Hôm nay,  

GS Lê Xuân Khoa Viết Lời Tựa Hồi Ký của TS Đinh Xuân Quân

01/01/202006:10:00(Xem: 5538)

GS Lê Xuân Khoa Viết Lời Tựa

Hồi Ký của TS Đinh Xuân Quân

 

 

(LTS Việt Báo: Tiến sĩ Đinh Xuân Quân vừa xuất bản tập hồi ký "Từ Sàigòn Đến Kabul" và sẽ có buổi ra mắt sách vào Thứ Bẩy 15 tháng 2/2020 từ 1.00 – đến 4.00 chiều tại Westminster Community Services Center, 8200 Westminster Blvd, CA 92683. Bài sau đây do GS Lê Xuân Khoa viết được Tiến sĩ Đinh Xuân Quân dùng làm Lời Tựa cho sách "Từ Sàigòn Đến Kabul". Bài Tựa như sau.)

  

Lời Tựa

 

Lê Xuân Khoa

 

 

Hồi ký là một thể loại trong văn học thường được người viết sử dụng để chia sẻ với độc giả những thông tin về hoạt động của mình trong xã hội với tư cách một tác nhân, chứng nhân, nạn nhân, hay cả ba. Qua những vai trò này, những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thành công hay thất bại của người viết có thể đem lại nhiều bài học có lợi ích cho sự phát triển của cá nhân và xã hội. Những bài học này càng hữu ích nếu được trình bày trung thực bởi những nhân vật từng tham gia chính quyền trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động với mục đích làm sáng tỏ một số sự kiện quan trọng ít người biết đến, hoặc bởi những lãnh đạo chính trị và quân sự cần biện minh cho những quyết định bị đánh giá là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến thua trận và mất nước vào tháng Tư 1975.

 

Sau khi VNCH sụp đổ, ngoài những thiên hồi ký của những nhân vật chính trị hay tướng lãnh viết về vai trò của mình trong cuộc chiến đã qua, đa số tác giả khác là người tị nạn viết về những cuộc vượt thoát gian nan và bi thảm bằng đường biển hay đường bộ, hay những cựu tù nhân cải tạo viết về đời sống khốn khổ và chế độ đối xử tàn ác ngoài sức tưởng tượng trong các trại tù cộng sản. Tất cả những nạn nhân cộng sản còn sống sót cho đến ngày được nhận định cư ở một quốc gia tự do, nhất là các cựu tù cải tạo, đều nhờ ở sức khỏe trời cho, ý chí chịu đựng kiên cường và hoàn cảnh may mắn.  Đây là những tài liệu nếu được thu thập đầy đủ sẽ tạo thành một hồ sơ khổng lồ về tội ác của cộng sản trong lịch sử dân tộc.

 

Qua những bài viết và sách hồi ký của các nạn nhân cộng sản mà tôi đã đọc, tôi đặc biệt chú ý đến những phản ứng và suy nghĩ của các cựu tù cải tạo đối với chính quyền cộng sản và tương lai của đất nước và dân tộc Việt Nam. Phản ứng hiển nhiên và thống nhất của mọi người là căm ghét chế độ độc tài cộng sản và mong muốn nó sớm sụp đổ để được thay thế bằng một thể chế tự do dân chủ. Tuy nhiên, về phương cách thực hiện mục tiêu mong muốn thì tựu trung có hai xu hướng chính: giải phóng dân tộc bằng cách mạng bạo động, hay thực hiện dân chủ hóa bằng diễn biến hòa bình. Trên thực tế đã có những nỗ lực lật đổ chế độ bằng lực lượng vũ trang từ trong nước hay từ bên ngoài nhưng đều thất bại, trong khi những phương tiện diễn biến hòa bình tương đối có điều kiện thuận tiện, nhưng lại rất hạn chế và quá chậm. Cuốn “Hồi ký của một Chuyên gia Mỹ gốc Việt” của Tiến sĩ Đinh Xuân Quân thuộc xu hướng thứ nhì với một số đặc điểm thể hiện quan điểm của các nhà làm chính sách và chuyên gia quốc tế về phát triển bền vững tại các quốc gia đang mở mang kể cả những nước có chế độ độc tài cá nhân hay cộng sản.

blank

Mặc dù nội dung cuốn sách đề cập đến kinh nghiệm của tác giả qua ngót 40 năm làm cố vấn cao cấp về cải cách và phát triển tại trên 20 quốc gia chậm tiến (trong đó một số nước được trở lại nhiều lần), điều đáng chú ý là tác giả đã được LHQ và Hoa Kỳ gửi về Việt Nam làm việc hai lần với tư cách cố vấn chính phủ nhưng có thành tích là một cựu tù cải tạo đã trải qua ba năm bị xỉ nhục và hành hạ tàn nhẫn chỉ vì là chuyên gia phát triển kinh tế của “ngụy quyền” miền Nam.

 

Trong mấy chục năm làm “chuyên gia đi xây dựng xứ người” tại những quốc gia có chế độ chính trị, lịch sử và phong tục tập quán khác nhau, TS Đinh Xuân Quân đã rút được nhiều kinh nghiệm về các vấn đề cải cách bộ máy hành chánh, kỹ thuật tổ chức và quản trị xí nghiệp, hệ thống giáo dục, đào tạo chuyên gia và lãnh đạo tương lai, xây dựng kinh tế thị trường, nhất là tìm kiếm giải pháp thích hợp cho những vấn đề phát triển ở những cựu thuộc địa bị thực dân bóc lột và một số nước theo mô hình xã hội chủ nghiã của Liên Xô hay Trung Quốc.  

 

Có một số chuyện thú vị về tình trạng cạnh tranh viện trợ giữa hai khối Tư bản và Cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm lôi cuốn các nước nhỏ yếu về phe mình. Như trường hợp Guinée, nông dân cần máy cày thì không hiểu vì lý do gì Sứ quán Nga lại gửi tặng cả trăm máy dẹp tuyết. Có những nỗ lực sửa đổi thành máy cày nhưng thiếu đồ phụ tùng lại gặp thời tiết ở Guinée ẩm thấp vì nhiều mưa nên chẳng bao lâu các máy dẹp tuyết đều trở thành đống sắt vụn. Một lần khác, Bắc Hàn cũng viện trợ cho Guinée 40 chiếc máy cày, nhưng chắc là máy phế thải vì máy quá lớn mà chỉ có 20 mã lực nên không đủ sức cày, chỉ có thể dùng để chở lúa.  Trong khi đó máy cày và máy ủi đất do Mỹ viện trợ mạnh tới 200 mã lực với đầy đủ phụ tùng và hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên những máy này lại bị phu nhân Tổng thống Sékou Touré “mượn” cho nông trại của bà khiến cho World Bank phải dọa cúp viện trợ mới giải quyết được ổn thỏa.

 

Tại xứ Zaire tức Cộng hòa Dân chủ Congo, tác giả đã có một ngộ nhận về thủ tục tiếp đón khách ở một địa phương. Sau khi được thu xếp nơi ăn ở, ông được nữ nhân viên ban nghi lễ hỏi ông có cần “chăn mền” hay không. Vì thời tiết nóng nực ở địa phương, ông trả lời dứt khoát là không cần. Chỉ đến khi người phụ tá địa phương đi kèm giải thích “chăn mền” ở đây có nghĩa là “nữ hộ lý” thì ông mới thấy rằng khả năng tiếng Pháp cấp tiến sĩ của ông vẫn cần phải có thông dịch viên. Tục lệ đón khách này nghe nói có từ thời Zaire là thuộc địa của Bỉ (Belgique). Một hình thức tham nhũng đặc biệt ở Afghanistan là món quà hối lộ không phải bằng tiền bạc mà là sự trao đổi tình dục. Tệ nạn này lại xảy ra ngay trong ngành giáo dục. Nghe tin có chuyên gia quốc tế làm Cải cách Hành chánh, nhiều bà cựu hiệu trưởng hay ứng cử viên làm hiệu trưởng đến gặp riêng tác giả bày tỏ nỗi lo ngại là các ban tuyển chọn thiếu công bằng. Cố tìm hiểu manh mối thì được biết chuyện bình thường ở Afghanistan trong việc tuyển lựa nữ nhân viên là các ứng viên muốn được chọn thì phải có “dầu mỡ” và dầu mỡ ở đây là “quan hệ nam nữ”.  Thật rất đáng ngạc nhiên vì trong nước Hồi giáo, nam nữ có quan hệ “bất chính” có thể bị chặt đầu. Một vấn đề nữa là việc sử dụng giáo sĩ trong ngành giáo dục. Dưới thời Taliban, các nữ giáo viên đều bị sa thải và 15,000 giáo sĩ đã được đưa vào thay thế, mà những người này chỉ có trình độ học lực lớp Sáu, không biết gì khác hơn là thuộc lòng kinh Coran. 

 

Cũng ở Afghanistan, chính phủ có trên 50 bộ với 90 phần trăm công chức không có bằng trung học và 60 phần trăm trên 50 tuổi. Do đó việc cắt giảm các bộ xuống một nửa, đào tạo nhân viên công vụ trẻ để thay thế cho người lớn tuổi rất khó khăn và phức tạp. Sau khi Taliban bị loại và Afghanistan bầu Tổng thống Karzai thuộc khuynh hướng tiến bộ, phụ nữ được sử dụng lại trong công vụ. Khi đó, một quốc gia Hồi giáo khác là Malaysia có trường Quốc Gia Hành Chính gọi là viện INTAN được Ngân Hàng Thế Giới đánh giá cao.  Mô hình Malaysia được sử dụng để cải tổ hành chánh tại Afghanistan. Nhiều đợt công chức cao cấp được gửi sang Malaysia để được Viện INTAN đào tạo, trong đó có một số nữ công chức để chuẩn bị cho họ tham gia nhiều hơn trong các dự án phát triển đời sống kinh tế và xã hội Afghan.

Công việc giúp đỡ cải cách và phát triển không phải ở đâu cũng xuông xẻ như ý muốn. Tác giả đã vô cùng thất vọng và phải xin từ chức khi phục vụ tại Iraq sau thời gian nhà độc tài Saddam Hussein bị loại bỏ. Lý do vì tình trạng xung đột quyền lực giữa các phe Hồi giáo đối nghịch và tình hình thiếu an ninh trầm trọng. Cố vấn quốc tế phải đi gặp các quan chức địa phương để lên chương trình làm việc với họ và bàn cãi về nhiều vấn để phải giải quyết. Mặc dù có mối giao hảo khá tốt với các quan chức địa phương, việc thiết lập dự án ở Iraq mất rất nhiều thì giờ và việc thực hiện rất khó khăn vì xung khắc trong nội bộ chính quyền, và mỗi khi đi ra ngoài đều phải mặc áo giáp, ngồi trong xe bọc sắt, có công-voa hộ tống. Tác giả không thể thoải mái trước tình trạng lãnh lương cao mà “làm ít hay không làm được gì cả.” Ở Afghanistan, tình trạng an ninh cũng rất nghiêm ngặt nhưng làm việc có kết quả rõ ràng. Cuối cùng ông phải bỏ Iraq xin đổi sang Liberia làm cố vấn cho Bộ Nông nghiệp và tại đây đã thành công tốt đẹp.

 

Kinh nghiệm Việt Nam

Còn nhiều đặc điểm đáng biết về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các nước Á, Phi, Trung Đông và cựu Sô viết, nhưng độc giả Việt Nam cần được biết nhiều hơn về kinh nghiệm cải cách và phát triển của tác giả tại Việt Nam trong vai trò cố vấn của Liên Hiệp Quốc.

Trước hết hãy tìm hiểu tâm trạng của tác giả khi được Quỹ IFAD của Liên Hiệp Quốc cử về Việt Nam năm 1992 cùng một nhóm chuyên gia để xây dựng dự án phát triển nông nghiệp cho tỉnh Tuyên Quang, Bắc Việt.  Tác giả cho biết nhiệm vụ này thoạt tiên làm sống lại nơi ông những hình ảnh kinh hoàng, ghê tởm, đầy uất hận trong ba năm bị đày đọa trong trại tù cải tạo và ông đã phải phấn đấu với lương tâm trước khi quyết định tham gia dự án cứu giúp nông dân nghèo đói ở quê hương. Đây là một chuyến đi ngắn hạn của toán đầu tiên trong ba tháng để thâu thập dữ kiện xây dựng dự án sơ khởi. Các chuyên gia được đưa đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy và dụng cụ, trại nuôi bò và nông trường tập thể (lúc đó nông dân chưa được quyền sản xuất cá thể.) Mặc dù nhà nước thực hiện “đổi mới” đã 6 năm, nông dân vẫn còn quá nghèo đến độ  không trả nổi học phí 2 đô-la/tháng cho con em, khác với giáo dục tiểu học miễn phí dưới chính thể miền Nam trước 1975.  Một sự kiện gây sốc là tại một nông trường trồng tre để cung cấp cho nhà máy giấy Bãi Bằng có 4,000 thanh nữ xung phong với mấy thương phế binh phái nam.  Có một chị trong nông trường ngỏ ‎ý với anh tài xế của nhóm chuyên gia giúp cho chị có một đứa con, để giải quyết vấn đề vật chất và tinh thần. Đối với nông dân dưới chế độ cộng sản thì đứa con sẽ là “bảo hiểm nhân thọ” cho đời sống tương lai của họ.

Một sự kiện lạ lùng khác là trong chuyến đi xem một đập thủy điện các chuyên gia chỉ thấy có đập mà không có nước, và tất nhiên là không có điện. Lý do là nhà nước không biết cách làm dự án phát triển, nhất là không có nghiên cứu tính khả thi của dự án.   

 

Một khó khăn tâm lý rất bất lợi cho chính phủ trong việc xin ngoại viện. Đó là tâm lý “biểu diễn” của cán bộ nhà nước chỉ muốn tuyên truyền cho chế độ nên luôn luôn hướng dẫn phái đoàn đi xem những chỗ giàu nhất, đẹp nhất trong tỉnh hay huyện kèm theo những bữa tiệc tùng bia rượu thả dàn mà không biết rằng cần phải cho các chuyên gia quốc tế thấy rõ tình trạng nghèo khổ và nhu cầu thiết thực của nhân dân. Có như vậy các chuyên gia mới có thể làm ngân sách viện trợ thích hợp và đầy đủ. Thật ra thì việc đón tiếp linh đình phái đoàn nước ngoài cũng là cơ hội cho các cán bộ nhà nước được tiêu xài công quỹ và hưởng lợi cá nhân.

 

Chuyến đi Việt Nam lần Hai

 

Năm 1994, tác giả được Chương trình Phát triển LHQ cử về Hà Nội làm cố vấn cho Ban Tổ chức Chính phủ (BTCCP) thực hiện Dự án Cải cách Hành chánh. Tuy gọi là Ban nhưng quyền hành BTCCP rất lớn vì là nơi bổ nhiệm và tuyển dụng công chức các cấp tương đương với Bộ Công Vụ VNCH, vì vậy người cầm đầu có chức vụ Bộ trưởng. Bộ máy hành chính XHCN ở Việt Nam không hữu hiệu vì các tỉnh đều tự túc tự cường lại thường cạnh tranh và làm suy yếu lẫn nhau. Chính sách viện trợ của Liên Xô là cấp tiền thẳng cho các tỉnh tùy nghi sử dụng, khác với chính sách của LHQ và các nước tư bản là chỉ giải ngân qua trung gian các ngân hàng theo nhu cầu và chương trình được chấp thuận, và việc chi tiêu được quản lý chặt chẽ. Khi Việt Nam bắt đầu nhận viện trợ từ LHQ và các quốc gia Tây Âu trước khi có quan hệ bình thường với Hoa Kỳ năm 1995 thì đã phải theo các điều kiện và thủ tục khác hẳn với chính sách của Liên Xô.

 

Trong những năm đầu, XHCN Việt Nam không quen giao thiệp với Tây phương nên có những trục trặc về lề lối làm việc làm hỏng dự án lớn. Trường hợp tỉnh Quảng Bình là một thí dụ cụ thể. Đây là một thí điểm được Bộ trưởng Tổ chức Chính phủ Phan Ngọc Tường yêu cầu cố vấn LHQ Đinh Xuân Quân làm dự án cải cách. Trở ngại nhỏ đầu tiên là vấn đề công tác phí (per diem) dành cho viên chức phụ trách công tác khi đi xa. Việt Nam không có thủ tục này vì mỗi khi viên chức chính phủ đi công tác ở địa phương nào thì địa phương đó phải lo hết các phí tổn ăn, ở và phương tiện làm việc cho người đó. Cố vấn ĐXQ nêu vấn đề công tác phí với Bộ trưởng về thể lệ quốc tế mà Việt Nam cần áp dụng, vì nếu LHQ trả per diem cho chuyên gia của họ thì chính phủ cũng phải trả per diem cho viên chức của mình, không thể bắt địa phương đài thọ. Sau nhiều tranh cãi và giải thích, cuối cùng Bộ trưởng chấp thuận cấp công tác phí nhưng chỉ cho viên chức đi công tác hưởng 50 phần trăm còn nửa kia phải để lại cho nhân viên ở Hà Nội (?). Tuy nhiên, chế độ công tác phí hiện nay đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam.

 

Trở ngại lớn không vượt qua được là vấn đề doanh nghiệp nhà nước.  Đây là “con bò sữa” của các quan chức tham nhũng. Các dự án không có quy trình nghiên cứu tính khả thi, đánh giá và quản lý chặt chẽ dự án mà chỉ có việc xin đầu tư, lỗ lãi thì nhà nước chịu hết. Tỉnh Quảng Bình nổi tiếng về ngành biến chế tôm và cá mực nhưng đa số doanh nghiệp nhà nước đều phá sản vì lỗ nặng. TS Quân cử một chuyên gia Mỹ gốc Việt tới Quảng Bình giúp quản lý dự án nhưng người này phải bỏ về Mỹ vì không thể ký những giấy tờ và hóa đơn “dỏm”. Dự án Quảng Bình bị LHQ đánh giá là thất bại. Một thí dụ khác về viện trợ nước ngoài là BTCCP muốn nhận viện trợ của nước nào thì phải tiếp xúc với Đại sứ nước đó, nhưng muốn vậy thì phải được Bộ Ngoại giao chấp thuận qua những thủ tục rườm rà và tốn kém thì giờ. Trong một trường hợp giúp cho tỉnh Quảng Bình lấy được viện trợ của Hà Lan, TS Quân phải tìm đường tắt là thu xếp một buổi gặp gỡ không chính thức tại một nhà hàng giữa Bộ trưởng TCCP, Đại sứ Hòa Lan và đại diện LHQ. Rút kinh nghiệm thất bại lần trước, lần này quy trình xây dựng dự án, đánh giá tính khả thi và các điều kiện thực hiện được LHQ ấn định rành mach và được Việt Nam cam kết tôn trọng. Ngoài ra, TS Đinh Xuân Quân còn vận động cho sự tham gia của các NGOs, đặc biệt là chương trình y tế toàn diện của Project Vietnam, và được UNDP cử GS Trương Hoàng Lem, nguyên Phó Viện trường Học Viện Quốc Gia Hành Chánh của VNCH, hợp tác trong các chương trình đào tạo cán bộ hành chánh, lại đúng vào thời ký các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải làm Thủ tướng nên dự án Quảng Bình/Hà lan được LHQ đánh giá là thành công, dẫn đến sự mở thêm dự án cho các tinh khác như Nam Định, Đồng Hới, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng với tiền viện trợ của Hà Lan, Na Uy, Thụy sĩ, Đức, Thụy Điển, v.v.  Tổng cộng trong ba năm làm việc ở Việt Nam, TS Quân và nhóm chuyên gia LHQ đã xây dựng được 11 dự án trong đó 7 dự án được chấp thuận với tổng số ngân khoản viện trợ không hoàn trả là 40 triệu Mỹ kim.

 

Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách của quốc tế thành công tại một số tỉnh thành không thể chấm dứt hay thay đổi được bao nhiêu những tệ nạn đã trở thành nền tảng của chế độ, cụ thể là cơ chế quốc doanh và nhũng lạm quyền thế. Nạn cắt xén và gia tăng tiền đầu tư để chia chác của quan chức doanh nghiệp nhà nước dẫn đến thua lỗ và phá sản cơ sở kinh doanh, làm thiệt hại hàng trăm triệu hay cả tỉ đô-la. Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất là một trường hợp thất bại thê thảm trong hàng trăm thí dụ phá hoại của doanh nghiệp nhà nước do ngu dốt và nhũng lạm trong quản lý tài chánh. TS Quân được Ban Tư vấn của Thủ tướng nhờ theo dõi và đánh giá dự án này trong giai đoạn đầu do Pháp thiết kế và sẵn sàng thực hiện. Nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới của Mỹ là Fluor Daniel ở Orange County, California, được mời tham gia hợp tác đã phải bỏ dở nửa chừng vì lý do kỹ thuật yếu kém và quản lý không minh bạch.  Tham nhũng hay “thủ tục đầu tiên” (= tiền đâu?) hay “văn hóa phong bì” đã trờ thành một lề thói tự nhiên trong công việc giao dịch thường ngày. Trong thời gian làm việc ở Quảng Bình, TS Quân đã có dịp dò hỏi cách giải quyết vấn đề “thủ tục đầu tiên” thì được các lãnh đạo cao cấp xác nhận là “nạn tham nhũng nay tràn lan, đạo đức xã hội suy sụp, thành phần cấp từ T. trưởng trở xuống đã bị thoái hóa.” Ông cho biết chính ông đã chứng kiến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa phong bì cho Thứ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư trong một cuộc gặp để xin Bộ chấp thuận một dự án.  

 

Các dự án cải cách và phát triển do viện trợ từ bên ngoài bắt đầu bị khựng lại từ cuộc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần VIII năm 1996 với sự gia tăng nghi ngờ của phe bảo thủ thân Tàu trong Bộ Chính trị. Tân Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục sự nghiệp đổi mới của người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt nhưng chỉ thành công về kinh tế thị trường kéo theo cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” do Đảng nối thêm vào.  Nói rõ hơn, chừng nào chế độ độc tài toàn trị còn được duy trì, chừng nào nhân dân còn phải tiếp tục nuôi dưỡng hai hệ thống cai trị song hành là Đảng và Nhà nước thì nước Việt Nam còn mãi mãi tụt hậu so với Singapore, Đài Loan hay Hàn quốc, chưa nói đến nguy cơ bị Trung Quốc chiếm đoạt đất nước và Hán hóa dòng giống Việt đang hiện ra trước mắt. Biết mình có ở lại cũng không làm được gì hơn, năm 1997, chuyên gia cải cách Đinh Xuân Quân quyết định phải từ giã Việt Nam để sang Nhật làm việc cho Viện Đào Tạo của Ngân Hàng Phát Triển Á châu (ADB) tại Tokyo, và hai năm sau lại tiếp tục cuộc hành trình đi “xây dựng xứ người”.  

 

Kiên trung với lý tưởng và chữ TÍN

 

Tôi dành phần cuối của bài Tựa này để nói về phần đầu cuốn hồi ký của chuyên gia quốc tế Đinh Xuân Quân khi ông viết về lý tưởng con người của ông được hun đúc bởi gương mẫu của song thân, đức tin công giáo, cốt cách hướng đạo sinh, cơ sở học thức Tây phương và kinh nghiệm trường đời. Tất cả những yếu tố này được thu gọn vào chủ đề của cuốn hồi ký là Kiên trung với Lý tưởng như một phương châm hoạt động của tác giả từ thời sinh viên cho đến khi trở thành chuyên gia với 40 năm thực hiện những dự án có lợi ích cho quốc gia và quốc tế, và nay đã quá tuổi “cổ lai hy” mới trở về với đời sống gia đình và đóng góp tình nguyện cho cộng đồng.

 

Tác giả chịu ảnh hưởng sâu xa của thân phụ về lòng yêu nước của một trí thức trung thành với chính nghĩa quốc gia trong giai đoạn tranh đấu chính trị với Pháp và cộng sản giành độc lập cho Việt Nam từ 1945 đến 1954. Năm 1946, trí thức Đinh Xuân Quảng phải trốn sang Hong Kong sau khi bị cộng sản ám sát hụt trong đợt truy lùng các thành phần đối lập. Ông trở thành cố vấn của cựu hoàng Bảo Đại, giúp điều đình với Pháp để có Hiệp định Hạ Long 1948 và Hiệp Định Élysée 1949 theo đó Hòa ước Patenotre 1984 bị xóa bỏ, Pháp trả lại đất Nam Kỳ và nhìn nhận nền độc lập của Quốc gia Việt Nam. Sau đó ông tham gia vào các chính phủ quốc gia cho tới 1954 khi Ngô Đình Diệm làm thủ tướng thay cho Bửu Lộc để tham gia hội nghị Genève bị các cường quốc chia đôi đất nước. Từ 1955, dù không hoạt động công khai, ông đương nhiên thuộc thành phần bất đồng chính kiến với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau cuộc đảo chính hụt 1960 của Đại tá Nguyễn Chánh Thi, cả hai ông bà Đinh Xuân Quảng cùng với con trai Đinh Xuân Quân bị Lực lượng Đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn bắt giam về tội chứa chấp nhà đối lập Phan Quang Đán. Khi đó, tác giả còn là học sinh trung học nên chỉ bị giam 8 tháng nhưng cha mẹ đều bị án tù cho đến sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963 mới được thả. Năm 1966, Đinh Xuân Quảng đắc cử dân  biểu Quốc Hội, soạn thảo Hiến pháp Đệ nhị Cộng Hòa và trở thành Chủ tịch Quốc hội Lập Hiến năm 1967. Ông mất vì bệnh năm 1971, thọ 62 tuổi. Ông nổi tiếng là một nhà yêu nước đã đóng góp quan trọng cho “giải pháp Quốc gia Việt Nam”, một chính khách thanh liêm, trung thành với lý tưởng quốc gia và bạn bè đồng chí hướng.

 

Trong khi Đinh Xuân Quân coi thân phụ mình là gương mẫu trí thức yêu nước, tài giỏi và trung thành với lý tưởng thì thân mẫu của ông cũng được mô tả là một phụ nữ đảm đang không chỉ quán xuyến mọi việc trong gia đình mà còn là điểm tựa vững chắc cho chồng trong sứ mệnh chính trị và cho các con trong sự nghiệp cá nhân và các hoạt động xã hội. Điểm tựa đó là niềm tin tuyệt đối vào Chúa Trời để vượt qua mọi hoàn cảnh gian nan và thử thách. Tôi không phải là tín đồ Thiên chúa giáo và có một nhân sinh quan độc lập, nhưng có thể hiểu rõ là những người có đức tin chân chính đều có ý chí kiên quyết thực hiện mệnh lệnh của lương tâm hơn là theo những suy nghĩ chủ quan hay phản ứng bồng bột nhất thời. Trong trường hợp Đinh Xuân Quân, ông đã phải phấn đấu với bản thân khi quyết định trở về Việt Nam thực hiện các dự án nhân đạo và phát triển của LHQ, mặc dù không thể quên được mối uất hận cá nhân trong thời gian bị cộng sản hạ nhục và đọa đày trong trại tù cải tạo bằng xiềng xích, bỏ đói và lao động cuốc đất, gánh phân. Nhờ được thân mẫu củng cố đức tin, cộng với sinh hoạt tháo vát và hướng thiện trong tổ chức hướng đạo, ông đã qua được chín lần thử thách vượt biên.

 

Trong cuộc sống thực tế, tác giả đã áp dụng đức tin vào hành động qua chữ TÍN mà ông diễn giải là lòng trung thành với lý tưởng và tình người. Thân phụ ông đã giữ vững sự trung thành với lý tưởng quốc gia trong những nỗ lực xây dựng Quốc gia Việt Nam, trung thành với tình đồng chí khi mạo hiểm bao che cho nhà đối lập Phan Quang Đán. Cựu hoàng Bảo Đại đã gìn giữ lòng quý trọng một phụ tá thân cận từ mấy chục năm trước khi đích thân đến thăm gia đình bà quả phụ Đinh Xuân Quảng ở Quận Cam. Chữ TÍN cũng được thể hiện bằng tình người qua những chương trình y tế nhân đạo vĩ đại của em gái ông và những cuộc vận động tình nguyện của ông cho tổ chức Vietnamese American Foundation trong chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.

 

Đức tin tôn giáo và cốt cách hướng đạo sinh của TS Đinh Xuân Quân đã giúp ông chọn “sức mạnh mềm” và phương cách “diễn biến hòa bình” trong các dự án cải cách và phát triển tại nhiều quốc gia chậm tiến trên thế giới, kể cả những nước dưới chế độ độc tài cá nhân hay XHCN. Những dự án này đã được LHQ, USAID, World Bank, ADB. . . đánh giá là thành công và ông đã được mời trở lại một số nước nhiều lần. Riêng tại Việt Nam, nhờ đúng vào thời điểm có  thủ tướng cấp tiến như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, sau một vài trục trặc ban đầu, các dự án cải cách đã được thực hiện có kết quả ở một số địa phương. Tuy nhiên, từ thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nay, nạn tham nhũng và bóc lột nhân dân qua các công ty quốc doanh, các nhóm lợi ích và sự lũng đoạn kinh tế của Trung Quốc, đã gia tăng trầm trọng không thuốc chữa. Một trí thức cấp tiến ở trong nước đã cất tiếng than bi thiết: “Việt Nam là một nước không chịu . . . phát triển”. Có lẽ nhận định này đã khiến cô giáo Trần Thị Lam cảm khái thành một bài thơ thời đại của nhân dân: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” Chỉ xin trích hai đoạn và một câu hỏi trong đoạn kết:

 

Đất nước mình ngộ quá phải không anh

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

 

Đất nước mình buồn quá phải không anh

Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc

Rừng đã hết và biển thì đang chết

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

 

Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước

Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...

 

Có lẽ đây là lý do khiến Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia xây dựng xứ người, đã phải rút khỏi Việt Nam năm 1997 vì đã thấy rõ là đất nước chỉ có thể được cứu vãn khi niềm tin hay lòng trung kiên vì lý tưởng của cá nhân được kết hợp thành niềm tin tập thể.

 

Lại thêm một câu hỏi: Có hi vọng gì không?

 

Lê Xuân Khoa

California, tháng 12, 2019

 .

 

GHI CHÚ (Bích chương buổi ra mắt sách):

 

 

 

ĐỌC GIẢ ĐÓN ĐỌC TÁC PHẨM MỚI ĐÃ XUẤT BẢN

“TỪ SAIGON ĐẾN KABUL”

  

Ra mắt sách

Westminster Community Services Center

8200 Westminster Blvd, CA 92683

 

Thứ Bẩy ngày 15 tháng 2, 2020

Từ 1.00 – đến 4.00 chiều

 

Đọc để biết rõ:

 

          Nhưng hoạt động yêu nước âm thầm của người việt quốc gia thập niên 50

 

          Hoạt động của các chuyên viên kinh tế VNCH vào lúc chế đội hấp hối

 

          Sự hủy bỏ phí phạm nhân tài VN của đảng CSVN

 

          Hoạt động tích cực cô đơn của một cố vấn kinh tế Liên Hiệp Quốc người Việt trên vùng trời Phi châu

 

          Đọc để hãnh diện về sự đóng góp của người Việt cho cộng đồng nhân loại.

 

 

 

   

 

 



 

Ý kiến bạn đọc
01/01/202018:33:24
Khách
Big deal !
See if many people show up at the event ...
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở tuổi 90, Tết đến Xuân về suy gẫm bài kệ “CáoTật Thị Chúng ”của thiền sư Mãn Giác qua bản dịch của Hòa Thượng Thích Quảng Độ tôi thấy thấm thía vô cùng về triết lý nhân sinh. Chúng ta thường vui khi Xuân về hoa nở, buồn khi Đông đến tuyết lạnh rơi rơi. Nhưng quên rằng Đông là mùa ẩn tàng sức sống cho một ngày Xuân bừng dậy: “Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt, hoa mai đâu đến ngát mùi hương”. 90 năm trong cuộc đời thăng trầm chìm nổi, gân xương mòn mỏi, cảm thương cho những ai vẫn mong đợi một điều không thật đó là trẻ mãi không già, sống hoài không chết. Già bệnh không hẹn với ai vẫn mà cứ đến, từ đó bao ưu bi, khổ não kết hợp gió bụi thời gian làm cho chúng ta da nhăn, tóc bạc thuận chiều theo triết lý duyên sinh.
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị một Năm Giáp Thìn thật hên và thật thịnh vượng! Biếu Tặng Tết Giáp Thìn $300,000. Bao Lì Xì Hot Seat Bài Bàn.
Vào ngày 1 tháng 2 năm 2024, Asian Smokers' Quitline (ASQ) Trung Tâm Cai Thuốc Lá Dành Cho Người Việt (1-800-778-8440) bắt đầu tiến đến năm Giáp Thìn với một ý tưởng hào hứng nhằm khuyến khích lối sống lành mạnh hơn trong cộng đồng của chúng ta. Trong tinh thần chào đón những khởi đầu mới, ASQ Trung Tâm Cai Thuốc Lá Dành Cho Người Việt vui mừng báo tin về một chương trình quà tặng đặc biệt dành cho những người hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, hay dùng các loại thuốc lá khác, và luôn cả những ai muốn giúp người thân của mình cai, nếu hội đủ điều kiện.
Tại Chùa Bát Nhã số 4171 W 1St Santa Ana nơi đặt trụ sở Văn Phòng Thường Trực Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) đã long trọng tổ chức tang lễ cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Tăng Trưởng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, GHPGVNTN; Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại; Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK, Chứng Minh Hội Đồng Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã viên tịch vào lúc 6 giờ 50 phút sáng Thứ Năm, 25 Tháng Giêng (nhằm ngày Rằm Tháng Chạp năm Quý Mão), tại California, Hoa Kỳ, trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp.
“Welcome Corps”, một truyền thống cao đẹp của đất nước Hoa Kỳ. Hành động cao cả này đã được thể hiện một cách rất rõ ràng và cụ thể, khi những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến HK vào những ngày cuối tháng Tư, 1975. Họ đã được đón nhận bằng những vòng tay nhân ái và lòng bao dung của người dân Mỹ. Chỉ trong thời gian 6 tháng ngắn ngủi mà hơn 130 ngàn người tị nạn Việt, Miên, Lào đã được định cư một cách tốt đẹp và hoàn hảo ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Tôi may mắn được tham dự vào tiến trình cứu trợ khẩn cấp và nhân đạo đó, nên còn nhớ rất rõ từng chi tiết, từng cử chỉ và từng hành động mà mình đã chứng kiến trong thời điểm nói trên.
Chủ Nhật ngày 4 tháng 2 vừa qua, Trường Việt Ngữ Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam (TTVHVN) đã tổ chức Lễ Tất Niên và đón Mừng Xuân mới Giáp Thìn tại hội trường của trường Trung Học Warner Middle School trên đường Newland, Westminster...
Từ nhiều năm qua, mỗi khi Tết đến, các viên chức thành phố, tiểu bang và liên bang người Việt, người Mỹ đều giữ tục lệ đến thăm các tòa soạn và các công ty truyền thông để gửi lời chúc Tết đến độc giả, khán thính giả người Việt. Trong chuyến viếng thăm chúc Tết của hội đồng thành phố Garden Grove đến tòa soạn Việt Báo, phó thị trưởng thành phố Cindy Ngoc Tran đã gửi lời chúc mừng năm mới Giáp Thìn tốt đẹp, an vui đến độc giả Việt Báo, đồng thời tỏ lòng tri ân đến cộng đồng truyền thông Việt. Phái đoàn đi cùng bà còn có Ủy Viên Giáo Dục GGUSD Joe Đỗ Vinh và Dina Nguyễn, nghị viên Stephanie Klopfenstein, Tổng quản trị thành phố Lisa Kim và Kristy Thái, chuyên viên truyền thông báo chí của thành phố.
Bước vào tuần cuối cùng của đợt ghi danh mở rộng, Covered California tiếp tục chứng kiến số lượng ghi danh tăng vọt. Tính đến ngày 20 tháng 1, hơn 243,000 người dân California mới ghi danh bảo hiểm cho năm 2024, tăng 13% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Hơn 1.5 triệu thành viên ghi danh với Covered California đã gia hạn chương trình bảo hiểm của họ.
Đêm Diễn của Nghệ sĩ Lừng Danh Nhậm Hiền Tề, Tám Ngày Buffet với Tôm Hùm Kiểu Hồng Kông và Ưu Đãi “Win Some Dim Sum” là Những Chương Trình Nổi Bật Đón Tết tại Sòng Bài Lớn Nhất Miền Nam California. Yaamava’ Resort & Casino at San Manuel đang chuẩn bị cho một năm 2024 thật tuyệt vời, và chúng tôi rất hào hứng để chia sẻ niềm phấn khởi này tới quý khách hàng thân thiết của mình. Thời khắc chúng ta chuyển sang năm mới Giáp Thìn, biểu tượng của sự may mắn, an khang và thịnh vượng, Yaamava’ sẽ là địa điểm lý tưởng cho các sự kiện giải trí hấp dẫn cũng như những chương trình ưu đãi cho người chơi suốt cả năm.
Trong chuyên mục của tháng này, chúng tôi muốn chia sẻ những điểm mới về phúc lợi xã hội vào năm 2024. Nếu quý vị có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, Thị Trường Bảo Hiểm Y Tế theo Đạo Luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, Phúc lợi Hưu Trí An Sinh Xã hội, Thu Nhập An Sinh Bổ Sung hoặc tiêm chủng ngừa COVID/Cúm, có 3 cách quý vị có thể liên lạc với chúng tôi ngay hôm nay
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.