Hôm nay,  

Từ Những Tiếng Lời Bất Tận: Trần Thiện Thanh

11/02/200600:00:00(Xem: 6480)
Mùa hè 1966, từng cơn mưa mùa sầm sập đổ xuống rừng núi Tây Nguyên, thủ phủ Pleiku bày tràn cảnh tượng chiến tranh với lần có mặt đầu tiên của những đơn vị bộ chiến Mỹ lừng lẫy.. Sư Đoàn 4 Bộ Binh, những Lữ Đoàn 173, Sư Đoàn 82 Nhảy Dù bên cạnh những đơn vị tổng trừ bị Quân Lực Cộng Hòa, nhảy dù, biệt động từ Miền Nam đổ xuống khẩn cấp cứu nguy cho những chiến trường đang sôi lửa, Pleime, Đức Cơ.

Những đoàn quân quần áo màu xanh hay hoa ngụy trang mau chóng chìm vào khối rừng mênh mông cây lá đan dày che kín mặt nghi ngút khói đạn. Đại pháo vang ầm xé núi, và khoảng không gian luôn bị chia cắt bởi những đoàn phi cơ với đôi cánh sắt màu xám bạc vùn vụt ngang bầu trời, để lại những âm động rì rầm đe dọa. Nỗi đe dọa của đạn bom nặng độ và sự chết đè nặng.

Nhưng giữa chốn hiểm nghèo, nguy nan bom đạn kia, người Nghệ Sĩ hẳn do từ một ân lộc của trái tim luôn cảm nhận xót xa và tràn đầy yêu thương, Trần Thiện Thanh đã mô tả và sống cùng chiến tranh qua nhản giới bình an với tình yêu rộn rã. Trong thân tàu, bay lên trên cảnh chết, anh viết nên lời lãng mạng mỹ lệ. Phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên.. Ngã nghiêng cánh bay, con tàu khép lại một vùng tuyết trắng ngần.. Và từ trên cao, giữa tầng mây lớp lớp, trong thân tàu rung chuyển, anh bứt thoát, xóa bỏ chiến tranh có thật dưới cánh sắt để nhớ đến - sống lại với tình yêu hiện thực qua kỷ vật, chiếc khăn quàng cổ mà người con gái đã trao gởi cho người bay lên khoảng không.. Thắt lại chiếc khăn ấm em đan.. khi nhìn quanh bồng bềnh những tầng mây trắng màu tuyết. Hẳn chúng ta đã thấy, khi viết nên ca khúc Tuyết Trắng Trần Thiện Thanh đã thực hiện một bước bức thoát rất lớn ra khỏi tâm lý, tinh thần cố hữu..

Đấy là từ những hình tượng bình yên, ước lệ của Hoa Trinh Nữ với những công chúa, vương phi, hoàng cung, quân vương, công tử với những câu chuyện tình mộng ảo của thuở xa xưa, trong cổ tích, anh trở lại bầu trời, mặt đất của quê hương bốc lửa, với ngợi ca hồn hậu rất hiện thực và cũng vô cùng nhân bản qua lần thay lời cho người phi công đang lái con tàu trong một một phi vụ tác chiến.. để nói về nỗi thương nhớ về một người yêu khi đắm chìm trong vùng tuyết trắng tinh khiết của mây trời.

Chúng ta cũng thấy ra ở đây “sức thu hút nhân bản” của ca khúc (dẫu chẵng phải là một tuyệt tác hàng đầu nghệ thuật) nhưng đã tồn tại đến “Bốn-mươi năm”(1966- 2006), và chắc chắn tiếng lời thuần hậu, thanh thoát, lộng lẫy của Trần Thiện Thanh..” Mây dâng thật thấp..Mây vương lụa trắng. Mây pha mầu nắng” sẽ tiếp tục tồn tại như khối tuyết vân vĩnh cữu, xóa mờ những “chân mây đỏ máu in hình nòng súng cao xạ vươn lên trên trời cao!!”.. Loại hình tượng tràn đầy “ác tính” trong những bài hát mà nhà cầm quyền ở Hà Nội luôn “giáo dục và huấn luyện” những người gọi là “nghệ sĩ nhân dân” phải cố công viết nên thành.

Trần Thiện Thanh cũng thật thành công với những chữ nghĩa chân thật, diễn đạt bởi cấu trúc tính nhạc trong sáng, đơn giản. Chúng ta có thể xác chứng qua tiếng lời thắm thiết trong Mùa Đông của Anh.. Trời lập đông chưa em..Sao lũ dơi đi tìm giấc ngủ buồn.. Em xa anh thật rồi.. Làm sao quên mùi tóc. Đêm khuya anh đi về.. Đường khuya anh bật khóc!! Phải là người tình vô vàn yêu thương mới có những chữ nghĩa chứa đựng nỗi đơn độc vang dội đường khuya, làm bật khóc trong giá lạnh thê thiết như thế.

Nhưng cũng thật kỳ diệu lạ lùng thay, chúng ta không thấy sự hèn yếu qua thái độ xót đau của kẻ bị người tình rời bỏ, mà chỉ nhận ra nét chịu đựng bền bỉ thể hiện một tình yêu không suy giảm, và nỗi nhớ thương cào xé từ tưởng niệm mùi tóc hằng thấm đậm đầy trí nhớ. Cám ơn Người Nghệ Sĩ đã thay mặt chúng ta tuyên xưng sự vĩ đại thuần hậu khi Người-Yêu-Người dẫu mối tình bị cắt lìa bởi chia ly và sự chết.

Hơn hết thảy, Trần Thiện Thanh là một nhân cách với Tính Chiến Đấu cao độ. Người Chiến Đấu kiên cường thúc giục từ trái tim yêu thương của một Nghệ Sĩ. Chúng ta hãy sống lại với đoạn đường Chiến Đấu - Thương Yêu của Anh.

Phan Nhật Nam

GHI CHÚ: Đại Nhạc Hội “Anh Không Chết Đâu Anh - Nhật Trường Trần Thiện Thanh: Tình Yêu, Cuộc Đời và Sự Nghiệp” tổ chức vào Thứ Bảy 18-2-2006, từ 1:00pm và từ 7:30pm, tại Hí viện La Mirada, 14900 La Mirada Blvd., La Mirada. Vé bán tại Asia Retail Store: (714) 775-8264, 30$- 100$.

Trực tiếp thu hình cho Asia DVD 50. Với số ca nhạc sĩ đông kỷ lục nhất hải ngoại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.