Hôm nay,  

Ht Mãn Giác Thăm Việt Báo Nói Về Kỷ Niệm Ht Thiện Minh

25/02/200600:00:00(Xem: 6288)
WESTMINSTER -- Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã ghé thăm tòa soạn mới của Việt Baó trên đường Moran, Westminster, hôm Thứ Sáu, và tâm sự rằng Thầy sức khỏe tuy còn yếu nhưng mong mỏi hoàn tất một tuyển tập về Cố HT. Thích Thiện Minh -- vị sư bỏ thân trong nhà tù Hàm Tân 27 năm trước (17.10.1978) -- để ghi nhận các đóng góp lịch sử của Thầy Thiện Minh cho dân tộc và giaó hội.

Cùng đi với HT Mãn Giác hôm Thứ Sáu có cư sĩ Châu Văn Thọ, Tổng Thư Ký Tạp Chí Phật Giáo Việt Nam; Ni Sư Thích Nữ Như Ngọc, Viện Chủ Chùa A Di Đà (Westminster); và một thầy thị giả.

Hòa Thượng Mãn Giác năm nay 78 tuổi, sức đã yếu, phải chống gậy đi nhưng mặt rất tươi tỉnh khi tới thăm tòa soạn Việt Báo.

Hòa Thượng Mãn Giác nói rằng HT Thiện Minh là người có công lớn cho dân tộc và giáo hội, nhưng dưới chế độ nào thì Thầy Thiện Minh cũng phải vào tù, “và từ năm 1963 trở đi thì Thầy Thiện Minh là chiến lược gia của PGVN và thầy đòi hỏi những điều có lợi cho dân tộc, cho đồng bào... nhưng rồi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng cho người quăng lựu đạn, bắt Thầy bỏ tù. Rồi Cộng Sản vào thì đưa Thầy vào nhà tù Hàm Tân, chết lặng lẽ...”

Thầy Mãn Giác nói rằng tuyển tập sắp làm sẽ xin bài từ nhiều vị thầy và cư sĩ, để làm sáng tỏ vụ án CSVN giết hại Thầy Thiện Minh trong tù, và cũng để ghi công Thầy Thiện Minh.

Thầy Mãn Giác và Thầy Thiện Minh đều là các vị sư trụ cột trong Giáo Hội PGVNTN trước năm 1975.

Thầy Thích Mãn Giác vốn dòng họ Võ, sinh năm Kỷ Tỵ, 1929 tại Cố đô Huế, nguyên quán thuộc làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Năm 10 tuổi, HT Thích Trí Thủ là người anh cô cậu ruột đã có duyên xuất gia từ trước, đã hướng dẫn người em gửi gắm đến với HT Thích Quảng Huệ, Trú trì chùa Thiên Minh Huế cho nhập đạo tu hành.

Năm 1960, được đi du học Nhựt Bổn, được tiếp xúc miền đất Thiền học hưng thịnh và được thở hương Đạo mặn mà ủ kín nơi những bài thơ Hài Cú tài hoa và dưới những cánh hoa anh đào rực rỡ.

Cuối năm 1965, sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ, Bộ Giáo Dục VNCH chính thức mời Thầy Mãn Giác về giảng dạy tại ĐH Văn Khoa Sài Gòn và Huế qua bộ môn Triết Học Ấn Độ và Trung Hoa. Đây cũng là thời gian mà Sa Môn Mãn Giác thực sự dấn thân vào các hoạt động văn hóa, giáo dục, nhằm giải tỏa và vô hiệu hóa những xuyên tạc ngộ nhận đối xử bất công đối với văn học và Phật giáo nói chung.

Cũng trong năm này, 1965, Sa Môn Mãn Giác bắt đầu cộng tác chặt chẽ với Viện Đại Học Vạn Hạnh. (Viện Đại Học dân lập đầu tiên của Phật giáo) do HT Thích Minh Châu làm Viện trưởng, Sa Môn Thích Mãn Giác đóng vai trò Khoa trưởng Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương. Và trong vài năm sau đó, giữ trong nhiệm Phó Viện Trưởng Điều Hành Viện Đại Học Vạn hạnh cho tới ngày miền Nam sụp đổ (1975) và Viện Đại Học Vạn hạnh bị chiếm dụng làm cơ sở nhà nước.

Từ ngày về lại nước, một mặt, Sa Môn Mãn Giác hoạt động trong môi trường văn hóa giáo dục của Đời lẫn Đạo, mặt khác còn dấn thân tích cực trong các Phật sự của Giáo Hội. Những vai trò mà Sa Môn Mãn Giác từng đảm trách với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như:

- Quyền Tổng Vụ Trưởng Thanh Niên (Tổ Chức Đại Hột Thanh Niên Toàn Quốc)

- Tổng Vụ Trưởng Văn Hóa (Tổ Chức Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc)

- Trưởng Ban Tổ Chức nhiều năm Đại Lễ Phật Đản trọng thể tại Thủ Đô Saigon.

Từ năm 1977, sau cuộc vượt biên thành công, Sa Môn Mãn Giác chính thức định cư tại Hoa Kỳ, Viện Chủ Chùa Việt Nam Los Angeles và là Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tập hợp gồm nhiều Chùa, Hội Phật Giáo Việt Nam trải khắp đất nước Hoa Kỳ. Trong cương vị Hội Chủ, với hơn 25 năm hành đạo trên đất mới, tâm niệm và hành tác như trọn đời vẫn là hướng về chăm lo cho chùa Tổ ở quê nhà, tiếp dẫn hậu lai nơi hải ngoại. Những việc cần làm sẽ và đã làm xong, cuối đời, lòng bình an như thảnh thơi mây trắng.

Sa Môn Mãn Giác, qua đạo hiệu Huyền Không là một hồn thơ Đạo. Tiếng thơ rộn rã trong hơn một ngàn bài gói trọn tâm hồn và gương mặt tác giả thu được gồm 5 tập.

Ngoài ra, về phương diện trước tác, sáng tác, phiên dịch, biên soạn... Sa Môn Mãn Giác còn để lại trên 20 cuốn sách giá trị cho nhiều đối tượng người đọc khác nhau.

Tiểu sử trên của Thầy Thích Mãn Giác ghi dựa theo tài liệu Tu Viện Quảng Đức (www.quangduc.com).

Còn Thầy Thiện Minh là vị thầy trước 1975 đã để lại nhiều dấu ấn với các thanh niên Phật Tử.

Trong bài viết “Tối qua sân trước một cành mai,” nhà văn Trần Trung Đạo đã ghi lại kỷ niệm với Thầy Thiện Minh như sau (http://www.trantrungdao.com/van/motcanhmai.htm):

“Tháng 6 năm 1981 tôi ra đi. Tôi ra đi khỏi nước mang theo dáng nghiêng nghiêng của Hòa Thượng Thích Thiện Minh trong những ngày còn ở 294 Công Lý, Sài Gòn. Có lần thầy đã tâm sự với chúng tôi: "Trước đây, thầy đã từng khóc vì các lớp đàn anh đàn chị của các con". Ý Hòa Thượng muốn nhắc đến phong trào sinh viên Phật Tử đầy nông nổi từ 1971 trở về trước. Những thao thức thời đại và những hào quang danh vọng hão huyền được Cộng Sản nằm vùng trong báo giới thổi phồng mỗi ngày trên các tờ Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc, đã đẩy các "lãnh tụ sinh viên" và hàng ngàn bạn bè của họ vào những chọn lựa sai lầm tai hại. Những năm sau 1975, Hòa Thượng Thiện Minh bị chế độ mới đuổi ra khỏi Tổng Vụ Thanh Niên, thầy đã phải chống gậy từ chùa này sang chùa khác. Hòa Thượng Thiện Minh, Cố Vấn Hội Đồng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN bị bắt vào ngày 13 tháng 4 năm 1978.

Sáu tháng sau, nhà nước thông báo cho HT Trí Thủ ra trại tù Hàm Tân, Phan Thiết để nhận xác HT Thiện Minh. Hòa Thượng Thiện Minh, nhà kiến trúc của các quan điểm về tương lai dân tộc của GHPGVNTN thời cận đại không còn nữa, nhưng trong những buổi chiều vắng lặng ngồi nhớ lại thời sinh viên, tôi như vẫn còn nghe:

Bước chân thầy đi khập khểnh những buổi chiều

Dọc hai hành lang Trung Tâm Quảng Đức

Vết thương nặng dù nhiều năm đau nhức

Vẫn cố nghiêng người mang Đạo Pháp lên vai

Thầy còn đây với biển rộng sông dài ...

(Hoa Đạo, thơ Trần Trung Đạo)”

Hòa Thượng Mãn Giác hôm Thứ Sáu sức khỏe yếu, giọng lộ vẻ mệt mỏi, không nói rõ về tình hình bài vở hiện nay của tuyển tập về Thầy Thiện Minh đã tới đâu và hạn chót thế nào.

Hòa Thượng Thích Mãn Giác hiện trụ trì Chùa Phật Giáo Việt Nam, điạ chỉ:

863 S. Berendo St.

Los Angeles, CA 90005

Phone: (213) 384-9638

Đón tiếp thầy Mãn Giác và phái đoàn hôm Thứ Sáu 24-2-2006 có nhà văn Nhã Ca, chủ nhiệm Việt Báo; nhà thơ Trần Dạ Từ, chủ bút; và nhà báo Phan Tấn Hải, tổng thư ký. Đây là lần đầu Thầy Mãn Giác tới thăm tòa soạn mới của VB.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.