Hôm nay,  

Tiếng Chim Thanh Đã Chính Thức Vượt Thời Gian

17/03/202022:09:00(Xem: 7855)
thai-thanh
Ảnh: phamduy.com

Vào sáng ngày 17/03, giới yêu nhạc Việt Nam nhận thêm một tin buồn: nữ ca sĩ Thái Thanh đã về cõi vĩnh hằng tại miền Nam Cali trong tình thương yêu của con cháu, gia đình, hưởng thọ 86 tuổi.

Như vậy là Tiếng Chim Thanh đã chính thức  vượt khái niệm thời gian để sống với đời sống không có tuổi tác trong lòng hàng triệu người ngưỡng mộ. Tiếng Chim Thanh là cách gọi riêng của nhạc sĩ Phạm Duy đối với giọng hát gắn liền với nhiều ca khúc bất tử của ông. Còn Tiếng Hát Vượt Thời Gian là biệt danh của nhà văn Mai Thảo, sau này cũng gắn liền với cái tên Thái Thanh như một định ngữ chính xác nhất dành cho tiếng hát của bà.
Có thể nói rằng, cũng giống như nhạc sĩ Phạm Duy trong giới sáng tác ca khúc, giọng hát của ca sĩ Thái Thanh có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong giới ca sĩ Việt Nam của mọi thời đại. Mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Trích tiểu sử của Thái Thanh trên trang mạng Wikipedia: “…Thái Thanh tên khai sinh Phạm Thị Băng Thanh; sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Bạch MaiHà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là Phạm Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh…Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi. Cũng năm này Thái Hằng cưới nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1951 gia đình Phạm Duy về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn sống, Thái Thanh cũng đi theo… Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh tại Sài Gòn… có chung với nhau ba con gái và hai con trai...Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 14 tuổi với các nghệ danh Băng Thanh, Thái Thanh… Thời kỳ đầu, bà thường hát chung với ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh và nổi tiếng với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy… Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường Đêm Màu Hồng...Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ở lại Việt Nam. Ban đầu bà được chính quyền cộng sản mời biểu diễn các ca khúc cách mạng, nhưng Thái Thanh không chấp nhận. Do không có thái độ hợp tác, bà bị cấm hát suốt 10 năm, cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1985...”

Nhắc đến Thái Thanh, khán giả thường liên tưởng đến một giọng hát có đầy kỹ thuật điêu luyện theo kiểu opera, nhưng lại có những lối ngân nga, luyến láy, buông chữ, chấm ngắt câu như cách hát các làn điệu dân ca cổ truyền của miền Bắc Việt Nam. Một sự phối hợp Đông – Tây tuyệt hảo đến mức hiếm thấy. Khi Thái Thanh hát các ca khúc cổ điển do Phạm Duy đặt lời Việt như Dòng Sông Xanh, Chiều Tà, Dạ Khúc… người nghe nghĩ rằng đây là một giọng hát được đào tạo chính qui từ các trường âm nhạc Tây Phương. Nhưng khi Thái Thanh hát các ca khúc dân ca cải biên của Phạm Duy như Bà Mẹ Quê, Ngày Trở Về, Dân Ca Thương Binh… khán giả lại tưởng như nghe một giọng hát ru của một bà mẹ quê miền Bắc.

Giọng hát Thái Thanh không phô diễn kỹ thuật, mà dùng kỹ thuật để diễn tả cái hồn của bài hát và tâm tư của chính mình. Nghe bà hát, người nghe luôn có cảm tưởng là bà hiểu rất rõ những tâm sự mà tác giả gởi vào ca khúc. Mà có khi đó lại là tâm sự, kinh nghiệm sống của chính Thái Thanh. Nếu như sống trọn vẹn cuộc đời của mình là chìa khoá để Phạm Duy có những ca khúc để đời, thì có lẽ thương yêu- hờn giận, khóc- cười với cả trọn vẹn con tim đã khiến tiếng hát Thái Thanh đi thẳng vào lòng người. Có nhiều khán giả có cùng nhận xét: khi còn trẻ, họ chưa cảm được tiếng hát Thái Thanh. Chỉ khi nào đã lăn lộn trong cuộc sống, đã yêu, đã thất tình, đã hưởng vinh chịu nhục trong xã hội, lúc đó mới thấy Thái Thanh hát hay đến chừng nào! Một câu hát trong một bài hát thường được dùng để đại diện cho sự độc nhất vô nhị của giọng hát Thái Thanh: câu đầu tiên trong ca khúc Buồn Tàn Thu. “Ai… lướt… đi ngoài sương gió…” . Trong ba trường canh đầu, tác giả Văn Cao chỉ viết có đúng 6 nốt nhạc. Không luyến láy. Như vậy mà chỉ trong 6 nốt nhạc này, giọng hát Thái Thanh như vẽ ra được cả một khung cảnh trời thu hiu hắt, gió thu lạnh, có bóng một người cô lữ đang lầm lũi trên đường vắng. Từ “lướt” là nốt cao nhất, nhưng Thái Thanh chỉ “lướt” qua nó, nhẹ và buồn như một làn gió thu heo may. Nhiều người cho rằng đây là cách diễn đạt hay nhất của một ca sĩ đối với câu hát bất hủ này.


Nói đến Thái Thanh, là nhắc đến ca khúc của Phạm Duy. Những ai lớn lên trong Miền Nam trước 1975, đã từng xem truyền hình, có lẽ sẽ không thể quên được tiếng hát Thái Thanh với ca khúc Tình Hoài Hương, trong đoạn mở đầu của chương trình Quê Hương Mến Yêu. Hình ảnh những con sông đào quanh co của miền Nam, với cô lái đò chèo thuyền qua những hàng dừa nghiêng bóng, những chiếc cầu khỉ đơn sơ. Tiếng hát Thái Thanh sâu thẳm làm nền cho quê hương sông nước Miền Nam:

Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya, vẳng tiếng lúa đê mê…

Những ca khúc quê hương của Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương Việt Nam của biết bao thế hệ. Không thể kể hết những ca khúc Phạm Duy- tiếng hát Thái Thanh đã làm nét đẹp của đất nước- con người- tiếng nói Việt Nam trở thành bất tử: Tình Ca, Quê Nghèo, Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Về Miền Trung, Chiều Về Trên Sông… Có người mê “Cô Thái” đến độ quả quyết rằng những ca khúc này “Cô Thái” đã đụng vào, thì không ai có thể hát hay hơn được! Mà “Cô Thái” đâu chỉ hát hay có ca khúc quê hương. Tình ca Phạm Duy cũng không thiếu những dấu ấn Thái Thanh: Nghìn Trùng Xa Cách, Tìm Nhau, Nước Mắt Rơi... Rồi những ca khúc mà chỉ có kỹ thuật chất giọng của Thái Thanh mới có thể diễn tả được, như Đường Chiều Lá Rụng. Còn phải kể đến 10 Bài Đạo Ca, với giọng hát Thái Thanh trước 1975 được giữ nguyên trong lần tái bản sau này tại hải ngoại. Có lẽ không thể đi tìm sự toàn hảo hơn cho tập ca khúc này, được thực hiện vào giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của cả Phạm Duy và Thái Thanh.
PhamDuy&ThangLong-01
Hàng đứng từ trái: Hoài Trung, Hoài Bắc, Phạm Đình Sỹ, ông Thăng. Hàng ngồi từ trái: Phạm Duy, Thái Hằng, Kiều Hạnh, Thái Thanh


Mà cũng sẽ là thiếu sót nếu nghĩ rằng Thái Thanh chỉ hát nhạc Phạm Duy mới hay. Thật ra, giọng hát Thái Thanh cũng gắn liền với nhiều ca khúc của Văn Cao (Buồn Tàn Thu, Bến Xuân), Dương Thiệu Tước (Bến Xuân Xanh), Phạm Đình Chương (cùng với Ban Hợp Ca Thăng Long trong trường ca Hội Trùng Dương, xuân khúc Ly Rượu Mừng…). Có thể nói rằng Thái Thanh là một phần không thể thiếu của nền âm nhạc Miền Nam trước 1975.
Những ngày Thái Thanh ở lại Việt Nam sau 1975, người ca sĩ đã không hát. Trong Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, Phạm Duy đã viết một phân khúc để nhắc đến Thái Thanh mang tên Lên Rừng Ba Mươi Sáu Thứ Chim, trong đó có đoạn:

…Nơi rừng nhà ba mươi sáu ơ chim ơ loài chim
Có con chim ở lại, có con chim đi rồi
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
Chim ở lại quyết, quyết không thua
Chim thuở nào, chim đã hót ơ
Tiếng chim vượt thời gian
Hát cho cho cuộc sống, hát cho cho cuộc tình
Quan họ rằng tôi hiểu rằng
Rằng chim hót tiếng chim Thanh
Chim ở nhà chim không hót ơ
Chim nhất định lặng thinh
Dẫu cho chim thèm khóc, dẫu cho chim thèm cười
Quan họ rằng tôi hiểu rằng
Chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh…

Rồi Tiếng Chim Thanh cũng ra được với bầu trời tự do, để lại cất cao tiếng hát tại hải ngoại một lần nữa. Trong một lần trả lời phỏng vấn với Đài VOA khi vừa sang Hoa Kỳ, khi được hỏi có nhắn nhủ gì với những người còn ở lại Việt Nam, Thái Thanh đã trích lời của nữ văn sĩ Pearl Buck: hãy sống dai hơn những gì mà mình không thích…

Nhưng rồi…Thái Thanh, cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam khác, đã không thể sống lâu hơn, để nhìn thấy một đất nước Việt Nam với bầu trời tự do, hương thanh bình dâng phơi phới như bà đã từng được hít thở…

Nhưng cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ không ai có thể đem quê hương Việt Nam ra khỏi trái tim, tâm hồn của Thái Thanh. Bà đã từng và sẽ sống mãi với Mẹ Việt Nam. Và chính tiếng hát của Thái Thanh cũng đã trở thành một biểu tượng của Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, Biển Mẹ Việt Nam. Thái Thanh bây giờ chỉ hóa thân để trở về với Mẹ, để hòa quyện vào Mẹ Việt Nam muôn thuở:

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi
Ôi! Mẹ Việt Nam!... (Trường Ca Mẹ Việt Nam)

Tiếng Chim Thanh nay đã vĩnh viễn vượt thời gian, không gian…
Cung Mi

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 14 tháng 4, năm 2024, văn thi sĩ Y Thy Võ Phú có buổi ra mắt tập truyện ngắn "Xóm Chài" và tập thơ "Nhật Ký 6/8 2023" của anh tại Mason District Government Center. Với hơn 150 thân hữu và bạn hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách của văn thi sĩ trẻ trong vùng Hoa Thịnh Đốn.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Medi-Cal hiện nay đang chăm sóc y tế cho khoảng 1/3 dân số California, đang đi đầu trong cuộc cách mạng y tế toàn dân ở nước Mỹ.
Sky River Casino hào hứng giới thiệu một loạt những chương trình khuyến mãi vô cùng kích thích vào Tháng Tư này, hứa hẹn một Mùa Xuân ngập tràn cơ hội vui đùa, kích thích, và trúng lớn. Thêm vào đó, Sky River Casino thật là hãnh diễn và kích thích loan báo việc vừa mới kết hợp với Đội Bóng Đá Sacramento Republic FC. Việc kết hợp này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm giải trí cho quý vị khách cũng như 'fan' mà còn nhằm vinh danh và hỗ trợ di sản phong phú của Bộ tộc Wilton Rancheria và sự kết nối có từ thời tiên tổ của Bộ tộc với vùng Sacramento.
Pechanga Resort Casino hãnh diện tổ chức Cuộc Tranh Giải Golf Pro-Am Thường Niên Lần Thứ 17 của Character Media vào những ngày 9 Tháng Tư, 2024 tại sân Golf thượng hạng Journey at Pechanga của cơ sở resort-casino này. Cuộc tranh giải thể thao đặc biệt này sẽ có sự tham dự của những tay Golf nữ tên tuổi như Ashley Lau, Robyn Choi, Jennifer Chang, Soo Bin Joo và Ssu-Chia Cheng.
Quý vị không có bảo hiểm răng hoặc bảo hiểm mắt? Quý vị chưa có giấy tờ cư trú hợp pháp và cần ghi danh Medi-Cal? Gia đình quý vị có cần giúp đỡ về thực phẩm không? Kính mời quý vị đến hội chợ mang chủ đề sức khỏe của chúng tôi vào Thứ Bảy tuần này từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều tại Valley High School, 1801 S Greenville St., Santa Ana, CA 92704! Tất cả các dịch vụ đều miễn phí! Hãy mời bạn bè và hàng xóm của quý vị cùng tham gia!
Vào trưa ngày Thứ Năm 4 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về Listas California, một chương trình của Văn Phòng Dịch Vụ Khẩn Cấp Thống Đốc California (Cal OES), nhằm dành cho phụ nữ vai trò trung tâm của gia đình trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp, thiên tai.
Để có phương tiện cho việc tổ chức Đại Lễ Phật Đản PL. 2568-2024 do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Cộng Đồng Phật Giáo Miền Nam California sẽ được tổ chức tại Công Viên Garden Grove Park, Thành Phố Garden Grove, Miền Nam California vào các ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, 04 và 05 tháng 5 năm 2024 với Chủ Đề “Phật Giáo và Hòa Bình”
Tại Chùa Từ Ấn, 32693 Gruwell St Wildomar, CA 92595 do Thượng Tọa Thích Pháp Tánh làm Viện Chủ, TT. Cũng là Hội Phó Hội Thân Hữu Già Lam, đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng Niệm 40 năm Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ viên tịch và họp mặt Thân Hữu Già Lam Lần Thứ 18 -2024, diễn ra trong hai ngày Thứ Sáu, ngày 05 và Thứ Bảy, ngày 06 tháng 4 năm 2024. Buổi lễ tưởng niệm Cúng kỵ Ôn Già Lam và Hiệp kỵ quý Thầy hội viên Hội THGL trong đó có Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, HT. Thích Thái Siêu, HT. Thích Hạnh Tuấn, HT. Thích Quảng Thanh… diễn ra vào lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy ngày 6 tháng 4 năm 2024, tham dự buổi lễ ngoài quý chư tôn đức Tăng, chư tôn đức Ni trong hội Thân Hữu Già Lam đến từ các Tiểu Bang tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada … còn có một số đông Phật tử tham dự.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.