Hôm nay,  

Tang Lễ Thượng Toạ Thích Tuệ Giác, Hội Trưởng Hội Thiền Học Việt Nam Hải Ngoại, Viện Trưởng Tổ Đình Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng

14/04/202114:32:00(Xem: 11346)

TANG LE 01
Thượng Toạ Thích Tuệ Giác, Hội Trưởng Hội Thiền Học Việt Nam Hải Ngoại, Viện Trưởng Tổ Đình Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng, đã viên tịch vào lúc 4:30 chiều Thứ Bảy ngày 10 tháng 4 năm 2021 (nhằm 29 tháng 2 năm Tân Sửu), tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng, Quận hạt San Diego, CA, Hoa Kỳ. Trụ thế 62 năm, 31 Hạ Lạp.

Tại Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng tọa lạc tại số 6326 Camino Del Rey, Bonsall, CA 92003, liên tục trong 3 ngày kể từ ngày Chủ Nhật 11 tháng 4 đến Thứ Ba ngày 13 tháng Tư năm 2021 đã có hàng trăm chư tôn giáo phẩm, chư tôn đức Tăng, Ni, cùng đồng hương Phật Tử khắp nơi đến viếng và tiễn đưa Giác Linh Cố Thượng Tọa Thích Tuệ Giác cao đăng Phật quốc.

TANG LE 02
Trong những năm qua Thượng Tọa đã bỏ khá nhiều công sức để xây dựng Thiền Viện với một công trình đồ sộ, rất tiếc công trình chưa hoàn thành thì Thượng Tọa đã viên tịch.

Đại diện Việt Báo đến viếng tang vào chiều Thứ Hai ngày 12 tháng 4 năm 2021 có 3 nhà báo Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng.

TANG LE 03
Hòa Thượng Thích Thông Hải (ngồi); hàng sau, từ trái, Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, và Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng.


Sau khi viếng giác linh Thượng Tọa xong ra ngoài trai đường chúng tôi đã gặp Hòa Thượng Thích Thông Hải, Cố vấn ban tổ chức tang lễ; Thượng Tọa Thích Đạo Quảng, Nhà truyền thông Phan Trung Kiên (Liên Phật Hội), Kỹ sư Tâm Định (một trong những người thực hiện việc xây cất Thiền Viện Đại Đăng), Tiến sĩ Phật Học Nguyễn Thúy Loan (tác giả sách "Truc Lam Buddhism in Vietnam" - Nhà xuất bản: Cambridge Scholars Publishing, 2021). Trong dịp nầy chúng tôi được Hòa Thượng Thông Hải cho biết, mặc dù dịch bệnh đi lại khó khăn từ Hawaii vào đất liền, nhưng khi hay tin Thượng Tọa Tuệ Giác viên tịch Thầy đã cố gắng về ngay, HT. nói: “Rất tiếc Thiền Viện Đại Đăng là một công trình qui mô sắp hoàn thành mà Thượng Tọa đã vội ra đi.” Quây quần bên bàn trà, mọi người đã kể cho nhau nghe về những gì mà Thượng Tọa Tuệ Giác đã làm trong những năm đầu thành lập Thiền Viện Đại Đăng.

TANG LE 04
Từ trái, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy và Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng trước Kim Quan của Thương Tọa Thích Tuệ Giác tại Thiền Viện Đại Đăng.


Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng từng được “một số Phật tử có tâm đạo nhiệt thành và lòng thiết tha tu học, đã hợp tác cùng nhau đứng ra vận động” và khởi công xây cất vào năm 2001. “Thiền Viện Đại Đăng, một trung tâm nghiên cứu và tu học của Hội Thiền Học Việt Nam thuộc hệ Phái Thiền Tông Phật Giáo, lần đầu tiên đã được chính thức thành lập tại Hoa Kỳ. Đây là một cơ sở thiền học trực thuộc dưới sự lãnh đạo và giáo hóa của Hòa Thượng Tông Chủ Thiền Sư Thích Thanh Từ. Thiền Viện Đại Đăng được xây dựng trên một sườn đồi với diện tích chín mẫu tây.

Trong phần tự truyện Thượng Tọa Thích Tuệ Giác đã viết, “Tôi sanh ra đời tại vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, thuộc miền tây nam nước Việt Nam, trong một gia đình nông dân nghèo đông con. Ông bà thân sinh (ba má) tôi là người có đạo đức, lại là Phật Tử tại gia, nên sự giáo dục con cái trong gia đình rất nghiêm túc. Thuở còn thơ ấu, chúng tôi đã được cha mẹ dạy dỗ thành người tốt, biết lễ phép, khiêm nhường, sống trên thuận dưới hòa và yêu kính mọi người.

“Trong nhà có Bà tôi là tu sĩ tại gia, ăn trai trường, tu theo pháp môn Niệm Phật. Bà thân sinh của tôi là người rất mộ đạo, hiền từ. Có lần đi chùa lễ Phật, sám hối vào ngày rằm, bà dắt tôi theo. Trong chùa thờ rất nhiều hình tượng, nhưng không hiểu vì sao tôi chỉ thích lạy duy chỉ có tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi giữa chánh điện.

“Ở nhà mỗi lần bà thân sinh tôi đọc kinh cho Bà Cố tôi nghe, tôi thường ngồi kế bên. Tuy còn nhỏ không hiểu gì, nhưng tôi rất thích giọng đọc kinh êm dịu của bà.

TT Thich Tue Giac 01
“Năm mười hai tuổi, tôi được đọc cuốn sách lịch sử ghi lại cuộc đời của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tôi rất cảm động và vui sướng đến rơi nước mắt khi biết được đời sống cao thượng, đẹp đẽ và giải thoát của Đức Thế Tôn. Lúc đó tôi phát nguyện trong tâm rằng: sau này tôi cũng sẽ đi tu, đắc đạo và sống đời sống cao đẹp như đời sống của Đức Phật.” Từ đó, hình ảnh cao thượng của ngài lúc nào cũng ngự trị trong tâm tưởng của tôi.

“Lớn lên trong đất nước loạn ly, quê hương chìm trong máu lửa. Chiến tranh, súng đạn, chết chóc, sự sanh ly tử biệt và hoàn cảnh khổ chung quanh, đã làm cho tôi sớm ý thức được sự vô thường của cuộc đời.

“Sau biến cố sôi động năm 1975… Khi ấy tôi mới học xong lớp tám phổ thông, tôi xin Ông Thân Sinh tôi cho phép tôi được nghỉ học để đi tu nhưng không được người đồng ý. Tuy thế, tâm nguyện, ý chí xuất gia lúc nào cũng thôi thúc và nung nấu trong tôi.

“Sau khi học xong hết trung học phổ thông, thi tốt nghiệp cấp ba xong, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn sau chiến cuộc năm 1975 kết thúc, cả nước đều lâm vào tình trạng nghèo đói… Hơn nữa tôi đã có ý định đi tu nên không tiếp tục thi đại học. Tôi ở nhà làm việc phụ giúp gia đình một thời gian. Lúc bấy giờ tôi có làm quen được nhóm Cư Sĩ bạn đạo. Chúng tôi thường tới lui thăm viếng, học hỏi và trao đổi kinh sách qua lại để nghiên cứu. Những quyển sách tâm đắc hướng dẫn cho tôi biết được pháp môn tu thiền, đi đúng con đường chánh pháp, và chọn được Minh Sư sau này đó là các quyển kinh: Kim Cang Bát Nhã, Bát Nhã Tâm Kinh, Pháp Bửu Đàn Kinh, và Yếu Chỉ Thiền Tông, v.v...

“Năm 1986, tôi quyết định từ giã những người thân trong gia đình, để thực hiện theo chí nguyện xuất gia của mình đã từ lâu ấp ủ mong đợi, cùng với người em chú bác chung chí nguyện là Tuệ Minh bây giờ. Ông Thân Sinh tôi cũng qua đời trước đó vài năm.”…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.