Hôm nay,  

Cao Đẳng Tôn Giáo: Học Mác Lê

24/05/201800:00:00(Xem: 2749)
SAIGON -- Một chuyện không bất ngờ với người trong nước, nhưng rất lạ với thế giới tuụ do: các trường cao đẳng tôn giáo tại Việt Nam phải buộc sinh viên học chủ nghĩa Mác Lê Nin, bất kể chủ nghĩa này không còn hấp dẫn ai nữa.

Đó cũng là chuyện xảy ra cho các Học viện Phật giáo tại VN, và cả Trường Cao đẳng Công giáo đầu tiên tại Việt Nam...

Bản tin RFA ghi nhận rằng Một trường cao đẳng do Giáo hội Công giáo quản lý tên là Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được chính thức hoạt động tại tỉnh Đồng Nai.

Đây là một trường cao đẳng đào tạo nhiều ngành nghề đầu tiên do một tôn giáo quản lý tại Việt Nam.

Trong thư trả lời cho đài RFA, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hòa bình Xuân Lộc là Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy cho chúng tôi biết rằng việc cho phép trường cao đẳng Công giáo đầu tiên hoạt động ở Việt Nam là một bước tiến trong sự đổi mới của đất nước Việt Nam, sau khi chủ trương xã hội hóa giáo dục được ra đời vào cuối năm 2016.

Tháng 11/2016 Bộ luật giáo dục mới trong đó có đưa ra chủ trương xã hội hóa giáo dục được Quốc hội Việt Nam thông qua. Xã hội hóa giáo dục tức là cho phép các tổ chức tư nhân được phép tham gia vào thành lập các cơ sở giáo dục.

Việc Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân lộc do Giáo hội Công giáo quản lý được chính thức hoạt động là một tin vui cho nhiều giáo dân Công giáo Việt Nam.

RFA ghi lời nhà văn Nguyễn Viện, một giáo dân sống tại Sài Gòn cho biết:

“Đối với tôi là một cái tin rất lạ, một cái tin rất đáng mừng. Bởi vì đây là lần đầu tiên một trường Công giáo mới chính thức được cho phép hoạt động. Trong cái chính sách gọi là xã hội hóa giáo dục, một trường tư nhân như vầy thì không phải là mới, nhưng với một trường Công giáo thì phải nói rằng đó là một bước tiến rõ rệt trong chính sách của nhà nước, có thể tạm gọi là đột phá.”

Ông Nguyễn Viện nhấn mạnh khía cạnh trường tư thục Công giáo, vì theo ông người ta vẫn nhìn chủ nghĩa Cộng sản và đạo Công giáo là hai quan điểm rất xa nhau về con người, và về việc xây dựng một xã hội, do đó việc một trường Công giáo hoạt động trong lòng một xã hội vẫn do Đảng Cộng sản cai trị là một điều rất đáng chú ý.

Một nhà giáo, đồng thời cũng là người Công giáo là Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng chia sẻ sự vui mừng đó:

“Tôi thấy là mừng, vì tôi tin rằng nếu Công giáo làm giáo dục thì trước đến giờ, ở nhiều nơi, họ làm tốt. Tôi biết là giới Công giáo cũng rất là muốn trở lại hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, và đã có nhiều sự vận động chính thức cũng như là không chính thức để được hoạt động.”


Việc vận động cho một cơ sở giáo dục của Giáo hội Công giáo đã trải qua thời gian rất lâu dài.

Trong bức thư của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy gửi cho chúng tôi, ông kể rằng việc vận động thành lập một trung tâm dạy nghề đã bắt đầu từ năm 2004, với sự giúp đỡ của ông Phạm Thế Duyệt, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc, và từng là ủy viên Bộ chính trị của Đảng Cộng sản.

Giáo phận Xuân Lộc đã được phép thành lập trường dạy nghề 4 năm sau đó. Và năm 2017 các linh mục ở Xuân Lộc nhận được giấy phép nâng cấp trường trung cấp dạy nghề lên thành trường cao đẳng.

Vào năm 2014, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn, Phao Lô Bùi Văn Đọc cũng đã từng đề cập đến ý tưởng xây dựng một đại học Công giáo đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp ở Giáo phận Vinh có nói với chúng tôi rằng vào đầu năm 2013, một số nhân vật cao cấp trong Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho việc thiết lập các cơ sở giáo dục của Công giáo, nhưng không hiểu vì sao vẫn không được thực hiện.

RFA ghi nhận sự nghi ngại của Linh mục Phan Văn Lợi là việc bắt buộc dạy chủ nghĩa Mác Lê Nin trong các trường Việt Nam từ Trung cấp trở lên.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy xác nhận với RFA rằng trong Bộ luật giáo dục hiện hành của Việt Nam, các môn giáo dục chính trị là bắt buộc trong năm học đầu tiên.

Chủ nghĩa Mác Lê Nin là nền tảng tư tưởng duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ nghĩa này chủ trương vô thần, không tin vào các niềm tin tôn giáo, cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, như ý kiến của một nhà triết học Đức vào các thể kỷ 18-19.

Việc bắt buộc dạy chủ nghĩa Mác Lê không những đối với các cơ sở giáo dục đa ngành bình thường mà còn cả đối với các trường hoàn toàn mang tính tôn giáo của các tôn giáo khác nhau.

RFA ghi lời Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh:

“Bây giờ làm sao được, thông tin mà tôi trao đổi trực tiếp với một linh mục đang dạy cho học viện Đa Minh, đào tạo thần học cho chủng sinh, là vẫn phải mời những người của nhà nước đến dạy Mác Lê Nin.”

Trong chương trình của Học viện Phật giáo Việt Nam, nơi đào tạo các tăng sư, cũng có môn học về chủ nghĩa Mác Lê Nin.

Vào cuối năm 2016, người ta cũng đã từng bàn tán xôn xao về việc phải thi môn Mác Lê Nin để được học thạc sĩ về Phật giáo tại Học viện Phật giáo này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.