Hôm nay,  

Câu Chuyện Cô Y Tá Đem Thực Tập Tỉnh Thức Vào Các Trường Tiểu Học

26/07/201900:00:00(Xem: 3586)
Chon nguyen
Chơn Nguyên chia sẻ về kinh nghiệm thực tập tỉnh thức.

Đối với những bậc phụ huynh có quan tâm đến đời sống tinh thần, sức khỏe tâm lý của con em trong lứa tuổi vị thành niên, thì tin tức về các vụ tự tử của các em học sinh gốc Việt ở độ tuổi trung học ở vùng Quận Cam trong vài năm qua là điều không thể bỏ qua. Chỉ trên tờ nhật báo Người Việt của vùng Little Saigon, trong 2 năm 2016 và 2018 đã đưa tin về 2 trường hợp tự tử của hai em học sinh trung học gốc Việt. Em Kyle Huynh tự tử bằng cách treo cổ vào ngày 29/11/2016. Còn em Andrew Việt Nguyễn đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách nhảy lầu, chỉ hai ngày trước lễ Giáng Sinh 2018. Nhiều bài báo khác trong vùng Nam Cali cũng cảnh báo về sự gia tăng các căn bệnh thuộc về sức khỏe tâm lý như căng thẳng, chứng trầm cảm… trong giới các em học sinh trung học. Những căn bệnh tâm lý này chắc hẳn có liên quan đến những cái chết đau thương vừa kể trên, và nhiều trường hợp khác nhưng không được công bố trên báo chí.

Câu hỏi đặt ra cho cộng đồng gốc Việt chúng ta là có cách nào làm đảo ngược, hay giảm bớt khuynh hướng bi kịch này? Chị Lý Trí Anh, mẹ của Andrew Việt Nguyễn đã nói rằng hiện nay chị muốn làm một điều gì đó để góp phần giúp đỡ các em thanh thiếu niên trong cộng đồng về mặt sức khỏe tâm lý. Theo chị, điều này là cấp bách. Bởi vì chị nhìn thấy chung quanh những trường hợp đáng lo tương tự như đứa con trai đã mất của mình là không hề ít.

Có nhiều phương pháp mà những cá nhân, hội đoàn đã và đang thực hiện để giúp đỡ  các em thanh thiếu niên trong cộng đồng. Một trong những cách thức tuy đơn giản, nhưng rất hiệu quả, và được giới chuyên gia về tâm lý, giáo dục, y tế cộng nhận chính là thực tập lối sống tỉnh thức để tăng cường khả năng tự chủ, và nuôi dưỡng sự cân bằng trong sức khỏe tâm lý. Trong một buổi hội thảo chủ đề “đem thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với thanh thiếu niên gốc Việt Quận Cam” tại hội trường Báo Người Việt hôm 14/07, câu chuyện của Chơn Nguyên -cô y tá học khu San Gabriel- đã thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Theo Chơn Nguyên, mình không thể cho người khác một thứ gì mà mình không có. Nếu muốn thuyết phục, hướng dẫn ai đó thực tập lối sống tỉnh thức, thì việc đầu tiên là mình hãy thực tập, và cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn do phương pháp này đem lại. Với Chơn Nguyên, thực tập tỉnh thức không chỉ mang lại sự bình an, mà có thể là cả cuộc đời của cô nữa. Cách đây 5 năm, Chơn Nguyên được bác sĩ phát hiện ra đã mắc căn bệnh ung thư phổi ở giai đoạn 4. Tiên liệu của bác sĩ lúc đó là mạng sống của cô được tính theo đơn vị tháng. Thế nhưng, Chơn Nguyên đã sống chung với căn bệnh này được 5 năm rồi. Bác sĩ nói đây là một trường hợp hiếm thấy. Hiện nay, cô vẫn phải tiếp tục uống thuốc hóa trị. Khi đi tái khám mỗi 6 tháng, những tế bào ung thư vẫn còn tiềm ẩn, nhưng không phát triển. Có nghĩa là một ngày nào đó, chúng vẫn có thể bùng phát trở lại. Vấn đề là Chơn Nguyên đã biết cách sống hòa bình với căn bệnh của mình. Thân thì vẫn cứ bệnh. Nhưng tâm thì không để cho thân bệnh làm suy sụp, dẫn đến cả thân lẫn tâm đều bệnh hoạn, và đó mới là điều nguy hiểm nhất của căn bệnh nan y này.

Vậy đâu là bí quyết để Chơn Nguyên vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất trong 5 năm qua? Theo cô, đó chính là nhờ thực tập lối sống tỉnh thức. Tâm bình an là một chỗ nương tựa cho thân bệnh, giúp cho thân có cơ hội phục hồi cùng với sự chữa trị thích hợp của y học.

Trải nghiệm được sự mầu nhiệm của lối sống chánh niệm tỉnh thức, Chơn Nguyên muốn đem kinh nghiệm của mình đến với những người chung quanh. Là y tá của học khu San Gabriel, Chơn Nguyên nhận ra rằng nhiều em học sinh mắc những chứng bệnh tâm lý như căng thẳng, trầm cảm. Ngay cả các em học sinh ở tiểu học cũng có biểu hiện của chứng lo âu, sợ hãi. Cũng đã có một học sinh trung học trong học khu tự tử, khiến ban giám đốc đã phải mướn chuyên gia đến thực hiện những chương trình giáo dục sức khỏe tâm lý cho học sinh. Và họ cũng có đề cập đến phương pháp thực tập mindfulness (chánh niệm, tỉnh thức).

Nhận thấy mình có thể giúp học khu trong chương trình hướng dẫn thực tập tỉnh thức cho các em học sinh, vào năm 2016, Chơn Nguyên đã đề nghị cho mình làm thử nghiệm chương trình thực hành tỉnh thức trong các trường học trong học khu. Vị giám đốc học khu dù rất tin tưởng cô y tá của mình, nhưng vẫn chần chừ không muốn thực hiện. Lý do là vì sợ các gia đình thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể không thích cho con mình thực tập phương pháp này.

Nhưng Chơn Nguyên không bỏ cuộc. Tiếp cận từ cấp cao nhất của học khu không được, cô thử tìm cách thuyết phục ở các trường. Do thường xuyên xuống làm việc với các trường tiểu học, Chơn Nguyên biết được một vấn đề mà các giáo viên đang tìm cách giải quyết: làm sao để học sinh mau chóng tập trung bắt đầu học tập. Cứ mỗi đầu giờ buổi sáng, thật là khó khăn và mất nhiều thời gian để giáo viên kêu gọi các em đang tràn đầy năng lượng phải yên lặng, ổn định trật tự. Rồi đến sau khi ra chơi vào lớp, và sau giờ ăn trưa vào lớp cũng vậy nữa! Chơn Nguyên đã đề nghị một vị hiệu trưởng cho cô chỉ dẫn giáo viên và các em học sinh tập trung trở lại bằng thực tập chánh niệm. Bà hiệu trưởng đồng ý, vì bà đã từng nghe nói tốt về phương pháp này.

Chơn Nguyên bắt đầu ngay. Có nhiều phương pháp để thực tập. Cô bắt đầu tập cho các em khi nghe cô thỉnh tiếng chuông, thì các em theo dõi thở trong vòng 30 giây, rồi từ từ lâu hơn đến một phút. Theo dõi hơi thở rất dễ: chỉ việc khi hít vào, cảm thấy bụng mình phồng ra; khi thở ra, cảm nhận bụng mình xẹp xuống. Thật là thú vị, các em thực tập dễ dàng, và ổn định trật tự chỉ trong vòng một phút. Giáo viên có thể bắt đầu dạy học được ngay. Mà kết quả thu được không chỉ có vậy. Sau một thời gian, khả năng tập trung học, nghe giảng của các em cao hơn rõ rệt, và điều này có thể thấy được qua kết quả các bài kiểm tra. Hơn thế nữa, giáo viên nhận ra nhiều em học sinh hành xử dễ thương hơn với bạn bè, với người chung quanh sau khi có thực hành chánh niệm.

Ngoài thực tập nghe chuông theo dõi hơi thở, Chơn Nguyên còn cho các em thực tập yên lặng, chú tâm nghe tiếng chuông ngân, rồi giơ tay lên khi nhận biết rằng mình không còn nghe âm ba của tiếng chuông nhỏ dần nữa. Hay khi ngồi im lặng thở, các em để ý xem những tiếng động nào đang hiện hữu chung quanh.  Hay ngồi yên lặng, quan sát những gì đang diễn ra chung quanh mình. Thật là thú vị, các em cho biết đã cảm nhận được rất nhiều điều mới lạ chung quanh mình, dù những thứ này vẫn diễn ra hằng ngày mà các em không để ý đến. Các em hiểu được sự nhiệm mầu của giây phút hiện tại – Present.

Chơn Nguyên đã diễn tả một cách dí dỏm, rằng khuyên các em, khuyên giáo viên, khuyên phụ huynh… nên thực tập chánh niệm tỉnh thức giống như đi “bán hàng”. Cô luôn tìm cách giới thiệu tính ưu việt của “món hàng” mà mình “chào bán”. Đối với các em học sinh, Chơn Nguyên hỏi các em có muốn học giỏi không? Các em có muốn là một người dễ thương, được thầy yêu bạn mến không? Đối với giáo viên, việc học sinh tập trung, học hành giỏi, hành xử tốt với bạn bè là một phần thưởng. Đối với các bậc phụ huynh, việc con em mình có được một phương pháp để có thể kiểm soát được cảm xúc, tập làm chủ được bản thân ngay từ lúc bé là một điều quan trọng. Để sau này lớn lên, khi phải đối phó nhiều hơn với những căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống, các em đã được trang bị sẵn một phương tiện tuy đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để làm chủ tâm ý của mình.

Hữu xạ tự nhiên hương. Các lớp trong ngôi trường đầu tiên mà Chơn Nguyên hướng dẫn đều cho các em thực tập phương pháp chánh niệm tỉnh thức. Rồi một số ngôi trường khác cũng đề nghị cô tới huấn luyện. Cho đến nay, đã có 4 ngôi trường tiểu học trong học khu San Gabriel áp dụng phương pháp thực tập này. Một số trường trung học cũng đã hỏi, nhưng Chơn Nguyên không còn thì giờ để thực hiện, vì công việc y tá cũng rất bận rộn.

Một điều đáng nói hơn nữa, là chính các em đã cảm thấy vô cùng hứng khởi, vui thích với việc thực tập tỉnh thức. Có em còn về bày cho cha mẹ cùng thực tập ở nhà. Có một lần, một phụ huynh gặp Chơn Nguyên trong trường, hỏi cô có phải là người đã chỉ cho các em tập thở chánh niệm không? Vị này đã cảm ơn Chơn Nguyên, và cho biết con mình về nhà bắt bố mẹ cùng tập theo dõi hơi thở. Các em nói: “thực tập này tốt lắm”! Còn nhiều giáo viên kể với Chơn Nguyên rằng, có những buổi cuối ngày học mà còn nhiều việc cần phải ôn tập, họ hỏi các em muốn làm một điều gì trước khi ra về, các em đã trả lời: “thực tập thở chánh niệm!”. Nghe được những câu chuyện như vậy, Chơn Nguyên cảm thấy ấm lòng…

Câu chuyện của cô y tá Chơn Nguyên đem thực tập chánh niệm vào các trường tiểu học dòng chính là vậy. Để thực hiện những ước mơ lớn, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ. Áp dụng ở dòng chính được, thì việc thực tập này hoàn toàn có thể đưa vào trong các sinh hoạt đoàn thể của cộng đồng gốc Việt chúng ta, thí dụ như các trung tâm Việt Ngữ, các đoàn thể hướng đạo, đoàn thể thanh thiếu niên Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo… Vấn đề quan trọng nhất là mỗi bâc phụ huynh, thầy cô hãy thử thực tập phương pháp điều phục tâm ý hữu ích này, để chính mình cảm nhận lợi lạc, trước khi hướng dẫn cho con em, học trò. Giống như mỗi người hãy tự thắp cho mình một ngọn đèn. Ánh sáng, hơi ấm của nhiều ngọn đèn nhỏ như vậy sẽ là suối nguồn hạnh phúc vững chãi cho thế hệ trẻ, cho những ai chung quanh đang cần một nơi nương tựa bình an cho tâm hồn.

Bởi vì ta không thể cho những gì mà mình không có…

Đoàn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.