Hôm nay,  

Pháp: Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích

15/05/201615:52:00(Xem: 5911)

Pháp: Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích
.

PARIS (VB) -- Một buổi lễ tưởng niệm trong dịp 49 ngày từ trần của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, do nhà báo Ca Dao tổ chức tại chùa Khánh Anh Bagneux, Pháp quốc, hôm 14-5-2016 đã có sự tham dự của khỏang 50-60 nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ.

Trong số người tham dự cũng có nhà văn Hồ Trường An, nhà bình luận Từ Thức, nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà báo Bùi Tín...

Trong các cựu sinh viên thời Tổng Hội Sinh Viên VN tại Pháp những năm trước 1975 thấy có Lê Tài Điển, Huỳnh Hùng, Nguyễn Gia Kiểng...

Tiếp theo ông Nguyễn Kim Cương, một người cháu của GS Nguyễn Ngọc Bích, đại diện tang gia có lời tạ ơn và phát biểu, đặc biệt có một số chi tiết về cố Giáo sư ịt được biết hay nhắc tới.
.

Bài phát biểu của ông Nguyễn Kim Cương như sau:

Kính thưa
Quý vị đại diện các Hội đoàn, Quý thân hữu,
Nhà Phật đã dậy chúng ta câu “Hữu sanh, hữu tử, hữu luân hồi”. Vẫn biết sanh tử là luật tự nhiên của Tạo Hóa, nhất là ở cái tuổi tám mươi, cái tuổi đã được coi là ngưỡng cửa của thượng thọ. Sự ra đi ở tuổi đó thường chỉ để lại cho gia đình họ hàng bạn bè thân thuộc ít nhiều thương nhớ, ít nhiều luyến tiếc khi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn, những thành quả tốt lành trong đời người quá cố.

Nhưng trong trường hợp Ô. Nguyễn Ngọc Bích, chúng tôi cảm thấy sự ra đi của Ông đã để lại một cái gì khác hơn nữa, một tình cảm khó diễn tả, một tâm tư thật đặc biệt cho gia đình, họ hàng cũng như cho bạn bè, thân hũu, qua những bài điếu văn bày tỏ cảm xúc của những người hoặc đã biết Ông từ mấy chục năm, hoặc chỉ mới quen gần đây.
blank
.
Ô. Bích đã giã từ chúng ta một cách quá ư đột ngột. Mới trước đó khoảng hai tuần, Ông vừa bay sang California để giới thiệu bộ sách sử VN của một người bạn. Ông vẫn khỏe mạnh, giọng nói sang sảng, nụ cười tươi sáng. Sau đó nghe tin Ông sẽ sang Manila để họp tranh đấu cho chủ quyền của VN trên các quần đảo HS-TS. Và ngay sau đó thì...tin dữ đến. Chắc có nhiều người cũng đã ở vào hoàn cảnh “tin dữ đi mau, tin họp đi sau...”.
Là một người cháu của Ô. Bích, cảm giác đầu tiên của tôi khi nhận được hung tin từ Hoa kỳ là bàng hoàng, xúc động và thương cảm trước sự ra đi bất ngờ của một người Chú thân quý. Rồi xúc động từ từ nhường chỗ cho trống vắng, cho mất mát, hụt hẫng, khi nhìn lại những việc Chú đã làm, bao nhiêu việc còn dang dở, mà người cột trụ, người có nhiều khả năng, người đắc lực, nhiều tâm huyết lại ra đi...
Nhưng sau đó, khi đã bình tâm lại được, thì tôi cảm thấy khâm phục, khâm phục tư cách, con người khà ái của Chú, khâm phục sự nghiệp lớn lao của Chú, một sự nghiệp khó ai có thể nghĩ là một cá nhân có thể làm nên vì nó bao gồm nhiều lãnh vực to tát khác nhau như thơ văn, giáo dục, truyền thông, phiên dịch, ngôn ngữ, phim ảnh, âm nhạc, xã hội, chính trị v.v.
.
Càng khâm phục lại càng cảm thấy thương tiếc, vì con người đã làm nên sự nghiệp đồ sộ đó lúc nào cũng hiền hòa, bao dung, cởi mở, sẵn sàng giúp người, giúp đời một cách hăng say, dấn thân trọn vẹn, không nề hà công sức cho dù tuổi đã cao.
Hôm nay, chúng ta gặp nhau đây để tưởng niệm Ông Nguyễn Ngọc Bích nhân lễ 49 ngày cùng với các thân hữu khắp nơi trên thế giới, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm với Ô.Bích, trao đồi một vài khía cạnh về cuộc đời, sự nghiệp Ô.Bích. Mỗi người trong chúng ta chắc sẽ góp được một phần nhỏ nhoi, vì những việc làm của Ông quá đa dạng, tầm hiểu biết của Ông quá phong phú, môi trường hoạt động cùa Ông quá rộng lớn, còn giới quen biết Ông thì tản mát khắp nơi trên thế giới.
.
Tôi xin phép được đóng góp vài chi tiết có lẽ ít được nhắc tới về Ô. Bích.

Ông Bích học chương trình Pháp từ nhỏ, ở trường J.J. Rousseau Saigon, hồi đó có tên là Chasseloup-Laubat, trên tôi 7 lớp. Ông luôn là một học sinh xuất sắc về văn chương, sinh ngữ, do đó đã được trường tuyển lựa vào học ban “classique”, ban cổ điển, chuyên về văn chương, cổ ngữ thay vì ban “moderne” chuyên về khoa học như đa số các học sinh khác. Ông đậu Tú Tài pháp ban Triết năm 1956 với Mention Bien. Do đó, ngoài sự kiện Ông thông thạo các sinh ngữ u Châu như Pháp, Anh, Đức, Nga, Y Pha Nho, Ông còn có một căn bản vững vàng về cổ ngữ La Tinh và Hy Lạp. Sau Tú Tài, ông đi du học Hoa Kỳ và chỉ 2 năm sau, năm 1958, Ông đã tốt nghiệp BA, khoa Chính Trị Kinh Tế tại Đại Học Princeton nổi tiếng Hoa Kỳ, thay vì cần phải 3 hoặc 4 năm như trung bình các sinh viên khác.
.

Nhưng không phải vì chỉ học chương trình Pháp, du học Mỹ, vì biết nhiều sinh ngữ, cổ ngữ Tây Phương là Ông không biết gì, không quan tâm gì tới tiếng Việt, tới sinh ngữ, cổ ngữ Á Châu. Ông đã có rất nhiều bài biên khảo giá trị về thơ văn tiếng Việt, ngữ học tiếng Việt, đã tham gia soạn thảo tự điển chữ nôm, cồ ngữ của VN. Ngoài ra, Ông còn biết chữ nho, tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa. Khả năng đặc biệt của Ông về chữ nho, chữ nôm tôi nghĩ có lẽ là do truyền thống gia đình nho giáo. Thân phụ Ông Bích làm Tuần Phủ, đã là tri phủ phủ Kiến Xương thuộc tỉnh Thái Bình và đã được dân làng Phú Mỹ ở Thái Bình lập đền thờ vì nhớ tới công đức đã cứu giúp dân làng. Sau năm 1954, đền thờ này bị nhà cầm quyền phá đi, nhưng đến thời đổi mới, dường như dân làng đã góp công sức xây dựng trở lại để tiếp tục hương khói.
.
Ông nội Ông Bích và cũng là cụ nội chúng tôi, là một cụ đồ nho, đã dậy chữ nho cho rất nhiều khóa sinh sau đó đã thành danh. Lòng ham thích,yêu mến chữ nho và chữ nôm của Ông Bích như vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy Ông Bích hát quan họ dễ dàng, say đắm, vì quê quán Ông là Bắc Ninh, làng Yên Mẫn, gần Cầu Lim, cái nôi của điệu hát trữ tình này.
.

Thời còn là sinh viên, Ông Bích được bạn bè nhớ tới như một người luôn luôn dính liền với một quyển sách đang đọc. Khi đi chơi, lúc ăn uống với bạn bè, khi di chuyển, Ông luôn luôn cầm một quyển sách trên tay, thay vì cầm tay bạn gái như những người cùng lứa. Ông vừa đi vừa đọc, vừa ăn vừa đọc, vừa nói chuyện vừa đọc sách, mà vẫn vui vẻ, không làm mất lòng ai, vẫn được mọi người quý mến. Dù là một đứa cháu kém Ông tám tuổi, ngay từ lúc còn nhỏ, tôi không bao giờ cảm thấy có bức tường tuổi tác ngăn cách giữa chú cháu, và luôn cảm thấy Ông như một người thân cùng trang lứa, có thể hòa đồng, giãi bày cởi mở dễ dàng.


.

Năm 1972, không hẹn hò gì nhau, hai chú cháu chúng tôi cùng về nước làm việc.Ông về nước với rất nhiều sách. Cả một thư viện ! Tôi có cảm tưởng Ông không mang đồ vật gì khác về theo, ngoài sách ra. Ông lo về Truyền Thông, Giáo Dục còn tôi ở bên Kinh Tế, Kế Hoạch nên cũng ít có dịp gặp nhau trong công việc, ngoại trừ khi giỗ, Tết. Lúc đó là lúc Ông vừa học tiếng Trung Hoa tại Bộ Ngoại Giao, vừa trách nhiệm về Thông Tin Quốc Ngoại, vừa lo thành lập viện đại học Cửu Long.
.

Vào giữa tháng tư năm 75, khi tình hình quân sự đã nguy ngập, khi di tản đã là vấn đề đầu lưỡi của người dân Saigon, Ông đã được chỉ định đi công tác ở Hoa Kỳ. Ông đã bay sang Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Khi thi hành công tác, trước ai hết, Ông biết rõ số phận VNCH đã ngã ngũ. Nhưng khi xong công tác, Ông đã đáp chuyến máy bay dân sự chót từ Hoa Kỳ về lại Saigon ngày 27 tháng tư năm 1975 đề phúc trình. Phúc trình cho ai vào thời điểm đó, lúc rã ngũ, tan hàng? Có lẽ Ông không cần biết. Chuyến trở về của Ông làm tôi bất ngờ và nể phục. Vì là người trong gia đình, tôi biết lúc đó Ông không hề có nhu cầu phải trở về để lo toan cho người thân di tản. Ông có rất nhiều anh chị em đang sống tại Saigon, đều là những người quen nhiều biết rộng, có phần hơn Ông, và việc Ông trở về VN ngày 27 tháng tư năm 1975 chắc chắn không giúp ích gì thêm cho việc tìm đường di tản cho gia đình. Và Ông cũng không trở về để mưu cầu một chức vụ mới nào vào lúc tranh tối tranh sáng, vì lập trường của Ông luôn rất minh bạch, như quãng đời của Ông sau 1975 đã chứng minh. Ở trong hoàn cảnh đó, Ông có đầy đủ lý do để ở lại Hoa Kỳ sau công tác, chẳng hạn như để đón tiếp hữu hiệu hơn những người sang tỵ nạn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của một người cán bộ, đã xong công tác thì phải trở về phúc trình, Ông đã lưạ chọn trở về nước lúc dầu sôi lửa bỏng.
.

Giản dị và trong sáng. Như tâm hồn Ông.
Thẳng thắn và can trường. Như con người Ông.
.

Sau năm 1975, Ông sống thế nào, đã làm những gì, lập trường ra sao, mọi người trong chúng ta cũng đều đã rõ. Theo thiển ý, Ông đã có hành xử của một “Kẻ Sĩ” đích thực, như Nguyễn Công Trứ đã miêu tả :
.

“Vũ trụ chi gian giai phận sự Xin tạm dịch:Việc khó trên đời là phận sự
Nam nhi đáo thử thị hào hùng” Làm trai như vậy thật hào hùng
.
Đó chính là Ông Bích. Ông không bao giờ từ nan một việc gì, bất kể khó khăn, bất kể Ông đang bận bịu hay rảnh rỗi, đang khoẻ mạnh hay đau yếu, nếu việc đó giúp ích được một chút gì cho cộng đồng, cho đất nước, cho đời, cho văn học. Ai nhờ Ông nhận ngay, làm ngay. Không ai nhờ, Ông cũng xung phong làm. Vì Ông coi đó là phận sự của mình.
.

Trên địa hạt gia đình, mặc dù họ hàng rộng lớn bị phân tán khắp thế giới, ít có dịp liên lạc, Ông cũng luôn luôn là một người thân đầy ưu ái. Dù đa đoan công việc, lúc nào Ông cũng sẵn sàng mở rộng vòng tay tiếp đón họ hàng phương xa tới, với nụ cười hiền hòa thắm thiết, xuất phát tự trong tâm, đúng như Pháp Danh Tâm Thiện Đức Phật đã ban cho Ông. Và Ông không bao giờ quên dành chút thời giờ thăm hỏi bà con họ hàng khi có dịp tới một nơi nào. Nhưng Ông không bao giờ quên công việc sưu khảo, tìm kiếm, thu thập các tài liệu cổ liên hệ tới VN tản mác khắp thế giới. Một lần từ Hoa Kỳ qua Pháp, Ông nói với tôi sẽ phải ghé qua Espagne. Không phải để coi đấu bò hay tắm biển như mọi người, mà để tìm tới mấy tu viện, để tham khảo một số tài liệu cổ về VN do các giáo sĩ người Y Pha Nho mang về lúc qua VN truyền đạo vào thế kỷ 18 và 19. Con người Ông Bích là như vậy.
.

Và tôi càng cảm nhận rõ ràng lẽ huyền diệu của trời đất, vì thấy cuộc ra đi của Ông, dù quá đường đột, bất ngờ, thật ra lại rất đẹp, rất ý nghiã, thật xúc tích như cuộc đời Ông, và thật xứng đáng với con người Ông. Ông Bích đã từ giã cõi đời trần tục này từ trên cao chín từng mây, từ trên tầng thượng, thanh tao, cao cả như nhân cách Ông. Ông ra đi một cách nhanh chóng như Ông vẫn nhanh nhẹn giúp đời, giúp người. Ra đi nhẹ nhàng, bình thản, như tâm tư Ông. Và Ông đã ngã xuống trên đường tranh đấu, trên đường bay hướng về quê hương, hướng về biển Đông, như tâm tư Ông không phút nào nguôi nghỉ.
Sau 74 anh hùng VNCH đã hy sinh cho Hoàng Sa, Ông chính là người chiến sĩ VNCH thứ 75 đã gục ngã cho cuộc đấu tranh dành lại chủ quyền đất nước trên biển đảo.
.
“Nhân sanh tự cổ thùy vô tử”, Xưa nay hỏi có ai không chết?
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” Hãy để lòng son chiếu sử xanh
.

Tiết khí của một Văn ThiênTường đời Nam Tống đã được thể hiện sung mãn suốt cuộc đời Ông. Ông đã ra đi, để lại một tấm lòng son sắt với đất nước, không phai lạt với thời gian, và không hổ thẹn với sử xanh. Ông cũng để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn hóa đồ sộ cùng tấm gương "tiết khí" của một “kẻ sĩ” chân thực, ngay từ thuở xa xưa đã hiếm hoi, vẫn còn sót lại tới ngày nay.

Và đáng trân quý nhất, Chú đã để lại cho chúng cháu, và cho tất cả những ai mở tâm đón nhận, hình ảnh một nụ cười hiền hòa, thân ái, thể hiện một tinh thần độ lượng, bao dung, và một tấm lòng chan hòa tình thương, thương người. thương đời.
Cháu xin kính viếng Chú đôi câu đối :
.
Tám Mươi Năm Giữ Vẹn Tấm Lòng Son,
Ngời Gương Ngọc Bích Vị Quê Hương Quản Chi Đầu Bạc Trắng
.
Vài Chục Quyển Vang Danh Tài Uyên Bác,
Rõ Người Tâm Thiện Tràn Nhân Ái Lưu Mãi Nụ Cười Hiền
.
Chúng tôi xin đại diện cho gia đình Ông Nguyễn Ngọc Bích có lời cảm tạ Quý đại diện hội đoàn, Quý thân hữu xa gần, đã có lòng tới đây dự lễ tưởng niệm Ông Nguyễn Ngọc Bích vào dịp lễ 49 ngày.
.
Sự hiện diện của Quý vị là một hỗ trợ tinh thần lớn lao cho gia đình chúng tôi và đặc biệt là niềm an ủi quý giá cho Bà Nguyễn Ngọc Bích là TS Đào Thị Hợi và đồng thời cũng là một khích lệ đặc biệt cho tất cả những ai đã cùng Ông N.N.Bích dấn thân hoạt động trong mọi lãnh vực, ở khắp nơi trên thế giới.

Xin đa tạ.


.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
ĐẠI NHẠC HỘI BẦU CỬ Rock The Vote Chủ Nhật ngày 18 tháng 2/2024 từ 12 giờ trưa tới 5 giờ chiều tại QT Golden Marketplace & Food Court 9772 Garden Grove Blvd., Garden Grove CA 92844 tổ chức bởi TNS Janet Nguyễn Vào cửa tự do - thức ăn trưa miễn phí.
HỘI CHỢ Y TẾ hoàn toàn miễn phí tổ chức bởi Senator Janet Nguyễn ngày 17 tháng 2/2024 từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều tại Concorde Career College 12952 Euclid St, Garden Grove CA 92840 Nhãn khoa, Y khoa, Nha Khoa và nhiều nữa Hoàn toàn miễn phí
Vào năm 2021, Clever Care Health Plan Inc. (sau đây gọi là "Clever Care") đã đưa ra thị trường một Chương Trình Medicare Advantage được xây dựng dựa trên các dịch vụ nhạy cảm về văn hóa, với thiết kế nhằm duy trì các giá trị văn hóa của những người thụ hưởng chưa được phục vụ đầy đủ, bằng ngôn ngữ ưa thích của họ. Được thành lập bởi Myong Lee và Hiệp Phạm, Clever Care đã kết nối và duy trì thành công một cộng đồng chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, kết hợp y học phương Tây với chăm sóc sức khỏe phương Đông thông qua các dịch vụ toàn diện bằng ngôn ngữ mà người thụ hưởng sử dụng. Dưới sự lãnh đạo của Myong, Clever Care đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể về số lượng hội viên trong kỳ Ghi Danh Hàng Năm (AEP) vừa qua, và hiện đang được dự đoán là một trong 5 chương trình phát triển hàng đầu tại các quận hạt cốt lõi ở Miền Nam California. Chương trình này đã đạt mức tăng trưởng 112% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện đang phục vụ hơn 22,000 hội viên.
Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng đối với nhiều cộng đồng châu Á; cho dù là bạn ăn Tết với cộng đồng người Việt, Tết với người Trung Quốc, hay Seollal với cộng đồng người Hàn Quốc. Tết năm nay là năm Giáp Thìn - năm con rồng – là năm đặc biệt may mắn, nhất là với các gia đình mong chờ một năm may mắn, thành công, và những cơ hội mới. Năm nay, khi tôi suy ngẫm về kỳ nghỉ lễ và đặt ra những dự định cho cả năm; tôi đã chuẩn bị cho sự thành công của mình bằng cách hoàn thành và nộp Đơn Xin Hỗ Trợ Tài Chính Cho Sinh Viên Từ Liên Bang (không tính phí) (FAFSA) 2024-25 trước thời hạn ưu tiên ngày 2 tháng 4.
Khi nghĩ tới con số khoảng 2,000 sòng bài trên toàn nước Mỹ, gồm cả những sòng bài ở Las Vegas và New Jersey, quý vị sẽ hình dung ra được sự cạnh tranh căng thẳng tới mức nào. Và Pechanga Resort Casino, nằm ngay ngoài Temecula, Calif. lại vừa mới được mang tên sòng bài #1 ngoài Las Vegas bởi độc giả tạp chí Newsweek. Tờ báo phát hành toàn quốc này đã mời độc giả xếp hạng những sòng bài 'top 10' 'ngoài Vegas' của mình trong một cuộc thăm dò ý kiến 'online'. Cuộc tranh đua bao gồm cả những cơ sở đánh bài tại các vùng lâu đời như Reno, Nev., Miền Nam, Đông Nam, Tây Bắc Thái Bình Dương cùng những cơ sở khác ở Nam Cali. Kết thúc thời gian bầu chọn dài-nguyên-một-tháng, Pechanga đã là kẻ chiến thắng sau cùng.
Ngày 16 tháng Hai, 2024 – Năm Giáp Thìn đã đến! Để đảm bảo trái cây họ cam quýt mà quý vị tặng người thân trong dịp Tết Nguyên đán này là hiện thân của phúc lộc, may mắn và thịnh vượng, Chương Trình Phòng Chống Sâu Bệnh & Dịch Bệnh Gây Hại Giống Cây Cam Quýt (CPDPP) đề nghị các biện pháp thực hành tốt nhất sau đây để bảo vệ giống cây cam quýt quý hóa của California trong nhiều năm tới.
Hội Chợ Tết lần thứ 42 Với chủ đề “Long Vân Hội Ngộ” do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tưng bừng trong ba ngày từ thứ Sáu ngày 9 đến Chủ Nhật ngày 11 tháng 1 năm 2024 tại OC Fair & Event Center hàng chục ngàn người tham dự.
Trên Đại Lộ Bolsa (Đại Lộ Trần Hưng Đạo) vào sáng Thứ Bảy ngày 10 tháng 2 năm 2024 nhằm ngày Mùng Một Tết Giáp Thìn , hàng ngàn đồng hương về từ khắp nơi đã tham dự cuộc diễn hành Tết do Thành Phố Westminster tổ chức. Như quý đồng hương đã biết, Diễn Hành Tết là một truyền thống của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Little Sài Gòn, Nam California đã có hơn 20 năm qua nhằm mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hóa cổ truyền của dân tộc tại quê người.
Tết Giáp Thìn năm nay, theo dương lịch, nhằm ngày thứ Bảy 10/2. Cuối tuần qua có những sinh hoạt văn hóa châu Á tại các thành phố San Francisco, San Jose, Oakland ở miền bắc California, là những nơi có đông người Việt sinh sống. Sau mưa giông kéo dài đã có nắng lên nên từ đêm giao thừa và trong hai ngày đầu năm nhộn nhịp với sinh hoạt đón Tết...
Năm nay Mồng một tết Giáp Thìn là ngày 10 tháng Hai dương lịch. Trong nền văn hoá Việt Nam, rồng chiếm một vị trí đặc biệt , bởi vì theo truyền thuyết thì chúng ta là con cháu của tiên nữ Âu cơ và Lạc Long Quân, chúa tể loài rồng. Với một người mẹ tiên, dân tộc ta là một dân tộc có nhiều ước mơ. Chúng ta mơ ước gì? Chúng ta mơ ước tự do––tự do trong tư tưởng và trong cuộc sống. Vì tổ tiên ta là rồng, chúng ta là những con người tràn đầy sức mạnh và nhiệt khí. Vậy chúng ta dùng sức mạnh trong nhiệt huyết của mình để làm gì? Để cam chắc nền tự do cho chúng ta và cho mọi người khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.