Hôm nay,  

GS Nguyễn Ngọc Bích Từ Trần Trên Đường Bay Biển Đông

04/03/201600:02:00(Xem: 16969)

blank
GS Nguyễn Ngọc Bích tại tòa soạn Việt Báo.

BIỂN ĐÔNG (VB) -- Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã từ trần trên bầu trởi Biển Đông, trên chuyến phi cơ bay từ Hoa Kỳ sang Manila, nơi ông dự kiến sẽ thuyết trình về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, kình chống lại các lý luận của chính phủ Bắc Kinh về cái gọi là “đường biên giới 9 đoạn trên Biển Nam Hải.”

Bản tin VOA ghi rằng Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh từ tiểu bang Virginia, anh trai giáo sư Bích, cho VOA Việt ngữ biết ông nhận được hung tin lúc 12 giờ sáng ngày 3/3 (giờ miền đông Hoa Kỳ) từ vợ giáo sư Bích, Tiến sĩ Đào Thị Hợi. Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh:

"Nhận được tin báo do bà Bích gọi từ máy bay về trong khi máy bay còn chưa tới Manila, báo tin ông Bích mới bị cơn đau tim và đi rồi."

Bản tin cho biết Ông tới Manila lần này để tham dự hội nghị Biển Đông mà các thành viên trong tổ chức Họp mặt Dân chủ phối hợp với một số đoàn thể người Philipines đồng tổ chức, thảo luận về tranh chấp Biển Đông, chủ quyền Việt Nam, và cách ứng phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Cùng có mặt trên chuyến bay với ông có giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà tranh đấu dân chủ lâu năm của Việt Nam.

Giáo sư Bích được nhiều người biết tiếng vì các hoạt động không ngừng nghỉ của ông ở hải ngoại nhằm cổ võ một nền dân chủ, nhân quyền cho người dân tại Việt Nam.

Ông góp mặt trong rất nhiều các sinh hoạt chính trị-văn hóa-xã hội của người Việt tại Mỹ và thường xuyên là khách mời danh dự, diễn giả của rất nhiều sự kiện quan trọng liên quan tới nhân quyền Việt Nam.

VOA ghi lời Giáo sư Linh cho biết tình trạng sức khỏe của giáo sư Bích trước chuyến đi ổn định và cơn đau tim đột tử có thể là kết quả của những năm tháng miệt mài tận lực làm việc của giáo sư Bích vì cộng đồng người Việt, vì những đồng bào trong nước khát khao một nền dân chủ đích thực:

"Ông ấy trước đó vẫn làm việc bình thường, vẫn hăng say. Buổi tối vẫn làm việc tới 2 giờ sáng. Tôi vẫn nhắc ông ấy phải đi bác sĩ coi sức khỏe, phải kiêng cữ, nhưng ông ấy bận quá. Ai nhờ việc gì cũng làm, ông ấy làm việc nhiều quá."

Bản tin VOA ghi rằng:

“Giáo sư Bích là một nhà sư phạm am tường văn chương-ngôn ngữ, một chuyên gia dịch thuật, một nhà biên khảo kỳ cựu, và nguyên là Giám đốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA). Ông cũng từng được bổ nhiệm làm Giám đốc Song ngữ của Bộ Giáo dục Liên bang Hoa Kỳ thời Tổng thống George W.H Bush.

Trước khi mất, ông giữ chức Chủ tịch Nghị hội Toàn quốc của Người Việt tại Hoa Kỳ và vừa hoàn thành bộ Việt Sử cùng với Giáo sư Lê Mạnh Hùng xuất bản cách đây không lâu.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1937 tại Hà Nội. Năm 1954, ông du học Mỹ theo chương trình học-bổng Fulbright và tốt nghiệp ngành Chính trị học năm 1958.

Về Việt Nam năm 1972, ông cùng vợ là Tiến sĩ Đào Thị Hợi lập Viện Đại Học Cửu Long ở Sài Gòn và kiêm chức Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ Dân Vận Chiêu Hồi.

Từ sau 30/4/1975, Giáo sư Bích rời Việt Nam sang Hoa Kỳ tị nạn chính trị và định cư tại bang Virginia.”

Theo tiểu sử ghi trên trang Viện Việt Học (viethoc.com/), GS Nguyễn Ngọc Bích là Trưởng Ban Dịch thuật Việt Anh – Anh Việt tại Viện Việt-Học, một trung tâm nghiên cứu các vấn đề văn hóa, văn học, nghệ thuật VN.

Viện Việt Học ghi lại một số tác phẩm và công trình của GS Nguyễn Ngọc Bích:

“Trong những sách nổi tiếng của ông phải kể: A Thousand Years of Vietnamese Poetry (“Một nghìn năm thi ca VN,” Knopf, 1975), A Mothers Lullaby (dịch Trường Ca Lời Mẹ Ru của Trương Anh Thuỵ, Cành Nam, 1989), War & Exile: A Vietnamese Anthology (“Chiến-tranh và Lưu Đày: Tuyển-tập văn-học hiện-đại của VN,” Văn-bút Miền Đông, 1989), dịch thơ Nguyễn Chí Thiện (Ngục Ca / Prison Songs, VICANA, 1982; Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell và Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry, cả hai do Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ xb, 1996), và Cung Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque, dịch thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2006).

Ngoài việc hiệu đính thơ Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2000), ông cũng đã dịch hai cuốn sách về mỹ-thuật VN, Vietnamese Architecture (Sứ-quán VNCH tại Mỹ, 1972) và An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam (“Nghìn Trùng Xa Cách,” Smithsonian, 1995) cũng như giới-thiệu thơ Ba-tư trong cuốn Omar Khayyam: Thơ và Đời (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2002).”

Một phương diện hoạt động khác cũng cho thấy GS Nguyễn Ngọc Bích là trụ cột cho rất nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật: GS Bích là sáng lập viên của Trung-tâm Văn-bút Miền Đông, rồi giữ chức chủ-tịch đầu tiên trong nhiều năm, và vào tháng 4 năm 1988 Trung-tâm Văn Bút Miền Đông dưới điều hợp của GS Bích đã tổ-chức Đại-hội đầu tiên trên toàn-thế-giới cho Văn Bút Việt Nam Haả Ngoại. Khi GS Nguyễn Ngọc Bích là Chủ Tịch Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, nhà văn Phan Tấn Hải trước khi dọn về California có một số năm giữ chức Tổng Thư Ký Trung Tâm này và làm việc thân cận với GS Nguyễn Ngọc Bích.


GS Nguyên Ngọc Bích đã tích cực hỗ trợ cho nhiều tổ chức chông cộng -- trong đó có các hoạt động hồi phục danh nghĩa Việt Nam Cộng Hòa, mà theo Giáo sư là để lấy chính nghĩa VNCH để giữ chủ quyền Biển Đông cho VN.

GS Nguyễn Ngọc Bích còn có tình thân với thế hệ trẻ của Việt Tân.

Chị Đông Xuyến Matsuda, một viên chức Việt Tân, hôm Thứ Năm bày tỏ cảm xúc khi nghe tin GS Bích ra đi:

“...Cầu mong cho linh hồn của Giáo Sư Bích được an nghỉ đời đời. Một học giả và một nhà hoạt động dân chủ cho VN hết sức dung dị, chân thành và có một tư duy rất tích cực về con người, niềm tin ở các tập thể đấu tranh và về đồng loại của mình. Một tấm lòng phục vụ cho dân chủ rất miệt mài. Nhớ ngày nào Giáo Sư Bích cùng đến tham dự và là thân hữu diễn gỉa cho một buổi tiệc có mặt đa số các anh chị em Việt Tân ở khắp năm châu đổ về nhân dịp chính thức công khai hóa Việt Tân được tổ chức tại Đức Quốc vào đầu thập niên 2000. Cảm ơn Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một người bạn đồng hành đã lựa chọn con đường hẹp để hỗ trợ tinh thần và hoạt động của Việt Tân và rất nhiều anh chị em chúng tôi trong đảng Việt Tân... Xin cảm ơn niềm tin và hỗ trợ của GS đã dành cho Việt Tân và nghiêng chào tinh thần và tính cách phục vụ rất nhân bản của Giáo Sư!"

Giám đốc Đài RFA là Nguyễn Khanh bày tỏ cảm xúc, trích:

“...Với mọi người, Ông là một học giả, một người hăng say làm việc, sẵn sàng tham gia mọi sinh hoạt, sẵn lòng gánh vác những việc nặng nhọc nhất. Với anh chị em chúng tôi, ông là một người thầy, một người anh và là một người bạn rất chân tình. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi ngay sau khi được báo tin Ông mất, những người bạn và những người biết Ông đều sửng sốt, có người bảo với anh em chúng tôi rằng con người đáng quý nhất trên cõi đời này không còn nữa.

Trong suốt thời gian cả chục năm trời giữ vai trò của người điều hành Ban Việt Ngữ, điều tất cả chúng tôi đều nhìn thấy và không bao giờ quên là hình ảnh một Sếp Bích bắt đầu ngày làm việc với nụ cười, và kết thúc ngày làm việc cũng bằng một nụ cười. Vì thế, bài học lớn nhất mà Ông để lại cho chúng tôi là bài học bao dung, tha thứ, không bao giờ giận hờn ai, xem tất cả mọi chuyện đều quá nhỏ, chỉ có tình anh em, gia đình mới là điều đáng phải quan tâm...”

Nhà văn Trần Trung Đạo trong bài viết gửi tới Việt Báo tựa đề “Ngọn gió Đông Phương vừa thổi lại Phương Đông” ghi nhận về GS Bích:

“Mỗi buổi sáng trên bàn của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ngoài những món điểm tâm còn có một hộp gồm nhiều loại thuốc phải uống trong ngày nhưng ông uống xong không phải để rồi nghỉ ngơi mà tiếp tục lên đường. Ít có người nào trong tuổi gần 80 mà đi đây đi đó nhiều hơn Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông đến mọi nơi và ngồi xuống với mọi người. Ông không quá quan tâm người đối diện mình là ai miễn là còn biết lắng nghe nhau nói. Mặc dù rất dứt khoát trong lập trường chính trị quốc gia, ông có một tinh thần ôn hòa, cởi mở và tinh thần đó đã làm giáo sư trở thành điểm gặp gỡ của nhiều khuynh hướng khác nhau.

Sau mỗi lần gặp gỡ Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, khách mang về không chỉ là những câu trả lời sâu sắc hay những nhận xét tinh tường về những vấn đề họ cần biết nhưng nhớ nhất vẫn là một nụ cười của ông. Ông sống rất lạc quan. Những người gần gũi giáo sư đều có một nhận xét chung, dường như đối với ông, không có điều gì quan trọng, kể cả sức khỏe, hơn là việc được đóng góp cho tự do dân chủ của đất nước và an lạc của con người. Tinh thần bao dung, hỷ xả Phật Giáo thể hiện rất rõ nét trong thái độ và cách sống của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Làm người ai cũng mang theo suốt đời mình những nhân tính hỉ nộ ái ố, tham sân si, nhưng riêng với Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ông quên chuyện buồn phiền rất dễ dàng và tha thứ rất nhanh.”

Nhà văn Phan Tấn Hải từ Quận Cam cho biết rằng:

“Bản thân tôi hân hạnh làm việc nhiều năm với GS Bích, khi GS Bích là Chủ Tịch Trung Tâm Văn But Miền đông Hoa Kỳ và tôi là Tổng Thư Ký tổ chức này, trước khi dọn về California.

Trong những gì tôi biết về GS Bích, tôi tin rằng cái chết của GS Bích chỉ vì vỡ tim mà chết: đó là cái chết của một người yêu nước mình tha thiết, chết trên bầu trời Biển Đông, chết trên chuyến bay từ Mỹ sang Manila để bênh vực cho quê nhà. Và cảm xúc tràn ngập, làm GS Bích vỡ tim mà chết. Chưa từng có ai như thế. Và xin có dòng thơ:

người học giả phó hội
mang ấn triện ngàn năm
ngồi giữa vầng mây nổi
vỡ tim
để thế giới biết
Biển Đông là của Việt Nam...”
.
GHI CHÚ:

TANG LỄ CỦA GS NGUYỄN NGỌC BÍCH

Ông Nguyễn văn Đặng, Phó Nội Vụ Hội truởng Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn vừa cho biết, Tang lễ của GS Nguyễn Ngọc Bích sẽ cử hành tại:

National Funeral Home
7482 Lee Hwy Falls Church, Virginia 22042
Tel (703) 560-4400

Thứ Sáu 11 Tháng 3, 9Am - 11AM phát tang
11Am - 9Pm thăm viếng
Thứ Bảy 12 Tháng 3, 9Am – 1 Pm thăm viếng
2 giờ Hạ huyệt

Kính báo để đồng hương tiện thăm viếng GS Nguyễn Ngọc Bích lần cuối.



.
.

Ý kiến bạn đọc
15/03/201605:15:17
Khách
Ai là tác giả bài viết này?
Có hơi cường điệu, hay căn cứ vào đâu khi viết "Và cảm xúc tràn ngập, làm GS Bích vỡ tim mà chết." ?

San Diego, Kalee4nah - Hoa Kỳ
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.