Hôm nay,  

Nhà Báo Mặc Lâm Ra Mắt Sách Bàng Bạc Gấm Hoa

06/06/201700:00:00(Xem: 6597)
WESTMINSTER (VB) – Nhà báo Mặc Lâm, cựu ký giả của Đài Á Châu Tự Do (RFA) nói rằng ông thật cảm động vì tình cảm mà nhiều văn nghệ sĩ và giới truyền thông tại Quận Cam đã dành cho ông trong buổi ra mắt tác phẩm “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tại Việt Báo Gallery, trên đường Moran, thành phố Westminster, vào chiều Chủ Nhật ngày 4 tháng 6 năm 2017, làm cho ông có thêm cảm hứng để tiếp tục ấn hành và ra mắt 3 tác phẩm khác sắp tới đây.

Với phong cách lịch lãm và dí dỏm, nhà báo Đinh Quang Anh Thái đã điều hợp chương trình ra mắt sách một cách rất sinh động. MC Đinh Quang Anh Thái đã giới thiệu rất ngắn gọn về tác giả Mặc Lâm ngoài chức nghiệp nhà báo được nhiều người biết đến khi ông làm việc cho Đài Á Châu Tự Do, còn là người làm thơ, viết văn, vẽ tranh và nấu ăn cũng hết sẩy.

blank
Tác giả Mặc Lâm (giữa) ký sách trong buổi ra mắt “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tại Việt Báo Gallery. Ngồi bên phải của tác giả Mặc Lâm là nhà văn Nhã Ca. Ngồi bên trái là cô Dung, phu nhân của tác giả Mặc Lâm. (Photo VB)

Nhà văn Phạm Xuân Đài trong phần giới thiệu tác giả Mặc Lâm, nói rằng xưa nay một người làm báo mà ra tuyển tập thì khó, bởi vì không lẽ gom tất cả những bản tin thời sự, hay ngay cả những bài bình luận thời sự để in thành sách. Nhưng, nhà văn Phạm Xuân Đài nhấn mạnh rằng, trường hợp nhà báo Mặc Lâm thì khác. Khác ở chỗ, theo nhà văn họ Phạm, nhà báo Mặc Lâm không chỉ viết tin và bình luận thời sự mà ông còn nghiên cứu và viết rất sâu sắc, rất chuyên môn về văn hóa và văn học khi ông giữ mục thiên về văn hóa và văn học cho Đài Á Châu Tự Do. Do đó, theo nhà văn Phạm Xuân Đài, nhà báo Mặc Lâm ra sách là đúng, là có giá trị vì đó là những bài viết về văn hóa và văn học có giá trị lâu dài, chứ không phải là bản tin hay bình luận thời sự có tính thời sự nhất thời. Nhân đây nhà báo Phạm Xuân Đài nêu ra một thí dụ điển hình về trường hợp nhà báo Mặc Lâm viết về những dịp cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc tổ chức vinh danh về văn hóa thì đó là bài viết có tính văn hóa lâu dài, ngoài tính thời sự. Nhà báo Phạm Xuân Đài cho biết tác phẩm “Bàng Bạc Gấm Hoa” là kỷ niệm đúc kết bao công lao nghiên cứu và viết lách của nhà báo Mặc Lâm.

blank
Tác giả Mặc Lâm phát biểu trong buổi ra mắt sách “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tại Việt Báo Gallery. (Photo VB)

Trong phần giới thiệu về tác giả Mặc Lâm, nhà văn Chu Tất Tiến đã ca ngợi nhà báo Mặc Lâm làm được 2 điều khó làm. Đó là dám làm cây bút đi tiên phong trong việc khai phá những tài năng văn học không những trong cộng đồng người Việt hải ngoại mà còn có những cây bút trẻ trong nước. Và điều can đãm thứ hai của nhà báo Mặc Lâm, theo nhà văn Chu Tất Tiến, là ông đã khéo léo dàn dựng trong những bài viết để cho người đọc không thể gán ghép và hiểu lầm mà hiểu rõ rằng những bài viết này chỉ thuần túy mang giá trị văn chương. Nhà văn Chu Tất Tiến nêu ra một vài trường hợp mà nhà báo Mặc Lâm đã viết như nhà thơ Nguyễn Quang Tuấn hay nhà thơ Nguyễn Duy là những nhà thơ nổi tiếng còn sống trong nước. Nhà văn Chu Tất Tiến cũng nhắc đến nhiều nhà thơ lớn của Việt Nam mà tác giả Mặc Lâm nói đến một cách trịnh trọng như nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Cao Tần Lê Tất Điều, v.v… Đối với nhà văn Chu Tất Tiến, tác giả Mặc Lâm trong những bài viết cũng đã tố cáo chế độ Cộng Sản Việt Nam nhưng với thái độ rất trí thức của một nhà văn, nhà thơ.

blank
Chụp hình lưu niệm trong buổi ra mắt sách “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tại Việt Báo Gallery. Trong hình từ trái, nhà văn Chu Tất Tiến, nhà văn Nhã Ca, phu nhân nhà văn Cung Tích Biền, nhà văn Cung Tích Biền, nhà báo Mặc Lâm, nhà văn Phạm Xuân Đài, nhà thơ Thành Tôn, Cô Lê Đình Ysa, nhà báo Hòa Bình, và nhà thơ Đỗ Quý Toàn.(Photo VB)

Cô Lê Đình Ysa, Giám Đốc Điều Hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), chia xẻ những suy nghĩ tản mạn về tác phẩm “Bàng Bạc Gấm Hoa.” Cô Lê Đình Ysa đã giới thiệu sơ qua nhiều phần trong tác phẩm. Cô nhấn mạnh đến phần đầu mà tác giả Mặc Lâm viết về các tác giả và tác phẩm không chỉ ở miền Nam trước năm 75 mà còn ở khắp các miền đất nước VN sau năm 75 nữa. Trong đó, theo cô YSa, tác giả Mặc Lâm đã nêu bật những suy tư và trăn trở của những nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thế hệ về hoàn cảnh của xã hội Việt Nam. Trong phần sắc màu của cuộc sống của “Bàng Bạc Gấm Hoa,” theo cô Ysa, tác giả Mặc Lâm đề cập đến nhiều vấn đề văn hóa gồm cả văn hóa của người Hmong, người Chăm và nhu cầu cần bảo vệ tiếng Việt nơi xứ người. Trong đó, theo cô Ysa, tác giả Mặc Lâm đã nói đến cả văn hóa âm thực với sự chuyên nghiệp thích thú, như bài “Cá Mục Kho” của người chị của nhà báo Mặc Lâm nấu đã gây ấn tượng rất sâu đậm đối với người đọc.


blank
Cô Lê Đình Ysa.

Mở đầu phần giới thiệu tác phẩm “Bàng Bạc Gấm Hoa,” nhà văn TrangĐài Glassey-TrầnNguyễn đã thực hiện một cuộc thăm dò ngay tại chỗ với cử tọa. Cô đưa ra 6 chọn lựa để mọi người chọn một. Đó là cách đi bằng phi thuyền không gian 2 chỗ ngồi, đi bằng máy bay robot, đi bằng tàu lửa hỏa tốc, đi bằng xe chạy bằng điện, đi bằng xe đạp đòn gánh, và đi bộ. Kết quả là đa số đều chọn đi bộ. Và cô dẫn mọi người cùng đi bộ trên “Con Đường Mặc Lâm,” qua tác phẩm “Bàng Bạc Gấm Hoa.” Đây là kỹ thuật tâm lý làm cho người nghe cảm thấy như mình trực tiếp tham gia vào cuộc đi bộ “Con Đường Mặc Lâm,” vừa gây ý thức mạnh hơn cho người nghe đối với đề tài đang được thuyết trình. Đó là một cách hay. Và rồi nhà văn bắt đầu đọc bài thuyết trì nh để dẫn mọi người vào “Con Đường Mặc Lâm.” Nhà văn TrangĐài Glassey-TrầnNguyễn kết luận bài giới thiệu nói rằng, “Do đó, cái tựa “Bàng Bạc Gấm Hoa" là một chọn lựa thật thích hợp, vì nó giúp ta liên tưởng đến một quá trình nối dài của con đường văn hoá Việt Nam, không bị giới hạn bởi hôm qua, hôm nay, hay ngày mai, mà nối dài vô tận, được sàng lọc, tô tỉa, gọt dũa qua từng thế hệ, từng giai đoạn lịch sử, từng miền đất quê hương. Gấm Hoa trong tuyển tập này là một mảng văn hoá Việt Nam, được dệt nên từ những nét thêu đường chỉ khác nhau, hợp thành một tổng thể linh động, uyển chuyển, gõ nhịp lên mỗi chiều kích của trái tim khối óc người đọc qua từng đề tài riêng biệt mà chảy Bàng Bạc trong dòng tâm thức da Vàng.”

blank
Nhà văn TrangĐài Glassey-TrầnNguyễn.

Tác giả Mặc Lâm, trong phần phát biểu, cho biết rằng ông chưa bao giờ ra mắt tác phẩm nào có dưới tên Mặc Lâm, vì ông biết được việc ra mắt sách là rất gian nan. Ông nói ông không có ý ra sách, nhưng nhờ người bạn là ông Nguyễn Văn Khanh, Giám Đốc Đài RFA, gợi ý và khuyến khích nên ông đã gom những bài viết in thành sách “Bàng Bạc Gấm Hoa.” Tác giả Mặc Lâm cho biết cũng nhờ in sách và ra mắt sách mà ông có dịp gặp được nhiều bằng hữu, nhiều người mà ông đã từng phỏng vấn như nhà văn Cung Tích Biền lúc còn ở trong nước, nhà văn Nhà Ca, nhà văn Phan Nhật Nam, nhà văn Phạm Phú Minh, v.v… Tất cả đều dành cho ông tình cảm rất cảm động khi có mặt trong buổi ra mắt sách này. Và cũng chính vì vậy đã làm cho ông có đủ cảm hứng để tiếp tục viết và ra mắt sách. Tác giả Mặc Lâm cho biết sắp tới đây ông sẽ viết và ra mắt 3 cuốn sách: 1) Ai Trả Những Điều Tôi Viết, 2) 30 Nhân Vật Truyền Thông, và 3) Văn Hóa Ẩm Thực VN- Trà Tàu Một Hơi, để chứng minh rằng người Việt mình có cách ăn uống khác với người Tàu.

blank
Ca sĩ Nam Trân.

Theo giới thiệu của MC, đến tham dự buổi ra mắt sách “Bàng Bạc Gấm Hoa” của nhà báo Mặc Lâm tại Việt Báo Gallery gồm có nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Đỗ Quý Toàn và phu nhân, nhà văn Phạm Phú Minh, họa sĩ Trịnh Cung, ký giả Kiều Mỹ Duyên, nhà thơ Thành Tôn, nhà văn Cung Tích Biền, ca sĩ Bích Liên, nhà văn Trần Phong Vũ, nhà văn Phạm Quốc Bảo, Linh Mục Nguyên Thanh, bác sĩ Bùi Đức Lập, v.v…

Chương trình còn gồm phần trình diễn văn nghệ với ca sĩ Nam Trân hát bài Tình Ca của cố nhạc sĩ Phạm Duy, qua giọng cao vút lảnh lót thanh thót làm cho cả hội trường tràn ngập trong lời ca và tiếng nhạc. Nhạc sĩ Phương Thảo độc tấu guitar nhạc cổ điển Tây Phương qua bản Romance dAmour rất điêu luyện và tuyệt vời làm cho người chìm sâu trong tiếng nhạc lắng dịu và lãng mạn. Nam ca sĩ Thái Hoàng trình bày ca khúc Hoài Cảm của nhạc sĩ Cung Tiến với Phương Thảo đệm guitar.

blank
Nhà văn Phạm Xuân Đài.

Đặc biệt, mọi người đã yêu cầu tác giả Mặc Lâm ngâm bài Hồ Trường của nhà thơ Nguyễn Bá Trác khi ông kết thúc phần phát biểu. Tác giả Mặc Lâm kể rằng lúc còn ở trong nước khi vận nước và phận người điêu linh, ông và nhiều người bạn mỗi lần gặp nhau đối ẩm thì thường ngâm bài này. Bài thơ có đoạn:

“… Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?...”

Buổi ra mắt sách “Bàng Bạc Gấm Hoa” chấm dứt theo sau lời ngâm kết thúc của bài Hồ Trường.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.