Hôm nay,  

Con Là Quê Hương Của Mẹ: Hạt Mầm Việt Nam Sau 45 Năm Lưu Vong

09/05/202015:56:00(Xem: 4325)

Giáo sư Phạm Thị Huê, Xướng ngôn viên Nhã Lan, & Trangđài Glassey-Trầnguyễn


LGT: Cuộc phỏng vấn này được Giáo sư Phạm Thị Huê và Xướng ngôn viên Nhã Lan thực hiện cho Chương trình Trường Trường Đời trong dịp Tết Canh Tý 2020, với nhan đề “Mùa Xuân Quê Hương” cho Đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV. Việt Báo xin chia sẻ cuộc phỏng vấn với độc giả trong dịp 45 năm Quốc Hận và Lễ Mẹ 2020, để cùng những thế hệ trẻ chiêm niệm về trọng trách nuôi dưỡng những hạt mầm Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cho một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân vị. Quý độc giả có thể xem bài phỏng vấn tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=17ibO23V-7c&feature=youtu.be.


Hình ảnh:

  1. 1_Hội Tết Làng Việt Nam do Liên Đoàn Hướng Đạo Chi Lăng tổ chức 17 tháng Giêng, 2017
    Hội Tết Làng Việt Nam do Liên Đoàn Hướng Đạo Chi Lăng tổ chức tại Oak Canyon Park, thành phố Silverado, ngày 14 tháng Giêng, 2017.

     

  2. 2_'Con là mùa Xuân của Mẹ'
    Con là mùa Xuân của Mẹ.
  3. 3_Quý Thầy Cô đang theo dõi bài nói chủ đề
    Quý Thầy Cô đang theo dõi Trangđài nói về ba phương cách giữ gìn Tiếng Việt trong sáng qua văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ trong bài nói chủ đề của Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm 2017 do Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California tổ chức tại Coastline Community College, thành phố Garden Grove, Quận Cam, Hoa Kỳ.

     

  4. 4_Tết tại Bowers Museum
    Tết tại Bowers Museum.

     

  5. 5_Mừng Xuân Canh Tý
    Mừng Xuân Canh Tý.

XNV NL: Kính thưa quý vị, Giáo sư Phạm Thị Huê và Nhã Lan đồng phụ trách chương trình Trường Học Trường Đời kính chào quý khán thính giả. Kính thưa quý vị, thấm thoát mà đã đến năm mới, năm của con chuột, năm Canh Tý. Thưa quý vị, như lời chúc mừng năm mới đến với quý khán thính giả ở khắp nơi, một lần nữa chúng tôi lại được hân hạnh tiếp đón nữ thi sĩ trẻ tuổi thế hệ một rưỡi, Trangđài Glassey-Trầnguyễn, lại đến với chương trình Trường Học Trường Đời để cùng với chúng tôi chia sẻ với quý vị Mùa Xuân Quê Hương. Và bây giờ, trân trọng kính mời quý vị cùng với Giáo sư Phạm Thị Huê và Nhã Lan chào đón nữ thi sĩ trẻ tuổi Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Người mẹ ba con, vẫn còn son ra phố, và nhất là mùa Xuân dạo phố Bolsa. Thân ái chào Trangđài!


TGT: Dạ em xin kính chào Cô Huê, xin chào Chị Nhã Lan. Trangđài xin trân trọng kính chào khán giả của Hồn Việt TV và thính giả của Little Saigon Radio.


Gs PTH: Vâng, chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp Trangđài trở lại chương trình Trường Học Trường Đời, nhất là trong những ngày đầu xuân để chúng ta mừng năm con chuột. Tâm tình của Trangđài thì thật sự phải nói là vuông tròn, đối với chồng, đối với con, và nhất là đối với quê hương Việt Nam. Cho nên chúng ta không thể nào nói tới thơ của Trangđài mà không nói tới tình tự quê hương được, và nhất là trong cái mùa Xuân này. Và cô hiểu là em có một bài thơ viết cho các con, và bài thơ đó đã được phổ nhạc và có thể là ai cũng nóng lòng muốn nghe. Cô thì từ khi cô viết cho em cái email thì cô nói là bây giờ không biết phải giới thiệu Trangđài như thế nào? Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, hay là nhà nghèo? 


TGT: Nhà nghèo đó Cô! Nhà nghèo, nhưng mà bây giờ em có cái title ngon lắm Cô! Em là nhà thầu! Việc gì mình cũng làm hết Cô! Làm mẹ thì việc gì cũng phải làm cho nên làm nhà thầu!


GS PTH: Như vậy nhà thầu là đi liền với chữ giầu đó! Nhã Lan biết không, Cô có nghe câu thơ nói là, “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo.” Thì Cô là hai cái nhà sau cùng đó, nhà giáo, nhà nghèo. Nhưng Trangđài còn là nhà văn nữa.


XNV NL: Nhưng mà Nhã Lan nhớ trong một cái bản tin cũng gần cuối năm, nói rằng là quý vị hãy tính toán cộng trừ nhân chia, nghĩa là rút căn luôn, thì vai trò của một người mẹ tính ra đó là phải trả lương cho người mẹ ở nhà đó, không cần bằng cấp gì cả, là trả lương cũng tròm trèm là gần 200K. Gần 200 ngàn. Thế thì đó không thể là nhà nghèo được! Mà tính ra là gần 200K. Thế thì là nhà giàu chứ! Trung lưu chứ! Bây giờ trở về với Mùa Xuân Quê Hương, thì bà mẹ ba con này cùng với phu quân - mà phu quân cứ nhất định lấy họ của Việt Nam - như vậy thì là có bao giờ dự mùa Xuân Bolsa mà có dắt con đi diễn hành Tết chưa? Hay là tham dự Hội Chợ Xuân Sinh Viên, vì Mẹ đã từng đóng góp rất nhiều cho sinh viên của miền Nam California!


TGT: Dạ thưa có Chị. Tụi em có đưa con đi dự Hội Tết Sinh Viên ở OC Fairgrounds đó Chị, rồi cũng có năm đưa cả ba cháu dự Hội Xuân của Liên đoàn Chi Lăng làm ở gần Irvine Lake đó Chị. Hơi xa, nhưng tụi em cũng có đi, cũng có đến dự. Những lúc đó thì mình cảm thấy mình rất là vui vì mình chia sẻ được về văn hóa Việt Nam với các con mặc dù nó cũng chưa có trọn vẹn đầy đủ nhưng mà nó cũng là cái dịp các con là người Việt Nam, và hãnh diện là người Việt Nam.


XNV NL: Hình dung ra cái cảnh tượng Tết ở Việt Nam, đúng không?


TGT: Dạ, với lại từ nhỏ là em tập cho các cháu mặc áo dài khăn đống vào những ngày lễ lộc. Khi đến ngày lễ, thì các cháu tự nói, “Mẹ ơi, con mặc áo dài!” Ngay cả trong những ngày lễ không phải là Tết hay lễ của người Việt, chẳng hạn như đi lễ nhà thờ trong dịp Giáng Sinh, thì các con cũng nói, “Mẹ ơi, hôm nay con mặc áo dài.” 


XNV NL: Các bé nói tiếng Việt Nam được không? Ăn thức ăn Việt Nam được không?


TGT: Dạ biết. Mà những cái món nào mà ngon mà khoái khẩu thì thích thì biết tiếng Việt rất rành! 


XNV NL: Như là món gì? Phở, chả giò?


TGT: Dạ các cháu thích chả giò, thích cơm chiên. Nó bảo là nó không có khó ăn, nhưng mà nó khó lắm chị. Cô Huê biết là có những món em phải nấu đó Cô, vì các cháu quen như vậy từ nhỏ rồi. Bây giờ thì các cháu cũng bắt đầu tập học nấu với Mẹ. Tại vì chuyện ăn uống nó quan trọng. Em muốn tập cho các con biết tự lo cho mình.


XNV NL: Tiết kiệm tiền nữa. 


TGT: Dạ, tiết kiệm tiền là một chuyện, nhưng mà em nghĩ cái quan trọng là về sức khỏe, thưa Chị.


XNV NL: Thức ăn ở nhà hàng thì nhiều khi nấu vội đó, với lại mình cũng không kiểm soát được rằng là thức ăn tươi hay như thế nào.


TGT: Dạ, đúng rồi Chị. 


XNV NL: Chỉ có tiết kiệm được thời gian, thế thôi, khi mà mình mệt quá, hoặc là khi mình không có thời giờ mình nấu.


TGT: Khi mình đi sinh hoạt đó Chị, nhiều khi mình đi gặp bạn bè, thì mình đi nhà hàng rất tiện. Với lại em có ba con trai, nên em có dặn các cháu là, các con là nam, nhưng các con vẫn ăn, thì khi mình lấy vợ, mình vẫn phải giúp vợ trong bếp bởi vì, chắc chắn là ở thế kỷ 21 này, thì phụ nữ vẫn phải đi làm. Thì vợ con không thể đi làm giống con rồi về nhà, con lại bắt vợ con nấu bếp hết. Thì con phải biết hết những chuyện trong nhà để chính con cũng chăm sóc gia đình, nhất là lúc vợ con sanh con.  


XNV NL: Trangđài lo xa thế! Tại vì các cháu sẽ nhìn thấy chính bố là người thường xuyên đứng rửa bát sau khi mẹ nấu, thế là các cháu phải bắt chước thôi!


TGT: Chồng em vụng lắm Chị!


XNV NL: Vụng hay không đi nữa, có vỡ hàng chục cái tô cái chén đi nữa, thì biết chắc là Trangđài vẫn cứ nhờ vì chế độ mẫu hệ.


TGT: Dạ, thưa Chị, ngày xưa thì coi như em cũng có làm hư chồng em. Chồng em thì là con trai một, mà văn hóa Thụy Sĩ là phụ hệ. Em nghĩ mỗi xã hội có một nếp sống riêng, nhưng mà em biết được một điều là nếp sống Thụy Sĩ còn khá truyền thống. Cô Huê biết, cái năm em đi Châu Âu nghiên cứu về người Việt ở Thụy Điển, thì em cũng cố gắng đến thăm những nước khác để mình có khái niệm về đời sống của người Việt ở Châu Âu. Thì em thấy đa số phụ nữ Việt Nam ở Thụy Sĩ, ở quê chồng em, họ không có đi làm. Đa số là họ chăm sóc gia đình. Ở Thụy Sĩ, cái tiếng nói của người đàn ông là chính. Thậm chí, người phụ nữ Thụy Sĩ chỉ có bắt đầu được đi bầu vào năm 1971, trong khi đó ở Mỹ thì phụ nữ đã có quyền bầu cử hơn 100 năm rồi.


GS PTH: Như vậy Mỹ vẫn văn minh hơn...


TGT: Dạ, vẫn đi trước về vấn đề nữ quyền. Thì mỗi xã hội và mỗi văn hóa có những nét riêng và những điều hay, dở khác nhau. Cho nên khi chồng em là một người đàn ông Thụy Sĩ, mà đã đi ngược lại với cái văn hóa ngàn đời của đất nước mình để mà kết hợp họ với em thì ảnh là người bạo dạn hơn em!


GS PTH: Liều lĩnh đó! 


XNV NL: Liều lĩnh, can đảm, để chứng tỏ tình yêu đối với một cô gái Việt Nam.


TGT: Dạ, hồi đó em hay bị trách lắm Chị. Cô Huê biết ngày xưa có nhiều người bạn họ giận lắm. Những người sinh hoạt Việt Ngữ chung bảo em, “Tại sao Trangđài yêu tiếng Việt, yêu quê hương Việt Nam, mà lại không lấy người Việt Nam?” Nhưng mà thực sự duyên số có những cái...


GS PTH: Duyên số làm sao mình tránh được phải không?


TGT: Dạ, nhưng mà em có nói như thế này. Em bảo là, “Trời ơi, bây giờ em có một học trò 24/24 để dạy tiếng Việt, dạy văn hóa Việt Nam mà!”


XNV NL: Thế bây giờ trở về cái Tết Nguyên Đán này, Canh Tý này, con chuột này. Thì lý do gì, và cái cơ duyên nào Trangđài lại có một bài thơ nhớ về tình tự quê hương của mùa Xuân?


TGT: Dạ, thì em thấy khi mình sống và có nhiều niềm vui rất là đơn sơ, và mặc dù sống ở Mỹ, nhưng mà tình yêu của em đối với Việt Nam nó vẫn còn rất là lớn, cho nên lúc nào tình thương đó nó vẫn cứ chảy. Bởi vì em được nuôi lớn cả về tâm hồn lẫn thể xác bằng cái dòng sữa văn hóa Việt Nam, cho nên khi làm mẹ, và mặc dù chưa bao giờ được dẫn con về Việt Nam, tại vì Cô Huê và Chị Nhã Lan cũng biết, bây giờ đất nước cũng bị tàn phá rất là nhiều, cái chế độ độc tài vẫn còn đó, cho nên em chưa có cảm thấy thoải mái để đưa con mình về nơi đó. Khi mình có một món quà rất lớn mà mình muốn cho con mình, mà mình không cho được, muốn cho con mình được về thăm quê hương mà mình chưa có đưa con mình về được, thì em rất khắc khoải. Khi em sanh con, thì em thấy, người ta nói chúng ta đi mang theo quê hương, thì chúng ta đã tạo được những Việt Nam nho nhỏ ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng khi làm mẹ, thì em cảm thấy đứa con của mình, những thế hệ mai sau mới chính là quê hương của mình ở đây. Tại vì chính các em sẽ giữ văn hóa, giữ tiếng nói, giữ những cái đẹp của Việt Nam. Và cho dù chúng ta có trở về cái mảnh đất đó hay không, thì chúng ta vẫn có Việt Nam ở trong lòng chúng ta. Cho nên, ngày xưa đi dạy Việt Ngữ, thì trao tình yêu quê hương cho các em học sinh. Đi sinh hoạt cộng đồng thì gửi cái tình yêu đó đến những người mình làm việc chung. Còn bây giờ, có con, thì em dành cho con.


GS PTH: Cô muốn hỏi lại em cái thời thơ ấu của em đó. Tức là em sinh năm 1975, tại Gò Công.


TGT: Dạ, đúng rồi Cô.


GS PTH: Vậy thì nguyên cái đời sống của em đến khi qua Mỹ là ở Gò Công không, hay là có lên Sài Gòn, hay là lên những thành phố lớn để đi học không?


TGT: Dạ em có lên Sài Gòn nhưng mà cũng chỉ ở nhà với các anh chị là nhiều và cũng đi sinh hoạt ca đoàn chút chút, năm cuối trước khi đi Mỹ đó Cô.


GS PTH: Còn nguyên cuộc sống của em là ở dưới Gò Công.


TGT: Dạ. 


GS PTH: Cho nên tất cả những cái hình ảnh về quê hương, mà có thể là từ những lũy tre xanh, từ những dòng sông, từ những con đò, những ruộng lúa này khác… Cô có thể nghĩ được rằng chắc là lúc nào nó cũng lảng vảng trong đầu óc của em, phải không? Có thể là cái thời gian đó đó, là tất cả những cái gì mình học được, tất cả những cái gì mình thấy được, nó không bao giờ quên. 


TGT: Dạ đúng rồi Cô.


GS PTH: Không bao giờ quên. Cho nên là cái trí nhớ của mình, cái tuổi mười một, mười hai, mười ba, mười bốn, khi mà mình đi học, mình đọc những bài thơ, nó in sâu đậm vô rồi. Và bây giờ là như cuốn phim nó từ từ nó mở ra. Và em muốn đưa tất cả những cái hình ảnh, tất cả những cái tâm tình đó trao lại cho những đứa con.


TGT: Dạ, và em cũng biết chắc chắn cái cảm nghiệm của các con về quê hương sẽ rất là khác. Mỗi lần em đọc sách cho con nghe, như về kinh nghiệm của những người thuyền nhân khi họ mới tới Mỹ, nhiều khi em rất là xúc động, nên em phải ngưng lại vì nghẹn lời, không đọc được nữa.


XNV NL: Vì cái đó, chính mình đã trãi nghiệm qua, và cái đó nó chạm vào trái tim của mình đậm nhất và sâu nhất. Nhưng mà mình vẫn có thể truyền lại cho con mấy chục phần trăm thì cũng đã thấy được quê hương ngay ở xứ người này, và ngay ở trong lòng của con mình. Bây giờ Trangđài có thể cho qúy khán thính giả được biết là bài thơ tình tự quê hương của Trangđài gửi đến cho con như thế nào?


TGT: Dạ, vậy bây giờ em xin phép Cô Huê, xin phép Chị Nhã Lan, xin phép quý khán thính giả, Trangđài đọc bài thơ. Cũng rất là ngắn thôi. Dạ. 


con là quê hương của mẹ

(Trích từ tuyển tập thơ “MÙA YÊU CON Thứ nhất,” 2012)


Dấu Yêu ơi,

Con yêu dấu yêu ơi!


mỗi bập bẹ

khuyến thiện vách tường

mân mê ngày tháng cũ

con ô a

đàn trẻ lớp vỡ lòng

lay trường làng thức dậy trước hừng đông


mắt nheo nheo, nháy nháy, gieo tình

thắt thỏm sông rạch

xao xuyến gió hè

ruộng xa 


bàn tay mềm như gió trời mới nở

xoa vào nghìn giấc ngủ của hôm qua

bùn non

mẫn mịn

tan giòn 


tiếng cười thấm vào không gian

xe chỉ vấn vương  

luồn tơ lưu luyến

mẹ nhớ mình cười vài thập niên trước

và một quê hương lẽo đẽo đi cày  


ôi, Dấu Yêu, con hít vào khoảng trống  

xả hồng trần, muôn lượng kiếp trước, sau 

trống như nắng, như đêm chưa kịp ngủ

rỗng như trời, như ống trúc, mo cau


ôi, Yêu Dấu, con thở ra trăm cõi

xõa quê hương trên vũng nhớ đơn côi

mùi mía thơm trong nắng Tết trắng vôi  

mùa tảo mộ nửa con trăng Nguyên Đán 


con đã đến, quê hương thôi lẻ bóng

quê-hương-con bòng bọng nước tao phùng


XNV NL: Cái câu cuối đó, “quê-hương-con bòng bọng nước tao phùng.” Nhờ thi sĩ có thể giải ảo câu đó được không?


TGT: Em thấy nó rõ từng câu từng chữ mà chị bảo ảo là ảo chỗ nào? Ảo là tại vì chị nghĩ xa xôi đó!


XNV NL: Tại vì trong bài thơ đó, có nhắc đến ‘xe chỉ,’ giống như ‘xe chỉ luồn kim.’


TGT: Dạ, đúng rồi Chị. 


XNV NL: Là những bài hát đồng dao và dân ca Bắc Bộ. Và vẫn có ống trúc, tre làng. Và cái hình ảnh đó, ngay cả những người thế hệ một, hay một rưỡi như Nhã Lan cũng vẫn chưa hề được hưởng. Lý do, là người ở thành phố. Thì đó là một cái điều rất là hối tiếc vô vàn, là vì bây giờ có thể trở về Việt Nam cũng sẽ không tìm ra được những hình ảnh đó. Và phải dùng trí tưởng tượng của mình, và nhờ thơ văn. Và thưa quý vị, Nhã Lan phải xin khoe dùm cho Trangđài, là chính cái bài thơ mà cô nói rất là giản dị, nói, “Con là Quê Hương,” đã được nhạc sĩ “Về Đây Nghe Em, về đây mặc áo the, đi guốc mộc…” đó là Nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc. Và chính ông cũng là người hát bài hát này. Có lẽ là chính nhạc sĩ đã cảm khái lắm bài thơ của Trangđài. Có phải đó là lý do tại sao Nhạc sĩ “Về Đây Nghe Em" Trần Quang Lộc lại phổ cái bài thơ này? Và chính ông là người hát nữa? Trangđài phải bật mí nhá!


TGT: Không! Em dại gì mà bật mí Chị! Chị muốn hỏi câu đó thì phải hỏi Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, đúng không? Thôi bây giờ em trở lại cái câu giải ảo đi há! “con đã đến, quê hương thôi lẻ bóng.” Khi một nhân sinh mới chào đời ngay từ trong chính cung lòng của mình, thì đó là một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Đó là một sự bắt đầu mới không chỉ cho gia đình của em, mà nó là sự tiếp nối cho một thế hệ mới của người Việt tại hải ngoại. Và em phải ý thức điều đó vì mình biết đó là trách nhiệm của một người mẹ, phải dạy con mình làm sao để chính con mình phải đóng góp vào trong cộng đồng người Việt hải ngoại, cũng như là đóng góp cho quê hương. Cho nên, có con đến, thì trước giờ quê hương giống như còn lẻ loi, bây giờ có con, là có quê hương ở trong con, cho nên có một cái sự tái hợp và có được một đời sống mới cho chính quê hương mà mình cảm nhận được, thưa Chị. Tại vì, khi mình nhìn về một gia đình, thì Chị thấy có nhiều người ở tuổi ông bà mà họ chưa bao giờ được làm ông bà hết. Thì Cô Huê, Chị Nhã Lan, và quý khán thính giả tưởng tượng một người mong được bế cháu mà cuối cùng được bế cháu thì cái niềm vui đó lớn lắm. Đối với em, thì khi có một đứa bé mang dòng máu Việt Nam được sinh ra ở hải ngoại thì quê hương mà chúng ta đang xây dựng  được nhân rộng lên. Một quê hương Việt Nam tự do, ở ngoài Việt Nam. Quê-hương-con, thì em viết dính liền với nhau bằng gạch nối. Đây là một chữ mà em đặt ra để ám chỉ cả một cái quê hương và con ở trong nhau. “bòng bọng nước tao phùng.” Là phụ nữ thì chúng ta biết, có mang thì có bầu nước ối. Và khi bầu nước ối nó bể, thì mình sanh con. Khi nước ối đó vỡ ra...


XNV NL: Thì đứa trẻ chào đời phải không?


TGT: Dạ, và một cái duyên mới đã được hình thành. Thì “bòng bọng nước tao phùng" là như vậy. Cái duyên tao phùng. Cái duyên tao ngộ đã đến. Con gặp quê hương. Mẹ được thấy con trong quê hương. Hết ảo rồi Chị nhỉ?


XNV NL: Chắc chắn là phải hết chứ! Giờ này thi sĩ đã vận dụng biết bao nhiêu là từ ngữ, rồi múa tay múa chân như thế, mà còn lại lắc đầu… 


TGT: Chị Nhã Lan hay đàn áp em. 


XNV NL: Nhã Lan không muốn quý khán thính giả sau khi nghe chương trình, nhất là sau khi nghe bài thơ chính tác giả đọc, và lại nghe phổ thành bài hát chính Nhạc sĩ Trần Quang Lộc hát, mà rồi vẫn không hiểu, cái chữ ‘bỏng bỏng' này là cổ muốn nói cái nước gì? Vì đó, khi mà Trangđài giải thích ra, thì những người phụ nữ nào đã, đang, và sắp làm Mẹ sẽ cảm thấy rất hạnh phúc trong cái câu cuối, là vì mình, chính mình đã là người được Thượng Đế ban tặng cho mình cái duyên may để mình cho ra một cái duyên mới, để tạo ra một cái thế hệ mới. Và nếu, như là Trangđài nói, là ấp ủ cái tấm lòng và muốn gởi đến cho tất cả các bà mẹ, là chúng ta đã có được một cái hạnh phúc là chúng ta đã tạo ra một thế hệ mới, những mầm non mới, và chúng ta có cơ hội để tạo ra những cái hoa trái thật đẹp, thật tốt, mang đầy cái quê-hương-con. Và ngay cả người mẹ cũng hạnh phúc, là vì mình nhìn thấy con và mình nhìn thấy quê hương trong đứa con. Có phải là hạnh phúc nhân đôi lên và cấp số nhân phải không?


TGT: Mà trách nhiệm cũng nhiều, thưa Chị. 


XNV NL: Trách nhiệm là nặng trên vai người phụ nữ. Như thế thì là người phụ nữ mới lương 200 ngàn. Bằng lương một ông CEO mà không cần đi học một chữ nào cả. À, bây giờ trở về với thực tế nè! Con của Trangđài đó, là sinh ở Mỹ, quê nội thì ở Thuỵ Sĩ. Thế thì mỗi lần Tết như vậy đó thì các cháu thích gì nhất? Khi nhắc đến Tết Việt Nam thì các cháu thích gì? Có biết lì xì không?


TGT: Cái đó thì các cháu cũng không quan tâm nhiều lắm Chị. Nhưng mà có việc em dạy cho con chuẩn bị Tết trong nhà thì các cháu rất thích. Cô Huê biết những năm em còn khỏe...


XNV NL: Có thích bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu...


TGT: Dạ, thịt kho tàu là món của Bà Ngoại làm, mình không có dám qua mặt. Có những món mình phải để dành cho Bà Ngoại, thưa Chị. Chứ nếu không Bà Ngoại nói mình lấn sân làm sao! Dạ. Ông xã em hay nói, “Mẹ nấu ăn ngon nhất trên đời!” Nhưng về nhà lại nháy mắt với vợ, “Em nấu ăn ngon nhất!”


XNV NL: Cô giáo là người của Gò Công chứ cô giáo đâu phải là người của Bắc Kỳ đâu mà miệng dẻo thế?


TGT: Dẻo là Chị nói, đâu phải em nói. 


XNV NL: Anh chàng chồng ấy, miệng dẻo, miệng như mật ong ấy!


TGT: Nhưng mà có năm thì em cũng cắm hoa, và bày những vật trang trí trong nhà đơn sơ thì cho các con làm. Hoặc là cho các con vẽ hình hoa mai, các thứ, thưa Chị. Có năm em cũng lấy nếp rồi làm bánh tét chuối, thưa Cô Huê. Em làm những cái gì rất là đơn giản để có sinh hoạt trong gia đình cho các con.


XNV NL: Các con thấy luôn hả?


TGT: Dạ, mình cho các con làm luôn Chị. Rồi mình cũng bắt trên lò mình nấu. Có năm thì ở Bowers Museum có chương trình triển lãm Tết của Freeman Foundation đó Chị, nhưng mà họ làm vào mùa hè, thì em cũng đưa các con đi dự.


XNV NL: Sao Tết lại làm mùa hè?


TGT: Em nghĩ chắc họ sắp xếp được lúc nào thì họ làm lúc đó thôi Chị. Tại vì em nghĩ nếu họ làm vào mùa Tết thì họ không cạnh tranh lại với những sinh hoạt Tết trong cộng đồng Việt Nam của mình. Em nghĩ đó là sự sáng suốt của họ. Ngày xưa em đi làm ở Học khu Westminster hay là em cũng hay làm những chương trình Tết workshop cho các Học khu, thì em cũng đến đánh đàn tranh cho các em, dạy các em múa hát, rồi nói về lúa, rồi dạy các em nhiều thứ khác nhau. Thì năm vừa rồi em cũng làm nguyên một chương trình Tết cho một trường tiểu học và Junior High (trung cấp) ở Garden Grove, chỗ mà các cháu học. Cậu Út cứ nói, “Mẹ ơi, con muốn Mẹ dạy cái đó nữa.” Dạy cho các em múa, hát...


XNV NL: Có dạy đàn tranh không?


TGT: Dạ, đàn tranh thì chưa dạy nổi, thưa Chị. Có nhiều việc quá! Dạy hát. Rồi dạy các em đọc ca dao Việt Nam, “Công Cha như núi Thái Sơn…” Dạ, rồi dạy về tranh Đông Hồ, cho các em vẽ tranh. Ngày xưa nghệ nhân đâu có dùng những hộp màu như bây giờ, mà dùng những vật liệu từ thiên nhiên.


XNV NL: Dùng vật liệu từ thiên nhiên để vẽ tranh Đông Hồ hả? Hay quá!


TGT: Dạ, ở nhà các cháu cũng hay vẽ, nên trong nhà lúc nào cũng treo đầy giấy tờ...


XNV NL: Đầy tranh!


TGT: Dạ, giấy tờ. Em không dám gọi là tranh, vì trẻ con vẽ thì theo cái cảm hứng của các cháu. 


XNV NL: Tranh trong nhà của em. Thế thôi.


TGT: Nhưng mà thằng bé năm tuổi thì nó biết hết. Nên khi nó vẽ xong nó bảo, “Mẹ ơi, Mẹ treo lên.” Vì khi mà các cháu vẽ thì em hay treo lên nên các cháu đã quen như vậy. Đây cũng là cách giúp các cháu phát triển khả năng sáng tạo, cũng như là nó quý những cái gì nó tạo ra, giúp cho các em có sự tự tin cũng như là giúp cho các em thấy được cái gía trị của tác phẩm của nó, của công việc của nó.

GS PTH: Nhất là các em bây giờ nó rất là năng động, cho nên có những cái sinh hoạt như vậy cho các em, nhất là có những bức tranh sẵn như vậy, các em coi rồi nó vẽ theo. Nhất là trong bức tranh Đông Hồ, coi nó rất là đơn giản, cho nên các em chỉ có bút màu này khác là có thể vẽ ra được, nhất là trong cái tuổi này nữa há. Cho nên bà mẹ lại càng bận bịu hơn.


XNV NL: Bây giờ thì mời Trangđài gửi một lời chúc Tết đến quý khán thính giả, nhất là chia sẻ một lời khuyên để làm thế nào để có một ngày Tết gia đình đầm ấm?


TGT: Thì Trangđài cũng chỉ xin chia sẻ những kinh nghiệm rất là bình thường của mình. Kính thưa quý khán thính giả, ngày Tết Việt Nam thì có bao nhiêu là thuần phong mỹ tục, và mỗi người chúng ta, tuỳ hoàn cảnh sống, hoàn cảnh sinh trưởng ở Việt Nam, ở miền quê hay ở thị thành, hay là sinh trưởng ở hải ngoại, thì mỗi chúng ta có những cái cảm nhận riêng về Tết. Những cái nét đẹp nhất về Tết chính là qua những cái kinh nghiệm mà mình đã có được khi còn thơ ấu ngay với gia đình của mình. Trangđài nghĩ không có một cái khuôn mẫu nào cho một cái ngày Tết hoàn hảo, mà mỗi gia đình sẽ tạo ra cho mình cái không khí Tết của riêng mình. Nhưng quy tụ lại, ngày Tết là cái ngày thiêng liêng, để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên. Ở Mỹ thì không biết quý vị có đi tảo mộ, đi thăm mộ để chuẩn bị cho ngày Tết hay không, nhưng mà đó là một trong những phong tục đón Tết ở Việt Nam. Và đó cũng là dịp chúng ta nói với các con về Ông Bà, về gia đình, để nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công Ông Bà đã gầy dựng nên gia đình để có được những thế hệ hôm nay. Chúng ta có thể giúp cho các em hiểu được những cái nét đẹp của ngày Tết, chẳng hạn như là khai bút đầu năm, chuẩn bị  nhà cửa, chuẩn bị tâm hồn của mình, chuẩn bị tư tưởng của mình cho một năm mới, thay đổi, để có những dự tính tốt đẹp hơn cho tương lai. Thì mùa Xuân là một cái mùa của renewal, của một mùa để làm mới, có thêm một đời sống mới. Trangđài xin chúc quý khán thính giả, trong năm mới Canh Tý này, được nhiều niềm vui, được nhiều sức khoẻ, và hạnh phúc. Kho báu lớn nhất của bất cứ ai trong chúng ta có cái diễm phúc được làm cha mẹ đó chính là con cái chúng ta. Xin chúc tất cả quý vị làm cha làm mẹ luôn biết trân trọng, bảo quản, và chăm sóc cho cái kho báu đó để tất cả chúng ta cùng xây dựng một nước Việt Nam bằng những thế hệ tương lai tài trí, có lòng, và luôn luôn muốn đóng góp cho đời.


XNV NL: Cảm ơn Trangđài rất là nhiều. Giáo sư Huê cũng như Nhã Lan phải copy lời chúc của Trangđài, và hy vọng mỗi năm đến sẽ gặp lại bà mẹ ba con, cùng với sự trưởng thành của các cháu, trở nên những vị nhân tài, vừa có tài, vừa có đức, và nhất là lúc nào cũng là “Quê-Hương-Con.” Cảm ơn Trangđài rất nhiều, và cùng với Cô Huê và quý khán thính giả, Nhã Lan thể nào cũng gặp Trangđài vào một dịp nào đó về vấn đề hướng dẫn, giáo dục, và cùng nhau sinh hoạt với con trẻ trong năm tới, nhé.


GS PTH: Cám ơn em.


XNV NL: Dạ vâng, thưa quý vị, chương trình Trường Học Trường Đời ngày hôm nay, với lời chúc của Thi sĩ, bà mẹ trẻ ba con Trangđài Glassey-Trầnguyễn, với lời chúc mà Nhã Lan nghĩ rằng, lời chúc đó không còn một lời chúc nào hay hơn, và đẹp hơn, và tuyệt vời hơn, và chân thành nhất từ trái tim của một người mẹ yêu con và yêu quê hương. Thưa quý vị, chương trình Trường Học Trường Đời đến đây xin tạm chấm dứt. Chúng tôi xin kính hẹn quý khán thính giả trong chương trình Trường Học Trường Đời ký tới ạ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào chiều ngày Chủ Nhật 02/25/2024, nhân dịp những ngày đầu năm Giáp Thìn, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đã ghé thăm và có một buổi pháp thoại tại Thiền Đường Huệ Hải. Thiền đường này được thành lập cách đây hơn một năm bởi một người học trò cũ của Thầy, hiện nay là nơi sinh hoạt của một số nhóm Phật tử ở khu vực Little Saigon.
Chánh Án Chris Phan tốt nghiệp đại học Indiana- đại học Purdue tại Indianapolis với văn bằng Cử Nhân Nghệ Thuật (BA Biology, 1996), tiến sĩ Luật khoa năm 1999 tại đại học Southern Illinois. Ông là chủ biên tạp chí luật Southern Illinois, tác giả sách “Physicians Unionization’s Impact on the Medical Profession”, Journal of Legal Medicine, March, 1999...
Hiệp Hội Phát Huy Công Lý cho người Mỹ gốc Á, Nam California (AJSOCAL) được thành lập năm 1983, là tổ chức vô vụ lợi về quyền công dân và pháp lý lớn nhất quốc gia dành cho người Mỹ gốc Á Châu và người dân các đảo Thái Bình Dương...
Hàng năm, Bộ Ngoại giao chấp thuận rất nhiều thị thực cho công dân Việt Nam đến Hoa Kỳ để tham gia vào các hoạt động giải trí và biểu diễn nghệ thuật. Những chuyến thăm như vậy rất quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ văn hóa mật thiết giữa hai quốc gia chúng ta. Tuy nhiên, trái với tinh thần trao đổi song phương mang tính công bằng, nguyên tắc ngoại giao cơ bản của quốc tế, các nghệ sĩ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam không được hưởng các quyền hoạt động nghệ thuật tự do giống như khi chúng tôi đón tiếp các nghệ sĩ Việt Nam.
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Encinitas, Glendale, Hermosa Beach và bây giờ là Laguna Beach đều có một điểm chung là sẽ giúp loại bỏ một thứ không quá đặc biệt khỏi bầu trời. Cả bốn thành phố đều đã cấm bán bóng tráng kim vì những rắc rối khi thả ra ngoài trời, trong đó Laguna Beach vào ngày 1 tháng Giêng cũng đã tham gia vào danh sách các thành phố có lệnh cấm đã được Glendale và Hermosa Beach chấp thuận vào năm 2020 và Encinitas vào năm 2022.
Trong chuyên mục của tháng này, chúng tôi muốn chia sẻ những điểm mới về phúc lợi xã hội vào năm 2024. Nếu quý vị có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, Thị Trường Bảo Hiểm Y Tế theo Đạo Luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, Phúc lợi Hưu Trí An Sinh Xã hội, Thu Nhập An Sinh Bổ Sung hoặc tiêm chủng ngừa COVID/Cúm, có 3 cách quý vị có thể liên lạc với chúng tôi ngay hôm nay:
Covered California đã mở ra quy trình ghi danh cho Chương Trình Điều Hướng của mình, với số tiền lên tới 33,9 triệu đô la được cấp trong ba năm tới cho các tổ chức cộng đồng hướng đến việc giúp các cá nhân và gia đình hiểu rõ sự cần thiết và ghi danh để có bảo hiểm y tế, tập trung vào các cộng đồng đa dạng và chưa được phục vụ đầy đủ
Như thông lệ hằng năm sau ngày Tết, gia đình Mũ Đỏ Nam Cali và vùng phụ cận đều tổ chức buổi họp mặt Tân Xuân Hội Ngộ. Tiệc Tân Xuân Hội Ngộ Giáp Thìn 2024 diễn ra vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật ngày 18 tháng 2 năm 2024 tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 3
Hằng năm cứ vào dịp Tết Nguyên Đán các Thầy, Cô và cựu học sinh Bưởi Chu Văn An Nam California đều tổ chức họp mặt mừng Xuân, kỷ niệm ngày sinh của Thầy Chu Văn An. Tiệc mừng Tân Xuân Giáp Thìn 2024 của Hội Bưởi-Chu Văn An được tổ chức vào lúc 11 giờ trưa Thứ Bẩy ngày 17 tháng 02 năm 2024 tại nhà hàng Diamond Seafood số 1 (trên đường Lampson-và góc Beach)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.