Hôm nay,  

Ra Mắt Sách, Thu 3,000 Đô, Tặng Quỹ Cứu Trợ

26/11/199900:00:00(Xem: 7676)
SAN JOSE (Cao Sơn - Lê Bình) - “Ở vào thời trai trẻ, với 23 tuổi và vừa mới lập gia đình đã dấn thân vào con đường cách mạng, tranh đấu cho quê hương đất nước của tinh thần một Hướng Đạo Sinh là dấn thân phục vụ thì 56 năm sau, người Hướng Đạo sinh đó, tuy tuổi đã già, sức đã yếu nhưng tinh thần dấn thân phục vụ của con người Hướng Đạo vẫn rực cháy trong tim” của một trái tim nhân ái không có tuổi”. Đó là hình ảnh được ghi nhận ở nơi Hướng Đạo Trưởng Niên “Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư” trong lần ông đặt chân đến Thung Lũng Hoa Vàng vào những ngày cuối tuần qua.
Từ Houston, HĐS Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư đã cùng phu nhân là nhà văn Tuyết Minh dừng chân tại San Jose để có một cuộc gặp gỡ đông đảo dân “bắt tay trái” (HĐS) qua buổi giới thiệu tác phẩm “Một Thời Tranh Đấu” do chính mình là tác giả.
Được biết Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư, quê quán ở Phát Diệm năm nay 79 tuổi từng tham gia cách mạng từ năm 23 tuổi, và là một Hướng Đạo Sinh, từng giữ chức vụ Ủy Viên Liên Lạc Quốc Tế 2 nhiệm kỳ của Hội HĐVN trước năm 1975.
Cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư được xem là một người suốt cả cuộc đời tranh đấu cho quốc gia dân tộc và vào năm 1980 đã được bầu làm Chủ Tịch Ban Thường Vụ của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại tại Đại Hội ở Oklahoma City và được tái đắc cử vào năm 1982 khi Đại Hội nhóm họp tại Bruxelles, Thủ Đô của Vương Quốc Bỉ. Cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư còn được xem là một bình luận gia chính trị tên tuổi với những phân tích, nhận xét rất chính xác.
Trở lại buổi ra mắt, được tổ chức tại nhà hàng Kobé, 2084 El Camino Real Santa Clara vào lúc 5:30 chiều thứ bẩy, 20/11/1999. Buổi tiếp tân và giới thiệu tác phẩm “Một Thời Tranh Dấu” của Khôi Nguyễn Đình Thư được tổ chức bởi BS Trần Mạnh Tòng, con rể; BS Nguyễn Đình Phùng, con trai và phu nhân là nữ văn sĩ Mạc Bích.
Ngoài ra, buổi tiếp tân còn được sự phối hợp tổ chức của Trưởng Nguyễn Đình Tuấn, thay mặt cho Hướng đạo Trưởng Niên Làng Bách Hợp Bắc Cali. Đã có khoảng 300 người đến tham dự buổi tiếp tân và giới thiệu sách mà đa số là HĐS, trong đó HĐTN chiếm phần đông như anh chị Trưởng Mai Liệu, Tiên Chỉ Làng Bách Hợp Bắc Cali; Trưởng Nguyễn Đình Thoại, đến từ Canada; Trưởng Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Trần Anh Tuấn... đến từ Oakland.
Cuốn hồi ký chính trị - Một Thời Tranh Đấu - quyển sách gói ghém tất cả những sự thật về một đời đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc. Tác giả Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư, đầu tóc bạc phơ ngồi ở bàn tiếp tân, tay bắt mặt mừng chào đón các thân hữu và các bạn xưa. Được biết những bạn bè của tác giả phần lớn là những nhà hoạt động cách mạng thuộc giáo xứ tự trị Phát Diệm - Ninh Bình của Đức Cha Lê Hữu Từ.
Buổi ra mắt đồng hương của cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư thật đặc biệt không giống như các buổi ra mắt sách khác đã từng được tổ chức trước đây. Hầu hết những quan khách là những vị cao niên và trung niên; trong tiếng nói cười chúc tụng, quan khách đã gặp nhau kể những kỷ niệm xưa “Một thời tranh đấu”
Được biết, cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư, người con thứ ba trong một gia đình Công Giáo thuần thành, vào lứa tuổi thanh xuân, 23 tuổi, sau khi cưới vợ xong, cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư đã dấn thân tham gia cách mạng, là một trong sáu người sát cánh cùng Đức Cha Lê Hữu Từ lãnh đạo khu tự trị Phát Diệm. Cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư là người lãnh đạo đoàn thanh niên Hướng Đạo Cụ Sáu trong các công tác xã hội, cứu tế, trong năm Ất Dậu, là người tổ chức các chương trình truyền bá quốc ngữ và nâng cao dân trí...v.v

Một huynh trưởng Hướng Đạo, cụ Mai Liệu, cũng là một giáo sư nghiên cứu tiếng Việt hiện đang cư ngụ tại San Jose, một bạn đồng thời với tác giả phát biểu cảm tưởng. Cụ Mai Liệu cho biết, trong thời gian chiến tranh Việt Pháp của toàn dân Việt, thì cộng sản đã lợi dụng thời cơ các đoàn thể chính trị Quốc Gia chưa ổn định đã cướp công kháng chiến, trong khi đó cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư đã cùng các giáo dân Phát Diệm đã đề xướng phong trào chống cả thực dân lẫn cộng sản. Sau cụ Mai Liệu, Cố Cụ Phạm Đình Tể, một người cùng sống tại Bùi Chu, Phát Diệm và sinh hoạt chung trong phong trào Hướng Đạo với tác giả, (Xin mở ngoặc chỗ này để nói thêm về chữ Cố Cụ ở đây. Trong Công Giáo, gia đình nào có con theo tiếng gọi thiêng liêng của Chúa và được thụ phong Linh Mục thì đấng thân sinh được giáo dân gọi là Cố Cụ) Cố Phạm Đình Tể vẫn còn trẻ và khoẻ. Cố Tể cho biết, khi cố còn ở tuổi nhi đồng thì Cụ Khôi Nguyên đã là một thanh niên hoạt động xã hội và tham gia cách mạng. Cố kể cho quan khách nghe về những kỷ niệm với tác giả trong liên đoàn Hướng Đạo Cụ Sáu tại Phát Diệm. Qua những hồi ức quá khứ của cố cụ Phạm Đình Tể, quan khách như sống lại giai đoạn của cơn đói năm Ất Dậu, về những sinh hoạt thanh niên và cụ thể là các đoàn sinh Hướng Đạo trong các công tác từ thiện, cứu đói, làm công tác vệ sinh, phòng ngừa các mầm dịch bệnh...
Tiếp theo đó, cụ bà Trùng Quang, một nhân sĩ văn hóa tại San Jose, đã ca ngợi tác giả trong tuổi thanh xuân đã xả thân làm cách mạng, đến tuổi về chiều vẫn còn tiếp tục sự nghiệp đó bằng hồi ký, và theo cụ bà Trùng Quang đây là “Một công việc xây dựng văn hóa tại hải ngoại, truyền đạt cho thế hệ đi sau những kinh nghiệm quí báu của người đi trước.”
Sau phần phát biểu cảm tưởng của những bậc trưởng thượng, ban tổ chức đã dành một ít thì giờ kể lại những kỷ niệm của tác giả với một số nhà văn thời kháng chiến như nhà văn Nguyễn Hữu Đang. Qua đó quan khách và thân hữu được biết tác giả đã cùng với các nhà văn thời đó đã vào thủ đô Hà Nội trong năm 1945, nhưng sau đó cuộc kháng chiến của dân tộc đã bị phản bội, một số nhà văn thực tâm với đất nước tin vào những hứa hẹn đã ở lại miền Bắc và đã bị ngược đãi, trong khi đó nhìn ra bộ mặt phản bội tráo trở của cộng sản, tác giả đã vào di cư Nam để tiếp tục con đường cách mạnh cho dân tộc.
Được biết, toàn bộ tiền bán cuốn hồi ký gồm BS Trần Mạnh Tòng mua một cuốn với giá 1,000 Mỹ kim và nữ sĩ Mạc Bích và chồng là BS Nguyễn Đình Phùng mua một cuốn với giá 500 còn lại hơn 1,600 là của các thân hữu. Tất cả số tiền này, BTC đã loan báo sẽ dành trọn để gởi về thẳng Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Huế.
Với quyết định nói trên của cụ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư cho thấy năm nay, dù tuổi đã 79 nhưng tinh thần dấn thân, phục vụ, hy sinh và đóng góp của HĐS vẫn còn rực sáng trong tim giống như hình ảnh của một HĐS Nguyễn Đình Thư 54 năm về trước lăn xả ngoài dường phố Hà Nội để tham gia cứu đói trong trận đói năm Ất Dậu, 1945.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.