Hôm nay,  

Tết Tàu, Tết Ta Ơû Vùng Vịnh San Francisco

18/02/200500:00:00(Xem: 5372)
Năm 1849 vàng được phát hiện trong những con suối róc rách từ miền đồi núi Sierra đổ xuống đồng bằng của bang California.
Tin vui đó được loan truyền nhanh trong nội địa Hoa Kỳ và còn vượt cả đại dương đến Trung Quốc. Người ta đổ xô về California tìm vàng. Thành phố San Francisco, lúc đó dân số chưa đến một nghìn thì một thập niên sau đã tăng gấp mấy chục lần, trong đó có nhiều ngàn người Hoa đến sinh sống bằng cơ nghiệp đãi vàng hay làm công nhân xây dựng tuyến đường xe hỏa xuyên Hoa Kỳ. Cảng San Francisco đã là trạm dừng chân đầu tiên của những di dân người Hoa đến California vào cuối thế kỷ XIX.
Từ thập niên 1860, vào dịp tết âm lịch, là ngày tháng thiêng liêng nhất của năm, người Hoa đã tổ chức diễn hành. Đó là cách Mỹ hóa truyền thống của họ, vì nét văn hóa sống động và rực rỡ của Hoa Kỳ chính là những cuộc diễn hành trong những dịp lễ lạc. Ngày Lễ Tạ Ơn có Macy's Parade ở thành phố New York; Tết Tây có Rose Parade ở thành phố Pasadena, nam California; Lễ Độc Lập, ngày Cựu Chiến Binh, ngày Chiến Sĩ Trận Vong thì nhiều thành phố ở Mỹ đều có diễn hành.
Ngày nay Phố Tàu San Francisco là nơi tập trung đông người Hoa sinh sống nhất ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, ở đó có Chinese New Year's Parade đã trở thành một nét văn hóa diễn ra giữa tháng Giêng âm lịch và hấp dẫn trăm nghìn người xem.
Năm 1975 cuộc chiến Việt Nam kết thúc, kéo theo 135.000 người Việt đến Mỹ định cư. Hai thập niên tiếp theo, cả triệu người Việt nữa là những "thuyền nhân," những gia đình đoàn tụ, trẻ em con lai, những người tù cải tạo cộng sản, thuyền nhân hồi hương cũng đã đến Hoa Kỳ tìm tự do, xây dựng cuộc đời mới.
Những năm của thập niên 1980 một loại vàng mới được phát hiện ở một nơi cũng không xa San Francisco. Thành phố San Jose và vùng quận Santa Clara trở thành "thung lũng điện tử," cụm từ mà người Việt đã thân thương dịch từ hai chữ "Silicon Valley." Silicon là một chất bán dẫn dùng để làm những chíp điện tử, nhỏ bằng đầu ngón tay nhưng khả năng lưu trữ dữ kiện thì cực kỳ cao. Loại vàng này đã thu hút nhiều chục ngàn Việt từ khắp nơi đổ về, "chồng tách, vợ ly" (tách = technician, là cán sự điện tử; ly = assembler, là thợ lắp ráp) làm tuần 40 giờ chưa đủ làm cả OT cuối tuần (overtime = giờ phụ trội) để mong trả hết nợ nhà, thong dong cuộc sống.
Ngày nay San Jose có 100 nghìn người Việt sinh sống, chiếm 10% dân số thành phố, là nơi có đông người Việt sinh sống nhất bên ngoài nước Việt Nam. San Jose, một trong mười thành phố có mức sống cao nhất nước Mỹ, một căn nhà rộng trên dưới 100 mét vuông giá trung bình là nửa triệu đô la, nhưng người mua sẵn sàng hoan hỉ ký giấy nợ 30 năm. Trong nếp sống Mỹ, được mượn nợ mua nhà nghĩa là đã "an cư lạc nghiệp" rồi. Không nợ là vì không có việc làm đấy thôi.
Cuộc sống ổn định, người Việt mới phô trương bản sắc văn hoá của mình.
Cũng như những sắc dân đến trước, người Việt rời bỏ quê hương ra đi hầu hết với hai bàn tay trắng, chỉ mang theo truyền thống văn hoá. Vài năm sau khi định cư, những truyền thống Việt đã được phát huy trên quê hương mới mà cao điểm sinh hoạt Tết Nguyên Đán. Từ hai thập niên trở lại đây, những sinh hoạt đón Tết của người Việt bùng lên, sinh động, vui nhộn và vẫn duy trì được những sắc thái cổ truyền dân tộc.

Vùng vịnh San Francisco với ba thành phố có nhiều người Việt sinh sống nhất là San Jose, Oakland và San Francisco - người Việt gọi tắt là San Fran - làm thành một khu tam giác, cách nhau chưa đến một giờ lái xe. Tết về cả ba nơi đều có những sinh hoạt đón tết, đón xuân.
Chủ Nhật ngày 6 tháng Hai, tức 28 tháng Chạp, hội tết đã diễn ra tại San Fran và Oakland với pháo nổ giòn tan trong giờ khai mạc. Văn nghệ đón xuân là chương trình hấp dẫn khách du xuân nhất. Như Quỳnh, Trường Vũ, Bảo Hân, Khả Tú hát ở San Fran thì Oakland có Thu Phương, Thanh Lan, Hương Lan, Thế Sơn. San Fran tuyển lựa công nương Little Saigon thì Oakland thi thiếu nhi tài sắc. Tuy cùng ngày, hai nơi đều thu hút trên dưới chục nghìn đồng hương, bạn hữu.
San Jose, chiếc nôi sinh hoạt văn hoá Việt trong hơn 20 năm qua, cuối tuần 12 và 13 tháng Hai - mồng 4, 5 Tết - có Hội Tết lần thứ 23 do Liên Hội tổ chức tại Santa Clara Fairgrouds, có Diễn Hành Xuân lần thứ 8 trên đại lộ Market đầy hoa đào nở bên cạnh khán đài chính. Mỗi nơi thu hút vài chục nghìn khách du xuân.
Hội Tết là một tổng hợp vui chơi Việt-Mỹ. Trẻ em tha hồ tiêu tiền mừng tuổi với những trò chơi phổ thông ở Mỹ: ném bóng, bắn súng, thẩy banh hay đi coi xiệc. Người lớn chơi lô tô, xin quẻ lấy hên đầu năm. Ở Hội Tết khách du xuân được xem lại nhiều hình ảnh về sự hình thành và phát triển cộng đồng 30 năm qua, được giới thiệu về một bảo tàng viện thuyền nhân. Hào hứng nhất là những chương trình thi đua hoa hậu áo dài, thi thiếu nhi tài sắc và đố vui để học.
Diễn Hành Xuân phô trương trên đường phố những nét văn hoá Việt, qua những tà áo dài, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao. Nhờ giao thương và đi lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày một tấp nập, so với nhiều năm trước ngày nay áo dài, trang phục cổ truyền được nhiều người mặc hơn, nhất là trẻ em, trong dịp lễ Tết. Tuy số đơn vị tham dự Diễn Hành Xuân còn ít và chưa có những xe hoa mỹ thuật nhưng cũng nói lên ít nhiều về lịch sử và mơ ước của một cộng đồng đã 30 tuổi. Trong đoàn diễn hành có nhiều dân cử gốc Việt như Trần Thái Văn, Madison Nguyễn, Andy Quách, Lân Nguyễn, Janet Nguyễn; nhiều hoa hậu áo dài Hội Tết, của năm nay và những năm trước; có Như Quỳnh, Lưu Bích; kỹ sư Nguyễn Hùng Việt; có xe hoa con tàu vượt biển Tấn Phát - do Indochinese Resettlement and Cultural Center bảo trợ - nói lên điểm khởi hành của lịch sử cộng đồng người Việt ở Mỹ. Trung tâm Thuý Nga bảo trợ xe hoa của sinh viên Việt Nam tại Đại Học Berkeley với ba ngọn núi và chim bồ câu tung bay là hình ảnh nhớ về cuội nguồn, mơ ước quê hương yên bình.
Hôm nay Mồng Bảy Tết, trời mưa, nhưng không khí xuân vùng vịnh San Francisco vẫn chưa tan, những cây đào bên đường vẫn còn nở hồng. Cuối tuần này, ngày 19-2, người Hoa mới tổ chức diễn hành tại khu thương mại San Francisco, rồi đổ về Phố Tàu, với trên 100 đơn vị xe hoa và được trực tiếp truyền hình. Cao điểm là màn biểu diễn của một Đại Hùng Long, dài hơn 70 mét, giữa tiếng nổ liên thanh của 600 nghìn viên pháo.
Có bao giờ bạn nghe pháo nổ nhiều như thế chưa" Tết Tàu, Tết Ta ở vùng Vịnh San Francisco là thế đấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.