Hôm nay,  

Sùng Nghiêm Thiền Viện: Lễ Xuống Tóc Và Đắp Y...

26/04/200500:00:00(Xem: 5648)
Dưới chân bệ gỗ vẽ vân như ruột gỗ thông có pho tượng đồng Phật Thích Ca Mâu Ni cao lớn đang ngồi ngự trong tư thế tham thiền nhập định, là các vị nữ tu thuộc Thiền Tông. Năm Ni Sư từ hòa và nghiêm trang ấy là các Ni sư Chân Thiền, Chân Như, Chân Diệu, Huệ Lộc và Chân Liên, ngồi quây thành vòng tròn trên chiếc bồ đoàn, trong khi vị giáo sư môn Hatha Yoga người Mỹ đang ngồi thế kiết-già cách đấy vài mét, cùng gần 70 nam nữ Phật tử ngồi yên trước điện thờ. Thầy Toàn Lực thủ chuông, còn một nữ cư sĩ (đến từ Virginia) thủ mõ.
Sau khi cùng quí Thầy và phật tử tụng những bài kinh, chú và lắng nghe lời giảng, lời căn dặn cuối cùng của Ni sư Viện chủ SÙNG NGHIÊM THIỀN VIỆN, hai nữ giới tử mang tâm nguyện thoát ly đời thường để xuất gia cầu học Đạo hôm chiều Chủ Nhật 24-4 đã được chấp nhận xuống tóc đi tu. Những lọn tóc nhỏ được sáu nhà sư cắt tượng trưng rồi khoác chiếc y vàng và màu lam mới toanh lên 2 người giới tử. Vị lớn tuổi mang pháp danh mới là Toàn Mỹ, còn người thiếu nữ trẻ giờ đây trở thành chú tiểu Toàn Tịnh....
Buổi lễ diễn ra theo một nghi thức thiền môn này gọi là Lễ Truyền giới,Xuống Tóc và Đắùp Y cho hai nữ phật tử của Sùng Nghiêm Thiền Viện, thành phố Garden Grove, cách phố Bolsa của Little Saigon lối 4 dặm phía bắc. Giờ đây, người ta không còn gọi họ bằng thế danh Trần thị Hằng và Phan thị kim Duyên nữa. Họ từng lui tới ngôi chùa Sùng Nghiêm này học kinh kệ và góp công quả trong nhiều năm. Qua sự dìu dắt và chứng nghiệm của các vị Sư trong chùa, giới tử cao niên được đồng ý thọ giới tu sĩ, còn giới tử tuổi thanh xuân mới chỉ được thọ giới chú tiểu, theo lời kể của Ni sư Chân Thiền trong giờ hành lễ.
"Xuống tóc là thề xả bỏ thân tâm", vị ni sư trưởng của Chùa Sùng Nghiêm nói, mắt hướng về phía hai giới tử đang đứng bất động lắng nghe, với đôi bàn tay chắp lại trước ngực. Ni sư đang giảng về ý nghĩa xuống tóc cho hai người muốn thoát ly trần tục đến nương náu cửa Thiền. "Xả bỏ ở đây nghĩa là buông bỏ vọng tâm giả này. Buông bỏ Thân tâm vô minh phiền não để trở về cái Chân Tâm trường tồn, tự tánh vốn sẵn có của chúng ta, với mục đích tối thượng là giải thoát sanh tử cho mình và cho toàn chúng sinh !"
"Muốn hiểu và hành mục đích tuyệt vời ấy, chúng ta phải có Tâm chân thành, lòng can đảm, không quản gian nan. Bởi the ácho nên chúng ta mới phải tự mình phát nguyện, tự mình thề bồi một cách dũng mãnh, chứng minh bằng một hành động xuống tóc, thề xả bỏ thân tâm này để xuất gia tu hành và sống một cuộc sống của một tu sĩ khác đời".
Ni sư Chân Thiền giảng rõ thêm chi tiết các điểm "tại sao phải buông bỏ", "buông bỏ như thế nào"", và "mục đích của sự buông bỏ", căn cứ theo giáo lý nhà Phật. Không chỉ hai giới tử đang hành lễ xuất gia chú tâm nghe, mà toàn thể mọi người trong điện thờ cũng tỏ ra đang lĩnh hội một bài pháp, nhân việc có hai người tách khỏi quỹ đạo cuộc sống trần tục để đi tu...
Rồi toàn thể mọi người dự lễ, theo lời khai kinh của Ni sư Viện chủ Sùng Nghiêm Thiền Viện, tụng chú Đại Bi, là bài chú căn bản của Phật tử. Lời tụng khoan thai, đều nhịp, theo tiếng chuông mõ. Những người thường quen tụng chú theo nhịp nhanh, giờ đây bỗng trầm tĩnh theo nhịp chậm rãi!
Các vị Ni sư sau đấy lần lượt xướng lên mười điều sám hối để các giới tử lập lại, nguyện noi theo. Lễ sám hối là những lời nguyện của người tu học, vốn có mặt trong các buổi lễ tại ngôi chùa tu học thiền này.
Rồi Ni sư Chân Thiền đứng lên, thỉnh chén nước trong trên điện Phật, tượng trưng nước Cam lồ của chư Phật. Ni sư cầm một ngọn lá cây dương xỉ, thay cho cành liễu, nhúng vào chén nước Cam Lồ và rảy lên tóc các Phật tử. Đây là lễ rưới những giọt nước Cam Lồ nói lên ý nghĩa chư Phật nghe được lời sám hối của người tu học, và truyền ban năng lực hầu giúp mình tự thanh tịnh hóa thân tâm và tăng trưởng trí huệ.

Mọi người lắng yên theo dõi phần chính buổi lễ. Một nữ phật tử kính cẩn bưng một khay nhỏ trên có đựng chiếc kéo, trong khi vị Ni sư trưởng căn dặn đôi điều và hỏi lần cuối trước khi thực sự bắt tay xuống tóc: "hai giới tử có hoài bão xuất gia để tu tập , ra khỏi phiền não khổ đau, riêng cháu Kim Duyên xét thấy chưa đủ tiêu chuẩn để thành tu sĩ, hôm nay chấp nhận cho làm tiểu tập sự. Hy vọng đường tu học sẽ tiến hơn, và xin để vào dịp khác. vậy, cho tới giờ phút này, hai vị giới tử có đồng ý giữ tâm nguyện xuất gia tu học không". Cả hai nữ giới tử đồng thanh đáp: "con xin giữ y tâm nguyện!"
Lần lượt, sáu vị Tỳ Kheo (ni sư Chân Thiền, Chân Như, Chân Diệu, Chân Liên, Huệ Lộc, sư Toàn Lực), đến bên hai giới tử Trần thị Hằng và Phan thị kim Duyên, cầm kéo cắt nhẹ một nhúm tóc nho nhỏ, tượng trưng cho việc xuống tóc. Từ đây, họ chính thức thành người xuất gia với pháp danh mới: Toàn Mỹ và Toàn Tịnh.
Đó mới chỉ là lễ xuống tóc. Trước khi được đắp y, sư cô Toàn Mỹ và chú tiểu Toàn Tinh thọ nhận lễ truyền giới do chính Ni sư Chân Thiền đọc lên.
Trong lễ đắp y, Ni sư nói rõ: "tấm y tượng trưng cho giới luật. Người tu sĩ thường hay sờ tay lên đầu, nhìn thấy tấm y, thì không làm điều tội lỗi. Y tuy chỉ là vật, nhưng trên đường tu, chúng ta phải nương nhờ tha lực, và chiếc đầu trọc cùng tấm y vàng chính là tha lực nhắc ta biết phải làm sao sống xứng đáng với tấm y tượng trưng cho sự thanh tịnh, trí huệ, lòng từ bi vô lượng. Lúc tâm chúng ta còn yếu đuối, ta phải nương nhờ tấm y, cùng sự chỉ bảo của Thầy để buông bỏ tập khí cũ..."
Ni sư căn dặn tóm gọn: từ phàm phu chuyển qua tu sĩ quả là khó khăn. Khi dứt bỏ phiền não, dứt vô minh, buông bỏ tập khí, là lúc ấy y với người cũng là một, là sự thanh tịnh và trí huệ...
Hai tân sư cô và chú tiểu Toàn Mỹ, Toàn Tịnh sau đó được khoác lên người y phục nhà Chùa. Cô Toàn Mỹ được mặc áo vàng, còn chú tiểu tập sự chỉ được mặc áo lam.. Được đắp y do Sùng Nghiêm Thiền Viện ban phát, họ trở thành tu sĩ của chùa này, và như thế trên bước đường tu học trọn đời như tâm đã thế phát, họ đương nhiên kính trọng Ni Sư Viện chủ như là vị Tổ đầu tiên khai nhãn cho cuộc đời mình.
Rời gia đình xuất gia, tân chú tiểu Toàn Tịnh được mời đảnh lễ song thân trước khi thoát ly gia đình. Thân phụ Toàn Tịnh đứng lên, và cô sụp lạy 3 lạy, nghe vài lời khuyên tình ruột thịt. Cô Toàn Tịnh nói trong lễ cảm tạ ngay lúc ấy: "Con lạy tạ ơn dưỡng dục của Ba Má để hôm nay mới có dịp trở thành tu sĩ, và lạy tạ Ni sư Chân Thiền đã hướng dẫn con vượt bến mê quay về bờ giác, cám ơn mọi người đến đây chứng kiến buổi lễ quan trọng cuộc đời. Con nguyện không ngừng tu học, cần mẫn để đạt mục đích tự giác giác tha!"
Tân sư cô Toàn Mỹ là một bác cư sĩ cao niên, nói lời cảm tạ: "Tôi rất vui sướng từ nay được nếp sống thảnh thơi con nhà Phật. Con đã học hai năm về phật pháp tại đây, nay mới có thiện duyên được chấp nhận vào Thiền viện. Xin nguyện siêng năng tu học để đạt được tinh tấn, vượt phiền não..."
Cả hai tân tu sĩ Sùng Nghiêm đã được bạn cũ lên tặng những gói quà nho nhỏ đánh dấu biến chuyển lớn trong đời...
Nhân buổi lễ xuống tóc, Sùng Nghiêm Thiền Viện đã cử hành lễ Qui Y Tam Bảo cho 10 phật tử khác. Tất cả đã nghe đọc năm điều giới và nguyện thực hành. Mỗi người được Ni sư Chân Thiền ban tặng một pháp danh.
Buổi lễ kết thúc trong niềm hân hoan của mọi người. Họ đã nán lại dùng tiệc chay bên hiên chùa, với những thức chay do các phật tử tự mang đến cúng dường.
Thiền Viện Sùng Nghiêm tu theo Thiền Tông, thuộc dòng Lâm Tế Nhật Bản, thọ học từ cố Thiền Sư Philip Kapleau. (Nguyên Hiền thuật)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.