Hôm nay,  

Thư Viện, Bảo Tàng Viện VN Kỷ Niệm 18 Năm Thành Lập

13/09/201600:00:00(Xem: 3109)
Garden Grove (Bình Sa) Vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy ngày 10 tháng 9 năm 2016, tại hội trường Thư Viện Bảo Tàng Viện Việt Nam đã tổ chức buổi tiếp tân Kỷ Niệm 18 Năm Thành Lập.

Tham dự buổi kỷ niệm ngoài qúy vị nhân sĩ các thành viên, các thiện nguyện viên, các vị mạnh thường quân còn có qúy vị đại diện cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể, qúy cơ quan truyền thông và đồng hương

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do Ông Vũ Long Sơn Hải phụ trách.

blank
Trong buổi lễ.

Nhà báo Du Miên, Giám Đốc Điều Hành Thư Viện Bảo Tàng Viện Việt Nam lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của tất cả mọi người, sau đó ông cho biết: "Thư Viện Bảo Tàng Viện Việt Nam được thành lập từ năm 1999 do Giáo Sư Trần Lam Giang, Nhà Văn Nguyễn Đức Lập, Bác Sĩ Võ Trọng Di, Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhà Báo Du Miên. Từ đó đến nay trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm theo thời gian với muôn ngàn khó khăn nhưng Thư Viện Bảo Tàng Viện vẫn tiếp tục hoạt động. Trong dịp nầy nhà báo Du Miên cũng đã tri ân những vị mạnh thường quân, những anh chị em thiện nguyện viên, đặc biệt nhất là những người đã bỏ nhiều công sức để lo cho Thư Viện trong đó có Anh Bùi Đắc Danh, anh Vũ Long Sơn Hải...”

Nhà báo Du Miên tiếp: “Nhớ đến những người cùng sáng lập như Anh Trầm Tử Thiêng thì anh thấy bên này không vui nên anh qua bên kia sống vui hơn. Mới đây, hồi cuối Tháng Hai, ở dưới đó thiếu người viết văn nên anh Nguyễn Đức Lập xuống cùng với anh Trầm Tử Thiêng làm một thư viện ở dưới.” Trong phần trình bày dí dỏm của nhà báo Du Miên nhưng mọi người không dấu được niềm tiếc thương khi thấy Thư Viên còn đây mà người xưa khuất bóng.”

blank
Trong buổi lễ.

Nhà báo Du Miên tiếp: “Khi chúng tôi làm thư viện này, không biết anh Bùi Đắc Danh là ai, vậy mà tới giờ phút này ngày nào anh cũng mở cửa thư viện. Không có anh chắc thư viện… chết lâu rồi! Cũng như nếu không có anh Vũ Long Sơn Hải thì chúng tôi không có phòng hội này. Anh cùng một số bạn hữu đã bỏ tiền, bỏ công làm thành phòng hội này để mọi người có nơi sinh hoạt,”

Tiếp theo Bác Sĩ Võ Trọng Di một trong những thành viên sáng lập Thư Viện lên tâm tình, ông nói: “Bây giờ ở Việt Nam thì biển không còn gì nữa, rừng cây chết, ruộng miền Nam bị hủy hoại… Nguy hiểm nhất là văn hóa. Khi Cộng Sản cưỡng chiếm đã đốt tất cả các loại sách. Những sách sau này có in lại thì cũng đã sửa đổi để ca tụng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Thư Viện Việt Nam cần phải lưu trữ những sách để sau này giới trẻ sẽ biết được đích thực sách của người quốc gia.” Lời nói tuy ngắn nhưng đã nêu lên tầm quan trọng của Thư Viện Việt Nam, chính vì những lý do đó nên lúc nào BS Võ Trọng Di và phu nhân cũng đều gắn bó, có mặt trong bất cứ những sinh hoạt nào của Thư Viện. Bác Sĩ Võ Trọng Di cho biết, Thư viện rất cần sự tiếp tay của những thế hệ trẻ để phát triển và duy trì thư viện này hầu góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa tại hải ngoại.”


Trong phần phát biểu Giáo Sư Phạm Cao Dương nhận xét: “Thư viện là linh hồn của bất cứ tổ chức nào, dù lớn hay nhỏ. Nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại, thư viện là nơi gìn giữ hồn của người Việt, hồn của dân tộc Việt. Vì vậy tôi rất vui, sau 18 năm thư viện không những tồn tại mà còn phát triển và hoạt động mạnh. Tuy nhiên chúng ta phải nghĩ đến chuyện trao lại cho tuổi trẻ...Thư Viện Việt Nam không chỉ là nơi chứa sách, đây còn là nơi tụ họp của những người còn tha thiết với văn hóa nước nhà, và của những người muốn tìm lại những gì tuổi thơ của mình. Đặc biệt, thư viện là chỗ mình muốn giữ được những gì muốn giữ. Điều mơ ước của tôi là mong muốn cộng đồng Việt Nam hải ngoại vững mạnh để quân bình với một nước Việt Nam già cỗi, mỗi một ngày một tệ hại hơn ở trong nước. Và thư viện sẽ là nơi để giới trẻ có một lý tưởng.”

blank
Trong buổi lễ.

Tiếp theo, Luật Sư Dina Nguyễn, ủy viên Hội Đồng Thủy Cục Orange County, người cũng đã gắn liền với những sinh hoạt của Thư Viện Việt Nam cho biết: “Tiếng Việt còn thì còn văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam còn thì còn nước Việt Nam. Tôi thấy điều này rất đúng. Và tôi thấy, thư viện là nơi rất tốt để thế hệ trẻ tiếp nối với nguồn gốc của mình, văn hóa của mình, và tiếng Việt của mình. Tôi nghĩ, thư viện nên kết nối với các trung tâm Việt Ngữ để cho các em đi thăm nơi này, để các em đến đây nhiều hơn. Tôi xin tình nguyện làm việc 10 tiếng đồng hồ với thư viện, nhằm đem các thế hệ trẻ đến với thư viện.”

Trong lúc nầy Ban tổ chức cũng đã mời mọi người tham dự dùng bữa cơm trưa để cùng tâm tình với nhau về tương lai của Thư Viện Việt Nam.

Nhà báo Du Miên tâm sự: “Cho đến nay, thư viện không có hệ thống tổ chức, không có gì hết, nhưng vẫn tồn tại suốt 18 năm qua, chắc có phép lạ. Thư viện này là của anh em, của cộng đồng. Tôi không bao giờ nói thư viện là của chúng tôi cả, mà là thư viện của chúng ta. Tất cả những người sáng lập đều muốn đem tấm lòng của mình ra để mong thư viện giúp ích được cho cộng đồng. Vì vậy, dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải duy trì bằng được thư viện này. Thư Viện Việt Nam không chỉ là nơi có đủ chỗ chứa sách, những cổ vật quý hiếm, mà còn có đủ tiền để duy trì tiền nhà, điện nước và những chi phí bắt buộc khác. Chính vì vậy nên Thư Viện rất cần được sự quan tâm tiếp tay của các cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể người Việt khắp nơi trên thế giới.

Mọi chi tiết thư từ xin liên lạc về: 10872 Westminster Avenue, Suite # 214-215 Garden Grove, CA 92843 hoặc điện thoại (714) 651-8018, (714) 713-4079.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.