Hôm nay,  

Lễ Cầu Siêu Cho Thuyền Trưởng Jeon Je Young Từng Cứu 96 Thuyển Nhân VN

16/12/201915:04:00(Xem: 5732)

CAU SIEU THUYEN TRUONG DSC_0377CAU SIEU THUYEN TRUONG DSC_0381CAU SIEU THUYEN TRUONG DSC_0384CAU SIEU THUYEN TRUONG DSC_0385CAU SIEU THUYEN TRUONG DSC_0395Hình ảnh trong Lễ Cầu Siêu.

Santa Ana (Bình Sa)- - Tại Chánh Điện Chùa Huệ Quang vào lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2019, một buổi lễ cầu siêu cho Thuyền Trưởng Jeon Je Young do ông Nguyễn Hùng Cường một trong 96 thuyền nhân đã được Thuyền Trưởng Jeon Je Young cứu vớt trên chiếc thuyền vượt biển với 96 thuyền nhân đang trôi lênh đênh giữa biển Đông ngày 14 tháng 11 năm 1985.
Tham dự và chứng minh buổi lễ có Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, Viện Chủ Chùa Huệ Quang, qúy vị trong Hội Đồng Liên Tôn có: Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn, cùng các vị trong phái đoàn: Giáo Sĩ Mai Biên, Chánh Trị Sư Hà Vũ Băng, Chánh Trị Sư Phạm Quang Linh, ông Nguyễn Khanh.
Quan khách có cựu Luật Sư Trần Thái Văn, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, Giáo Sư Lê Tinh Thông, Nữ Tài Tử Kiều Chinh, ông Linh Nguyễn… một số quý thân hữu, một số các cơ quan truyền thông. Ngoài ra còn có một số các thuyền nhân trên chiếc thuyền được cứu. Đặc biệt có một số cộng đồng Đại Hàn cũng đến tham dự.
Điều hợp chương trình do Thầy Thích Đức Trí và Cô Trang Đài.
Sau phần nghi thức, Thầy Thích Đức Trí giới thiệu thành phần tham dự, tiếp theo Cô Trang Đài lên giới thiệu qua lý do, cô cho biết:
Buổi lễ tưởng niệm và cầu siêu hôm nay do Ông Nguyễn Hùng Cường thực hiện. Ông Cường là một trong 96 thuyền nhân đang trôi lênh đênh giữa biển Đông ngày 14 tháng 11, năm 1985 trên một con thuyền đánh cá đã bị hư máy, giữa lúc bão dữ đang kéo đến. 50 chiếc thuyền đã đi qua và không dừng lại. Nhưng Thuyền trưởng Jeon đã dừng lại, dù thượng cấp đã ra lệnh cho ông KHÔNG được cứu người vượt biển. Đối với ông, việc cứu những thuyền nhân sắp chết đuối là chọn lựa duy nhất của lương tâm.
Thuyền trưởng Jeon đã hy sinh sự nghiệp và sinh kế gia đình mình để 96 thuyền nhân và gia đình của họ có được một cuộc sống mới. Đúng 34 năm sau, ông lại về với biển. Thuyền trưởng Jeon ra đi, không chỉ để lại bà quả phụ và ái nữ Hwi jin, mà còn để lại 96 thuyền nhân và đại gia đình của họ. Ông là tộc trưởng của Nhóm 96, được thiết lập giữa biển Đông cái ngày định mệnh năm 1985 đó. Như tất cả nhân sinh, Thuyền trưởng đã ra đi với hai bàn tay trắng. Nhưng trái tim của ông rất đầy - đầy tình yêu dành cho tha nhân, và đầy những lời tri ngộ mà tất cả những ai đã biết ông, dù không ở trong số 96 thuyền nhân may mắn kia, cũng trân trọng và yêu quý ông…
Tiếp theo Thuyền nhân Nguyễn Hùng Cường, Trưởng ban tổ chức lên chào mừng và cảm ơn quan khách cùng tất cả mọi người tham dự, sau đó ông cho biết, nhóm chúng tôi thường gọi là Nhóm 97 thay vì 96, vì một thuyền nhân phụ nữ đã mang thai được 8 tháng khi được vớt, và chị đã hạ sinh một bé gái sau khi đến trại tỵ nạn Pusan được 1 tháng.
Giờ phút này chúng tôi được sự ủy thác của các anh chị em trong Nhóm 97 đang định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới, và được sự chứng giám của chư liệt vị, để thắp một nén hương lòng dâng lên Thuyền trưởng Jeon Je Young, vị ân nhân và anh hùng kính yêu của chúng tôi. Đồng thời chúng tôi cũng có cơ hội nói lên lòng tri ân của Nhóm 97 đối với chư liệt vị hôm nay đã đến đây để tưởng niệm và cầu nguyện cho Thuyền trưởng Jeon Je Young.
Nhân dịp này, chúng tôi cũng hân hạnh được chia sẻ với quí liệt vị 2 tâm tình sâu đậm nhất, không phải của riêng chúng tôi mà là của cả Nhóm 97 thuyền nhân.
Thứ nhất, đó là 2 khoảnh khắc của thời gian. Hai khoảnh khắc tuy khác nhau cả về không gian và thời gian, nhưng thật quan trọng và ý nghĩa đối với chúng tôi là những người đã được Thuyền trưởng Jeon ra tay cứu vớt. Đó là khoảnh khắc trong quá khứ của 34 năm trước, khi chúng tôi được Thuyền trưởng Jeon cứu vớt lúc 6g45 phút trong khi cơn bão cấp 8 đang ập đến. Và khoảnh khắc của hôm nay là khi Thuyền trưởng Jeon đột ngột ra đi vào ngày 17 tháng 11 vừa qua, nghĩa là chỉ mới cách đây 3 tuần lễ.
Khi khoảnh khắc thứ nhất xẩy đến, đấy chính là thời điểm mà cái tâm từ bi của Thuyền trưởng Jeon được khai mở để Ông đưa bàn tay ra cứu vớt tha nhân là Nhóm 97 chúng tôi. Và khoảnh khắc thứ hai, khi Thuyền trưởng từ giã cõi đời này, cũng là khi chúng tôi tin rằng chính Đức Như Lai Phật Tổ đã chứng giám những việc làm công đức của Thuyền trưởng và đón nhận Ông vào Cõi Phật.
Ông nói: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Thuyền trưởng Jeon với cái tâm từ bi của Phật không những chỉ cứu một người, nhưng cả nhóm 97 chúng tôi đã được Ông cứu sống. Chẳng thế mà mấy hôm nay trên trang mạng xã hội đã loan đi một tâm tình thật ý nghĩa về việc làm từ bi của Thuyền trưởng Jeon, và có người đã không ngần ngại gọi Ông là Bồ Tát Jeon Je Young.


Lại có một điểm thật ý nghĩa nữa về thời điểm của hai khoảnh khắc này. Đó là cả hai khoảnh khắc, mà chúng tôi gọi là 2 biến cố, đều xẩy ra chỉ hơn một tuần lễ trước ngày lễ TẠ ƠN trên đất nước Hoa Kỳ này. Hai biến cố này vì thế không chỉ sẽ nhắc nhở chúng tôi về Thuyền trưởng Jeon Je Young mỗi khi lễ Tạ Ơn trở về, nhưng cũng là những dấu ấn sẽ mãi mãi lưu lại trong tâm khảm chúng tôi.
Thứ Hai, là cá nhân chúng tôi thay mặt cho cả Nhóm 97 muốn tìm xem Thuyền trưởng Jeon đã có ân hận gì vì đã cứu vớt chúng tôi 34 năm trước hay không. Đây cũng chính là lí do đã khiến cá nhân chúng tôi qua Nam Hàn sống với Thuyền trưởng một thời gian để tìm câu trả lời. Tháng 8/2004 khi được gặp lại Thuyền trưởng tại Nam Cali này, sau 17 năm mất liên lạc, chúng tôi đã được ông kể cho nghe về những hình phạt mà Ông đã phải gánh chịu chỉ vì Ông đã dám cãi lệnh thượng cấp để cứu vớt chúng tôi. Ông đã bị chính quyền Nam Hàn điều tra, bị chính hãng tầu của ông sa thải khỏi việc lái tầu, và vì thế gia đình Ông cũng bị khó khăn trong cuộc sống. Trong 2 tháng sống với Thuyền trưởng tại thành phố Tongyeong nơi ông ở, cá nhân chúng tôi đã tham gia mọi sinh hoạt của gia đình ông và cố tìm xem ông có tỏ ra chút gì ân hận vì đã cứu chúng tôi không. Có thể Ông ân hận vì hành động nông nổi của mình đã cứu vớt thuyền nhân năm nào. Vì vào thời điểm Ông cứu vớt chúng tôi Ông chỉ mới 44 tuổi đời, và chúng tôi tưởng động cơ Ông cứu vớt chúng tôi là vì tuổi trẻ bồng bột thiếu suy nghĩ, một loại hành động anh hùng rơm của tuổi trẻ nơi Ông. Chúng tôi không những chỉ quan sát trên khuôn mặt Ông mà cũng đã mạnh dạn hỏi Ông về điều đó. Nhưng câu trả lời của Ông dành cho chúng tôi vẫn là, “TÔI KHÔNG NHỮNG KHÔNG ÂN HẬN GÌ VÌ ĐÃ CỨU VỚT CÁC BẠN, NGƯỢC LẠI TÔI RẤT VUI VÀ HÃNH DIỆN VÌ ĐÃ HÀNH ĐỘNG THEO TIẾNG LƯƠNG TÂM CỦA MÌNH”. Điều này không những đã được Ông xác nhận trước hai cộng đồng Hàn-Việt năm 2004 tại Nam California, nhưng Ông cũng đã lập lại trước một cử tọa hơn 5,000 khán giả Việt Nam khi trung tâm Thúy Nga Paris tổ chức một chương trình ca nhạc nghệ thuật năm 2006 tại trên đất nước Nam Hàn.
Kính thưa chư liệt vị, như đã thưa, hôm nay qua buổi tưởng niệm và cầu siêu này, Nhóm 97 chúng tôi muốn kính cẩn thắp nén hương lòng để bầy tỏ lòng tri ân cao độ nhất đến Thuyền Trưởng Jeon Je Young là người anh hùng đã bất chấp lệnh thượng cấp để cứu sống chúng tôi là những thuyền nhân trong cơn tuyệt vọng. Và bây giờ trong cuộc sống chúng tôi biết sẽ không còn cơ hội được gặp lại Ông nữa.
Riêng cá nhân chúng tôi, một lần nữa thay mặt cho Nhóm 97 xin chân thành cảm tạ chư liệt vị đã đáp lời mời đến hiệp thông, tưởng niệm và cầu nguyện cho Thuyền trưởng Jeon Je Young là vị đại ân nhân, không những của Nhóm 97 chúng tôi mà còn là biểu tượng anh hùng cho cả cộng đồng thuyền nhân Việt Nam.
Sau đó là lời phát biểu của HT. Thích Minh Mẫn, HT. nói: “Tôi từng vượt biên trên biển, tôi hiểu rất rõ con người chúng ta tuyệt vọng như thế nào. Nhìn ra biển chỉ thấy một màu đen. Nhìn lên trời không biết bao giờ tới bến. Nhìn thấy nhiều con tàu đi qua. Vậy mà vị thuyền trưởng người Nam Hàn này lại không phân biệt. Không! Ông chỉ biết có người sắp chết. Trái tim của ông là trái tim Phật. HT. cũng nhắc đến Nam Hải Phổ Đà Sơn, ”
Tiếp theo là lời phát biểu của Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ông Nguyễn Khanh… Tất cả những vị nầy đều ca ngợi tấm lòng “Bồ Tát” của vị thuyền trưởng và cũng tán dương tinh thần “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” của nhóm 97 Thuyền Nhân nói riêng và cộng đồng người Việt tỵ nạn nói chung.
Trong số quan khách người gốc Nam Hàn, có ông Sukhee Kang, cựu thị trưởng Irvine, ở Orange County phát biểu, ông nói: “Hành động của thuyền trưởng Jeon Je Young hồi năm 1985 không chỉ cứu 96 người lúc đó, mà là một hành động vô cùng nhân bản. Tấm lòng của ông gây tiếng vang khắp thế giới. Sau đó, ông đưa được toàn bộ 96 người Việt Nam và thủy thủ đoàn 25 người của ông đến Busan an toàn.”
Ông cho biết, hồi năm 2004, khi ông Cường mời vị thuyền trưởng đến vùng Little Saigon để gặp cộng đồng Việt Nam và cộng đồng Nam Hàn, ông được mời làm thông dịch viên.
“Lúc đó, tôi cũng có hỏi là nếu ở trong tình huống như 34 năm về trước, ông có dám tiếp tục cứu người, dù biết sẽ gặp hậu quả không tốt, ông thẳng thừng nói ‘chắc chắn’ ông sẽ làm, và còn nói rằng chuyện cứu 96 người Việt Nam là ‘sự nghiệp quan trọng nhất trong đời tôi,’”
Tiếp theo nghi thức Lễ Cầu Siêu bắt đầu, mọi người tùy theo từng tôn giáo dâng lời cầu nguyện cho ông và sau đó mọi người lần lượt đến thắp nhang trên bàn thờ có di ảnh của ông thuyền trưởng để tưởng nhớ đến một vị đại ân nhân với tấm lòng Bồ Tát.
Kết thúc buổi lễ, ban tổ chức mời tất cả mọi người cùng dùng bữa cơm chay thân mật trước khi chia tay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.