Hôm nay,  

Ghi chép và cảm nhận từ Khánh Ly- Biển Nhớ

25/09/201906:53:00(Xem: 9221)
Khanh Ly va quan khách
Khánh Ly & quan khách
Khanh Ly
Khánh Ly và MC Jimmy Nhựt Hà, nhạc sĩ đàn guitar Lê Từ Phong, nhạc sĩ thổi kèn Steve Hommel
0N7A8715_Edit_Color
Khánh Ly và Jimmy Nhựt Hà, Vành Khuyên, Thúy Hằng và Nathan Đặng hát Hãy Yêu Nhau Đi
IMG_3646
MC Jimmy Nhựt  Hà giới thiệu tiếng hát Khánh Ly gắn liền với dòng nhạc Trịnh Công Sơn
IMG_3663
Khánh Ly hát các ca khúc Da Vàng với tiếng đàn Doãn Hưng.
Khanh Ly Quang Thanh
Hinh Khanh Ly Quang Thanh: Khánh Ly và Quang Thành với bài Bà Mẹ Ô Lý
Me Linh
Mê Linh hát Để Gió Cuốn Đi với Thúy Hằng và Thiên Hương.
Hang va Thien Huong
Thúy Hằng và THiên Hương

Buổi tối Thứ Sáu 20/09, hội trường Việt Báo dựng sân khấu là một bục gỗ tròn. Trong hội trường có rất nhiều bụi tre. Bên cạnh sân khấu là hình tượng cánh cổng bước vào Quán Văn. khán giả ngồi quây quần lại, để cùng ca sĩ Khánh Ly trở lại Sài Gòn hơn 50 trước, tại sân khấu Quán Văn bên cạnh khuôn viên đại học Văn Khoa. Tại đây, vào khoảng năm 1967, những buổi trình diễn đầu tiên trên một sân khấu mộc mạc ngoài trời đã biến cái tên kép Khánh Ly – Trịnh Công Sơn thành một huyền thoại trong âm nhạc Việt Nam.

Đêm nhạc Biển Nhớ cũng là dịp ca sĩ Khánh Ly tâm sự, kể chuyện nhiều với khán giả. Chị cho biết những buổi được hát lại tuyển tập Ca Khúc Da Vàng như tối nay là rất hiếm hoi, cả trong nước lẫn ở hải ngoại. Đây cũng là một bi kịch của cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi ông mất vào Tháng 4 2001, trong nước đã làm đám tang ông thật lớn, thật linh đình, theo một nghi thức của một nhạc sĩ được trọng vọng. Thế nhưng, cho đến tận  bây giờ, hầu hết tác phẩm trong Ca Khúc Da Vàng- được xem là những tác phẩm quan trọng nhất, mang dấu ấn mạnh mẽ nhất của Trịnh Công Sơn- vẫn không được cho phép phổ biến chính thức tại Việt Nam. Ngay ở hải ngoại, Ca Khúc Da Vàng cũng rất ít khi được hát lại, so với những tình khúc Trịnh Công Sơn. Lý do chính, có lẽ là vì Ca Khúc Da Vàng gắn liền với 2 từ “phản chiến”.

Chiến tranh Việt Nam là điều có thật. Những đau thương, mất mát mà cuộc chiến này để lại cho dân tộc Việt Nam cũng là điều rất thật, và vẫn chưa thể được quên đi sau gần nửa thế kỷ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ghi lại trung thực nhất những mất mát đau thương trong chiến tranh Việt Nam qua những Ca Khúc Da Vàng. Chị Khánh Ly kể lại một vài câu chuyện có thật sau một vài ca khúc. Có một người con gái hóa điên, chồng chết trận trong chiến tranh, cho nên gặp ai cũng nhận là chồng mình. Tình Ca Người Mất Trí ghi lại hình ảnh đau thương đó:

…Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam

Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn

Thừa đôi tay, dư làn môi

Từ nay tôi quên hết tiếng người…

Hay trong Cúi Xuống Thật Gần, hình ảnh một người phụ nữ cúi gục xuống xác của người chồng tử trận, với những đam mê xác thịt của đời sống lứa đôi như vẫn còn cháy bỏng:

…Cúi xuống

Cúi xuống thật gần

Cho chiếc hôn ngọt nồng

Cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không

Cúi xuống

Cho tình dấy lên

Cho da thịt mềm

Cho cơn mặn nồng ngất lịm…

Chứng kiến những kinh nghiệm đầy cảm xúc như vậy, ghi lại thành những nốt nhạc và lời, tâm hồn  người nghệ sĩ đã mong đến ngày cuộc chiến tranh kết thúc. Và giấc mơ hòa bình đó không riêng của Trịnh Công Sơn, mà của hàng triệu người Việt Nam bất hạnh trong chiến tranh.  Dù có thích hay không, việc dòng nhạc Trịnh Công Sơn đã chiếm trọn vẹn cảm tình của giới sinh viên học sinh Miền Nam trước 1975 vẫn là một sự thật, mà lý do một phần là vì họ cũng mong mỏi hòa bình. Giấc mơ hòa bình đó vẫn còn thấy rõ trong đêm nhạc, khi nhiều khán giả cũng say sưa hát theo Khánh Ly trong ca khúc Huế-Sài Gòn- Hà Nội.

“Phản chiến” hay “yêu hòa bình” chỉ là những tên gọi, tùy theo chính kiến. Có lẽ đến một lúc nào đó, khi người Việt Nam đã nguôi ngoai hơn với những đau thương mất mát từ cuộc chiến, Ca Khúc Da Vàng sẽ xứng đáng được công nhận nhiều hơn, rộng rãi hơn trong  vai trò chứng nhân lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khán giả thích thú được nghe nhiều giai thoại chung quanh những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chị Khánh Ly nói Rơi Lệ Ru Người là một trong những ca khúc hiếm hoi mà chị biết chắc rằng anh Sơn viết cho chị. Khi chị cùng hàng trăm ngàn người di tản khỏi Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4/1975, anh Sơn nhận được tin là chị đã chết trên biển, nên đã viết ca khúc này. Hình như lúc đó chỉ có những hàng cây trên phố xá Sài Gòn truyền đi những tin này. Người nhạc sĩ nhớ lại những ngày cùng cô ca sĩ trẻ lang thang trên những vỉa hè của đường phố Sài Gòn:

…Nếu thật hôm nào em bỏ đi

Em bỏ đi, sau lưng em còn con phố dài

Những hàng cây loan tin nhau, rồi im tiếng nói

Quanh đây hoang vu tiếng cười

Có ngày xưa em theo tôi, cùng ra quán ngồi

Bên đời xe ngựa ngược xuôi…

Những ai đã từng ngồi ở những quán cóc trên vỉa hè Sài Gòn sẽ cảm nhận được những hình ảnh này. Trong đêm nhạc, chị Khánh Ly hát ca khúc này vào gần cuối chương trình, hát như một lời kể chuyện, tâm tình. Khán giả im lặng ngồi nghe, và thả hồn nhớ đến những con phố Sài Gòn xưa, với hàng quán, với xe ngựa ngược xuôi trong những ngày tháng đầy kỷ niệm cũ. Nhiều người đã từng nghe ca khúc này, nhưng chưa bao giờ thấy thấm thía như tối hôm đó.

Đêm nhạc Biển Nhớ đem lại những cảm giác cả cũ lẫn mới về nhạc Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Khánh Ly mở màn bằng những Ca Khúc Da Vàng, chỉ hát với một cây guitar thùng, giống như phong cách đã từng diễn ở Quán Văn nửa thế kỷ trước. Sau đó, người nghe như bị thôi miên với những giai điệu Trịnh Công Sơn được phụ họa bởi tiếng kèn saxo phone và tiếng flute của nhạc sĩ Mỹ Steve Hommel. Có một sự phù hợp lạ lùng giữa nhạc Trịnh và tiếng kèn saxo, mà trước đây ít khi được phối khí. Nhạc Trịnh Công Sơn thường giống như lời tâm tình. Mà tiếng kèn saxo cũng là một thứ âm thanh đầy ngẫu hứng, khi thì thầm, khi khắc khoải, khi nỉ non, cũng giống như một người kể chuyện. Khi Khánh Ly hát như kể chuyện, thì tiếng kèn như đưa sâu thêm những cảm xúc vào trong tim  của khán giả. Đúng như chị Khánh Ly nói, hãy cảm nhận những ca khúc theo cách riêng của mình, thì những ca khúc xưa vẫn còn nhiều điều mới lạ.

Chị Khánh Ly nói rằng, khi thế hệ của chị đã qua đi, chị mong mỏi thế hệ trẻ hơn hãy tiếp tục hát nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương… Những di sản văn hóa quí báu đó cần được thế hệ trẻ kế thừa. Và niềm mơ ước của chị đã có câu trả lời ngay trong đêm nhạc. Góp mặt trong chương trình là giọng hát tuổi 19 Mê Linh, có Nathan Đặng, và anh chàng MC ở tuổi đôi mươi Jimmy Thái Nhựt. Jimmy ra đời gần hai thập kỷ sau Quán Văn. Nhưng trong vai trò người dẫn chương trình, Jimmy đã chứng tỏ được khả năng tìm tòi, học hỏi của mình, và đặc biệt là lòng quí trọng, ngưỡng mộ đối với những thế hệ nghệ sĩ đi trước. Jimmy tìm được một bài phỏng vấn ca sĩ Khánh Ly trên báo chí Sài Gòn từ nửa thế kỷ trước. Trong đó, ở đoạn kết, ca sĩ Khánh Ly đã trả lời rằng cô sẽ không bao giờ phản bội nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và sẽ hát nhạc của anh cho đến cuối đời. Có lẽ đó là lời giải thích tại sao khán giả lại được nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Biển Nhớ…

Chị Khánh Ly tâm sự rằng thời gian không còn nhiều ở tuổi của chị. Chị sẽ cố gắng làm gì cần phải làm và còn làm được. Chị mong là sẽ kịp thực hiện được chương trình kỷ niệm 60 năm ca hát của mình tại sân khấu Việt Báo trong năm tới. Đối với chị, mỗi ngày còn được hát cho những khán giả yêu mến nghe đã là một niềm hạnh phúc. Hát cũng là để hỗ trợ những công việc từ thiện chị đang làm tại Việt Nam. Ca sĩ Quang Thành là người đang cùng chị đi rong ruổi trên những nẻo đường Việt Nam để vừa hát, vừa làm việc từ thiện. Anh cho biết 2 người đã hứa với các sơ trên vùng cao nguyên Trung Phần là sẽ giúp dựng lại các mái nhà sàn để làm nơi ăn học cho các em học sinh người Thượng. Toàn bộ số tiền thu được trong đêm nhạc Khánh Ly- Biển Nhớ sẽ được gởi về cho dự án từ thiện này.

Chị Khánh Ly mời khán giả hát chung bài Ở  Trọ- Ngẫu Nhiên trong cuối chương trình. Lời bài hát có lẽ cũng giống như tâm tình của chị, và nhiều khán giả yêu mến Khánh Ly- Trịnh Công Sơn:

Không có đâu em này

không có cái chết đầu tiên

và có đâu bao giờ ?

đâu có cái chết sau cùng ?...

…Hòn đá lăn trên đồi

hòn đá rớt xuống cành mai

rụng cánh hoa mai vàng

chim chóc hót tiếng qua đời

Người ôm lấy muôn loài

nằm trong tiếng bi ai…

Khi đã ở cuối cuộc đời, trải qua mọi thăng trầm, được mất, vinh nhục của cuộc sống, cảm nhận được sự phù du của kiếp người, mỗi người trong chúng ta sẽ thấy bớt đi lòng oán hận. Chỉ có sự thông cảm, thương yêu dành cho đồng loại mới là điều đáng quí nhất…

Đoàn Hưng

 

Photo credit: Mark Legend, Viet Pham & Hau Nguyen

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.