Hôm nay,  

Câu Chuyện Về Ung Thư

12/08/202014:01:00(Xem: 3080)

Hieu Them Ve Ung Thu_VACF_8-14-2020


Tôi hỏi lại mẹ tôi triệu chứng ban đầu lúc mới phát bệnh cường giáp (một loại bướu cổ) cách đây nhiều năm thì mẹ tôi chỉ nhớ được là bị sụt cân.  Còn tôi thì vẫn còn nhớ là mẹ tôi bị sốt trong những ngày đầu uống thuốc theo toa của bác sĩ.  Thời gian đó mẹ tôi chưa đến Mỹ ở cạnh tôi như bây giờ nên tôi cứ cảm thấy không an tâm với cách điều trị bằng thuốc uống và chờ đợi trong khi triệu chứng sốt cứ kéo dài.  


Khoảng cách xa mẹ tôi nửa vòng trái đất càng làm tôi bất an hơn. Em trai của tôi lúc đó vẫn còn đang là sinh viên đại học.  Tôi nói với nó là tôi sẽ lo chuẩn bị trước về tài chánh để nó tức tốc đưa mẹ vào Sài Gòn khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa.  Nó định sẽ xin hoãn lại việc học để toàn tâm toàn ý đưa mẹ tôi đi chữa bệnh vì nó hiểu rõ bản tính bẩm sinh của mẹ tôi là hay lo lắng và hoảng sợ.  Kết quả sinh thiết cho biết bệnh cường giáp của mẹ tôi là ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sơ khai.  Cậu ruột tôi là bệnh nhân ung thư, nhiều người bà con bên phía ông ngoại tôi qua đời sớm vì bệnh ung thư.  Tôi không biết là ung thư có di truyền hay không nhưng cứ nghĩ đến mẹ tôi cùng với người em ruột và các anh chị họ của mẹ tôi có cùng căn bệnh ung thư, chỉ khác là ở các bộ phận khác nhau, thì tôi không thể tránh khỏi cảm giác tuyệt vọng.  


Cái phao tôi cố bám vào là ý nghĩ tự trấn an chính mình: "dù sao cũng may mắn là bệnh của mẹ được phát hiện ở giai đọan rất sớm và vẫn còn cách điều trị là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phần tuyến giáp có tế bào hạt nhân gây ung thư theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa".  Hai anh em tôi đã bàn tính để mẹ tôi được một bác sĩ giỏi về chuyên khoa cường giáp tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn làm phẫu thuật sớm nhất có thể.  Tôi không dám bỏ việc về thăm mẹ vì đó là nguồn tài chánh giúp tôi có thể lo chu toàn cho việc điều trị bệnh của mẹ.  Hơn nữa tôi yên tâm khi bên cạnh mẹ tôi lúc nào cũng có em tôi và ba tôi săn sóc và ủng hộ tinh thần.


Mẹ tôi hỏi tôi nhắc lại chuyện này để làm gì?  Tôi giải thích: "con muốn kể lại câu chuyện nhỏ này vì ai đi qua những khó khăn thì dễ đồng cảm hơn với những người khác cũng gặp khó khăn như mình".  Bây giờ thì tinh thần của mẹ tôi tốt hơn nhiều so với thời điểm mới bắt đầu phát bệnh lúc còn ở quê nhà.  Hệ thống bảo hiểm y tế, các bác sĩ chuyên khoa và máy móc thiết bị y khoa tân tiến hỗ trợ cho việc điều trị ung thư tại Hoa Kỳ tạo yếu tố tâm lý tích cực giúp mẹ tôi phần nào có niềm tin hơn.  Điều quan trọng là tình trạng bệnh không tiến triển từ khi mẹ tôi trải qua lần phẫu thuật đầu tiên trong đời tại Sài Gòn.  Đó là sự may mắn mà tôi luôn cảm tạ Ơn Trên và đó cũng là điều giúp mẹ tôi bớt sợ.  Điều mẹ tôi cần tiếp tục làm là chú ý đến cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày, hiểu biết rõ về bệnh tình và đi khám định kỳ kiểm tra sức khỏe theo đúng lịch.  


Tôi không thể nào quên được cảm giác rứt ruột khi vừa mới nghe bệnh tình của mẹ tôi, rồi đến cái ngày mẹ tôi phải vào bệnh viện để làm phẫu thuật.  Tôi biết người chịu đựng nỗi lo này nhiều hơn tôi là thằng em tôi và ba tôi vì ít ra thì tôi không phải vào ra bệnh viện, lo thủ tục giấy tờ, gặp bác sĩ y tá, lo ăn uống cho mẹ tôi trong thời gian đầu điều trị và làm phẫu thuật.  Tôi chia sẻ câu chuyện về bệnh ung thư trong chính gia đình mình như là lời tri ân gửi đến tất cả những người thầy thuốc, những y tá, những nhân viên y tế, những người bà con của ba mẹ tôi, những người bạn của ba mẹ tôi, những người bạn của hai anh em tôi và những bậc tu hành đã giúp đỡ cho mẹ tôi từ việc điều trị bệnh cho đến từng bữa ăn, lời động viên tinh thần và lời cầu nguyện để mẹ tôi vẫn còn được sống bình an cho đến ngày hôm nay.  


Thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc mẹ tôi chú tâm đến việc ăn uống lành mạnh như là một cách tự vệ để tế bào ung thư không trở lại hoặc nếu có thì cũng không phát triển gây ra những biến chứng phức tạp.  Tôi là người thông dịch cho những lần mẹ tôi đi tái khám định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh, và tôi cứ nhớ lời động viên của vị bác sĩ chuyên khoa dễ mến: "Nếu mình có tế bào ung thư trong cơ thể nhưng nó không phát triển, không gây đau đớn, không gây biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày thì cứ xem như là không bệnh, em hãy giữ chế độ ăn uống lành mạnh như em đang giúp mẹ của em”.  Con người được sanh ra thì ai rồi cũng sẽ đi qua một lần kết thúc, dù có bệnh nhưng thân không bị đau đớn, tinh thần vẫn giữ được nhẹ nhàng cho đến lúc thanh thản rời xa cõi tạm này thì đó cũng là một ơn phước.


Khi tôi kết thúc bài viết này, bầu trời đêm nay không có vì sao nào, vẫn tối mịt mùng như căn bệnh ung thư mà nhiều người không may mắc phải vẫn chưa có cách điều trị dứt khoát.  Nhưng tôi chợt nghĩ đến hai người bác sĩ chuyên khoa về ung thư mà tôi được biết gần đây.  Một người đang sinh sống, làm việc tại một bệnh viện lớn ở xứ sở mặt trời mọc xa xôi và luôn nặng lòng với nhiều bệnh nhân gặp khó khăn ở quê nhà.  Còn một người thì sống cách tôi chỉ hai giờ đồng hồ lái xe, cống hiến 30 năm phục vụ bênh nhân và vẫn tiếp tục dành thời gian cho những hoạt động vì sức khỏe cộng đồng tại Hoa Kỳ dù đã đến lúc được nghỉ hưu.  Bên cạnh y đức, hai người thầy thuốc này còn giống nhau ở một điểm - họ đều mang trái tim dạt dào dòng máu Việt Nam.  Những hoạt động vì sức khỏe cộng đồng của họ làm tôi hiểu ra và chú ý đến một điều: một việc làm đơn giản như là gửi tiếp đi (share) một thông báo qua mạng xã hội như là Facebook chẳng hạn thì cũng có thể giúp cho nhiều người khác.  Nếu mỗi người chúng ta có thể dành ít phút để share đi thông tin hữu ích thì sẽ có thêm nhiều người hưởng ứng và hiểu biết thêm về bệnh ung thư.  


Nếu bệnh ung thư là bầu trời đêm chưa có những vì sao sáng thì mỗi người chúng ta vẫn có thể thắp lên từng ánh nến từ trái tim ấm áp của mình để chiếu sáng con đường đi tới cho các bệnh nhân ung thư.  Chỉ cần một việc làm đơn giản tưởng chừng như nhỏ nhặt như là gửi đi thông tin hữu ích về buổi thuyết trình "Hiểu Thêm Về Ung Thư", kỳ thực đó là sự bắt đầu ý nghĩa để nhiều người biết cách truy tầm và phát hiện sớm các loại bệnh ung thư khác nhau vì kiến thức chính là sức đề kháng tinh thần mỗi người bệnh và người thân của họ cần có trước tiên.


Kính mong các cô, chú, anh, chị và các bạn giúp chuyển tiếp đến nhiều người chung quanh thông báo về buổi thuyết trình "Hiểu Thêm Về Ung Thư" với bác sĩ Bích Liên Nguyễn, chủ tịch Hội Ung Thư Việt Mỹ (VACF) vào lúc 10 giờ đến 12 giờ trưa Thứ Sáu, ngày 14 tháng 8 năm 2020.  Để ghi danh tham dự buổi thuyết trình này, xin vui lòng vào trang mạng: https://www.vacf.org/ungthu101.  Phiếu ghi danh online dùng cho điện thoại: https://a654.socialsolutionsportal.com/apricot-intake/9d69606c-c74b-454d-9389-4af6912eba2d.


Tâm Nguyên

(Cali, tháng 8 năm 2020)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.