Hôm nay,  

Fountain Valley Aikikai Mừng 4 Năm Thành Lập Đạo Đường Giỗ 49 Năm Tổ Sư Aikido Morihei Ueshiba

08/05/201800:00:00(Xem: 3890)
AIKIDO 1 group
Hình lưu niệm các võ sinh mới thăng đai và ban giám hiệu.

AIKIDO 2 cap bang
GS Đặng Thông Phong trao bằng, thăng đai

AIKIDO 3 William Baptiste
Ông cụ 70 tuổi đai xanh William Baptiste

AIKIDO_demonstration
Trình diễn võ thuật


FOUNTAIN VALLEY, California (VB) -- Tổng cuộc Tenshinkai Aikido đã thực hiện một buổi lê trang nghiêm tại đạo đường tại số 10810, Suite 12 đường Warner, giữa đường Ward và Euclid thuộc thành phố Fountain Valley.

Buổi lễ có nhiều mục tiêu chính:

- Lễ giỗ Tổ sư Aikido Morihei Ueshiba;

- Kỷ Niệm 4 Năm Thành lập Đạo đường Fountain Valley Aikikai;

- lê thăng đai cho một số võ sinh.

Người tham dự có cả già trẻ, trong võ sinh có một sô người Mỹ da trắng.

Trong khi chờ buôi lễ, phóng viên Việt Báo đã phỏng vấn võ sinh William Baptiste, tuy ông cụ đã 70 tuổi nhưng vẫn trông đầy đủ sức khỏe cường tráng của một võ sinh đai xanh lá cây.

Ông Baptiste giải thích rằng ông đã theo học Aikido ở Tenshinkai  khoảng 3 năm rưỡi, và học võ đã cho ông nhiều lợi ích vô cùng.

Những lợi ích đó hiên nhiên đã thấy rõ, trong buổi trình diễn võ thuật cuôi chương trình, từ một đối một, cho tới  hoàn cảnh một người bị 4 người tấn công và phải đánh trả để tự vệ.

Sau đây là baì diễn văn của Giáo sư Đặng Thông Phong, người khai sáng ra Tổng cuộc Tenshinkai Aikido.

“Ngày 6/5/2018

Kính thưa Quí vị Phụ Huynh, Thân hữu, và Môn sinh,         

Hôm nay, Tổng cuộc Aikido Tenshinkai chúng tôi làm lễ tưởng niệm năm thứ 49 ngày vị Tổ sư khai sinh môn phái Aikido là Đại Sư phụ Morihei Ueshiba từ giã cõi đời. Với niềm kính nhớ đó, hôm nay chúng ta tụ họp ở đây cũng để kỷ niệm 4 năm thành lập Đạo đường Fountain Valley Aikikai này trong nổ lực gìn giữ và truyền đạt rộng rãi tinh thần Võ đạo và thông điệp Hoà bình của Tổ sư.

Tôi thành thật cám ơn tất cả quý vị đã dành thì giờ của một buổi sáng chủ nhật để đến đây tham dự buổi lể quan trọng và nhiều ý nghĩa này cùng chúng tôi.

Kính thưa quý vị,

Để tưởng niệm Tổ sư Morihei Ueshiba, tôi xin tóm tắt sau đây một vài nét sơ lược về cuộc đời của Đại Sư phụ và hoàn cảnh khai sinh phái võ Aikido độc đáo này:

Tổ sư sinh ngày 26 tháng 4 năm 1883 tại hạt Wakayama, Nhật Bản, và là người con thứ tư trong gia đình. Thủa ấu thơ, Người không có sức khoẻ bình thường và lại ưa đau yếu. Phụ thân của Người thường khuyên Người tập bơi, tập đô vật và ông ta ưa kể chuyện về những kiếm sĩ nổi tiếng để khuyến khích Người vượt qua sự yếu đuối này. Dần dần, vào thời thanh niên, Người bắt đầu theo học nhiều môn võ và trở nên nổi tiếng vì sức mạnh thể chất của mình.

Năm 1915, Người được gặp Takeda Sokaku vốn khai sinh môn phái Daito-ryu Aiki-jujutsu. Ngưỡng mộ Takeda và kỹ thuật Aiki-jujutsu, Người đã say mê theo học và trở thành môn sinh phụ tá cho sư phụ mình. Càng lúc, cùng với sự tiến triển về công phu võ thuật, danh tiếng của Người càng lên cao. Nhiều võ sư đến thách đấu đều bị Người đánh bại và trở nên môn sinh của Người. Tuy nhiên, trong cùng thời gian này, Đại Sư phụ bắt đầu chú ý đến và theo đuổi những phát triển về tâm linh của chính mình.

Người tạo lập nhiều võ đường và khi dọn về thủ đô Tokyo vào năm 1926, Người đã xây dựng một võ đường lớn sau này trở thành Aikikai Hombu Dojo, tức Tổng đàn Aikido Thế giới ngày nay. Suốt thời gian này Đại Sư phụ tiếp tục phát triển Aikido và được mời dạy khắp nơi.  

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Aikido cũng như các môn phái võ thuật khác ở Nhật bản bị cấm hoạt động cho đến năm 1948 Bộ Giáo dục Nhật bản mới được phép thành lập Aiki Foundation. Rồi năm tiếp theo, Hombu Dojo được tái hoạt động. Sau chiến tranh, Đại Sư phụ chỉ chú tâm vào các sinh hoạt thiền định, tụng kinh, viết chữ đẹp, và cày cấy. Người giao sự nghiệp tiếp tục phát triển Aikido cho con trai là Kisshomaru Ueshiba, Đạo Chủ đời Thứ Nhất.

Năm 1969, Người lâm bịnh và sau buổi luyện tập cuối cùng vào Tháng Ba năm đó, Người được đưa vào bệnh viện và qua đời vào ngày 26 Tháng 4 cùng năm.

Kính thưa quý vị,

Aikido thường được chuyển dịch ra tiếng Việt là Hiệp Khí Đạo, vốn là một hệ thống võ thuật nhu nhuyễn dùng các thế ném té, bẻ và khoá các khớp xương, cùng các thế đánh (atemi) để hoá giải những đòn tấn công và khuất phục đối phương. Được Đại Sư phụ phát minh và chế tác, kỹ thuật Aikido đã tiến hoá qua thời gian:

Trước thế chiến, đòn thế Aikido bao gồm nhiều thế đánh (atemi) vào chổ hiểm và sử dụng vũ khí nhiều hơn. Do đó, Aikido ở giai đoạn này tương đối “cương” hơn bây giờ rất nhiều.

Trong đời mình, Đại Sư phụ đã 3 lần có những trải nghiệm tâm linh sâu sắc:

.Lần thứ nhất vào năm 1925, sau khi chỉ với tay không mà đánh thắng và không gây thương tích một sĩ quan Hải quân dùng cây kiếm gỗ để tấn công, Người đã đi vào một trạng thái tâm linh hòa mình với suối nguồn yêu thương của Đất Trời. Đại Sư phụ đã ý thức được cội nguồn hoà bình, bất bạo động của tinh thần Võ Sĩ Đạo.

. Lần thứ hai vào năm 1940, Đại Sư phụ chợt trong khoảnh khắc quên hết mọi kỹ thuật mà Người đã từng tập luyện. Người thấy mọi đòn thế đều trở nên mới lạ và là công cụ để vun trồng đời sống, tri thức, và đức hạnh chứ không phải để chiến đấu và chiến thắng.

. Lần thứ ba vào năm 1942, giữa lúc Thế chiến Thứ Hai đang đến hồi quyết liệt và gây chết chóc và tang thương cho hàng vạn sinh linh, Đại Sư phụ chợt giác ngộ rằng con đường Võ Sĩ Đạo không phải là tiêu diệt và tàn phá mà chính là Hoà bình và tình Thương yêu.

Sau các trải nghiệm đó, Đại Sư phụ bắt đầu thay đổi nội dung của Aikido: Đòn thế để chế ngự và chiến thắng không còn quan trọng như xưa mà sự chú tâm  bây giờ được đặt vào cách kiểm soát “Khí”, thể hiện nhiều nhất qua các kỹ thuật “kokyu-nage” vốn mềm mại, nhu nhuyễn, và áp sát vào đối phương để hoá giải các thế tấn công và dùng chính lực của đối phương để ném đối phương ra xa. Đây là bước đầu trong tiến trình huấn luyện hiện đại để thăng hoa tinh thần và tâm linh của người tập Aikido.

Năm 1967, tôi đã có cơ duyên được trực tiếp học hỏi với Đại Sư phụ và Đạo chủ Kisshomaru tại Tổng đàn Hombu Dojo ở Tokyo. Tuy chỉ trong thời gian ngắn ngủi nhưng thực là một trải nghiệm quý báu mà tôi không bao giờ quên.

Kính thưa quí vị,

Mấy năm trước đây, có người nói là tôi đã ở vào cái “tuổi hạc, tuổi vàng” mà tại sao không dành thời giờ để nghỉ ngơi, “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”, mà còn mở thêm Đạo đường thứ hai này nữa làm chi cho mệt trí óc và thân xác?

Tôi rất cám ơn sự quan tâm và lời khuyên chân tình đó. Đúng là ở vào thời điểm này của đời mình, sau bao lăn lộn, thăng trầm, tôi không còn màng gì đến Danh và Lợi mà chỉ muốn “gác kiếm” để hưởng một chữ Nhàn. Huống chi mở thêm một võ đường là phải đối diện với muôn vàn khó khăn và chịu đựng biết bao tốn kém.

Nhưng tôi cương quyết tiếp tục dấn thân! Đó là vì Con đường và Mục đích của tôi luôn nhất quán, trước sau như một, từ hơn nữa thế kỷ nay: Chừng nào còn đủ sức và đủ duyên thì tôi còn muốn đền đáp công ơn dạy dỗ của các vị thầy mà tôi đã thọ giáo.

Mở thêm võ đường để phát triển Aikido không nằm ngoài ý nguyện chân thành này của tôi!

 Tôi không bao giờ quên được những cái mốc thời gian và các vị thầy đã đào tạo và hun đúc tôi để trở thành Con Người hôm nay:

Đây là một tiến trình liên tục và dài lâu với rất nhiều thách đố kể từ cuối năm 1964, khi tôi được Thầy Đặng Thông Trị giao phó Đạo đường Aikido Trung ương ở Sài gòn để điều hành, cùng với nhiệm vụ dẫn dắt Hội Hiệp Khí Nhu đạo Việt Nam, trước khi ông rời quê hương để định cư tại Hoa kỳ. Kế đến là hành trình sang Tổng đàn Aikido Thế giới ở Tokyo năm 1967 khi tôi được huấn luyện          và bổ túc kỹ thuật Aikido dưới sự hướng dẩn trực tiếp của Tổ sư Morihei Ueshiba và con trai của Người là ông Kisshomaru Ueshiba, vị Đạo chủ Aikido đời thứ Nhất.

Sau khi trở về nước, tôi nhận được chứng thư của Tổ sư và Đệ Nhất Đạo chủ ủy nhiệm cho tôi trọng trách phát triển Aikido ở Việt Nam trong tinh thần Thương Yêu và Hòa Bình.

Kính thưa quí vị và các bạn,

Tuy trong quá khứ tôi đã luyện tập nhiều môn võ khác nhau và cũng đạt được đẳng cấp tương đối cao trong các phái võ đó, nhưng cuối cùng tôi đã chọn cho mình một hướng đi để phục vụ tha nhân trong suốt cuộc đời. Đó là Aikido, môn võ của Tình thương và Hoà bình. Được sự hướng dẫn của Tổ sư Morihei Ueshiba cũng như của các vị Thầy Aikido khác, tôi đã nhận thức được ý nghĩa đích thực của Võ Đạo: Đó không phải là con đường của bạo lực, thù hận, và chia rẽ, mà đó là Hòa Bình, Tình Thương Yêu, và sự Hài Hòa.

Vì chung thuỷ sắt son với lý tưởng của mình, tôi tiếp tục mở thêm võ đường để phát triển Aikido như là một cách để trả ơn các bậc tiền bối đã dạy bảo tôi từ thời niên thiếu và cũng là để chu toàn bổn phận đã được các tiền nhân ấy giao phó.

Giới thiệu và phát triển Aikido, tôi cũng mong góp phần giúp cho thế hệ mai sau biết sống thương yêu, hoá giải xung đột, và hòa hợp với mọi người để tạo nên một cộng đồng hòa bình và một xã hội an lạc hơn.

Trước khi dứt lời, tôi thay mặt toàn thể Anh Chị Em trong Ban Tổ chức, Ban Huấn Luyện và các Môn sinh của Aikido Tenshinkai để chân thành cảm tạ sự quan tâm và ủng hộ của quý vị quan khách, phụ huynh và thân hữu đã tham dự buổi lễ hôm nay.

Chúng tôi cũng xin cảm tạ quý vị đại diện truyền thông, truyền hình đã giúp đở chúng tôi phổ biến môn võ của Tình Thương và Hoà Bình trong bao năm qua.

Ban tổ chức chúng tôi cũng xin lỗi, vì phạm vi võ đường tương đối hạn hẹp nên không có đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người, khiến một số quý vị phải đứng và do đó không được thoải mái.

Cuối cùng, xin kính chúc tất cả quý vị một cuối tuần thật an lành.

Đặng Thông Phong,

Chủ tịch Tổng cuộc Aikido Tenshinkai Quốc tế”

Được biết tại Quận Cam, Tổng cuộc Tenshinkai Aikido  có 2 đạo đường ở hai thành phố Westminster và Fountain Valley.

-- 8562 Westminster Bl., Westminster, CA 92683.

-- 10810 Warner Ave., #12, Fountain Valley, CA 92708.

Có thể tìm hiểu, liên lạc qua: www.tenshinkai.com/

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.