Hôm nay,  

Dân Biểu Michelle Steel Bỏ Phiếu Chống, Young Kim Bỏ Phiếu Thuận Việc Dỡ Bỏ Tượng Ủng Hộ Chế Độ Nô Lệ

30/06/202120:59:00(Xem: 3035)
vote

Vào ngày 29 tháng 6 2021, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật dỡ bỏ tượng những người đã từng ủng hộ chế độ nô lệ hoặc Liên Minh Miền Nam ra khỏi tòa nhà Quốc Hội. Tỉ lệ bỏ phiếu là 285/120. Có 218 Dân Biểu Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Có 120 Dân Biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống, trong đó có nữ Dân Biểu gốc Hàn Michelle Steel (Địa Hạt 48 - CA). Có 56 Dân Biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu ủng hộ, trong đó có nữ dân biểu gốc Hàn Young Kim (Địa Hạt 39- CA).

Dự luật mang tên “Remove Hate”, đề nghị dỡ bỏ tượng của Thẩm Phám Roger Taney là người đã chuẩn thuận một quyết định quan trọng ủng hộ chế độ nô lệ. Ngoài ra còn có tượng của một số lãnh đạo của Liên Minh Miền Nam, mà lá cờ đại diện đã nhìn thấy bên trong tòa nhà Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1 2021, khi những người nổi loạn ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump đã xông vào bên trong. Cuộc nổi loạn đã cướp đi sinh mạng của 5 người.

Đây đã là lần thứ nhì Hạ Viện thông qua dự luật, nhưng vẫn còn phải chờ quyết đinh của Thượng Viện. Hiện nay, phe Dân Chủ Thượng Viện nắm đa số tối thiểu (51/50), nên có thể buộc Thương Viện phải bỏ phiếu. Thượng Viện cần có tỉ lệ tối thiểu 60/40 để thông qua dự luật.

Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói rằng việc dỡ bỏ tượng sẽ không xóa đi vết nhơ của sự kỳ thị chủng tộc, cũng sẽ không đủ để xóa bỏ sự kỳ thị chủng tộc vẫn tồn tại ngày nay, nhưng nước Mỹ sẽ không thể loại bỏ kỳ thị chủng tộc được nếu tượng của những người có tư tưởng kỳ thị vẫn được đặt tại Quốc hội.

Những  người chống đối bên Đảng Cộng Hòa cho rằng hành động này là chống lại những tiểu bang muốn vinh danh những nhân vật lịch sử của họ. Họ cho rằng hành động này là một hình thức của văn hóa hủy bỏ và chủ nghĩa xét lại lịch sử.

Trở lại với hai vị nữ dân biểu gốc Hàn có địa hạt tại Quận Cam, đây không phải là lần đầu tiên 2 bà Michelle Steel và Young Kim bỏ phiếu trái ngược tại Quốc Hội, cho dù cả hai đều là Đảng Cộng Hòa. Vấn đề nằm ở thành phần cử tri của 2 địa hạt. Tại Địa Hạt 39, thành phần cử tri sắc dân thiểu số chiếm đa số: 33.1% gốc Hispanic, và 30.1% gốc Á, do đó bà Kim chọn thế đứng về phía các sắc dân thiểu số. Trong khi đó, tại Địa Hạt 48, người Mỹ trắng giàu có vùng ven biển có chiếm đa số với 56.1% White, gốc Hispanic chỉ có 21.1%, gốc Á 17.9%. Do vậy, việc bà Michelle luôn có lập trường cực hữu để lấy sự ủng hộ của những nhóm da trắng cực đoan tại địa hạt này là điều dễ hiểu. Cần nhắc lại, những nhóm thượng tôn da trắng cực đoan tại các thành phố biển như Huntington Beach, Newport Beach, Laguna Beach…là thành phần chống lại mạnh mẽ các lệnh đeo khẩu trang trong mùa đại dịch covid-19, ủng hộ cựu tổng thống Trump trong việc không công nhận kết quả bầu cử, và có nhiều người đã tham gia vào cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc Hội ngày 6 tháng 1. (VB)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.