Hôm nay,  

Thơ Gởi Sinh Nhật Mẹ

12/06/201900:00:00(Xem: 5469)
QuyenDi_Mom_Graduation
Mẹ Và Quyên Dzi trong ngày lễ ra trường

4 Daughters Perry Iowa
Ba mẹ và 4 con gái

Grandma and Phelixx
Ngày 12 tháng 6 năm 2019

Mẹ yêu quý,

Con nghĩ mãi để tìm ra một món quà cho ngày sinh nhật của mẹ năm nay. Năm nào cũng vậy. Mua quà sinh nhật cho mẹ bao giờ cũng khó nhất vì mẹ là người khiêm tốn, không đòi hỏi gì bao giờ. Có khi con mua tặng mẹ một cái ví hàng hiệu, một món trang sức hay một tấm áo thật đắt tiền thì mẹ cất nó vào tủ, đợi cho nó “bớt mới”, nếu không thì mẹ trả lại con, nói rằng nó hạp với con hơn và bảo con đưa lại cho mẹ những thứ cũ kỹ con đã dùng. Dẫn mẹ đi ăn, mẹ cũng chẳng bao giờ cho chúng con trả tiền, để cuối cùng mẹ con om sòm nhau ở nhà hàng. Bao nhiêu hoa lan trên trái đất này con cũng đã mua tặng mẹ, con thực sự không còn ý nào nữa.

Rồi trí con chợt lóe. Điều duy nhất mẹ xin, mẹ cầu là hạnh phúc của các con mẹ. Thế thì, mẹ ơi, con có món quà trao tặng mẹ. Một món quà thật đơn giản, nhưng con đặt cả cuộc đời con trong đó, để ít nhất thì con cũng nghĩ ra một cách diễn đạt để đem lại cho mẹ niềm vui và sự an bình.

Đầu tiên, con có nhiều điều phải xin lỗi mẹ. Con xin lỗi vì hồi ở Iowa (nơi chúng ta đến định cư khi là thuyền nhân), vào tuổi đang lớn, con đã nhiều lần xấu hổ về mẹ. Con xin lỗi vì đã từ chối không mặc những áo đầm mẹ may cho, chỉ vì con thích mặc quần jeans, quần dài (con vốn là đứa con gái tính như con trai mà). Hoặc vì con cứ so sánh với áo của tụi con gái trung lưu Mỹ mua ở các khu mua sắm Mỹ và thấy áo mẹ may không đẹp bằng – con xin lỗi mẹ. Ước gì con giữ lại được tất cả những áo đầm mẹ may bằng những loại vải, những món trang trí, những khuy nút mà mẹ chọn mua tại tiệm vải. Những tấm áo đó quý giá hơn bất kỳ món hàng hiệu nào mà con có bây giờ. Con thừa hưởng của mẹ phong cách mặc của con bây giờ.

Con xin lỗi đã ngượng ngùng vì tiếng Anh vấp váp của mẹ, vì thói quen nói tiếng bản xứ với chúng con ở nơi công cộng vì lúc ấy những kẻ kỳ thị nhìn mình chằm chặp. Tiếng mẹ đẻ của mẹ, ngôn ngữ thứ hai của con đẹp, tinh tế và hết sức lãng mạn. Ngôn ngữ và văn hóa Việt có những âm sắc, những ngôn từ thi vị khiến nó có thể được coi như một loại tiếng Ý của Đông Nam Á, theo ý của tác giả Việt Thanh Nguyễn trong tác phẩm The Sympathizer đã đoạt giải Pulitzer.

Một trong những kỷ niệm đẹp nhất của con về mẹ là vào lúc con ba tuổi. Tối hôm ấy mẹ đi học lớp Văn Phạm Anh văn về đọc truyện Danny và Con Khủng Long cho chị em chúng con nghe trước khi đi ngủ. Con muốn nhắc để mẹ nhớ rằng đây là quyển sách đầu tiên mà con đọc cho cháu ngoại của mẹ nghe khi nó ra đời. Con thật không hiểu được làm sao mẹ có thể tung hứng thời gian để vừa làm hai công việc, vừa đi học lớp tối, vừa có thì giờ cho bốn đứa con gái của mẹ (sau đó còn thêm hai đứa con trai nữa cho phe cánh Đặng Phạm). Con xin lỗi vì đã giận mẹ không đến dự các lễ hội Giáng Sinh tại trường, hoặc những buổi bán bánh. Mẹ ơi, con thật lòng xin lỗi.

Con xin lỗi vì những lần, hồi còn nhỏ, con từ chối không ăn những thức ăn mẹ nấu với các món rau mẹ trồng ngoài vườn; thay vào đó con lại muốn một hộp Mac N Cheese hoặc xúc xích mà những đứa con nít Mỹ ăn vào buổi tối; và con xin lỗi vì có lần con đã để cho một đứa bạn học ngu si chế riễu nhà mình có mùi “kỳ cục” lúc mẹ đang nấu một bữa ăn bốn món cho chúng con. Con thật ân hận. Giờ thì tại Hollywood, nơi con đang sống, tất cả những đứa ham của lạ, khi biết con là người Việt Nam, đều hỏi phở ở đâu ngon nhất. Câu trả lời của con bao giờ cũng là “Tại nhà mẹ tôi.” Mỗi lần con thấy giá quá đắt của các củ dưa leo hoặc cà chua sạch tại một cửa tiệm Mỹ thì con lại mỉm cười, nghĩ đến những bữa ăn từ Vườn vào Bếp mà mẹ nấu từ ngày đầu tiên. Và cũng nhờ mẹ mà con biết giá trị của một bữa ăn nấu tại nhà cùng ăn với gia đình và bạn bè.


Mẹ ơi, dưới mắt con, mẹ là người đẹp nhất trần đời. Con thấy trong mẹ vừa nét khả ái, vừa lòng nhân hậu. Mẹ hết lòng xả thân cho các con, cho chồng và cho chính mẹ của mình. Con biết mẹ đã mất cha và chị trong chiến tranh và mẹ đã bỏ lại mẹ của mình (người mà mẹ thương nhớ từng ngày) để đến Mỹ xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình nhỏ riêng. Mẹ đã bắt đầu từ đầu ở Perry, tiểu bang Iowa, nơi mẹ làm những công việc cần lao để nuôi ba, trong khi ba đi học. Ngay khi ba đã khởi đầu sự nghiệp kỹ sư cơ khí tại hãng Boeing (công việc ba làm suốt 35 năm và chỉ mới về hưu đây). Và mẹ cũng nuôi hết đàn con. Mẹ quyết tâm không ngưng công việc để kiếm sống cho gia đình mình, để giúp bà ở Việt Nam và để góp tiền cho nhà thờ Thiên Chúa. Mẹ đã không hoài công hy sinh.

Ai cũng nói con giống ba như đúc. Quả vậy. Khuynh hướng của con là phải thành đạt hơn mức ấn định và con không chấp nhận loại người không làm mà hưởng. Tất cả những gì con làm được, thành công và vẻ vang, đều có sự góp phần của mẹ. Có những người chê con là ngang bướng, hay đỏi hỏi và không hiền. Tuy nhiên, những người biết tính con thì hiểu rằng con sẽ không chịu dừng lại. Thực vậy, con từ chối không dừng bước. Cũng chỉ vì mẹ. Con sống trọn vẹn đời con cũng chỉ để vinh danh mẹ - bởi vì dù con không đi ngược thời gian được và không cho mẹ được những điều tốt đẹp mà mẹ xứng đáng hưởng, con vẫn để mẹ sống cuộc đời của con. Đây là cách con dâng mẹ những điều tốt đẹp nhất trong đời vì mẹ đã không có được nó cho chính mẹ. Con sẽ cầy cục để có được cuộc sống mà mẹ đành phải từ bỏ để các con của mẹ có cuộc sống phong phú hơn. Mỗi lần con muốn bỏ qua một cơ hội nào – vì mệt mỏi hay vì lơ đãng – con lại càng hối hả hơn nữa.  không phải vì những lợi lạc của nỗ lực mà vì con biết cả đời mẹ không bao giờ được hưởng quyền
chọn lựa và nguồn lực mà con gặt hái được.

Mẹ chỉ muốn các con của mẹ được hạnh phúc. Mãi đến khi chính con được làm mẹ (điều này con mới nhớ ra nhờ xem lại phim Phúc Lạc Hội, xin cám ơn Amy Tan) con mới hiểu ra rằng được làm mẹ là một món quà quý giá nhất trần đời – có khi nó khiến mình gục ngã nhưng đồng thời, chỉ có nó mới tiếp sức cho mình hùng mạnh như một con sư tử cái.

Mẹ ơi, mẹ còn là một người mẹ tị nạn. Mẹ thuộc một nòi giống hoàn toàn khác biệt, một nòi giống cần được thường xuyên chúc mừng và nhắc đến. Mẹ đã phải làm lại cuộc đời, đời của một người mẹ trẻ bốn con trên xứ lạ quê người sau một cuộc chiến đau thương và một hành trình sóng gió. Chuyện cá nhân mẹ phải lăn lộn với đời đã bị lu mờ bởi chuyện cả một đất nước bị thử thách. Có biết bao câu chuyện trong lịch sử bị bỏ quên chỉ vì đó chỉ là chuyện của một kẻ bần hàn. Những người mẹ tị nạn như mẹ xứng đáng được ca tụng. Những phụ nữ như mẹ đã sống sót biết dường nào mà vẫn giữ được sự trầm tĩnh và tính kiên trì thật tinh tế; mẹ là nữ anh hùng thầm lặng của gia đình và cộng đồng mình, Ngoài tất cả những điều này, mẹ còn có trái tim nhân hậu và tấm lòng rộng lượng vô song. Lá thư này là một bài văn ca ngợi mẹ Phạm Đặng Kim Hoa, con gái của Đặng Thị Vọng, là hình ảnh trong trí con về mẹ. Câu chuyện về mẹ sẽ được chia sẻ và đây là món quà duy nhất của con để thể hiện tấm lòng con trân trọng cuộc đời của mẹ. Làm được đizu này, con cảm thấy hạnh phúc.

Không lời nào nói đủ tình thương yêu của con đối với tất cả những gì mẹ làm và đối với nhân cách của mẹ. Con không bái lạy bất cứ ai, bất cứ đền thờ hay lý tưởng nào, nhưng con bái lạy mẹ, Nữ Hoàng của mọi Nữ Hoàng.

Con gái thứ tư chúc mừng sinh nhật mẹ.

Phạm Đặng Quyên Di
(Còn được gọi là Bé Z)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.