Hôm nay,  

Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại Năm 2005

06/01/200600:00:00(Xem: 6347)

So với các năm vừa qua, tầm hoạt động và sự ảnh hưởng của Cộng đồng người Việt hải ngoại trong năm 2005 đã có những tiến bộ đáng kể, nhất là tạo nhiều dấu ấn lịch sử trên mặt quốc tế vận và hỗ trợ các nỗ lực đấu tranh tại Quốc Nội.

Năm 2005 cũng là năm mà Cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã bẻ gãy những kế hoạch tuyên truyền và vô hiệu hóa các bước thực hiện nghị quyết 36 của Hà Nội tung ra từ tháng 4 năm 2004. Một cách tổng quát, các sinh hoạt của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại trong năm 2005 đáng chú nhất trên ba lãnh vực như sau:

Thứ nhất là nỗ lực trên mặt vận động quốc tế:

Đầu tiên là lên tiếng chống tàu tuần dương Trung Quốc đã sát hại ngư dân Việt Nam tại Thanh Hóa ngay trên hải phận Vịnh Bắc Việt hôm mồng 8 tháng 1 năm 2005 và hành động ươn hèn của Cộng sản Việt Nam đã không mau chóng và mạnh mẽ phản đối về thái độ dã man và trịch thượng của nhà cầm quyền Bắc Kinh khi sát hại ngư dân Việt Nam.

Hơn 18 cuộc biểu tình được tổ chức trước tòa đại sứ của Trung Quốc và Hà Nội để phản đối đã khiến cho Trung Quốc phải vội vã xét xử những ngư phủ bị bắt rồi phóng thích vô điều kiện, trước khi cục diện trở nên phức tạp bởi làn sóng đấu tranh của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Kế đến là những cuộc vận động các áp lực quốc tế của Cộng đồng để áp lực Cộng sản Việt Nam phải phóng thích các tù nhân chính trị liên tục trong nhiều năm dài trước đó đã có nhiều kết quả trong năm 2005. Đó là Hà Nội đã phóng thích 6 tù nhân chính trị trong đợt thả tù vào tháng 2 năm 2005 gồm Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Giáo sư Nguyễn Đình Huy, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Thượng Tọa Thích Thiện Minh và Tu Sĩ Nguyễn Văn Điền. Từ sự thành công này, Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã vận động Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục duy trì Cộng sản Việt Nam vào trong danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC), khiến cho mọi nỗ lực vận động gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO) đã bị thất bại vào cuối năm 2005.

Sau cùng là những cuộc chống đánh quy mô các phái đoàn ngoại giao của Hà Nội do những nhân vật cao cấp cầm đầu như Trần Đức Lương đi Âu Châu, Nông Đức Mạnh đi Pháp, Phan Văn Khải đi Úc, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Nhật của Cộng đồng người Việt tại khắp nơi đã tạo sự chú ý của dư luận thế giới và đồng vào trong ngoài nước rất nhiều. Có thể nói là những tố cáo về tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam đã được báo chí loan tải khá nhiều trong năm 2005 nhờ những cuộc biểu tình nói trên.

Thứ hai là trên lãnh vực ngăn chận các hoạt động tuyên truyền của Cộng sản Việt Nam:

Đầu tiên là chống lại kế hoạch tuyên truyền về 'hóa chất da cam' để qua đó tạo sự hiện diện của Hà Nội trong cộng đồng người Việt. Kế hoạch này đã bị cộng đồng người Việt tại Paris bẻ gãy khi Hà Nội dùng một số thanh niên Việt Nam của chế độ tổ chức vận động chữ kỳ và tuyên truyền sai lạc về việc này. Kế hoạch này cung đã bị chống đánh tại miền Bắc California khi Hà Nội đưa tên bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân đi nói chuyện và tuyên truyền sai lạc về vụ 'hóa chất da cam'.

Kế đến là những cuộc biểu tình chống đánh các buổi tổ chức tuyên truyền về Cộng sản Việt Nam nhưng núp dưới chiêu bài trình diễn văn nghệ do sứ quán hay những bộ phận của nhà nước Cộng sản Việt Nam tổ chức. Đặc biệt trong sự chống đánh này, việc Cộng đồng người Việt tại Úc Châu phá vỡ chuyến lưu diễn của hơn 100 văn công của Hà Nội do báo Thanh Niên và Tổng công ty hàng không Việt Cộng tổ chức tại Thủ đô Canberra và thành phố Sydeny, dưới danh xưng Duyên Dáng Việt Nam.

Gần 20 ngàn đồng bào tại Sydney đã tham dự cuộc biểu tình chống đánh đêm trình diễn Duyên Dáng Việt Nam, đặt dưới sự chủ tọa của Thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng, vào cuối tháng 11 năm 2005 đã tạo một dấu ấn đặc biệt về nỗ lực đấu tranh chống tuyên truyền của Hà Nội trong năm 2005.

Thứ ba là trên lãnh vực hỗ trợ các nỗ lực đấu tranh tại quốc nội:

Đầu tiên là sự lên tiếng hỗ trợ và tiếp sức đấu tranh với các nhà đối kháng tại Việt Nam đã trở nên đa dạng trong năm 2005. Từ sau khi áp lực Hà Nội phải phóng thích vô điều kìện 6 nhà đối kháng vào cuối tháng 2 năm 2005, Hà Nội đã tỏ ra lúng túng và dè dặt khi phải đàn áp một nhà đối kháng. Nhờ vậy mà trong năm 2005 sự lên tiếng và trao đổi giữa các nhà đối kháng với Cộng đồng người Việt tại hải ngoại rất đa dạng.

Trong tình huống đó, ông Hoàng Minh Chính đã ra hải ngoại chữa bệnh hồi tháng 11 và nhờ đó đã có những trao đổi, tiếp xúc với một số người đấu tranh tại hải ngoại, đưa đến sự xuất hiện Phong Trào Dân Chủ Việt Nam vào cuối năm 2005 và một trang nhà (web site) để loan tải những thông tin giữa các lực lượng đấu tranh ở trong và ngoài nước.

Kế đến là các cuộc vận động hỗ trợ những nỗ lực đấu tranh của các tôn giáo tại Việt Nam trên mọi lãnh vực. Hỗ trợ cuộc đấu tranh của Mục sư Nguyễn Hồng Quang khiến cho Hà Nội đã phóng thích trước thời hạn 1 năm hồi tháng 9 năm 2005. Hỗ trợ cuộc đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo chống lại chính sách đàn áp tôn giáo khi bức bách hai đồng đạo phải tự thiêu tại An Giang vào đầu tháng 8 năm 2005. Hỗ trợ cuộc đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khi Hà Nội tìm mọi cách cô lập và quản chế các nhà lãnh đạo của Giáo hội.

Sau cùng là những hỗ trợ âm thầm nhưng mang nhiều tính chất chiến lược của một số tổ chức người Việt tại hải ngoại hầu tiếp tay với các lực lượng tại quốc nội trong việc làm bùng vỡ phong trào Khiếu kiện và Tố cáo của đồng bào quốc nội trước sự tham ô nhũng lãm ngày một gia tăng của cán bộ Cộng sản Việt Nam.

Ngòi nổ của phong trào này đang có ở khắp các thành phố nhưng hai điểm nóng mà Cộng sản Việt Nam lo sợ là Hà Nội và Sài Gòn, khi hàng ngày có hàng trăm người tụ tập tại một số địa điểm để tố cáo các hành vi tham ô, cướp bóc của cán bộ và đòi lại ruộng đất, nhà cửa bị tịch thu từ hàng chục năm qua mà các cơ quan nhà nước không hề xét xử. Trong 5 năm qua đã có hơn 1 triệu 200 gia đình đã nộp đơn khiếu nại và tố cáo nhưng Hà Nội đã chỉ giải quyết khoảng 40% những oan ức của người dân.

Tổng kết lại, năm 2005 là năm mà các hoạt động đấu tranh của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại rất đa dạng và tạo những sức ép đáng kể lên chế độ Hà Nội. Hiện nay, một số đoàn thể đang khởi xướng hai chiến dịch: Cuộc trưng cầu về Ngày Tỵ Nạn Việt Nam và Cuộc vận động đổi tên thành phố Sài Gòn. Đây là hai nỗ lực mang nhiều ý nghĩa chính trị và có tác dụng xây dựng thế đấu tranh của Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Trong tinh thần đó, chúng ta hy vọng năm 2006 sẽ là năm mà các nguồn lực của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ tác động và hỗ trợ sức bật mạnh mẽ tại quốc nội.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.