Hôm nay,  

Chiều Tưởng Nhớ Hoàng Cầm, Phạm Duy

05/04/201711:17:22(Xem: 5501)
Hai mươi mốt năm ngắn ngủi của nền cộng hòa Việt Nam, từ 1954 đến 1975, đã để lại cho đời một di sản thi nhạc mà cho đến nay, sau hơn bốn mươi năm bị trù dập, muốn xoá bỏ nhưng nó vẫn sống trong lòng nhiều người Việt, trong cũng như ngoài nước.

Trong số những nghệ sĩ tạo dựng nên di sản đó có Phạm Duy, mà MC Phạm Phú Nam gọi là một thiên tài trong lời giới thiệu chương trình “Chiều tưởng nhớ Hoàng Cầm Phạm Duy” được tổ chức miễn phí tại hội trường Quận hạt Santa Clara ở San Jose hôm Chủ Nhật 26/3 vừa qua.

Thời Việt Nam Cộng hòa có rất nhiều nhạc sĩ, nhưng đã trải qua nhiều không gian và giai đoạn lịch sử khác nhau chỉ có Phạm Duy.

Ông là nghệ sĩ cùng thời với các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, các thi sĩ Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan, những người một thời đi theo kháng chiến.

Nhưng Phạm Duy sau đó đã bỏ khu về thành, vào Nam, qua Mỹ rồi lại trở về cố hương để xuôi tay nhắm mắt. Việc ông chọn không gian để sống, và để chết, đã gây ra những tranh cãi trong và ngoài nước từ nhiều năm qua.

Sáng tác qua nhiều giai đoạn lịch sử nên nhạc Phạm Duy có được sự gần gũi, thân thương với thính giả mọi tầng lớp, từ em bé chăn trâu, bà mẹ quê, cô nữ sinh, chàng sinh viên, đến những thanh niên muốn nổi loạn, những binh lính, những quả phụ tử sĩ và cả người sống lưu vong. Nhạc của ông là khúc dân ca, những bản tình ca, hùng ca, tục ca, đạo ca, bình ca, ngục ca, là những khúc hát trên đường tạm dung.

blank
Đồng ca “Việt Nam, Việt Nam”. Từ trái: Phạm Ngọc, Lê Việt, Duy Hùng và vợ Lê Xuân Lộc, Kiều Loan, Đồng Thảo, Diệu Linh (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, giám đốc cơ quan IRCC, là người cùng với Dân Sinh Media của ông Phạm Phú Nam đứng ra tổ chức, đã hồi tưởng lại thời thiếu niên được nghe Phạm Duy, Hoàng Cầm trong một đêm văn nghệ ở quê Ninh Bình. Đêm đó tinh thần kháng chiến chống Pháp trong quần chúng sôi sục dâng cao. Đó là năm 1946, khi người Việt chưa rõ cộng sản là gì.

Khi hiểu cộng sản, Phạm Duy bỏ về thành rồi vào Nam. Hoàng Cầm ở lại miền Bắc, tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm và cuộc đời vướng nhiều cay đắng, éo le.

Ái nữ của nhà thơ là Kiều Loan di cư vào Nam năm 1954 và mãi cho đến năm 1977, sau ngày đất nước thống nhất, ông mới có cơ hội gặp lại con, nhưng cũng chỉ trong giây phút ngắn ngủi vì đó cũng là lúc cô con gái chuẩn bị xuống thuyền vượt biển. Thế là bố con lại phải biền biệt vắng tin thêm nhiều năm nữa cho đến một ngày nghe được giọng con ngâm thơ qua làn sóng BBC.

Hôm nay, Kiều Loan diễn ngâm thơ tình của bố: “Đêm phương Bắc”

Đêm phương Bắc khi sao hôm nhẹ khóc
Hương tím em về đậu giữa trang thơ
Thả cô đơn gió xanh lùa mái tóc
Dìu em đi từng bước ấm sương mờ

Ngày em ngủ bến mi anh nắng đọng
Chiều em đi không quá một vòng tay
Tối em về gió ru em vỗ sóng
Trên ngực tròn hương tím thức đêm say…

blank
Nghệ sĩ tham gia chương trình tưởng niệm Hoàng Cầm, Phạm Duy. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Trong bài viết về Hoàng Cầm, Phạm Duy đã ghi rằng thi sĩ “bị bắt vào năm 82 vì nhờ một Việt kiều đem tập thơ Men đá vàng ra ngoại quốc cho con gái.”

Nhớ tình bạn xưa, ở hải ngoại Phạm Duy phổ thơ của ông thành “Hoàng Cầm ca” và trong chương trình tưởng nhớ, Thái Hà cất tiếng hát “Lá diêu bông”.

Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ nhận làm chồng
Tao sẽ nhận làm chồng
Đứa nào tìm được lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông…

Chị đã ba con em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn…

blank
Nghệ sĩ Kiều Loan, ái nữ của thi sĩ Hoàng Cầm. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Bài thơ ông viết vào mùa đông năm 1959. Lời thơ khó hiểu vì đâu ai biết lá diêu bông có hình dạng, sắc mầu ra sao. Chỉ là một loại lá trong ảo tưởng, nên đã có diễn giải tác giả muốn nói đến một thứ chủ nghĩa ảo trên đất nước Việt Nam.

Hoàng Cầm sinh năm 1922, mất 2010. Phạm Duy sinh năm 1921, mất 2013. Giờ này hai cụ đã nối lại tình bạn xưa ở cõi trên, nhìn xuống dương trần thấy con gái Kiều Loan ngâm mấy vần thơ, nghe con trai Duy Hùng cất lời ca chắc các cụ cũng ấm lòng.

Cũng được ấm lòng là hơn 300 khán giả đến với buổi chiều tưởng nhớ hai người nghệ sĩ đã để lại nhiều dấu ấn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Nói về nhạc Phạm Duy, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc kể rằng từ ngày vào quân trường ông đã hát “Xuất quân” biết bao lần và hát đi hát lại cho đến ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản: “Ngày bao hùng binh tiến lên / Bờ cõi vang lừng câu chiến thắng…”

blank
“Hoàng Cầm ca” do Phạm Duy phổ nhạc. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Phạm Duy để lại cho đời cả nghìn bài ca. Dù hiện nay nhà nước còn cấm hầu hết những ca khúc của ông, nhưng dòng nhạc Phạm Duy vẫn âm ỉ trong lòng người Việt.

Chương trình gồm một số ca khúc tiêu biểu của ông như “Kỷ niệm”, qua tiếng hát Văn Quân; “Tiếng sáo thiên thai”, thơ Thế Lữ do Thái Hà và Hoàng Lan song ca; “Về mái nhà xưa” lời Việt của Phạm Duy do bác sĩ Lê Việt, con trai của nữ danh ca Thái Thanh thể hiện.

Thứ nam của Phạm Duy là Phạm Duy Hùng đã đàn và hát “Kiếp sau”, phổ thơ Cung Trầm Tưởng.

Một số ca khúc của Phạm Duy đến nay còn lưu lại trong lòng nhiều xúc động cho những ai đã trải qua hành trình vượt biển. “Thuyền viễn xứ”, phổ thơ Huyền Chi; do Hoàng Lan trình bày, là gợi lại hình ảnh con thuyền ra khơi bỏ lại quê nhà:

Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tời bời
Làn mây hồng pha rán trời
Sóng Đà giang thuyền qua xứ người…

blank
Trên 300 khán giả tham dự chiều tưởng niệm. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hay vào buổi sáng trên đảo tị nạn, nghe loa phát ra lời ca tiếng nhạc “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười…” mà buồn miên man.

Hôm nay, qua tiếng vĩ cầm của giáo sư âm nhạc Trần Nhật Hiền, phu quân của nghệ sĩ Kiều Loan, những âm điệu đó vẫn mang lại thổn thức quá khứ cho nhiều khán giả.

Một ca khúc đã làm rúng động miền Nam và theo lời MC Phạm Phú Nam: “Nhưng chính phủ Việt Nam Cộng hòa không biết giải quyết như thế nào vì bài hát này đã được loan truyền rộng rãi… Nhưng dù đang ở chiến trường, ở bệnh viện hay những nơi xa xôi của đất nước, những người lính cũng nhận ra tính nhân bản. Đó là điều làm cho chúng ta khác với miền Bắc.”

Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mầu tang trắng
Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về hòm gỗ cài hoa…

blank
“Tiếng sáo thiên thai” qua giọng ca Hoàng Lan, bên phải, và Thái Hà. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ca từ của “Kỷ vật cho em”, phổ thơ Linh Phương được Đồng Thảo trình bày đã gây nhiều xúc động cho người nghe.

Nhắc đến nhạc Phạm Duy thì không thể thiếu “Tình ca”, Diệu Linh thể hiện, là một ghi chép lịch sử về đất nước, về con người Việt Nam:

Tiếng nước tôi bốn nghìn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…

Hơn nửa thế kỷ trước, khi vừa viết xong ca khúc “Giọt mưa trên lá” Phạm Duy đã xuất hiện tại Mỹ trong chương trình Rainbow Quest hát lời Việt và Anh – “The rain on the leaves” – hòa trong tiếng ghi-ta và banjo cùng với các ca sĩ Peter Seeger, Steve Addiss và Bill Crofut.

Trong chiều tưởng niệm, tất cả nghệ sĩ đến với chương trình đã cất tiếng đồng ca với Duy Hùng đàn ghi-ta:

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về…

blank
Duy Hùng, thứ nam của nhạc sĩ Phạm Duy, hát “Kiếp sau”. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chương trình tưởng niệm đã được mở đầu với quốc ca Mỹ, Việt và khúc chiêu niệm “Chiến sĩ vô danh” – cũng là nhạc Phạm Duy – do cựu sĩ quan Sư đoàn 5 Bộ binh, cựu tù binh chiến tranh hai lần, là cựu Thiếu úy Phạm Ngọc thể hiện.

Chương trình kết thúc với chung khúc “Việt Nam, Việt Nam” được cả hội trường cùng hát:

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…

Đó là tuyên ngôn của nước Việt Nam. MC Phạm Phú Nam kể lại rằng nhạc phẩm này đã được những người lính hải quân hát vang khi chiến đấu ở Hoàng Sa năm 1974, đã được những người vượt biển gặp nạn cất tiếng hát trên đảo Ko Kra và ca từ của “Việt Nam, Việt Nam” là những lời cuối mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu được nghe trước khi ông từ trần.

[nguồn VOA]

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.