Hôm nay,  

Sự Thật Về Các Loại Thực Phẩm Bổ Sung Tăng Cường Hệ Thống Miễn Dịch

09/12/202200:00:00(Xem: 4371)
 
thực dược phẩm bổ sung
Giống như kẽm, vitamin C cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch của chúng ta khỏe mạnh. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều vitamin C – vượt quá 90 miligam chế độ dinh dưỡng hàng ngày đối với nam giới và 75 miligam đối với phụ nữ không mang thai – có thể khiến ta bị sỏi thận. (Nguồn: pixabay.com)
 
Để đề phòng các bệnh về đường hô hấp trong mùa đông, một số người đã “tăng cường” hệ thống miễn dịch của mình bằng các thực/dược phẩm bổ sung và thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Một số người còn kết hợp với các biện pháp như giữ khoảng cách xã hội, đeo khẩu trang, tiêm phòng cúm và COVID-19, giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh hoặc phát bệnh nặng; đối với một số khác, họ chỉ dựa vào các thực/dược phẩm bổ sung.
 
Họ hy vọng sử dụng các khoáng chất như kẽm và vitamin, bao gồm vitamin C và vitamin D, sẽ giúp tăng cường phản ứng miễn dịch trong trường hợp bị nhiễm bệnh. Theo nhà miễn dịch học Scott Read tại Trường Western Sydney của Úc châu, mặc dù các loại thực phẩm bổ sung không có khả năng ngăn ngừa nhiễm bệnh, nhưng chúng có thể hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, đối với một người bình thường ăn uống điều độ, tập thể dục và ngủ đủ giấc, các loại thực phẩm bổ sung có thể sẽ không có tác dụng gì nhiều, trừ khi cơ thể đang bị thiếu hụt chúng.
 
Carol Haggans, chuyên gia và cố vấn về dinh dưỡng tại Office of Dietary Supplements của National Institutes of Health cho biết, nếu người ta muốn bổ sung thêm vitamin hoặc khoáng chất để tăng cường khả năng miễn dịch thì “cũng chẳng hại gì,” miễn là liều lượng không vượt qua mức giới hạn hàng ngày do Cơ Quan Thực Phẩm và Dinh Dưỡng (Food and Nutrition Board) của Liên Học Viện Hoa Kỳ về Khoa Học, Công Nghệ và Y Khoa (National Academies of Sciences, Engineering and Medicine) đưa ra. Bà cảnh báo: “Hấp thụ liều lượng cao có thể có hại.” Cũng cần lưu ý rằng các chất bổ sung có thể can thiệp hoặc tương tác với một số loại thuốc, vì vậy tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
 
Cho đến nay, đây là những gì khoa học nói về một số biện pháp can thiệp phổ biến nhất được quảng cáo để phòng chống bệnh tật.
 
Kẽm (Zinc)
 
Kẽm là chất không thể thiếu đối với hệ thống miễn dịch. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tế bào T, giúp nhận biết và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm vi khuẩn và vi rút. Nó cũng đóng một vai trò trong chức năng của các tế bào biểu mô hô hấp – tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi khuẩn và vi rút xâm nhập.
 
Theo một số nghiên cứu, uống zinc (kẽm) trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi có các triệu chứng cảm lạnh thông thường có thể làm giảm thời gian bị bệnh. Một đánh giá gần đây cho thấy việc sử dụng viên ngậm hoặc thuốc xịt vào miệng có chứa kẽm giúp rút ngắn các triệu chứng cảm lạnh trung bình khoảng hai ngày. Chuyên gia về dinh dưỡng miễn dịch Philip Calder tại Trường Southampton, Anh, cho biết: “Nhưng khác biệt là rất nhỏ. Không nhiều lắm đâu.”
 
Kẽm cũng được quảng cáo là chất bảo vệ giúp bệnh không trở nặng nếu lỡ bị nhiễm COVID-19, nhưng các chuyên gia tại National Institutes for Health (NIH) cho biết không có đủ bằng chứng để hỗ trợ cho việc sử dụng kẽm như một phương pháp điều trị.
 
Jarrod Dudakov, nhà miễn dịch học tại Fred Hutch Cancer Research Center cho biết, kẽm sẽ không ngăn được nhiễm bệnh do vi rút hoặc vi khuẩn. Hấp thụ thêm chất kẽm trong một thời gian ngắn thì không có hại gì, nhưng có lợi hay không thì chưa rõ. Đó là vì những người thường có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ nạp được nhiều kẽm từ thịt và hải sản, hoặc một lượng nhỏ hơn từ các nguồn như đậu, đậu lăng, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Tuy nhiên, ăn/uống thêm chất kẽm sẽ có lợi cho những người đang bị thiếu hụt kẽm, đặc biệt là người cao niên và những người có chế độ dinh dưỡng kém.
 
Lượng kẽm có thể ăn uống thêm hàng ngày là 11 miligam đối với nam giới và 8 miligam đối với phụ nữ không mang thai. NIH khuyến cáo không nên vượt quá các mức liều lượng này. Nghiên cứu cho thấy rằng dư thừa kẽm, đặc biệt là trong thời gian dài, có thể dẫn đến thiếu hụt đồng, gây ra các vấn đề liên quan đến thần kinh và máu. Nạp quá nhiều chất kẽm cũng có thể gây buồn nôn, ói mửa và đau đầu.
 
Vitamin C
 
Giống như kẽm (zinc), vitamin C cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch của chúng ta khỏe mạnh. Nó kích thích sự di chuyển của các tế bào bạch cầu (bạch cầu trung tính hay bạch cầu đa nhân trung tính) giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Chất này cũng hỗ trợ các tế bào bạch cầu khác như đại thực bào đi diệt và tiêu hóa mầm bệnh cũng như loại bỏ các tế bào vật chủ đã chết, giúp làm giảm viêm.
 
Mặc dù một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng vitamin C có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm các bệnh do nhiễm vi khuẩn và vi rút, nhưng nó không làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh cảm lạnh thông thường ở người. Tuy nhiên, giống như kẽm, vitamin C thực sự giúp rút ngắn thời gian phát tác các triệu chứng.
 
Trong trường hợp bị nhiễm COVID-19, NIH cho biết không có đủ bằng chứng hỗ trợ cho việc sử dụng vitamin C để điều trị cho bệnh nhân. Nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó có khả năng giảm viêm ở những bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng.
 
Tuy nhiên, ăn uống thêm chất vitamin C không có khả năng ngăn ngừa nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn. Calder nói, giống như các loại vitamin và khoáng chất khác, nó hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch của một người nếu họ bị nhiễm bệnh. Ông nói: “Không nghi ngờ gì về điều đó.” Tuy nhiên, ông đề nghị trước hết là nên tiếp cận các loại thực phẩm trong ăn uống hàng ngày, mọi người nên có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và chỉ sử dụng thực/dược phẩm bổ sung trong trường hợp không thể ăn uống được các loại thực phẩm này, hoặc bị thiếu chất. Theo Calder, một người có sức khỏe bình thường sẽ không thu được nhiều lợi ích từ các thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều vitamin C – vượt quá 90 miligam chế độ dinh dưỡng hàng ngày đối với nam giới và 75 miligam đối với phụ nữ không mang thai – có thể khiến ta bị sạn thận.
 
Vitamin D
 
Giống như vitamin C, vitamin D có đặc tính chống viêm. Mức vitamin D thấp có thể dẫn đến tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh và cúm. Một nghiên cứu mới cho thấy bổ sung vitamin D có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các bệnh cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ vai trò của vitamin D trong trường hợp bị nhiễm COVID-19.
 
Một phân tích vào tháng 10 năm 2021, cho thấy rằng bị thiếu hụt vitamin D không khiến người ta dễ mắc COVID-19 hơn hoặc tăng khả năng tử vong cao hơn nếu bị nhiễm bệnh. Các tác giả nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất bổ sung không cải thiện các triệu chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân COVID-19.
 
Nhưng thực/dược phẩm bổ sung vitamin D vẫn có một vai trò đặc biệt, bởi vì rất khó để nạp đủ vitamin D chỉ từ thực phẩm. Cơ thể sản xuất vitamin D khi da được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời; các loại cá nhiều mỡ (fatty fish) hoặc dầu gan cá (fish liver oil) cũng là những nguồn vitamin D tốt.
 
Calder nói: “Không có chất nào trong số này là thuốc tiên cả. Chúng chỉ giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn trong trường hợp bị tấn công.”
 
Tuy nhiên, cái khó là nhiều người có thể không biết liệu mình có bị thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất hay không và thiếu hụt ở mức độ nào. Haggans cho biết, mặc dù có nhiều cách để kiểm tra xem cơ thể có bị thiếu hụt vitamin D và B12 hay không, nhưng “hầu hết các chất dinh dưỡng đều khó đo lường.” Vì vậy, chúng ta nên đặt mục tiêu là ăn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng “nếu muốn bổ sung vitamin tổng hợp hoặc đa khoáng chất để đề phòng, thì cũng chẳng có gì sai trái.”
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “The truth about immune-boosting supplements” của Priyanka Runwal, được đăng trên trang nationalgeographic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.