Hôm nay,  

Giáo Dục Cho Trẻ Em Ý Nghĩa Của Cuộc Sống

06/08/201900:00:00(Xem: 2336)
Giáo Dục Cho Trẻ Em Ý Nghĩa Của Cuộc Sống: Một Công Việc Quan Trọng Của Phụ Huynh
Doan-Hung_Y-nghia-cuoc-song
Hoạt động “bữa ăn nóng cho người vô gia cư” của nhóm GTMT

Những cuộc thảo luận về đề tài cách phòng ngừa các chứng bệnh căng thẳng, trầm cảm trong giới thanh thiếu niên gốc Việt tiếp tục được cộng đồng chia xẻ rộng rãi trong thời gian qua. Một vị phụ huynh đã kể lại một câu chuyện trong gia đình, để cho thấy một khía cạnh cần được giáo dục cho thanh thiếu niên mà ít được xem trọng: ý nghĩa của cuộc sống.

Dùng chữ “ý nghĩa”, hay “lý tưởng” của cuộc sống xem ra có vẻ to tát. Có thể chỉ cần tìm được niềm vui trong đời sống hằng ngày cũng đã có thể giúp đỡ rất nhiều cho các em thanh thiếu niên. Vị phụ huynh kể chuyện một người cháu gái của mình, ở vào độ tuổi 18, lứa tuổi đẹp nhất của một đời người. Cô có một diện mạo đẹp đẽ, học hành chỉ có toàn điểm A. Sắp hoàn thành trung học, cô đã được gia đình khuyến khích học ngành y, vì cô đủ sức theo đuổi ngành học này. Thế nhưng, gia đình kịp nhận ra một vài điểm bất thường của cô gái. Cô thường cô đơn, không có bạn bè. Đi học về, cô chỉ rút vào phòng, im lặng một mình. Đến tuổi 18, bố mẹ muốn mua cho cô một chiếc xe mới, để cô có thể tự đi học đại học, và có một cuộc đời tự do riêng tư. Thế nhưng cô từ chối, và cho biết mình không muốn lái xe. Và rồi một ngày, vị phụ huynh vào phòng cháu gái, thì kinh hoàng khi nhìn thấy cháu ngồi khóc một mình, và đang có ý định cắt mạch máu tay để tự sát.

May mắn kịp thời ngăn chặn được cơn khủng hoảng của cô bé đáng thương,  cha mẹ đã ngồi xuống với con, và hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra. Cô bé trả lời cô cũng không biết rõ. Cô chỉ thấy không có hứng thú với cuộc sống này. Bố mẹ cô nói rằng sẵn sàng làm tất cả điều gì theo ý muốn của cô, để cô có được niềm vui trong cuộc sống. Cô nói cô không muốn đi học nữa. Bố mẹ cũng đồng ý. Nhưng vấn đề là không đi học, cô còn cô đơn hơn, khi cả ngày ở nhà một mình. Bố mẹ đã hỏi cô ngoài việc đi học, cô còn thích làm gì khác? Sau khi suy nghĩ, cô nói mình thích học về ngành thẩm mỹ. Bố mẹ cô cũng đồng ý, và đã cho cô đi học đúng với sở thích. Theo vị phụ huynh, hiện nay cô cháu gái đã tạm qua một đợt khủng hoảng, nhưng vẫn cần được theo dõi đặc biệt, để giúp cô vượt qua được nguyên nhân sâu xa của chứng bệnh trầm cảm trong cô.

May cho cô bé, là gia đình đã có quan tâm, và giúp đỡ kịp thời.

Không chỉ có các em mới bắt đầu bước vào đời mới rơi vào tâm trạng trống rỗng này của cuộc sống. Ngay cả những người đã đi làm, đã thành công trong nghề nghiệp của mình cũng không tìm được cho mình ý nghiã của cuộc sống. Cũng vị này kể, một trong những người đệ tử của mình là môt nữ kỹ sư rất giỏi, đã từng đi làm việc cả chục năm cho hãng Boeing. Lương cao, được đồng nghiệp, cấp trên trong công ty quí trọng. Thế nhưng, cô kỹ sư này cũng sống khá cô đơn, khép kín. Đã có một lần, khi vị này gọi phone cho cô trong một ngày cuối tuần. Cô trả lời trong điện thoại bằng tiếng khóc. Vị này đã để cho cô khóc trong một vài phút, rồi mới hỏi: “tại sao con khóc?”. Cô trả lời rằng cô không biết mình sống trên cuộc đời này để làm gì. Cuộc sống của cô không có ý nghĩa gì đặc biệt.

Hai câu chuyện, hai hoàn cảnh khác nhau, được kể bởi một người. Hãy thử tưởng tượng, trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, còn biết bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy mà chưa được biết đến? Và đã có bao nhiêu em nhỏ đã kết liễu đời mình trong cô đơn, trầm cảm như vậy, vì đã không thể tìm ra câu trả lời về ý nghĩa của cuộc sống của chính bản thân?
Để đi tìm đầy đủ nguyên nhân, cách giải quyết cho vấn đề xã hội này, có lẽ phải cần đến rất nhiều ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia tâm lý, giáo dục, các nhà lãnh đạo tôn giáo, tinh thần… Trong vòng sinh hoạt, chia sẻ của một nhóm Phật tử trẻ, một số ý kiến đã được ghi nhận như sau.

Theo đạo Phật, được sinh ra làm một con người đã là một phước báu lớn lao. Phải trải qua bao nhiêu kiếp một sinh linh mới có được duyên lành sinh làm kiếp người. Nhất là khi mình lại được thừa hưởng một cơ thể toàn vẹn, không tật nguyền. Khi mình có được duyên lành để sống ở một quốc gia mà không phải lo toan quá nhiều về cơm ăn, áo mặc, về an ninh xã hội như ở đất nước Hoa Kỳ này. Những ai đã từng sống ở Việt Nam qua những năm tháng chiến tranh trước 1975, những năm tháng đói khổ về cả vật chất lẫn tinh thần của Việt Nam sau 1975, trong một xã hội mà con người luôn bị sợ hãi, bị kềm kẹp, mất tự do vì chế độ công an trị. Hạnh phúc là tương đối. Các em sinh ra và lớn lên trong một xã hội Mỹ đầy đủ tiện nghi, được cha mẹ nuôi dưỡng, được xã hội chở che. Cho nên các em không có điều kiện để so sánh, không thấy được rằng mình đang sung sướng, hạnh phúc hơn hàng tỉ người trên hành tinh này, hơn hàng chục triệu đồng bào đang sống ở tổ quốc Việt Nam. Giúp các em thấy được sự thật này, có thể các em sẽ thấy cuộc đời của mình là may mắn, từ đó trân quí nó hơn.


Một tiến sĩ giáo dục cho rằng tập cho các em có tinh thần biết ơn là một phương cách rất tốt để tạo ra một đời sống tinh thần lành mạnh. Lòng biết ơn giúp cho não bộ trẻ em phát triển theo chiều hướng tích cực. Hãy hướng dẫn các em về lòng biết ơn đối với cha mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục, biết ơn thầy cô là người đã giáo dục, trao truyền kiến thức, biết ơn biết bao người trong xã hội đã góp sức tạo ra biết bao tiện nghi trong cuộc sống để các em được hưởng thụ… Đó chính là tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của tổ tiên Việt Nam truyền lại.

Làm sao để tìm ra niềm vui cho mình trong cuộc sống? Có nhiều cách. Đầu tiên, là hãy tạo điều kiện cho các em được làm những điều mà mình thích. Nhiều em đến tuổi vào đại học đã có khuynh hướng thích làm một công việc nào đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có nhiều phụ huynh đã không cho phép các em học ngành nghề mà các em yêu thích. Họ ép buộc các em phải học những nghề kiếm được nhiều tiền theo ý của cha mẹ, như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ... Điều này đã từng gây tổn thương cho biết bao thanh thiếu niên gốc Việt ở Mỹ. Một trong những ưu điểm của xã hội Mỹ hơn hẳn khi so với Việt Nam, đó là có nhiều cơ hội kiếm được một công việc mà mình yêu thích, với một mức lương ổn định. Xã hội Mỹ phóng khoáng, không chỉ trọng vọng những nghề “có học thức” như bác sĩ, kỹ sư… Nói chung, sự lựa chọn nghề nghiệp ở Mỹ là phong phú. Vì vậy, không nhất thiết phải ép con cái học theo ý muốn của mình. Hãy để cho các em sống cuộc đời của các em.
Kế tiếp, bên cạnh việc học, hãy cho các em tiếp xúc với nhiều phương tiện giải trí khác nhau để làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Âm nhạc, thể thao là một vài ví dụ tiêu biểu. Học guitar, chơi piano không phải để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, mà là cơ hội hiểu biết về âm nhạc, tăng khả năng hưởng thụ được âm nhạc. Khoa học cũng chứng minh được rằng học nhạc, hay chơi thể thao làm cho đời sống tinh thần của trẻ em cân bằng hơn, phát triển trí tuệ toàn diện hơn.

Những trẻ em sống cô đơn, khép kín thường khó tìm được niềm vui hơn những em có tiếp xúc, sinh hoạt ngoài xã hội, mở rộng trong giao tiếp giữa người với người. Vì vậy, ngoài trường học, tạo điều kiện cho các em tham gia những sinh hoạt đoàn thể như hướng đạo, Gia Đình Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể, các câu lạc bộ thể thao, âm nhạc… là một điều bổ ích đối với đời sống tinh thần của trẻ em.

Một huynh trưởng hướng đạo đã chia sẻ câu chuyện của một gia đình đoàn sinh của mình. Một phụ huynh có hai con đi hướng đạo kể lại với người huynh trưởng rằng đã có một lần, con anh tâm sự rằng cảm thấy cuộc sống nhàm chán quá, dù các em chẳng thiếu thứ gì. Mùa hè năm đó, anh quyết định đưa cả gia đình về Việt Nam vừa thăm người thân, vừa đi du lịch, vừa làm từ thiện. Hai con của anh đã được chứng kiến tận mắt các em đồng trang lứa sống cơ cực trong các trại mồ côi, nhìn những mảnh đời đáng thương của những người khuyết tật, bất hạnh. Niềm vui của họ đơn giản chỉ là được giúp đỡ có đủ ăn, đủ mặc, và có thể sống hữu ích trong xã hội. Chuyến đi này đã có tác dụng rõ rệt. Kể từ đó, hai đứa con anh khi về Mỹ cảm thấy mình hạnh phúc hơn hẳn, không còn cảm giác nhàm chán. Hơn thế nữa, sau này khi đã lớn hơn, năm nào các em cũng sắp xếp về Việt Nam, tham gia những việc làm từ thiện để giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình.
Mà cũng không cần phải về Việt Nam mới giáo dục được con em mình biết hạnh phúc với điều mình đang có. GTMT, một nhóm Phật Tử trẻ ở Quận Cam trong nhiều năm qua đã có những hoạt động như nấu ăn cho người vô gia cư tại Quận Cam, đến giúp vui cho các bác lớn tuổi trong viện dưỡng lão. Nhiều bậc phụ huynh không chỉ tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa này, mà còn dắt con em của mình đi theo. Được chứng kiến tận mắt những cảnh đời bất hạnh, được tự mình tham gia vào việc làm giảm đi nỗi bất hạnh đó của người khác, các em nhỏ cảm thấy mình thực sự may mắn, không bao giờ thấy những gì mình đang hưởng là vô vị nữa.

Những chia sẻ ngắn gọn là như vậy. Vấn đề giúp thanh thiếu niên trong cộng đồng chúng ta tìm ra ý nghĩa, niềm vui cho cuộc sống là quan trọng, khó khăn, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Điều quan trọng là phụ huynh phải dành thì giờ cho con mình, nhìn ra vấn đề cho kịp lúc. Còn về cách giải quyết, với nhiều đoàn thể, nhiều chuyên viên, nhiều tấm lòng trong cộng đồng cùng góp sức, nhiều khả năng  chúng ta sẽ tìm ra phương pháp phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Sự quan tâm, tình thương dành cho các em mới là yếu tố quan trọng nhất.

Đoàn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.