Hôm nay,  

San Jose: Thuyền Nhân Palawan Họp Mặt

14/07/201700:00:00(Xem: 4780)
“Cách trung tâm thành phố Puerto gần 20 km về phía Tây Bắc, có ngôi làng với diện tích 13 héc-ta được thành lập từ năm 1996, là ngôi làng sầm uất, có đến hàng nghìn người với hàng trăm mái nhà. Trong làng còn có nhà thờ, chùa chiền. Và từ đó, nhiều người đã di định cư nơi khác nên ngôi làng trở nên vắng vẻ. Khu trung tâm của làng như một khu phố thu nhỏ với những con đường được mang tên quê hương như đường Âu Cơ, Hùng Vương, Hồng Bàng... nhưng tất cả đã bạc màu. Những căn nhà gỗ được xây dựng ngăn nắp nhưng chỉ một vài trong số đó là có người ở, còn lại bị bỏ hoang…” Đó là ngôi làng Việt Nam tại Phi, sau khi trại tị nạn Palawan đóng cửa. Ngôi làng có Sơ Lê Thị Tríu, người đã từng đến San Jose nhận tiền cứu trợ của đồng hương Việt Nam tại Thủ Phủ của Tình Thương, ngôi làng do tiền đóng góp của những người tị nạn Việt khắp nơi…Và câu chuyện những thuyền nhân Việt Nam đến Phi Luật Tân cuối cùng đã được định cư.

Từ năm 1979 tại các nước nằm trong Biển Đông như Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông…đã có những trại tạm cư dành cho người Việt vượt biên tạm trú. Câu chuyện thuyền nhân đã làm rúng động thế giới.

blank
Thuyền nhân Palawan hôi ngộ.

Hiện nay người Việt có mặt khắp 5 Châu, nói không quá, có người Việt tị nạn tại Châu Phi. Nhưng đông nhất có lẽ là Châu Mỹ (Canada và Hoa Kỳ). Sau năm 1975, ngày cộng sản Việt Nam chiếm đóng toàn cả nước thì “cái cột đèn” cũng muốn ra đi. Tự điển thế giới có thêm chữ mới “Boat People” là Thuyền Nhân. Biển Thái Bình là mồ chôn bao nhiêu trăm ngàn thân xác Việt? Các quốc gia nằm trên biển Thái Bình đã có những trại tị nạn: Pulau Bidong, Pulau Galang, Pulau Kuku, Palawan…

Hôm nay, ngày Chúa nhật 9/7/2017 tại nhà hàng Flourishing, San Jose, những thuyền nhân trại Palawan đã có cuộc họp mặt lần đầu tiên. Trên sân khấu có một bích chương lớn ghi câu “Tưởng Nhớ Cuộc Đời Tỵ Nạn Palawan” PFAC (The Philippine First Asylum Camp) trên nền của một bức tranh là biển cả vào một buổi chiều, màu sắc của bức tranh như muốn nói lên “thảm cảnh” của cuộc đời vượt biển đi tìm tự do…trong sự ảm đạm của cuộc đời!

Buổi họp mặt quy tụ hơn 250 người; trong đó có những người đến từ Canada, các tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ. Họ đến từng gia đình, cá nhân…và có cả những vị sư, Thầy Tâm Hiền đến từ Ohio.

Buổi họp mặt bắt đầu lúc 5:00pm với lễ chào cờ khai mạc, phút mặc niệm, và tưởng nhớ những đồng bào bỏ mình trên biển cả. Ông Đỗ Hữu Dũng thay mặt BTC chào mừng quan khách và những cựu thuyền nhân. Ông Dũng nhắc đến những kỷ niệm, những người bạn có mặt hôm nay, những sự cố gắng vượt qua gian khổ để vươn tới thành công trên đất mới. Cũng có những người vừa đến được đất tự do trong mấy năm qua, và cũng có người thành công…v.v. Ông Dũng cũng nói lên mơ ước của việc tập họp lại với nhau (như hôm nay) cũng còn có mục đích muốn “làm một chút gì đó cho quê hương, cho những người gặp khó khăn” Sau đó là chương trình văn nghệ.

Trong câu chuyện trên bàn tiệc, anh Đặng Kim Nhựt cho biết quê anh ở Phú Yên. Anh đã vượt biên sang đây được hơn 24 năm và đó cũng là quảng thời gian đầy thăng trầm ở nơi xứ người mà anh phải đối diện. Anh kể lại những bạn cùng trại, những sinhhoạt Hướng đạo trên đảo…Cũng có những câu chuyện kể đứt khoảng vì trí nhớ, vì sự xúc động, cũng có những giọt nước mắt chảy trên gò má khi họ nhớ lại cảnh phụ nữ và trẻ em nằm dưới hầm thuyền, chịu đựng cảnh ngột ngạt, trong khi con thuyền chòng chành như muốn lật nghiêng mỗi khi có sóng lớn…và những lúc như vậy, tất cả chỉ biết cầu nguyện. "Hơn 10 ngày, chúng tôi phải sống trong cảnh thiếu nước uống, thiếu đồ ăn, không tắm gội. Những ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi chỉ mong trời mưa để có nước uống. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn cảm thấy ghê người" Một anh nhớ lại. Cũng có những câu chuyện kể lại về những năm sống vật vờ trong trại tị nạn, đến khi trại bị xóa sổ, những người Việt còn lại được tập trung về sống tại ngôi làng Việt Nam. Năm 1996, khi làng người Việt được xây dựng, ai có gia đình thì được xây cho một căn nhà nhỏ, còn những người độc thân thì sống chung trong những căn nhà nhiều phòng. Cũng có những cảnh đời tị nạn “vượt biên” lên thủ đô Manila làm nghề buôn bán vỉa hè, và cũng không thiếu những người lập gia đình với người bản xứ để ở lại khi trại bị cưỡng bách hồi hương.

Nhưng hôm nay, những người còn may mắn để đến được đất tụ do, không thiếu những cảnh đời nghiệt ngã. Đối với người vượt biển tìm tự do thì “Đó là thời kỳ rất đen tối cho các tất cả chúng tôi, những thuyền nhân. Chúng tôi không có cách nào khác hơn là liều mạng sống của mình để trốn đi.

Rất nhiều người trong chúng tôi phải đối mặt với đói khát và cái chết để tìm tự do.” Và cũng có những người sống tại đất Phi cho đến bây giờ khi ước mơ tị nạn đã tắt.

Tưởng cũng nên biết, Philippines từng giúp đỡ hàng trăm ngàn người Việt tị nạn sau năm 1975.

Cũng có phỏng chừng khoảng 250,000 người tỵ nạn đã thiệt mạng trong các cuộc hành trình.

Cuộc họp mặt chấm dứt khoảng 10:00pm, và được ghi nhận là thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.