độ và bi kịch (2-4-1929 - 10-11-1971” có đoạn GS Trần Văn Chi cho biết:
“…Nguyễn Văn Bông là một trường hợp gần nhất với chúng ta. Tháng Giêng năm 1963, đài phát thanh và báo chí Sài Gòn đồng loạt loan tin: Ông Nguyễn Văn Bông, thạc sĩ Công Pháp Quốc Tế vừa về nước theo lời mời của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, bấy giờ ông Nguyễn Văn Bông chưa đầy 34 tuổi. Nguyễn Văn Bông sanh ra ở làng quê Kiểng Phước, Vàm Láng, bên bờ Sông Xoài Rạp, nơi đây đã từng chứng kiến bao cuộc tranh hùng giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Làng Kiểng Phước có Đám Lá Tối Trời, địa danh gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Công Định, người mở đầu công cuộc kháng Pháp của Nam Kỳ.
Đến năm 1945 trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ đóng cửa, Nguyễn Văn Bông về quê Kiểng Phước, rồi lên Sài Gòn theo gương đàn anh Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm tìm đường đi Pháp để “quyết làm thế nào cho rạng rỡ tổ tông” như lời Nguyễn Văn Bông thường tâm sự với gia đình hồi còn bé. Đến Pháp năm 1949, Nguyễn Văn Bông vừa đi làm vừa học thi lấy bằng tú tài, cử nhơn, tiến sĩ rồi thạc sĩ Công Pháp Quốc tế năm 1962. Ông về nước năm 1963 theo lời mời của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong lúc đó có không ít trí thức học xong xin về Hà Nội.
Đất Gò Công sản sanh ra Quốc Công Phạm Đăng Hưng, Hào kiệt Lê Quang Liêm có công sáng lập trường Nữ Học Sinh Áo Tím (trường Gia Long sau này), nhà văn Hồ Biểu Chánh người có công khai phá nền văn học quốc ngữ, Giám Mục Việt Nam đầu tiên Nguyễn Bá Tòng, Luật Sư Vương Quang Nhường, Nữ sỹ Manh Manh người mở đầu thơ mới ở Nam Kỳ... đã góp phần hun đúc tinh thần, tạo nghị lực con người Nguyễn Văn Bông lập công đức về sau.
Về Gò Công, vào tận ngôi nhà ở làng Kiểng Phước, nơi Nguyễn Văn Bông với người chị Nguyễn Thị Thơm, người em trai Nguyễn Văn Thọ cùng lớn lên với ông bà nội mới thấy hết được cái khởi đầu của Nguyễn Văn Bông là thế nào. Lúc đó ông Nguyễn Hiền Năng, thân sinh ra Nguyễn Văn Bông phải lên tỉnh lỵ Gò Công làm nghề thợ bạc. Gia thế Nguyễn Văn Bông là vậy, trong khi đó hầu hết trí thức xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh bấy giờ xuất thân từ gia đình quyền thế. Nguyễn Văn Bông thường tâm sự: “dòng họ không có ai học hành ra gì cả.” Vươn lên thành ông Thạc Sĩ, đâu phải ai cũng làm được như Nguyễn Văn Bông.
Những ai may mắn gần gũi với Nguyễn Văn Bông chắc còn nhớ lúc mới về Sài Gòn, còn ở tạm tại một khách sạn nhỏ trên đường Kỳ Đồng, ông thạc sĩ độc thân, đẹp trai hồn nhiên mặc chiếc áo thun rách 3 lỗ ra tiếp đón bà con bạn bè đến mừng! Nguyễn Văn Bông mộc mạc, thiệt thà, đơn giản, là con người “trước sao, sau vậy”. Rồi ông được mời giảng dạy chánh thức tại Đại Học Luật Khoa Saigon, đến 15 Tháng Mười Một năm 1964 được cử làm Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Nguyễn Văn Bông vẫn vậy.
Đối diện với ông trên bộ ghế salon bằng gỗ cũ kỹ tại căn nhà của ông do nhà nước cấp, trước trường Nữ Trung Học Gia Long vào thập niên 70, tôi nói chuyện với ông như người anh em, người đồng hương, người “bạn tri kỷ”, dầu tôi với ông cách biệt tuổi tác và địa vị. Đó là cái lớn của Nguyễn Văn Bông mà tôi ít tìm thấy nơi những trí thức cũng như chánh khách mà tôi hân hạnh tiếp xúc lúc bấy giờ. Làm Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nơi đào tạo những con người lãnh đạo đất nước, những ông chủ quận, chủ tỉnh, quan chức cao cấp... nhưng Nguyễn Văn Bông không coi mình là quan chức. Ông trước sau chỉ là người thầy, người anh, người bạn với mọi người kể cả học trò của ông.
Ông Nguyễn Văn Bông từ Pháp về nước lúc tình hình chánh trị ở miền Nam Việt Nam đang trong thời kỳ xáo trộn: 18 trí thức nhóm Tự Do Tiến Bộ bị đàn áp, do ngày 26 Tháng Tư năm 1960 nhóm này cho phổ biến tuyên ngôn yêu cầu chánh phủ cải tổ; Phật Giáo chống lại chánh sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm lên cao điểm với vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức tại ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng lúc 11giờ trưa ngày 11 tháng 6 năm 1963…
Nguyễn Văn Bông dầu được chánh quyền mời về, nhưng ông không e dè đăng đàn thuyết trình đề tài “Đối lập chánh trị trong chế độ dân chủ” ngày 1 Tháng Tám năm 1963, nhân buổi lễ khai giảng năm học, trước cử tọa gồm viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư cùng hàng ngàn sinh viên.
Không kể nội dung bài thuyết trình, thái độ của người thầy Nguyễn Văn Bông đã làm cho sinh viên cùng đồng sự của ông nể trọng kính phục.
Đó là đức độ kẻ sĩ. Và mấy ai làm được? Ông không chọn thái độ ở ẩn như Phan Văn Trị, từ quan như Vũ Văn Mẫu. Lối xuất xử của Nguyễn Văn Bông làm cho ông trở thành con người nổi trội bấy giờ. Sau Cách Mạng 1 Tháng Mười Một, ông đảm nhận các chức vụ Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cố vấn cho Tối Cao Pháp Viện, Ủy viên Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam…
Bi kịch xảy đến cho ông: Trên đường từ Học viện Quốc gia Hành chánh ở đường Trần Quốc Toản về nhà ở đường Phan Thanh Giản, khi xe tới ngã tư Cao Thắng-Phan Thanh Giản, ông bị kẻ khủng bố ném chất nổ sát hại! Bấy giờ là 12 giờ trưa Ngày 10 tháng 11 năm 1971. Nguyễn Văn Bông nằm xuống như một người chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận, xứng đáng được vinh danh. Nguyễn Văn Bông với những gì ở ông đã làm ông trở nên con người tựu nghĩa. Nếu Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký với tài năng và sự nghiệp trở thành bi kịch của cuộc đời thì trường hợp Nguyễn Văn Bông, tài năng và đức độ kịch!!!”
Gửi ý kiến của bạn