Hôm nay,  

Thiền Viện Sùng Nghiêm Lễ Vu Lan: Sống Đạo Hiếu Trong Từng Sát Na

02/09/202200:00:00(Xem: 2517)
_sung 1
Từ trái: Ni Sư Chân Diệu, nhạc sĩ Cao Minh Hưng, Ni Sư Chân Thiền, nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao và đoàn thiếu nhi của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.

 

GARDEN GROVE (VB - Phan Tấn Hải & Nguyễn Thanh Huy) – Đại Lễ Vu Lan đã được tổ chức trang nghiêm tại Thiền Viện Sùng Nghiêm hôm Chủ Nhật 28/8/2022. Bên cạnh những bài pháp thoại đầy Thiền vị, còn có các phần văn nghệ đầy công phu và xúc động để ngợi ca tấm lòng bao la của tình mẹ thương con và tấm lòng người con hiếu hạnh với mẹ cha. Truyền thống Thiền Viện Sùng Nghiêm là mỗi năm tổ chức 2 lễ hội: Phật Đản và Vu Lan. Đây cũng là hai ngày lễ lớn nhất trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam.

 

Khi bước vào hội trường, mỗi quan khách đều được gài lên ngực áo một bông hồng xanh, ý nghĩa là không phân biệt còn mẹ hay đã mất mẹ. Truyền thống nhiều chùa dùng 2 màu bông hồng: người còn mẹ được gài bông hồng đỏ, người đã mất mẹ được gài bông hồng trắng. Riêng Thiền Viện Sùng Nghiêm dùng bông hồng xanh, ý nghĩa là không phân biệt, vì phải mang ơn Tam Bảo và ba mẹ trong từng sát na, trong từng hơi thở, bất kể là ba mẹ đã đi xa hay còn hiện tiền, bởi vì Đạo Phật cũng là Đạo Hiếu, và tâm hiếu là lòng biết ơn lưu chảy không  ngừng nghỉ. Một điểm được chú ý trong Thiền Viện Sùng Nghiêm là tất cả mọi sắp xếp đều công phu, ngay ngắn. Trên bàn thờ là quả dưa hấu lớn, chạm khắc chữ “Cha Mẹ - ơn dòng sữa mẹ, công cha ai bằng.”

_sung 2
Tặng hoa để bày tỏ lòng biết ơn. Từ phải: Ni Sư Chân Diệu, Ni Sư Chân Minh, Ni Sư Chân Thiền, và MC Đỗ Phước (góc trái)

 

Trước khi chính thức khai mạc Đại Lễ Vu Lan, ca sĩ Tuyết Minh hát lên hai ca khúc -- “Bóng Tùng Mãi Mãi” và “Gánh Mẹ” --  trong đó bản nhạc “Gánh Mẹ” của nhạc sĩ Quách Beem đã lan truyền không khí bùi ngùi tưởng nhớ công ơn của mẹ. Giọng ca rất mực xuất sắc, lời nhạc lại rất mực cảm động:

 

Cho con gánh mẹ một lần,

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.

Cho con gánh mẹ đầu non,

Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời...

 

Ni sư Chân Diệu đã lên tặng hoa cảm ơn ca sĩ Tuyết Minh. Buổi văn nghệ trong Lễ Vu Lan có phần kỹ thuật là nhờ nhạc sĩ Nguyễn Phú Hùng (Giám đốc chương trình phát thanh Hương Sen) đệm nhạc với đàn keyboard piano.

Hai người MC chương trình Đại Lễ Vu Lan là Ni sư Chân Minh và cư sĩ Đỗ Phước, đã điều hợp lễ chào cờ Hoa Kỳ, chào cở VNCH, chào Phật Giáo Kỳ, và nhập từ bi quán. Buổi lễ dưới sự chứng minh và chủ trì của Ni sư Chân Thiền, Ni sư Chân Diệu và Ni sư Chân Minh.

_sung 5_Truong Minh Cuong_Tuyet Minh
Hình trái: Ni Sư Chân Thiền tặng hoa cho ca sĩ Trương Minh Cường. Hình phải: Ni Sư Chân Diệu tặng hoa cho ca sĩ Tuyết Minh.

Tham dự buổi lễ có nhiều quan khách quen thuộc trong văn giới như các nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao, Lê Giang Trần, Nguyễn Thị Mắt Nâu… các họa sĩ Chính Mung, Lam Thủy… các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử như huynh trưởng Tuệ Linh, huynh trưởng Diệu Ngọc Cao Minh Châu, GĐPT Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, GĐPT Trúc Lâm… các nhà báo như Thanh Phong, Nguyễn Thanh Huy, Phan Tấn Hải… phía nghệ sĩ có các ca sĩ Ái Liên, Diệu Mai, Tuyết Minh, Mỹ Nga, Trương Minh Cường... đặc biệt nhất là nhạc sĩ Cao Minh Hưng và nhóm thiếu nhi của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.

_sung 3
Từ trái: nhà thơ Lê Giang Trần, Huynh trưởng GĐPT Tuệ Linh…

Cũng nên ghi nhận rằng ca khúc Phật Giáo Kỳ là một độc đáo của Thiền Viện Sùng Nghiêm. Lời là thơ của Ni sư Chân Thiền, nhạc là của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Trong đó, lời nào cũng mang ý nghĩa giải thoát, như ba dòng cuối ca khúc Phật Giáo Kỳ:

 

Lễ đón chào uy nghi ánh sáng ngời

Phật Giáo Kỳ, cờ siêu việt hình tướng

Phất phới mà vừa thanh tịnh, siêu thay.

 

Tiếp theo MC Đỗ Phước nói về chặng dài hoằng pháp hơn ba thập niên của Thiền Viện Sùng Nghiêm, về chặng đường học đạo của ba vị Ni sư chị em sau khi học Thiền với Thiền sư Philip Kapleau ở New York rồi về San Diego mở thiền viện, và rồi dọn về Garden Grove tới bây giờ… MC Đỗ Phước nhắc tới những chặng đường học đạo gian nan cũng tương tự như người xưa tìm nghe Phật Pháp, như trường hợp hai bạn thân tìm đạo là tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả Mục Kiền Liên.

_sung 4
Bàn thờ trang nghiêm. Giữa là quả dưa hấu được khắc chữ “Cha Mẹ - ơn dòng sữa mẹ, công cha ai bằng.”

Tiếp theo, Ni sư Chân Minh đọc bài viết của Ni sư Chân Thiền. Bài nhắn nhủ Thiền Sinh toàn văn như sau:

 

Ba Điều Quan Trọng không nên quên trong suốt cuộc Đời Tu Hành của mình.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Trước hết tôi xin được kính chào và cámm ơn toàn thể quí vị hiện diện trong ngày Đại Lễ Vu Lan hôm nay.

Sau, xin quí vị cho phép tôi có đôi lời cám ơn và nhắc nhở riêng với các Thiền Sinh của tôi, về 3 điều quan trọng không nên quên, trong suốt cuộc đời mình!

 

Điều Một:

Lễ Vu Lan cũng là Lễ Tri Ân, những Lễ này được thể hiện đúng với Chân Lý mà Đức Phật cứ nhắc đi, nhắc lại mãi:

“Đạo Phật là Đạo Hiếu”

Không ngoài mục đích để chỉ dạy chúng at biến Thực Hành, Tôn Quí Chân Lý Đạo Đức: Biết ân, biết nghĩa, biết thủy, biết chung, biết kính trên, nhường dưới, biết trân quí, nề nếp gia phong… Đó là bổn phận đối với Đời.

Đối với Đạo thì: Bất cứ Tôn Giáo nào, chúng ta cũng đều phải tôn kính, chắp tay hết, vì mỗi Tôn Giáo đều có một Chân Lý riêng, tuyệt vời, perfect.

 

Điều hai:

Hiện tại, các Thiền Sinh chúng ta đang tu theo ý chỉ: “Niêm Hoa Vi Tiếu” của Đức Phật thì cũng thế. CHúng ta phải giữ đúng Tông Chỉ của Chân Lý này, không nên đem các Pháp Môn Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Thiền Giáo Môn pha trộn vào, làm phức tạp, rất khó hiểu.

Mặc dầu các Pháp Môn này vẫn là của Đức Phật. Nếu pha trộn được, thì việc gì Đức Phật lại phải chia ra như thế.

 

Điều ba:

Từng sát na… chúng ta đều nên Khiêm Cung, Nồng Hậu, Vui Tươi, Từ Bi, Hỷ Xả, Thương Yêu, Tha Thứ đối với toàn thể vũ trụ, muôn loài, muôn vật.

Nhất là: khi có những mâu thuẫn không thể tránh ở đời thì: Sau khi nói lên “Sự Chân Thật Bình Đẳng là như vậy, như vậy…” và rồi cuối cùng: Hãy nhận hết tội lỗi là do chính mình.”

 

Tiếp theo, sau một điệu mùa của các em Thiếu Nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ do nhạc sĩ Cao Minh Hưng hướng dẫn, cô Mỹ Nga đọc bài thơ “Đóa Hoa Cài Áo” một bài thơ của Ni Sư Chân Thiền.

_sung 6 van nghe thieu nhi
Trong một điệu vũ, với đoàn thiếu nhi của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.



Tiếp theo là nghi thức tặng hoa cho Ni Sư Chân Thiền và Ni Sư Chân Diệu. Hai vị Ni Sư được mời ngồi chính tòa, và Ni Sư Chân Minh lần lượt mang hoa tới tặng cho hai vị Ni Sư khai sơn Thiền Viện Sùng Nghiêm.

Tiếp theo là nghi thức Lễ Dâng Hương, và cuối cùng là đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh.

Điều chú ý, rằng tất cả các chùa khác đều có các nghi thức Nhật Tụng rất dài, có khi cuốn Kinh Nhật Tụng dày cả 200 trang. Riêng Thiền Viện Sùng Nghiêm chỉ phát ra mỗi người một trang giấy có in Bát Nhã Tâm Kinh để đọc.

Bởi vì bài này là cốt tủy của Thiền Tông. Vị sư đương cơ của Bát Nhã Tâm Kinh là Tôn giả Xá Lợi Phất, trong Kinh gọi là Xá Lợi Tử.

Từng câu trong Bát Nhã Tâm Kinh đều là lời chỉ thẳng vào tâm người, vào thực tướng vô tướng. Thiền Viện Sùng Nghiêm lấy bài Bát Nhã Tâm Kinh là trọng tâm để tu học, thiền quán.

Như một câu mở đầu là: “sắc bất dị không” – tức là “sắc chẳng khác gì không.” Tại sao sắc chẳng khác gì không?

 

Sắc đây là: sắc (cái được thấy), thanh (cái được nghe), hương (cái được ngửi), vị (cái được nếm), xúc (cái được chạm xúc, cảm thọ), pháp (cái được tư lường). Và tất cả những cái đó trong thực tướng chính là Không, là rỗng không, là không tự thể. Khắp thế giới này là những cái được thấy nghe hay biết, và cũng là không.

Đây cũng là cơ duyên vào đạo của Tôn giả Xá Lợi Phất, ngộ Lý Duyên Khởi chi ngay trong lần đầu nghe câu kệ:

Các pháp do duyên sinh

Lại cũng do duyên diệt.

Đó cũng là tông chỉ của Thiền Viện Sùng Nghiêm khi tập trung thiền quán vào Bát Nhã Tâm Kinh. Đây là Thiền Trực Chỉ. Nghĩa là đi đứng nằm ngồi đều nhận ra sắc tức là không, đều nhận ra Lý duyên khởi của vô ngã trong tất cả những cái thấy, cái nghe…

 

Phật Tử có thể tới Thiền Viện Sùng Nghiêm hàng ngày hay tuần để học thiền, ngồi thiền, độc tham và nghe thuyết giảng theo các thời khóa biểu ghi sẵn. Có lớp Thiền Trẻ Em cuối tuần, và các lớp thiền cho mọi trình độ. Thiền viện cũng có giờ phát thanh và phát hình hàng tuần. Câu hỏi, xin liên lạc về:

Thiền Viện Sùng Nghiêm, 11561 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841. Tel: (714) 636-0118.

Email: sungnghiem@hotmail.com  -Trang web: https://thienviensungnghiem.org/

 

VỀ THIỀN VIỆN SÙNG NGHIÊM

Thiền Viện Sùng Nghiêm tại Quận Cam là nơi tu học từ nhiều năm qua chuyên về Thiền Tông, với nhiều lớp Thiền - cũng như giúp tham học giáo lý Kinh, Luật, Luận, Thiền chữa bệnh, Yoga... -- được hướng dẫn cho mọi trình độ và lứa tuổi, từ em bé 5 tuổi cho tới các vị lão niên. Riêng thiếu niên có dạy cả Việt ngữ. Tuy nhiên, không phải là khép cửa tu học, Thiền Viện cũng là nơi từng tổ chức những cuộc triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, những chuyến đi làm từ thiện...

Cũng nên nhắc về dòng truyền thừa của Thiền viện Sùng Nghiêm, rằng Cố Đại Lão Thiền Sư Philip Kapleau là người thầy truyền pháp môn Thiền Tông cho ba vị ni sư -- quý ni sư Chân Thiền, Chân Diệu, và Chân Như - để sau này 3 vị về Quận Cam sáng lập Thiền Viện Sùng Nghiêm, nơi sau này đã có thêm nhiều vị hỗ trợ hoằng pháp, trong đó bây giờ có Ni Sư Chân Minh trong nhiều vị nổi bật. Trước đó, quý ni sư đã cầu học rất mực gian nan: Quý ni sư đã đi tới nhiều thiền lâm nổi tiếng, sang tận Trung Quốc, nhập nhiều khóa thiền thất, và rồi dự các khóa sesshin (tiếp tâm) ở nhiều tiểu bang, trước khi về học với Thiền Sư Philip Kapleau.

Ngài Kapleau sinh năm 1912, viên tịch 2004. Năm 1953, xin xuất gia tu học, được lão sư Soen tiếp nhận Kapleau cho tu tại chùa Phát tâm (Hosshinji). Ba năm sau, theo giới thiệu của lão sư Soen, Kapleau đến cầu pháp với thiền sư Bạch Vân (Yasutani), Nhật Bản. Trong khóa tu thứ 20 (mùa hè năm 1958) với thiền sư Bạch Vân, Kapleau đã đạt ngộ được thiền sư Bạch Vân ấn chứng và ban cho danh hiệu "Roshi" (Lão sư một danh hiệu khó đạt được, chỉ ban cho những ai đã đạt ngộ chân lý). Ngài Kapleau nổi tiếng trên tầm quốc tế sau khi biên soạn cuốn sách tựa đề là "Ba Trụ Thiền" (Three Pillards of Zen), in tại Nhật bản vào năm 1965; tác phẩm này đã giúp nhiều người vào cổng nhà Thiền.

Sau nhiều năm tu học tại Nhật, năm 1965, ngài Kapleau trở về nước và bắt đầu sứ mệnh truyền pháp. Từ đó, dòng Thiền của Ngài Kapleau đã phát triển mạnh mẽ tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Và bây giờ, ngọn đèn pháp của Thiền Tông hiện đang được gìn giữ và trao truyền tại Thiền Viện Sùng Nghiêm, nơi đang tìm nhiều cách hoằng pháp lợi sanh với nhiều phương tiện, cho nhiều thành phần và nhiều lứa tuổi.

 

Chỗ này xin ghi thêm, có người nói Thiền Viện Sùng Nghiêm vắng người học, và học ít người hiểu. Không phải như thế, có nhiều Thiền sinh Thiền Viện Sùng Nghiêm đã ngộ nhập được lý duyên khởi, nhận ra thường trực pháp ấn vô ngã trong thân tâm và thế giới. Ngộ thì khó, nhưng khi ngộ được thì vào bất kỳ nơi nào cũng không dính tà kiến, không chệch hướng, cũng không cầu nguyện linh tinh cho chuyện trần gian nào hết. Hiện thời hàng trăm thiếu niên trong các lớp Thiền nhiều năm qua ở Thiền Viện Sùng Nghiêm bây giờ đã là các Bác sĩ, Luật sư, Giáo sư, cô giáo, công chức, cảnh sát, chiến binh... Họ đang vào đời với Chánh kiến, với tâm  tỉnh thức và từ bi học từ các lớp Thiền nơi đây. Ngọn đèn pháp đang lưu truyền bất tận trên đất Mỹ.

 

Thực ra, thiền cho trẻ em, chủ yếu là pháp thư giãn, giữ chánh niệm, như thế sẽ giúp việc học vấn, tăng sức chú tâm và tỉnh thức. Đối với người thực tâm muốn giác ngộ, Ni sư Chân Thiền dạy phức tạp hơn, và hiển nhiên cần nhiều thời gian tu học hơn. Ni sư Thích Nữ Chân Thiền viết trên trang web của Thiền Viện Sùng Nghiêm lời giải thích về Thiền, trích:

 

“Thiền Định đúng nghĩa của nó là:

- Bên ngoài: Đang nơi tướng mà lìa tướng gọi là Thiền. Hay nói một cách khác, ngoài mà chấp tướng trong tâm sẽ loạn, ngoài lìa tướng thì tâm chẳng loạn.

- Bên trong: Đang nơi niệm mà lìa niệm là Định. Nói một cách khác, bên trong chẳng động, chẳng loạn là Định hay Bản Tính đã tự định, tự tịnh rồi, chỉ vì ta thấy cảnh, chấp cảnh thành ra loạn mà thôi. Ngược lại, nếu chúng ta thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, thì đó mới chính là “chân định”, chứ chẳng phải muôn điều chẳng nghĩ, chẳng nói và muôn niệm chẳng khởi là “Định”. Nếu ai rơi vào trường hợp này để rồi chấp Thiền là không nói gì cả, thì quả là hơi phiền đấy! Ngược lại, cũng có người chấp chặt mọi thứ để rồi trong tâm lúc nào cũng loạn bởi muôn điều, muôn vật từ thô đến tế, cứ chấp vào những thiên hình, vạn trạng hình tướng khác nhau, rồi tự chôn vùi mình trong mọi cảnh, mọi hình tướng giả dối, huyễn hoá ấy, để tự động lúc nào cũng lọt vào nhị biên tương đối: có không, động tịnh, xấu tốt, thấp cao, thật giả, v.v…”(hết trích)

 

Tuy thấy phức tạp như thế, cũng như một bài toán khó, mà đây lại là mê lộ của tâm, muốn dò đường để tới một hôm bừng tỉnh ngộ, hẳn là cần thời gian. Nhưng trước tiên, học Phật là hạnh phúc tức thì, là an lạc tức khắc. Một ngày học Phật, là một ngày an lạc, và là nhân duyên để giải thoát. Chỉ nhìn khuôn mặt an lạc, rạng rỡ của quý ni sư và quý nam nữ cư sĩ trong Thiền viện này cũng thấy rằng họ đang sống với hạnh phúc tự tâm.

 

Thanh Huy/Phan Tấn Hải

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào trưa ngày 29 tháng 3 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc có buổi họp báo, với chủ đề có liên quan đến căn bệnh Alzheimer trong cộng đồng sắc tộc
EMS đã có buổi họp báo nhằm vinh danh những nhà lãnh đạo tổ chức cộng đồng, vừa vinh dự nhận giải thưởng James Irvine Foundation Leadership Award năm 2024.
Vào lúc 11 giờ 30 trưa chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024 trước khu Thương Xá Phước Lộc Thọ, Thành phố Westminster, kể từ nay hằng ngày lá Cờ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tung bay cùng lá cờ Hoa Kỳ, trong một buổi lễ khánh thành trụ cờ và Thượng Kỳ được long trọng tổ chức trước sự vui mừng trong niềm xúc động của hàng trăm đồng hương và các cựu quân nhân QL/VNCH.
Tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, Nam California vào tối Chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024, Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới (THPTVTTG) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 32 năm thành lập và kết thúc đại hội Quốc Tế Võ Thuật 2024. Khoảng 400 quý vị Chưởng Môn, Võ Sư, Võ sinh thuộc các môn phái từ khắp nơi trên thế giới về tham dự
Hôm nay, Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Đảng Cộng Hòa-CA) trong tuần qua đã thúc giục Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn
Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy những người thợ móng tay—chủ yếu là phụ nữ Việt Nam, dân nhập cư và tị nạn—đang bị trả lương quá thấp dưới mức tối thiểu và bị xếp loại nghề nghiệp sai chỗ tràn lan, điều này làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền lợi lao động của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, chủ tiệm—phần lớn điều hành các tiệm nail gia đình nhỏ lẻ—không nhận được giải trình về luật lao động hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Những kết quả báo cáo đã ghi trong dự luật AB 2444, một dự luật mới được Dân biểu Tiểu bang California Alex Lee (AD 24) đệ trình vào ngày 13 tháng 2 năm 2024 để thực thi các yêu cầu về giáo dục trong ngôn ngữ và tinh tế trong văn hóa cho thợ và chủ tiệm nail.
Vừa đúng thời điểm mọi người nghỉ kỳ Spring Break vào Tháng Ba này, một trong những quần thể hồ tắm phong thái resort rộng nhất tại một trong những cơ sở resort/casino lớn nhất trong nước sẽ mở cửa đón tiếp mùa vui đùa trong nước vào Thứ Hai, 11 Tháng Ba. Năm nay, khách vui chơi hồ tắm mọi nơi đều sẽ có thể tới tận hưởng môi trường như-một-ốc-đảo của The Cove, với diện tích rộng bằng năm sân football. Ban Quản Lý khu The Cove của Pechanga Resort Casino thực hiện thẻ dùng trong ngày cho những vị khách không-thuê-phòng-khách sạn và để những vị này được thuê 'lều - cabana' cùng 'giường nằm - daybed'.
Đã quá lâu, việc dạy kèm và trợ giúp làm bài tập về nhà đã nằm ngoài tầm với của nhiều học sinh và gia đình ở California. Sự phân chia giữa những người có thể tiến lên trong xã hội và những người chỉ có thể mơ ước về điều đó thường dẫn đến một nền tảng giáo dục không bình đẳng cho học sinh. Nhằm đem quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho học sinh, thư viện địa phương của quý vị hiện đang cung cấp miễn phí dịch vụ dạy kèm và hỗ trợ làm bài tập về nhà trực tuyến HelpNow cho học sinh California!
Khoảng đầu tháng 04 năm 2024, Hoà thượng GIỚI ĐỨC-MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Sư Trưởng HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG HUẾ VIETNAM sẽ vân du hoằng hoá ở Hoa Kỳ và Thầy sẽ lưu trú tại miền nam California từ ngày 05 đến 12 tháng 04 nam 2024 Nhân dịp này, Thầy muốn gặp gỡ những vị thiện hữu tri thức, quý phật tử hữu duyên
Một ngày mới bắt đầu với nhiều hoài ước thật đơn sơ mong sao mình và tất cả mọi người có những giây phút thật thảnh thơi an lành trong từng tâm niệm, lời nói và hành động thật nhẹ nhàng bình an, để cho một ngày sống có tràn đầy ý nghĩa, tuy đơn sơ và dễ dàng nhưng cũng không phải dễ như mình nói hay suy nghĩ đâu bạn nhé!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.