Hôm nay,  

Cảm Nghĩ Khi Xem Triển Lãm Tranh Của 14 Họa Sĩ Việt Nam

22/06/200100:00:00(Xem: 5255)
NHỮNG DÒNG TƯ TƯỞNG VIỆT NAM HÔM NAY, NGÀY MAI

Lê Việt Điểu & Cao Sơn ghi nhận

SAN JOSE (TVNs) - Những ngày mùa hè nắng ấm và càng ấm áp hơn khi tình đồng hương người Việt tị nạn tại Thung lũng Hoa Vàng khởi sắc không ở chỗ mọi người nhìn nhau thân thương hơn mà lại còn gần nhau trong nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Vào chiều thứ bảy 16/6 các họa sĩ Việt Nam đã gặp nhau trong một buổi tiếp tân với 14 họa sĩ thành danh trong nước và tại hải ngoại. Người ta có thể nhận ra những nét vẽ thân quen của họa sĩ Trương Thị Thịnh, Hà Cẩm Tâm, Mai Chửng, Nguyên Khai, Lê Hữu Quệ bên cạnh những họa sĩ Đào Hải Triều, Hoàng Lập Hoa, Huỳnh Minh Chí, Huỳnh Ngọc Điệp, Lê Thị Quế Hương, Lâm Kim Phượng, Nguyễn Thị Thanh Trí, Nguyễn Trí Minh Quang, Trần Sơn. Cuộc triển lãm mang chủ đề Những Dòng Tư Tưởng gồm nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc. Phòng tranh trưng bày trong nhà văn hóa Mễ tây Cơ (Mexican Heritage Plaza) gần 30 bức tranh được sắp xếp hài hòa trong căn phòng rộng và thoáng. Nhiều người xem tranh nhận xét - có lẽ - đây là lần đầu trong hơn 15 năm nay mới có một cuộc tập hợp do ngưòi Việt đứng ra tổ chức gần như đầy đủ các trường phái biểu lộ được những suy tư cảm nhận của các hoạ sĩ Việt Nam đối với cuộc sống.

Người xem tranh gặp lại Hà Cẩm Tâm với những con ngựa phóng khoáng đang sãi vó trên đồng và rồi cô đọng lại ở một khía cạnh khác với tác phẩm Nhiệm Mầu xa vắng cùng sự “Hiển Thánh” đạt đạo. Ở một góc khác Mai Chửng không là một điêu khắc gia; Mai Chửng và những vấn vương của ông qua tác phẩm Luân Vũ đầy màu sắc tươi vui, và cũng hôm nay ở đây Lê Hữu Quệ với 3 tác phẩm cùng tên Da Vàng hiển lộ những suy tư. Chiều nay có một Trương Thị Thịnh “Hoá Thân” trong đầm sen bên cạnh Lâm Kim Phượng “Thăng Hoa” từ đáy sâu của quá khứ vượt lên với mặt trời vàng rực rỡ.

Những Dòng Tư Tưởng triển lãm hôm nay - có thể - không nói lên tất những suy tư Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ xa quê hương trôi dạt tận góc biển chân trời! Những Dòng Tư Tưởng trình làng tại cộng đồng Việt nhỏ bé thung lũng điện tử tuy không là một cuộc trình bày những suy tư cảm nhận sau 26 năm lưu lạc, mà đây là nỗi ẩn ức chất ngất tự đáy lòng. Người ta có thể nhìn ra Nguyễn Trí Minh Quang mang nhiều “Ẩn Ý” rất trừu tượng trong hiện thực của đời thường, hoặc cố “Quên Lãng” trong một thực thể nhiềm mầu muốn quên mà chẵng hề quên. Người ta gặp lại hoạ sĩ Hà Cẩm Tâm không chỉ mãi miết sải vó rong ruổi nhiều nơi từ thị thành chật chội bon chen đến chốn rừng vắng miền sa mạc. Hôm nay ông có mặt và ông cho nghe một nhận xét “Chiều nay là sự tập hợp vĩ đại.” Người bạn nhìn ông thì ông nói thêm: “Chúng ta không thấy gì hôm nay nhưng hãy tưởng tượng một ngàn năm sau bạn bắt gặp lại ngày hôm nay thì mới biết được sự vĩ đại của nó.” Những Dòng Tư Tưởng được trưng bày trước mặt một số quan khách đúng là vĩ đại thật. Đến phòng tranh hôm nay hãy đi với những bước chân thật chậm, thật chậm, thật bình an để nhìn thấy những mảnh đời thường từ tác phẩm người phụ nữ Việt Nam “Trầm Mặc” trong chiếc áo bà ba, chiếc quần đen và chiếc nón lá truyền thống của Lê Thị Quế Hương vượt qua những xáo trộn, những ước mơ, những thành công và thất bại “Sau Đám Cháy” để cùng cảm nhận và “Nở Hoa” với Huỳnh Minh Chí, để cùng tham dự “Giai Điệu Mùa Xuân” với Huỳnh Ngọc Điệp hoặc náo nức “Chờ Cha” bên kia bờ đại dương với Trần Sơn!

Đối với người họa sĩ, màu sắc tạo thành những tác phẩm hội họa với những nét chấm phá riêng biệt của mỗi người. Những nét chấm phá đầy màu sắc của mỗi bức tranh chứa đựng những dòng tư tưởng bất tận của người họa sĩ, nó mang tâm tư của người họa sĩ.

Chẳng hạn, nếu chúng ta viếng phòng tranh và dừng chân trước bức tranh khổ 30” x 40” ghi tựa đề “Cội Nguồn” của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Trí và rồi, đọc những lời giới thiệu của họa sĩ trong cuốn brochure mới cảm nhận được tấm lòng của người họa sĩ khi cầm cây cọ đứng trước tấm vải. Với họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Trí thì:
“Hình hài tiên nữ in dòng Việt,
Hồn nước Rồng cha rạng sử Nam”

Tôi yêu thiên nhiên, vạn vật, màu sắc, gia đình và bằng hữu. Tranh là khung trời sống của tâm hồn tôi. Nơi đó, để lại những kỷ niệm vui buồn khó quên và những cảm nhận về cuộc sống, về thơ văn, ca dao và huyền thoại.

Qua huyền thoại con Rồng cháu Tiên, tôi đã cảm xúc mà vẽ lên bức tranh “Cội Nguồn”, và qua hai câu thơ:
“Hình hài tiên nữ in dòng Việt,
Hồn nước Rồng cha rạng sử Nam”

trong niềm thương, nỗi nhớ quê cha, đất mẹ vào năm 1990 tại xứ người.

Được biết, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Trí, từng là giáo sư môn vẽ của trường nữ Trung Học Nha Trang trước năm 1975. Năm 1987 họa sĩ và gia đình vượt biên sang định cư tại thủ phủ tiểu bang California, thành phố Sacramento.

Hôm nay, Những Dòng Tư Tưởng rất Việt Nam hiện thực và cũng rất nhiệm mầu qua những tác phẩm mà “Nếu không có nó thì đời sống chúng ta thật không có gì để nói”. Huỳnh Ngọc Điệp trong đám đông quan khách rộn ràng đã phát biểu như thế bên tai một người bạn đến xem tranh. Và hôm nay, hoạ sĩ trưởng tràng Trương Thị Thịnh thì: “Anh nghĩ coi, những nghệ sĩ của chúng ta làm việc trong những điều kiện thật là chật vật nhưng dòng tư tưởng của họ vẫn tuôn chảy. Tôi ước muốn có một studio để các anh chị em có nơi có chỗ cùng gặp gở và trao đổi.” Sau khi bà phát biểu như thế bà còn nói thêm “Các anh chị em bên giới truyền thông làm được gì để giúp cho các nghệ sĩ"” Câu hỏi cũng là nỗi mơ ước của người họa sĩ biết bao giờ thành tựu"

Những Dòng Tư Tưởng có đi từ những sắc màu và đường nét kỉ hà của họa sĩ Đào Hải Triều trong “Ước vọng tương lai” để đến được “Nhẹ Nhàng Trong Mơ” rất trừu tượng xanh lơ, như ẩn như hiện ở Nguyễn Trí Minh Quang hay không" Cứ xin chờ đợi.

Nếu quí vị chưa đến xem cuộc triễn lãm nầy xin mời ghé qua một lần để chia xẻ với các tác giả phòng tranh. Để tự tìm thấy chính mình qua nét bút của các họa sĩ. Cuộc triển lãm bắt đầu từ ngày 1/5/01 đến ngày 31/7/01. Hy vọng rằng Những Dòng Tư Tưởng Việt Nam không dừng lại ở đây, vì tôi biết có rất nhiều sinh viên Việt Nam theo học tại các đại học trong vùng đang theo đuổi ngành Hội Họa-Fine Art.

Xin phép mượn lời phát biểu của người nữ họa sĩ trẻ tuổi nhất - Nguyễn Trí Minh Quang- trong số những hoạ sĩ có mặt trong lần triển lãm hôm nay để kết thúc ” Khát vọng của người nghệ sĩ là tái tạo môi trường mà họ nhận thức là đang chuyên chở cuộc sống đầy mộng mơ, kỉ niệm, phẩn nộ và đam mê... Song song với việc giải quyết tình trạng hổn loạn đó, người nghệ sĩ tự tạo dựng bản thân mình.” Và xin được nối tiếp suy nghĩ của một người tham dự, tôi, xin có ý kiến “Người nghệ sĩ không chỉ tạo dựng bàn thân qua sự giải quyết các xung đột nội - tại - ngoại - cảnh; mà, người nghệ sĩ còn chuyên chở dòng văn hóa đã nuôi lớn họ để lưu giữ nhũng nét đẹp truyền thống rồi truyền cho thế hệ tương lai.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.