Hôm nay,  

Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal Cùng Nhiều Vị Dân Biểu Hoa Kỳ Kêu Gọi Google, Facebook Không Tiếp Tay CSVN Kiểm Duyệt

18/07/201800:00:00(Xem: 3166)

HOA THỊNH ĐỐN (Ngày 17 tháng 7, 2018) – Tiếp nối việc Quốc Hội CSVN đã thông qua một đạo luật gần đây nhằm hạn chế nghiêm ngặt các quyền riêng tư của công dân Việt Nam, Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal đã cùng với Dân Biểu Lou Correa và tổng cộng 16 vị Dân Biểu Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi giám đốc điều hành hai công ty Google và Facebook hãy kiên định lập trường và sứ mạng khuyến khích tự do thông tin tại Việt Nam.

Trong một lá thư gửi người CEO của Facebook là ông Mark Zuckerberg cùng với CEO của công ty Google là ông Sundar Pichai, các vị Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ giải thích rằng đạo luật an ninh mạng vừa được chính quyền CSVN thông qua vào ngày 12 tháng 6, 2018 là “trái ngược với các quy định thương mại hiện có và các công ước quốc tế về quyền con người.”

“Đạo luật này không khác gì là một công cụ của chính quyền Việt Nam trong thế kỷ 21 nhằm tiếp tục đàn áp quyền tự do ngôn luận và quyền vận động chính trị ôn hòa của công dân Việt Nam,” Dân Biểu Lowenthal đã phát biểu.  “Tệ hơn nữa, đạo luật này biến các công ty như Facebook và Google thành công cụ của chính quyền Việt Nam bằng cách ép buộc họ phải xóa bỏ các nội dung trên mạng trong vòng 24 tiếng đồng hồ khi được yêu cầu bởi các cơ quan an ninh của Việt Nam.”

Lá thư nêu ra vấn đề cả hai công ty Google và Facebook đã “xóa bỏ video và các trương mục sau khi có sự yêu cầu từ chính quyền Việt Nam, bao gồm trương mục của những người sử dụng tại California và Nước Đức.  Sự kiểm duyệt đối với các trương mục của người Mỹ gốc Việt là việc làm đặc biệt đáng quan tâm.”

Luật an ninh mạng này được đưa ra trong thời điểm sự đàn áp quyền con người và các quyền dân sự của công dân Việt Nam đang trên đà gia tăng.  Hiện Việt Nam đang có trên 100 tù nhân chính trị và tôn giáo, bao gồm các nhà báo độc lập, blogger, các vị lãnh đạo tôn giáo, và các nhà vận động vì dân chủ và quyền lao động.  Chính quyền Việt Nam hầu như hoàn toàn kiểm soát nền tự do thông tin.  Theo bản báo cáo về tự do báo chí trên thế giới năm 2018 của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam đứng hạng 175 trong số 180 quốc gia và hiện đang có trên 25 nhà báo chuyên nghiệp cũng như dân báo đang bị giam cầm tại Việt Nam.

Các vị Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty này hãy:

  1. Tránh lưu trữ tại Việt Nam các dữ kiện của người sử dụng Facebook và Google nếu việc này sẽ dẫn đến việc Bộ Công An có thể tịch thu các dữ kiện này một cách trái phép.

  2. Ban hành các điều khoản hướng dẫn minh bạch liên quan đến việc xóa bỏ nội dung đăng tải.

  3. Kịp thời công bố số lần yêu cầu xóa bỏ nội dung từ chính quyền Việt Nam và số lần mà các công ty này đã đáp ứng những yêu cầu đó.

  4. Chia sẻ kịp thời và kín đáo với Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện và Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện cũng như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tất cả các yêu cầu từ chính quyền Việt Nam liên quan đến tài liệu dữ kiện người sử dụng Facebook và Google và cho biết những yêu cầu nào đã được đáp ứng bở các công ty này để các vị Dân Biểu có thể lượng định ai là đối tượng được nhắm đến và vì sao.

Các vị Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ đã kết thúc lá thư với lời hứa sẽ áp dụng sức mạnh ngoại giao của chính quyền Hoa Kỳ để hỗ trợ các công ty này nếu họ bị ép buộc để tiếp tay cho sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.

Một lá thư tương tự do hai vị Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Robert Menendez cũng đã được gửi đến hai vị CEO của hai công ty này vào ngày hôm nay.

Đính kèm là bản sao lá thư gửi đến Facebook và Google cùng với bản dịch tiếng Việt của lá thư.

 
Mark Zuckerberg
Tổng giám đốc Facebook
1 Hacker Way
Menlo Park, California 94025

 
Sundar Pichai
Tổng giám đốc Google
1600 Amphitheatre Pkwy
Mountain View, California 94043

 

Kính gửi quý ông,
 

Facebook và Google đã đóng một vai trò rất lớn ở Việt Nam, cho phép hàng triệu người Việt Nam trao đổi thông tin, giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở nước ngoài, cũng như tạo thuận lợi cho các cuộc thảo luận và sự tham gia vào cộng đồng, mà không thể nào thực hiện được ngoài đời.


Tất cả những điều này đang có nguy cơ bị biến mất khi chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp tự do biểu đạt và sự vận động chính trị ôn hòa. Chúng tôi rất quan tâm và lo ngại về luật an ninh không gian mạng mới, được Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2018, bởi vì các quy định của đạo luật mới này đi ngược lại với các điều khoản thương mại hiện có, và các giao ước quốc tế về quyền con người.

Đạo luật bao quát, với từ ngữ mơ hồ này sẽ cho phép các nhà chức trách cộng sản truy cập dữ liệu cá nhân, giám sát người sử dụng, và hạn chế thêm các quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng mà các công dân Việt Nam đang được hưởng. Đạo luật này cũng có thể là một trở ngại nghiêm trọng đối với tiềm năng kinh tế của Việt Nam và tác động sâu sắc đến các công ty nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các công ty của Mỹ, bởi vì các công ty internet được yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại địa phương và cung cấp dữ liệu của người sử dụng theo yêu cầu của các cơ quan chính phủ.

Đạo luật an ninh mạng không làm gì để bảo vệ người sử dụng internet. Ngược lại, đó là một nỗ lực trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam để đàn áp sự biểu đạt trên không gian mạng với sự giúp đỡ của các công ty công nghệ hàng đầu - đặc biệt là Facebook và Google – theo luật này yêu cầu các công ty phải xóa nội dung trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ trưởng của Bộ Công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đã có những báo cáo cho biết các công ty của các ông đã xóa những video và các tài khoản theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, bao gồm cả các tài khoản của những người sử dụng ở California và Đức quốc. Đây là những diễn biến đáng lo ngại mà chúng tôi hy vọng các ông có thể giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, đặc biệt là sự kiểm duyệt các tài khoản của người Mỹ gốc Việt.

Luật an ninh mạng đang tạo quan ngại khi nó được đưa ra vào thời điểm tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đang bị thụt lùi. Hiện nay, tại Việt Nam đang có hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo, bao gồm các nhà báo công dân, các blogger, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và những người vận động cho quyền của công nhân và dân chủ. Chính phủ Việt Nam kiểm soát gần như hoàn toàn nguồn thông tin. Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2018 của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, thì Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia, và hiện nay đang có 25 nhà báo chuyên nghiệp và nhà báo công dân đang bị giam cầm.

Chúng tôi kêu gọi các ông nên thực hiện các nhiệm vụ của mình đã được nêu ra để quảng bá sự cởi mở và hỗ trợ sự kết nối.

Cụ thể, chúng tôi yêu cầu các công ty của các ông:

  1. Không lưu trữ dữ liệu của người sử dụng ở trong nước Việt Nam, nếu làm như vậy, có nghĩa là các dữ liệu này có thể bị Bộ Công An thu giữ một cách phi pháp bất cứ lúc nào.

  2. Thiết lập các nguyên tắc minh bạch liên quan đến việc xóa nội dung. Mặc dù chúng tôi hiểu sự cần thiết phải có các tiêu chuẩn cộng đồng rõ ràng, nhưng chúng tôi không chấp nhận việc xóa những phát biểu chính trị hoặc nội dung của những nhà báo công dân, chỉ vì nhà nước Việt Nam hoặc đội quân dư luận viên yêu cầu các ông làm như vậy.

  3. Nhanh chóng phát hành số lượng yêu cầu xóa nội dung từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, và số lần mà công ty của các ông tuân thủ các yêu cầu này.

  4. Chia sẻ kịp thời và bí mật với Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện và của Thượng viện Hoa Kỳ cùng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tất cả số lượng yêu cầu xóa nội dung từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, và cho biết những yêu cầu nào quý công ty đã tuân thủ theo để chúng tôi có thể đánh giá xem ai là mục tiêu của chế độ và tại sao.

Nếu nhà cầm quyền Việt Nam ép buộc công ty của các ông hỗ trợ và đồng lõa trong việc kiểm duyệt, thì đây là một vấn đề đáng lo ngại cần được nêu lên thông qua Bộ Ngoại Giao và ở mức cao nhất. Là những thành viên của Quốc Hội, chúng tôi mong muốn thảo luận với các ông về những lo ngại của chúng tôi đối với luật an ninh mạng mới, và các ảnh hưởng của đạo luật này đối với công ty của các ông.

 
Trân trọng.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.