Hôm nay,  

Chùa Phước Huệ: Đại Lễ Khánh Thành Tượng Đài Văn Hóa Phật Giáo Và Tháp Tâm Linh

17/04/201812:11:00(Xem: 5199)
CHÙA PHƯỚC HUỆ: ĐẠI LỄ KHÁNH THÀNH
TƯỢNG ĐÀI VĂN HÓA PHẬT GIÁO VÀ THÁP TÂM LINH

Bài và Ảnh: BÙI QUỐC HÙNG & BÙI PHÚ

blank

Tacoma, Wash. - Trong một sự kiện đầy ý nghĩa về lịch sử, văn hóa Phật Giáo và về tâm linh đáng trân trọng ghi nhớ, chư Tôn Túc Tăng Ni và Phật tử khắp nơi cùng địa phương đã hoan hỷ Hội Ngộ tại Chùa Phước Huệ, Tacoma, tiểu bang Washington để dự một ngày Tu An Lạc vào lúc 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều ngày 14/4/2018, và tham dự Đại Lễ Sái Tịnh Lạc Thành Tượng Đài Văn Hóa Phật Giáo Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam và Tháp Tâm Linh vào lúc 10 giờ sáng ngày 15/4/2018 tại địa chỉ số 2625 72 ND Street East * Tacoma, WA 98404.

blank

Theo tin khí tượng dự báo có mưa gió trong ngày nhưng hôm nay, thời tiết trong lành, từ lúc 10 giờ sáng Phật tử đã tề tựu đông đúc. 10 giờ 20 sáng Chư Tôn Đức Tăng Ni Quang Lâm Chánh Điện.

Thượng Tọa Thích Thuận Hải, điều hợp chương trình, tuyên bố lý do buổi Đại Lễ.

Sau đó là thời khắc Niệm phật Cầu Gia Bị và Phút Nhập Từ Bi Quán.

Tiếp theo, Giới thiệu thành phần Chư Tôn Túc Tăng Ni và quan khách tham dự buổi đại lễ:

Hòa Thượng Thích Thông Hải, Viện Chủ Thiền Viện Chân Không Hawaii & Tu Viện An Lạc Ventura, California 

Thượng Tọa Thích Phước Toàn, Viện Chủ Chùa Phước Huệ, Tacoma

Thượng Tọa Thích Nhuận Hải, trú trì thiền đường Viên Ngộ

Đại Đức Thích Đạo Chí, Trú Trì Thiền Tôn, Sacramento

Đại Đức Thích Tịnh Hạnh, trú Trì Chùa Từ Quang, Alabama

Sư Cô Thích Nữ Quảng Như, Trú Trì Chùa  Từ Lâm

Sư Cô Thích Nữ Tịnh Ân, SC TN Nguyên Thiện, SC TN Thiện Phương thường trú Chùa Phước Huệ

Ông Nguyễn Quang Đạo, đại diện Hội Phật Tử An Bằng Hải Ngoại

Ông Lê Minh, đại diện Chùa Chân Nguyên, Homa Lousiana

Về truyền thông báo chí có sự tham dự của Ông Bùi Văn Phú, đại diện Việt Báo Miền Nam

Ông Bùi Quốc Hùng, tuần báo Sài Gòn Nhỏ Seattle, Washington

Ông Đặng Trí, Chủ Nhiệm Báo Người Việt Ngày nay và các đoàn thể và toàn thể Phật tử xa gần.

blank

Kế tiếp, Hòa Thượng Hòa Thượng Thích Thông Hải, Chứng Minh buổi lễ, ban Đạo Từ. Hòa Thượng nói về ý nghĩa Tâm Linh và Văn Hóa Phật Giáo, Ngài tán thán những công trình thành tựu viên mãn mà Thượng Tọa Thích Phước Toàn đã dầy công sức trí tuệ thực hiện cho ngôi chùa Phước Huệ. Về Tượng Đài Văn Hóa Phật Giáo Tưởng Niệm Thuyền Nhân được long trọng khánh thành hôm nay, Hòa Thượng Chứng Minh nói: “Làm một tác phẩm văn hóa là đã mãn nguyện một kiếp người.”, tuy vậy, Hòa Thượng không thể làm được  một công trình tượng đài văn hóa như Chùa Phước Huệ. Nếu không có những công trình văn hóa lịch sử để lại cho đời, các thế hệ 3, 4 sẽ quên đi, không biết vì sao đến đây. Nói về một thời bỏ nước ra đi tìm tự do, Hòa Thượng cũng đã là một thuyền nhân vượt biển năm 1977, đến được Poulau Bidon, Malaysia; là nhân chứng, chứng kiến biết bao thảm cảnh đau thương của những thuyền nhân đi tìm tự do, đã bỏ mình trên sóng nước đại dương, bị hải tặc cướp bóc, giết chóc, hãm hiếp bạo tàn.

blank

Sau đó, Thượng Tọa Thích Phước Toàn, Viện Chủ Chùa Phước Huệ đọc diễn văn khai mạc. Thượng Tọa Viện Chủ nói:

 “Hôm nay là một duyên lành lớn và tràn đầy hoan hỷ, bởi hai công trình Đạo Tràng Chùa Phước Huệ mới vừa xây dựng xong, đó là Tháp Tâm Linh và Tượng Đài Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam. 

Kính bạch quý ngài, kính thưa quý vị từ lâu chúng con, chúng tôi có một điều gì đó tận sâu thẳm trong lòng đã từng thôi thúc cho hai công trình nầy để hôm nay cùng có một thiện duyên, nhân Khoá Hội Ngộ của Đại Tăng và ngày tu học An Lạc cho quần chúng Phật tử, để được Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni chứng minh và toàn thể Phật Tử xa gần chiêm bái cùng hộ pháp

Trước tiên, chúng con, chúng tôi xin được trình bày về công trình thứ nhất, một Bảo Tháp Tâm Linh là để tưởng nhớ người quá cố. Ở đó không chỉ cho việc thờ cốt, mà còn mang một ý nghĩa sâu xa và cao cả hơn, bởi cổ nhân có dạy, “Sự tử như sự sanh”. Lời dạy nầy đã trở thành nếp truyền thống Văn Hóa Đạo Đức cao đẹp hướng con người nhớ nghĩ đến gốc rễ cội nguồn, do đó, thờ tự các bậc quá vãng cũng là việc tăng thêm phước lành cho chính bản thân, gia đình và cũng là một sự liên đới huyết thống tâm linh với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và nòi giống. Theo lời Đức Phật dạy thì, chúng sanh trong ba cõi đều là Cha Mẹ, anh em bà con của chúng ta cả, do đó việc xây dựng một nơi để thờ tự người quá vãng, các bậc siêu hình đều mang ý nghĩa hiếu kính về sự tri ân và báo ân cả vậy. 

blank

Công trình thứ hai, Đài Văn Hóa Phật Giáo Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam là để Kỷ Niệm & Tưởng Niệm giai đoạn Vượt Biên, Vượt Biển.  Bởi Văn Hóa Việt Nam nói chung và Văn Hóa Phật Giáo nói riêng, được phát triển và bắt rễ tại các nước tây phương, phần lớn là đã theo đoàn người vượt biên, vượt biển những thập niên 80 và 90. Trong tương quan, tương duyên thật thiết thân về tình tự Văn Hóa Dân Tộc và Đạo Pháp đó, Chùa Phước Huệ đã xây dựng một Tượng Đài bằng hình Chiếc Thuyền, trên thuyền có Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để tưởng nhớ sự linh diệu trong giây phút thập tử nhất sanh của những thuyền nhân giữa biển cả và, ngôi Chùa Một Cột, Chùa Diện Hựu, là để nhấn một điểm son của nét Văn Hóa Tâm Linh Đạo Phật Việt Nam, từng phát triển và hưng thịnh từ thời nhà Lý (1028-1054, xd.1049) đã và đang truyền bá và bắt rễ vào các nước tây phương cũng đã chở theo trong tâm thức của đoàn người trên những chuyến thuyền vượt biển từ những giai đoạn này. Trong đó họ đã đánh đổi mạng sống, đã vượt qua những đau khổ, những nhục nhã ê chề, cuối cùng cũng tìm được đến bến bờ tự do để Văn Hóa Việt Nam và Đạo Pháp cùng có cơ hội truyền bá và trổi dậy khắp nơi trên các đất nước Tây Phương. Và điểm quan trọng thứ hai là để Tưởng Niệm và San Sẻ nỗi niềm thương tâm của những đồng bào xấu số của chúng ta, đã bỏ mình giữa biển cả, trong rừng sâu trên đường tìm tự do, mà những ước mơ tự do ấy đã không bao giờ hiện thực. Thế nên Đạo Tràng Phước Huệ dù đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chánh và nhân lực, song chúng con, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện hoàn thành hai công trình xây dựng, một ngôi Bảo Tháp Tâm Linh và Một Tượng Đài Văn Hoá Phật Giáo là vậy. (Xin tất cả đại chúng dành một phút lắng đọng để chúng ta cùng tưởng niệm). Và Hai bên mạn thuyền sẽ khắc hai câu thơ đối song ngữ Anh-Việt:

PHƯỚC ĐỨC TRANG NGHIÊM MÁI CHÙA HỒN DÂN TỘC VIỆT
HUỆ QUANG TỎA RẠNG THIỀN CẢNH ĐẤT NƯỚC TÂY PHƯƠNG

Với ý nghĩa PHƯỚC HUỆ song tu dưới mái chùa mang hồn dân tộc, đã và đang mang đến sự bình yên, trang nghiêm, rạng rỡ và thiền vị thêm cho cuộc sống và quang cảnh tại đất nước tây phương, và cũng là tên hiệu Chùa Phước Huệ. Với hai công trình trên tâm nguyện của chúng tôi mong ước sẽ đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho tất cả quý đồng hương Phật tử và được nhiều lợi lạc cho người còn kẻ mất. Và mong rằng tất cả chúng ta sẽ tinh tấn hơn trên con đường tu tập chánh pháp và hộ trì Tam Bảo.

Sau cùng, chúng con trong Đạo Tràng Chùa Phước Huệ, thành kính tri ân trên chư Tôn Thiền Đức khắp nơi đã quan tâm thương mến, hướng về cầu nguyện cho các Phật sự xây dựng tại Đạo Tràng Phước Huệ, và chúng tôi thật cảm niệm công đức của toàn thể quý đồng hương, quý Phật tử, quý thân hữu xa gân đã ủng hộ từ tinh thần đến tịnh tại cho việc duy trì và phát triển một cơ sở Phật Giáo tuy rất nhỏ nhoi khiêm nhường nầy, nhưng vẫn trổi dậy một nét đặc thù văn hoá Phật Giáo Việt Nam đầy trang nghiêm, thanh tịnh và rất thiền vị mà khách thập phương khi đã có một lần thăm viếng, cũng đều hoan hỷ tán dương và không thể quên cảm quan ấy được. ”

blank

Trong dịp này, Thượng Tọa Thích Phước Toàn xin được nói lời tán thán công đức của các Phật tử hộ pháp của Chùa Phước Huệ, đó là quý ông Thiện trung Trịnh Mãn và đạo hữu Trịnh Hậu là những Phật tử đã tấm lòng kiên định, gắn bó, đóng góp tim óc, công sức, tịnh tài trong tất cả các trình xây dựng để có một ngôi chùa đồ sộ, nguy nga, cảnh trí thanh tịnh cho Phật tử khắp nơi đến hành hương, chiêm bái, tu học.

Sau lễ Dâng Hương bạch Phật và Lễ Khai cầu nguyện, Chư Tôn Túc Tăng Ni và Phật tử, trong đó có các thiện nam mặc quốc phục áo gấm hoa xanh hoa trắng, cầm lọng đi hai bên, các thiện nữ trong Ban Rước lễ Seattle và tại địa phương trong quốc phục áo dài, đầu đội khăn vành dây khởi đi từ Chánh Điện ra phía trước cổng chùa, hai bên đường là khuôn viên chùa rực sáng một rừng hoa đào, hoa mận trắng nở rộ trên cây, phía dưới thảm cỏ xanh tươi mơn mởn trong mùa xuân, rồi quay trở lại, tiến về Tượng Đài Văn Hóa Phật Giáo Tưởng Niệm Thuyền Nhân tọa lạc phía bên phải từ trong hội trường trông ra.

Tượng Đài Văn hóa tượng trưng cho một con tàu vượt biển được được cải biến từ một chiếc cano lớn, trên đó, có mô hình Chùa Một Cột (Chùa Thiên Hựu, đời Nhà Lý), biểu trưng của văn hóa Phật Giáo Việt nam; phía trước có tôn tượng Phật Bà Quán Thế Âm, biểu tượng của từ bi, cứu khổ, cứu nạn chúng sinh thoát khỏi trầm luân, khổ ái, nguy biến, tai ương. Bên trai của tượng đài, có hai bia đá cẩm thạch trắng, một bia khắc chữ Việt , một bia khắc chữ Anh, tô son màu đỏ, cả hai tấm bia nói về lịch sử của con tàu chở người Việt Nam vượt biển, đi tìm tự do sau khi CSBV cưỡng chiếm miền Nam.

Hòa Thượng Chứng Minh, Thượng Tọa Viện Chủ, hai ông Trịnh Mãn và Trịnh Hậu đồng cắt băng Sái Tịnh Lạc Thành Tượng Đài trước sự trang nghiêm chứng kiến của Chư Tăng, Ni và Phật tử.

Tiếp theo, là lễ khánh thành Tháp Tâm Linh, tọa lạc phía sau, góc phải của chùa từ ngoài trông vô. Tháp Tâm Linh được xây dựng hai tầng, để linh cốt của Phật tử quá cố. Tại đây, Chư Tôn Túc cắt băng khánh thành, cử hành Lễ niệm Phật, rước linh cốt từ nơi thờ phương tạm đến nhập tháp, an linh và cúng tiến các hương linh tại linh đường.

Sau cùng, toàn thể Chư Tôn Tăng, Ni và quan khách Phật tử được mời vô hội trường dùng trai tăng do các bà, các chị trong ban Trai soạn của Chùa Phước Huệ phụ trách.

Buổi Đại Lễ Khánh Thành Tượng Đài Văn Hóa Phật Giáo và Tháp Tâm Linh chấm dứt vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày.

Tường trình tại Tacoma, Washington, ngày 15/4/2018

 blank
 blank

Trong buổi lễ.Ảnh/VBMN

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.