Hôm nay,  

Gs Kim Oanh Tạ Ơn Cử Tri, Đưa Ra 3 Kế Hoạch Giáo Dục

16/11/200400:00:00(Xem: 5475)
WESTMINSTER -- Một buổi tiếp tân Tạ Ơn đã thực hiện hôm 14-11 tại phòng hộp Little Saigon Radio, Westminster với nhân vật chính là Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, bây giờ là tân ủy viên Hội Đồng Học Khu Garden Grove.
Trong buổi tiếp tân, thân phụ của giáo sư Kim Oanh là cựu đại tá Nguyễn Ngọc Khôi đã lên tiếng cảm ơn đồng hương tín nhiệm, bỏ phiếu để giáo sư Kim Oanh có thêm cơ hội phục vụ nhu cầu giáo dục của học sinh trong học khu, và tạo cơ hội nối tiếp cộng đồng Mỹ gốc Việt với các cộng đồng sắc dân khác để cùng lo cho tương lai học sinh.
Sau đây là bản văn của tân ủy viên Nguyễn Lâm Kim Oanh đọc trong buổi Tạ Ơn.
Lời Phát Biểu Trong Buổi Tiếp Tân Tri Ân Cộng Đồng -
Chúa Nhật ngày 14 tháng 11, 2004
Kính thưa các bậc tôn trưởng,
Kính thưa quý vị đại diện các hội đoàn, các cơ quan truyền thông, báo chí,
Kính thưa quý cụ, quý ông bà, các cô, các chú,
Các bạn thân mến,
Thật là hân hạnh cho cá nhân tôi và các bạn hữu trong ủy ban vận động tranh cử, hôm nay được diện kiến cùng quý vị và các bạn, là những người đã sinh hoạt lâu năm và tích cực trong cộng đồng chúng ta, để chúng tôi có dịp ngỏ lời tri ân quý vị, cũng như có cơ hội nói lên vài điều tâm tình sau một mùa bầu cử thật sôi động.
Khi quyết định ghi danh tranh cử chức vụ ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, mục đích đầu tiên của tôi là góp tiếng nói của cộng đồng Việt Nam vào việc quyết định các chính sách của học khu Garden Grove. Tôi nhận thấy học khu chưa có chính sách thích hợp đối với tổng số 81% học sinh thuộc các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là cộng đồng người Latino và cộng đồng Á châu, trong đó học sinh Việt Nam chiếm tỉ lệ 28%. Tôi được một số đồng nghiệp và sinh viên thúc đẩy, và sau đó, một số vị trưởng thượng trong cộng đồng khuyến khích. Tôi cũng suy nghĩ nhiều trước khi quyết định chính thức ghi danh: chức vụ không có lương bổng, đồng thời tôi cũng không có nhu cầu dùng chức vụ này như bàn đạp để thăng tiến lên các chức vụ dân cử khác. Trong khi đó, bổn phận và trách nhiệm hiện tại thì nhiều: trách nhiệm của một người mẹ có hai con tuổi vị thành niên; bổn phận của một giáo sư đại học và giám đốc một cơ quan nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng cuối cùng, tôi đã quyết định tranh cử, vì quyền lợi của phụ huynh, giáo chức, học sinh và cộng đồng Việt Nam trong lãnh vực giáo dục.
Kính thưa quý vị,
Khi đem lý tưởng và nhiệt tâm ra tranh cử như vậy, tôi không biết trước là có rất nhiều khó khăn, trở ngại, do những thiếu sót của chính mình cũng như do ngoại cảnh đưa đến. Lần đầu tiên ra tranh cử, tôi không rõ những việc gì cần phải làm; phải vận động ra sao; làm cách nào để tiếp xúc với giới truyền thông báo chí; và làm sao để gây quỹ tranh cử... Tuy sinh hoạt trong ngành giáo dục dòng chính trên 25 năm, nhưng tôi vẫn còn là một khuôn mặt chưa quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam chúng ta. Tóm lại, kinh nghiệm thiếu sót, tài chánh eo hẹp, thì giờ ít ỏi, sự quen biết có giới hạn là những khó khăn lớn lao trong bước đầu tranh cử của tôi.
Tuy nhiên, dần dà tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ quý báu: một số đồng nghiệp và sinh viên lúc nào cũng sẵn sàng bên cạnh để giúp sức và nâng đỡ tinh thần, các bạn trẻ tự kết hợp lại, làm thành ban vận động tranh cử giúp tôi, các bạn bè giúp đỡ tài chánh, các bậc trưởng thượng thường xuyên thăm hỏi khuyến khích, quý vị thuộc giới truyền thông báo chí sẵn sàng loan tải tin tức, cho lên các chương trình phát thanh, truyền hình để trình bày nguyện vọng và đường lối của mình v.v... Từ đó, dần dần tôi được cộng đồng và các cử tri biết đến. Cũng từ đó, tôi được các cử tri thương mến, nâng đỡ. Nhiều cử tri giúp cho tem gửi thư cũng như tình nguyện cắm bảng tranh cử. Bảng tranh cử của tôi bị "ai đó" nhổ đi khá nhiều, nhưng bù lại, có nhiều bác, nhiều cô chú cắm thêm giúp cho. Nhiều khi đi ngang một con đường mà mới đêm qua mình đi cắm bảng, bây giờ không thấy một tấm bảng nào nữa, tôi thấy ngỡ ngàng và lòng chùng xuống. Nhưng có khi đi qua một con đường hay một khu gia cư mà mình chưa hề đến cắm bảng bao giờ, tự nhiên thấy những bảng tranh cử của mình "mọc" lên, lòng tôi ấm lại. Tôi biết bên cạnh tôi, có một cộng đồng cử tri thầm lặng đã và đang nâng đỡ tôi với tấm lòng yêu thương, trìu mến.
Kính thưa quý vị,
Tôi vừa nói qua tâm trạng của mình trong những ngày tranh cử. Thật ra nó không chỉ đơn giản như thế. Có những ngày tôi bị chán nản, buồn rầu, căng thẳng, có khi bật khóc. Nhưng cũng có ngày lòng tôi rộn ràng, hăng hái, biết rằng mình đang làm một việc phải, việc đúng và đang được nhiều người hỗ trợ, khuyến khích với một lòng yêu thương cao quý. Buổi tối ngày 2 tháng 11, trong lúc cùng các bạn hữu, các bạn đồng nghiệp, các em sinh viên và một số cử tri theo dõi kết quả bầu cử, lòng tôi rất bình an. Tôi nghĩ rằng thắng hay thua không quan trọng, điều quan trọng là mình đã làm hết sức, đã đưa được tiếng nói của ngành giáo dục đến với cộng đồng và đã được cộng đồng chia sẻ, đồng thuận, khuyến khích, hỗ trợ. Đối với tôi, đó đã là một thắng lợi lớn lao rồi.

Nhưng rồi với sự ủng hộ của các cử tri, tôi đã đắc cử. Cho dù đến ngày hôm nay số phiếu cũng chưa được kiểm hết, nhưng tôi tin rằng sau khi kiểm hết tổng số phiếu bầu thì kết quả cũng không thay đổi nữa. Tôi rất vui mừng và đồng thời trong tâm hồn thấy tràn ngập một niềm tri ân lớn lao đối với cộng đồng và các cử tri. Sự đắc cử của tôi không phải là thắng lợi của riêng tôi, nhưng là thắng lợi của cộng đồng chúng ta. Sự đắc cử của tôi phần lớn do sự ủng hộ, yêu thương và tích cực bầu phiếu của cả cộng đồng.

Càng lúc tôi càng ý thức mức quan trọng của sự đắc cử của mình. Quan trọng không phải là mình thắng trong một cuộc chạy đua, nhưng vì mình đạt được cơ hội chính thức đưa tiếng nói của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản vào cơ quan quyết định chính sách giáo dục của học khu. Như tôi đã chia sẻ một vài lần: sự kiện luật sư Nguyễn Quang Trung và tôi cùng đắc cử, cộng với luật sư Nguyễn Quốc Lân hiện đang có sẵn trong Hội Đồng Giáo Dục học khu, khiến tổng số người Mỹ gốc Việt trong Hội Đồng trở thành khối đa số. Đây là một sự kiện lịch sử, chưa hề xảy ra trong bất cứ phạm vi nào, cấp bậc nào thuộc lãnh vực dân cử tại Hoa Kỳ. Chúng tôi xin cộng đồng hỗ trợ, góp ý kiến để cả ba chúng tôi thực hiện được những việc làm ích lợi nhất cho học khu nói chung và cho cộng đồng người Việt chúng ta nói riêng.
Tôi xin phép được sơ lược chương trình hoạt động của tôi trong nhiệm kỳ 4 năm như sau:
1. Nâng cao phẩm chất giáo dục của học khu. Là một phụ huynh, tôi thấu hiểu kỳ vọng của tất cả các phụ huynh, bất kể màu da, ngôn ngữ, chủng tộc. Khi chúng tôi gởi con em chúng tôi đến trường, chúng tôi mong học khu chuẩn bị chúng thành đạt để tiếp tục lên đại học, không chỉ dừng lại sau khi có bằng trung học. Học khu cần nâng cao tỉ số 24% học sinh lên đại học trong học khu Garden Grove. Chúng ta cũng muốn học khu giúp học sinh phát triển năng khiếu suy luận, nhận định sắc bén cũng như tăng thêm kỹ năng dùng điện tỐn để học hỏi và tham khảo cho thích hợp với môi trường học hỏi hôm nay.
2. Tạo mối tương quan và tương kính giữa học khu, gia đình và cộng đồng. Điều này có thể thực hiện qua ba phương thức:
a. Giáo trình và phương thức sư phạm cần tích cực móc nối và liên kết với giá trị văn hóa, đạo đức và lịch sử của gia đình và cộng đồng. Học khu nên mang giáo trình nói về lịch sử người Việt tị nạn vào chương trình sử Hoa Kỳ để quân bình hóa sử liệu cũng như giúp học sinh hiểu rõ và hãnh diện về nguồn gốc của gia đình và cộng đồng.
b. Xét lại chính sách và tiêu chuẩn thuê mướn giáo chức và nhân viên trong học khu. Hiện tại 80% khối giáo chức trong học khu thiếu khả năng ngôn ngữ và văn hóa để tạo mối liên hệ tốt giữa học đường và gia đình. Điều này tạo ra những hiểu lầm đáng tiếc giữa nhà trường và gia đình, cộng đồng.
c. Phát triển chương trình Việt ngữ và các ngoại ngữ khác trong học khu. Tôi muốn học khu tận dụng các ngân khoản tài trợ của tiểu bang và liên bang để thăng tiến chương trình Việt ngữ mới thành lập đang cần nhiều hỗ trợ. Tôi cũng mong học khu phát triển các chương trình ngôn ngữ khác mà đã có sẵn các cộng động đang cư ngụ trong ranh giới học khu. Khi học sinh có cơ hội học hỏi thêm các ngôn ngữ khác, học sinh mở rộng tầm nhìn và biết hòa động với mọi sắc dân. Điều này quan trọng trong xã hội đang đi đến mức toàn cầu hóa hôm nay.
3. Nâng cao tinh thần phụ huynh tích cực tham gia và đóng góp vào tiến trình giáo dục con em. Tôi muốn học khu tổ chức những buổi hội thường niên tạo cơ hội cho phụ huynh thuộc các sắc tộc, ngôn ngữ có dịp thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nuôi dưỡng con cái với nhau. Tôi muốn thấy những buổi hội thảo mà phụ huynh và cộng đồng là diễn giả giúp cho nhân viên trường và học khu thông hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, cũng như nguyện vọng của chúng ta. Sự hợp tác giữa phụ huynh/cộng đồng và nhà trường phải là sự hợp tác hai chiều. Không phải chi khối phụ huynh cần học hỏi về hệ thống học đường Hoa Kỳ mà các thầy cô, hiệu trưởng, và nhân viên trường cần học hỏi về các cộng đồng mà học sinh của họ đang sinh sống. Đa số khối giáo chức và điều hành trường không cư ngụ trong học khu họ làm việc và do đó họ không có một nhận định xác thức về khối học sinh và gia đình của các em. Tôi tin tưởng sự hiểu biết và thông cảm hai chiều sẽ nâng cao sự tương kính và cộng tác hữu hiệu của tất cả mọi người.
Kính thưa quý vị,
Với sự ủng hộ, nâng đỡ của cộng đồng, cùng với sự hợp tác chân thành của hai người bạn cùng trong hội đồng: Luật sư Lân và Luật sư Trung, tôi cam kết thực hiện những điều vừa nêu trên.
Một lần nữa, tôi và các bạn trong ủy ban vận động tranh cử, với tâm thành, xin tri ân và cảm tạ các bậc tôn trưởng, các cơ quan truyền thông, các đồng nghiệp và các sinh viên, và toàn thể cộng đồng cũng như các cử tri quý mến.
Trân trọng,
NGUYỄN LÂM KIM OANH

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.