Hôm nay,  

Một Chút Tâm Tình Với 30/04 Năm Đó… Bây Giờ!

04/05/201900:00:00(Xem: 4217)
Mot chut tam tinh 01
Lễ chào cờ VNCH trong hội tường.

 
Mot chut tam tinh 02
Chú Tấn, Hội Trưởng Hội Cao Niên chào mừng quan khách.

 
Mot chut tam tinh 03
Các bậc trưởng thượng đang tế lễ.

 
Mot chut tam tinh 04
Cờ rũ của Quân Đội VNCH.

 
Mot chut tam tinh 05
Chiến sĩ VNCH.

 
Triều Phong
 

Đối với người Việt Nam yêu chuộng tự do ở khắp nơi trên thế giới thì các Tháng Tư sau năm 1975 là tháng khó khăn nhất, đau khổ nhất, buồn bã nhất, cay đắng nhất, tủi nhục nhất trong năm.  Vì sao?  Bởi ngày Ba mươi tháng Tư năm đó, Miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay cộng sản.  Dân chúng Miền Nam đã mất tất cả!

Những tháng ngày trước biến cố này người ta đã bỏ ruộng đồng, vườn tược chạy về thành phố tỵ nạn chiến tranh, lánh nạn cộng sản.

Và rồi sau biến cố này, người ta lại phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ tài sản của cải, bỏ thành phố, bỏ mồ mả tổ tiên ông bà và cuối cùng là bỏ cả quê hương, mạng sống, chạy ra biển, băng qua rừng…vì tự do!

Bốn mươi bốn năm đã trôi qua, hàng trăm ngàn quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa đã chết trong ngục tù, khắp các trại cải tạo từ Nam ra Bắc.  Hàng trăm ngàn người dân bị đoạ đày đi vùng Kinh Tế Mới như bị lùa vô chốn rừng thiêng nước độc thiếu thốn mọi thứ khiến cho không biết bao người phải bỏ mạng.  Và theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (The United Nations High Commissioner for Refugees) thì có hơn hai trăm ngàn người đã hy sinh hoặc mất tích trên biển cả khi trốn thoát chế độ cộng sản trong số tám trăm sáu mươi lăm ngàn thuyền nhân (The Boat People) đến được bến bờ tự do tính từ năm 1976 cùng vô số “bộ hành nhân” đã tử nạn trong cuộc vượt biên bằng đường bộ qua Kampuchia tới Thái Lan vào cuối năm 1979 đến năm 1983!

Vì vậy nhằm mục đích gìn giữ cũng như để nhắc nhở cho người Việt lưu vong, cho con cháu đừng bao giờ quên nỗi nhục mất một chính thể Việt Nam Tự Do, hằng năm vào ngày Ba Mươi Tháng Tư, các hội đoàn, đoàn thể Người Việt sống khắp nơi trên thế giới, ngoài Việt Nam đang do cộng sản chiếm giữ, lại tề tựu cùng nhau để tổ chức những buổi lễ ghi nhớ công lao các chiến sĩ đã xả thân bảo vệ Nam Việt Nam trước đây, tưởng niệm các tướng lãnh, các anh hùng vô danh đã can trường tuẫn tiết, mặc niệm những đồng bào đã bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển…hay để hun đúc tinh thần quật khởi cho giới trẻ ngỏ hầu tranh đấu cho một Việt Nam không cộng sản trong tương lai.

Trong cùng ý nghĩa lịch sử và thiêng liêng ấy, ngày Chủ Nhật 28 tháng 04 năm 2019 vừa qua, các cô chú bác cựu quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) trong Hội Cao Niên ở thành phố Dayton, Ohio, đã phối hợp cùng Hội Người Việt để tổ chức buổi Giỗ Quốc Hận Tưởng Niệm Tháng Tư Đen (Vietnamese’s Black April) tại Hội Trường Powell Banquet Center ở số 4275 Powell Rd., Huber Heights, OH 45424.  

Dưới không khí lành lạnh khi sương chiều bắt đầu xuống, người Việt tại đây lần lượt kéo về ngôi hội trường nho nhỏ nằm trên một đồng cỏ xanh mướt ở ngoại ô để tham dự một sự kiện quan trọng hằng năm của người Việt tha hương nơi đất khác. Bên trong hội trường, ở giữa phòng có một lá đại kỳ của nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được treo trên tường, với hàng chữ Quốc Hận 30/04 thật lớn phía trên và chính giữa lá cờ có hình bản đồ Nước Việt. Hai bên có treo hai tấm bản đồ Việt Nam lớn với hình năm vị tướng đã hy sinh tuẫn tiết cùng quốc hiệu của các quân binh chủng của quân đội VNCH.  Phía dưới là bàn thờ tổ quốc được bày trí rực rỡ với một bức tượng Tổ Quốc Ghi Công, phỏng theo mô hình Kim Tự Tháp rất đẹp, một cái lư hương thật to để cúng tế với nhiều hoa quả, bánh trái. Ngoài ra người ta cũng thấy xung quanh khán đài có rất nhiều cờ của Hoa Kỳ và VNCH được đặt dọc hai bên bàn thờ tổ quốc, tấm tranh phóng lớn ảnh của một người quân nhân đang ngồi gục đầu đau khổ và cách một khoảng không xa, ở bên trái của bàn thờ tổ quốc có một cái bàn nhỏ trên đó có tấm ảnh Tượng Tiếc Thương nổi tiếng của Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu cùng một số quân trang quân dụng của người lính VNCH như quân phục, giày Saut, chiếc nón sắt treo lủng lẳng trên cây súng trường dựa cạnh cái bao lô như nói lên cuộc đời binh nghiệp cơ cực từng vào sanh ra tử của người chiến binh…

Sau khi chờ thêm một số bà con ở các thành phố khác cũng như từ các vùng phụ cận đến góp mặt và lúc nhận thấy đã có khá đông người đến dự lễ thì Ban Tổ Chức tuyên bố khai mạc buổi lễ đúng vào lúc sáu giờ.

Mở đầu chương trình, chú MC Bùi Thọ Xung; nguyên là cựu trung úy hải quân của QLVNCH cám ơn mọi người đã dành chút thời gian qúy báu đến tham dự lễ và giới thiệu thành phần quan khách mà chúng tôi nhận thấy có đại diện cho liên tôn như Thượng Tọa Thích Tâm Hiền; thầy trụ trì Chùa Tịnh Quang, Thượng Tọa Thích Phước Trí; thầy trụ trì Chùa Quan Âm, Chú Hồng; một cựu sĩ quan QLVNCH, hiện nay là người đại diện của Giáo Phái Cao Đài, Ông Bình; chủ tịch Hội Người Việt cùng một số cô chú là cựu chiến binh từ Illinois, Kentucky, Cleveland về tham gia và yểm trợ cho buổi lễ trong các bộ quân phục với đầy đủ màu cờ sắc áo hào hùng của hải lục không quân ngày xưa.  Riêng qúy linh mục bên công giáo vì bận mục vụ nên đã không đến được và xin cáo lỗi cùng mọi người.

Giữa không khí trang trọng đó, Chú Xung đã sơ lược qua mục đích của buổi lễ  nhằm nói lên “hôm nay cách đây bốn mươi bốn năm về trước là ngày của sự gian trá hung tàn thắng chính nghĩa, ngày của sự tang tóc và hy sinh của quân dân Miền Nam, ngày của những tấm gương trung liệt tuẫn tiết, ngày đại tang của đất nươc bị Việt Cộng chiếm đóng, dân Việt bị tù đày và dân chủ tự do bị tước đoạt…”

Với tư các là người điều hợp chương trình, Chú Xung đã mời tiểu đội chào cờ rước Quốc Quân Kỳ VNCH vào kỳ đài để tiến hành buổi tưởng niệm.  Đặc biệt năm nay trong tiểu đội lãnh trách nhiệm lo việc chào cờ này hân hạnh có sự góp mặt của cựu Đại Uý Đinh Long; một chiến sĩ đã từng tham dự tại chiến trường An Lộc đẳm máu thưở nào với hai câu thơ lừng danh đã đi vào lòng người “An Lộc địa sử ghi chiến tích.  Biệt Kích Dù vị quốc vong thân” cùng cựu Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Bùi Bổn; người đã dự trận đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị mà cho tới ngày hôm nay khi được nghe giới thiệu về chú, tôi như vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng nhạc, lời ca đã thuộc lòng từ những ngày ấu thơ về việc lấy lại  Quảng Trị sau khi thành phố này bị rơi vào tay Việt Cộng “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…!”  Mọi người đứng im lặng trước lá quốc kỳ Hoa Kỳ, quốc kỳ VNCH, cờ của quân đội VNCH rồi khi tiếng nhạc cùng quốc ca được phát lên, tất cả những người từ già đến trẻ có mặt trong hội trường khi ấy đã chuyển tư thế sang đứng nghiêm trang để bày tỏ lòng kính trọng tổ quốc thân yêu dù ở bất cứ nơi đâu.  Và lúc tiếng kèn truy điệu lâm ly ai oán nổi lên sau đó thì bầu không khí trong khán phòng như bị chùng xuống kéo theo niềm u uất, tiếc thương thưở xưa trở lại khiến cho tâm hồn tôi bỗng man mác buồn, hoài cổ miên man “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi.  Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.  Chinh phu tử sĩ mấy người.  Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn” của Đặng Trần Côn trong Chinh Phụ Ngâm khúc mà cõi lòng không khỏi  ngậm ngùi cảm khái cho bao anh hùng nghĩa sĩ đã nằm xuống khắp mọi miền đất nước, cho bao oan hồn uổng tử đã vùi thây nơi rừng sâu hay chìm trong đáy nước của đại dương bao la.

Vì hội trường khá nhỏ, trần nhà hơi thấp nên Ban Tổ Chức không thể treo rũ quốc kỳ VNCH được do đó đã quyết định thay thế bằng cách treo cờ rũ của quân đội VNCH như một biểu tượng u buồn của Tháng Tư Đen năm nay.  Nhìn các cô chú cựu chiến binh oai hùng năm xưa nay tóc đã bạc phơ, dáng đi đã lụm cụm theo tháng ngày tôi chợt nhớ tới các chú bác của mình.  Tất cả đã mờ theo thời gian nhưng họ không chết trong lòng người Việt tự do như theo cách nói của danh tướng Douglas MacArthur “Old soldiers never die; they just fade away.”

Kế đến là văn tế của buỗi lễ do chính Chú Xung và phu nhân diễn ngâm.  Bằng giọng Bắc của người Hà Nội chính gốc và trầm ấm, lời văn u uẩn xuất phát từ đáy lòng của cô chú đã đi vào tâm hồn của những người lớn tuổi khiến cho tất cả mọi người bồi hồi cảm thương ngày cũ.

Sau đó là diễn văn ngắn gọn chào mừng quan khách và ước mong mọi người tiếp tục duy trì truyền thống ngày Quốc Hận này như mấy chục năm qua của chú Tấn, Hội Trưởng Hội Cao Niên, nguyên là một cựu sĩ quan QLVNCH và đã từng bị thương trong chiến tranh trước năm 1975.   May mắn hơn nhiều người khác, chú cùng gia đình đã kịp đi di tản vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến và hiện nay chú đang hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ.

Đoạn quan khách và bà con tham dự lễ được Ban Tổ Chức mời lên thắp hương trước bàn thờ tổ quốc như một nghĩa cử tri ân tiền nhân có công dựng nước, giữ nước.

Riêng Thầy Tâm Hiền, trước khi ra về Thượng Tọa đã có đôi lời ngỏ cùng quan khách trong hy vọng mọi người đừng bao giờ quên đi ý nghĩa của nỗi nhục mất nước vào ngày này bốn mươi bốn năm về trước.  Và đặc biệt hơn khi được mời lên có đôi lời với đồng bào phật tử, Thượng Tọa Thích Phước Trí vốn là một cựu Thiếu Sinh Quân, một cựu Thiếu Tá Không Quân của QLVNCH, một cựu tù đã từng bị giam giữ qua nhiều trại cải tạo từ Nam ra Bắc của Cộng Sản Việt Nam đã hùng hồn kêu gọi mọi người đoàn kết tranh đấu tự do cho Việt Nam trước hiểm họa sẽ bị lệ thuộc một lần nữa vào ngoại bang Phương Bắc, được mọi người nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.  Cũng cần nói thêm, chính Thầy là người đã làm biểu tượng Tổ Quốc ghi công và tự tổ chức tưởng niệm một mình sáng nay tại Chùa Quan Âm! Sau cùng là phần phát biểu của Chủ Tịch Hội Người Việt, Ông Bình đã nhắc lại các sự kiện đau buồn đã xảy ra trong quá khứ và hiện nay ở quê nhà để nói lên cái giá trị của tự do mà mọi người ngồi đây bằng cách nào đó đã tranh đấu để có được vì thế chúng ta phải trân quý sự tự do được đánh đổi bằng máu và nước mắt này.

Kế tiếp là chương trình văn nghệ để tri ân các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa được đảm trách bởi ban nhạc của Hội Cao Niên và các ca sĩ địa phương có thiện chí như Đội Văn Nghệ của các cô giáo và các em  trường Việt Ngữ Chùa Tịnh Quang, chị Lan, chị Tuyết, chị Thúy Vi, chú Vân, anh Từ Anh… qua những bản nhạc để đời như Chiều Hoang, Tuyết Trắng, Một Mai Giã Từ Vũ Khí, Người Ở Lại Charlie, Mùa Xuân Lá Khô đã làm nức lòng mọi thành phần tham dự bởi sự hăng hái tham gia và hùng khí của các anh chị em trong Ban Văn Nghệ.  Bên cạnh đó quan khách còn được các cô chú trong nhà bếp chiêu đãi chu đáo phần ẩm thực dồi dào phong phú với nhiều món ăn ngon mà lại miễn phí nữa!

Buổi tưởng niệm kết thúc thành công vào lúc chín giờ tối cùng ngày trong vui vẻ đón mừng của tất cả mọi người.  Đó là kết quả của một sự làm việc liên tục, hy sinh công của và vượt khó của nhiều người, nhiều giới chứ không của riêng ai. Đúng là một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.  Tuy vậy chúng tôi cũng nhận thấy nếu Ban Tổ Chức có thêm phần MC bằng tiếng Anh để cho giới trẻ, hậu duệ của con cháu các vị trong QLVNCH hiểu rõ thêm thì các cháu dễ hòa nhập vào buổi lễ và thân thiện với nhau hơn vì có chung một cội nguồn thì sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại sẽ mạnh lên nhiều.

Xin cám ơn Hội Cao Niên và Hội Người Việt đã nỗ lực tổ chức Buỗi Lễ Tưởng Niệm.  Xin cám ơn tất cả sự đóng góp của mọi người để buổi lễ được thành công mỹ mãn. Tháng Tư buồn, như vệt nắng cuối ngày tắt lịm bên song.  Mong cho Việt Nam sẽ có một ngày mai tươi sáng, thanh bình trong dân chủ tự do để chúng ta không còn phải đón những buổi tưởng niệm đau lòng như thế này nữa.  Xin giã biệt!

 

Ohio, ngày 30 tháng 04 năm 2019

Triều Phong (TPN)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.