Hôm nay,  

Chiều Thơ Nhạc: Tập Thơ Nhịp Tim Thơ Cao Mỵ Nhân

16/06/201700:00:00(Xem: 5488)
Tháng Sáu nắng ấm, và có những trận mưa rào trái mùa, thành phố Hoa Vàng dường như đắc địa cho những sinh hoạt văn học nghệ thuật. Tuần trước, có gần 200 quan khách đã dự một chiều nhạc với những sáng tác của Trường Sa qua tiếng ca Lệ Thu tại nhà hàng Jade Leaf, do nhà thơ Ngọc Thủy tổ chức.

Và, chiều nay, Chú nhật 11/6/2017, chiều ngồi lại bên nhau, một buổi chiều nắng đẹp, tại CLB Mây Bốn Phương có khoảng 200 văn thi sĩ và thân hữu đã “Ngồi Lại Bên Nhau” trong buổi sinh hoạt văn nghệ giới thiệu tập thơ mới của thi sĩ Cao Mỵ Nhân.

Ngươì ta ghi nhận có mặt hầu như đầy đủ các văn nhân thi sĩ và nghệ sĩ vùng Thung Lũng Hoa Vàng: HS Trương Thị Thịnh, nhà thơ Cung Diễm, Ngô Đình Chương, Ngô Đức Diễm, Ngọc Bích, Song Linh, nhà văn Diên Nghị, Song Nhị, Chu Tấn, ….những bạn hữu như Lê Diễm, Ngọc An, Kiều Loan, Đồng Thảo... Những nhân sĩ cộng đồng cũng có mặt: Nguyễn Hồng Dũng, Nguyễn Cao Can, Nguyên Trung….v.v.

Sau phần nghi thức chào cờ và mặc niệm, nhà báo Lê Văn Hải thay mặt BTC ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự có mặt đông đảo của giới văn nghệ sĩ tại Thung Lũng Hoa Vàng, sau đó các phần tiếp theo “công thức” của một buổi sinh hoạt thơ văn: Nói về tác giả, nhà văn Diên Nghị, giới thiệu tác phẩm nhà báo Cao Ánh Nguyệt, phát biểu cảm tưởng có nhà thơ Ngô Đức Diễm.

Theo sự giới thiệu về tác giả thì “Cao Mỵ Nhân sinh quán tại Chapa, Hoàng Liên Sơn, là cựu học sinh Trưng Vương, Hà Nội. Bà di cư vào Nam 1954, đầu quân chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam, thăng chức Thiếu tá Quân Lực VNCH. Bà đã giữ chức Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 94-96. Bà đã cho xuất bản nhiều tập thơ như Hoa Sao, Thơ Mỵ, Lãng Đãng vào Thu, Đưa Người Tình Đi Tu, Sau Cuộc Chinh Chiến, và tập bút ký Chốn Bụi Hồng….”

Sự nghiệp của nhà thơ có thể là “Dòng thơ Cao Mỵ Nhân đã chuyên chở những tình cảm thật tha thiết và đôn hậu dành cho người tình, đặc biệt quê hương thời chinh chiến. Qua dòng thơ Cao Mỵ Nhân, người ta nhìn thấy thấp thoáng một nữ chiến sĩ can trường xông pha trong lửa khói bảo vệ tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam….”

Theo nhà thơ Võ Thạnh Văn thì “Cao Mỵ Nhân làm thơ từ tuổi mười lăm mười ba. Thi nhân làm thơ suốt một đoạn đường dài thăng trầm của cuộc đời, của vinh nhục tổ quốc, của máu xương phục vụ quê hương, của đường dài lưu vong biệt xứ. “Trái Tim sầu muộn / Thương nhớ hong khô / Cuộc tình trừu tượng / Đam mê hồn thơ // Em vẫn mộng mơ / Sao anh lặng lẽ / Ta cùng bơ vơ / Bên trời dâu bể (CMN, Trái Tim Trừu Tượng). Cao Mỵ Nhân vẫn đang làm thơ. Nghĩa là, vẫn rút ruột, vẫn vắt nặn ưu tư, vẫn đêm thao thức trắng, vẫn ngày quằn quại nỗi bi thống cho kiếp nhân sinh “linh ư vạn vật” của kiếp người. “Nhưng trái tim em / Suốt đời tươi mát / Mà sao tia nhìn / Nhạt nhoà nước mắt (CMN, Trái Tim Trừu Tượng). Và thơ còn chảy mãi từ trái tim bén nhạy nỗi đời của thi nhân. Kiếp tằm nhả tơ. Kiếp ong mữa mật. Nghiệp thi nhân chỉ biết làm thơ. Xuân tầm đáo tử ty phương tận. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Longfellow (A Psalm of Life): “Thời gian rồi sẽ trôi qua, nhưng thi ca vẫn trường tồn miên viễn.”

CAO MY NHAN ra mat sach (1)CAO MY NHAN ra mat sach (2)CAO MY NHAN ra mat sach (3)
blank
Trong buổi ra mắt thơ Cao Mỵ Nhân.

Thử xem “NHỊP TIM THƠ của CAO MỴ NHÂN:

“Nhịp Tim thơ đập rất mau
Khiến em không thể chờ lâu bên trời
Hôm qua nhớ nhung một người
Là anh nơi suốt cuộc đời của em
Nhịp Tim thơ vọng triền miên
Làm bao nhiêu nỗi ưu phiền lẻn ra
Anh đang ở “Cõi người ta”
Hay đang rong ruổi sơn hà xa xôi
Nhịp Tim thơ thoắt nổi trôi
Em ngăn chẳng được bồi hồi, đong đưa
Lững lờ tiếng đập tim thưa
Tự dưng tình chuyển gió mưa mê cuồng
Nhịp Tim thơ lặng lẽ buồn
Vừa hân hoan đó, đã bồn chồn trông
Anh về, nếu vắng Tim mong
Là em đã ở trong lòng …hư vô…”

Mục đích của thi ca là gì? Có phải chăng “Mục đích tối thượng của thi ca là để xiển dương thiên nhiên và tình người.” (Võ Thạnh Văn)

Qua sự điều khiển chương trình của nhà thơ Ngọc Thủy và nhà báo Lê Văn Hải, chiều thơ nhạc, một sinh hoạt văn học nghệ thuật chiều nay những văn nghệ sĩ đã “ngồi lại bên nhau” để chia xẻ tâm tình, tặng cho nhau những đóa hoa tươi thắm. Tác giả ký tặng sách, và người tham dự cũng ưu ái hoan hỉ tặng cho tác giả những ân tình. Văn nghệ sĩ hát và ngâm cho nhau nghe những bài thơ tình, những nhạc phẩm hay. Nghệ sĩ Kiều Loan, Khánh Hà ngâm thơ của tác giả.

Chiều Ngồi Lại Bên Nhau đánh dấu sự trở lại của những sinh hoạt văn hóa của Thung Lũng Hoa Vàng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.