Hôm nay,  

Tập Nửa Vầng Trăng Ký Ức Ra Mắt, Hội Ngộ Văn Hữu

28/01/201600:01:00(Xem: 4598)

GARDEN GROVE (VB) – Nhà văn Lê Lạc Giao đã ra mắt tác phẩm mới của ông – tập truyện “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” – tại tư gia khoảng trung tuần tháng giêng, với tham dự của nhiều văn hữu thân tình.

Tác phẩm do nhà xuất bản Sống ấn hành, hiện đã phát hành trên mạng Amazon, và là tuyển tập thứ nhì của Lê Lạc Giao lưu hành trên mạng này, sau tuyển tập truyện ngắn đầu tiên là “Một Thời Điêu Linh” xuất bản năm 2013.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, người có một thời cùng học ở Đại Học Văn Khoa với nhà văn Lê Lạc Giao, nói rằng hạnh phúc là khi đọc tác phẩm của bằng hữu.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nói rằng ông đọc tập truyện mới của Lê Lạc Giao – “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” – kỹ càng, từng dòng chữ một, và khám phá ra những chuyển biến trong bút pháp của nhà văn họ Lê, đồng thời hiển lộ ra một cái nhìn về dòng lịch sử Việt, và trên các dòng chữ của Lê Lạc Giao là những ước mơ cho tương lai dân tộc.

Nhà phê bình Tô Đăng Khoa nói rằng tuyệt vời, tập truyện mới hay tuyệt vời. Nhà văn Phan Tấn Hải nói rằng tập truyện mới của Lê Lạc Giao xuất sắc, nhưng vẫn có một số bí ẩn trong dòng tuyện như thực, như mộng của họ Lê.

blank
Từ trái: Nguyễn Bá Tùng, Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa, Nguyễn Lương Vỵ. (Photo: PTH)

Tập truyện ngắn của Lê Lạc Giao được nhà văn Du Tử Lê ghi trong Lời Bạt, trích:

“…“Nửa vầng trăng ký ức” gồm 14 truyện ngắn, như 14 đường bay văn chương khác. Mỗi đường bay văn chương của họ Lê, trong tác phẩm mới nhất này, không chỉ một lần thêm, thực chứng tài hoa của một nhà văn kiểm soát được mức độ xung động tình cảm trong cuộc trường chinh chữ nghĩa, ở vai trò nhân chứng trong chiều dài lịch sử đầy biến động của một đất nước lầm than giúp cho mặt thẳm sâu của bất hạnh được hiển lộ.

Nói cách khác, với tôi, điềm tĩnh trước những trang viết của mình, là chìa khóa căn bản để định vị tài năng một nhà văn trước những trang viết của họ.

Nhưng, vẫn theo tôi, Lê Lạc Giao không chỉ làm cho văn xuôi của ông sinh động như những bức tranh với các gam màu đậm, nhạt khác nhau nhờ những chi tiết mà, một nhà văn, nếu không kiểm soát được xung động của mình, sẽ rất khó đạt tới.

Hơn thế nữa, qua 14 truyện ngắn trong “Nửa vầng trăng ký ức”, lần này, Lê Lạc Giao còn cho thấy ông thả tâm hồn mình xuống tận đáy sâu dòng sông dĩ vãng, để mang những trầm tích quá khứ lên khỏi mặt nước lãng quên - - Tôi muốn nói, những khía cạnh đặc thù của từng giai đoạn lịch sử, đời người: Những bi kịch, như những vạt than hồng, mà sức nóng thiêu đốt của nó có khả năng phỏng cháy tâm trí người đọc….

… Tôi tin, bạn đọc sẽ cảm nhận được hương-thơm-ngạtngào- của-nỗi-buồn. Những thơm thảo đời thường vẫn dành cho chúng ta, như một nửa vầng trăng, không chỉ có trong ký ức mà, ngay lúc này.

Nó cũng là những thơm thảo mà chữ, nghĩa Lê Lạc Giao hôm nay, mang lại cho chúng ta, qua tập truyện này, vậy.”(hết trích)

Trong phần Văn hữu Nhận định, Nguyễn Âu Hồng gọi Lê Lạc Giao là “cây bút nhân văn”…

Họ Nguyễn nhắc rằng ông đã từng đọc một truyện ngắn của Lê Lạc Giao viết cho Khởi Hành số 150 ngày 27-4-1972, và nhận ra rằng bút pháp Lê Lạc Giao sau hơn 40 năm đã, trích:

“Kỳ lạ thay, sau hơn bốn mươi năm bể dâu và xương máu, văn xuôi của Lê Lạc Giao có điêu luyện hơn, sâu sắc hơn, nhưng tầm nhân văn, cái bản gốc làm nội lực cho ngòi bút của anh vẫn không thay đổi. Anh vẫn kiên định con đường tư duy độc lập và hạnh phúc của tự do sáng tác…

…Hãy xem bốn mươi năm trước, lúc tuổi đôi mươi anh đã viết gì:

...để nhân loại có một phút giây nào đó cười với nhau thân thiện, siết chặt tay nhau trong niềm an ủi chóng vánh và không cần biết khoảng thời gian sau đó thế nào với họ. (Mặt Trời Buồn - Thư Quán Bản Thảo, số 62)

Và hãy xem bốn mươi năm sau, khi tuổi đời đã già dặn, anh đã viết gì:

…nghệ thuật hình thành trong tôi mang dần ý nghĩa cứu chuộc. Thế nên, sáng tác dưới bất kỳ khía cạnh nào đều mang ý nghĩa nhân bản. Dẫu biểu hiện nỗi chia lìa trong tình yêu, sự khốn cùng của đất nước, hay hoàn cảnh bất hạnh của con người, nghệ thuật bấy giờ cũng nói lên khát vọng được hàn gắn, xây đắp, và an ủi bằng nỗi niềm trắc ẩn của bản chất con người. (Con Bọ Trên Guồng Quay - Tập truyện Một Thời Điêu Linh).

Tuy là cây bút có tâm nguyện và nội lực mạnh như phún thạch, suốt gần nửa thế kỷ qua, Lê Lạc Giao không tự nhận mình là nhà văn. Ngoại trừ một ít bạn thân như Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu, Nguyễn Tôn Nhan…, văn giới cũng không gọi anh là nhà văn.

Không là nhà văn thì là Cây Bút Nhân Văn vậy.”(hết trích)

Trong khi Nguyễn Au Hồng gọi Lê Lạc Giao là cây bút nhân văn, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ gọi truyện của họ Lê đã làm phong phú hơi thở trong cuộc sống đương đại.

Nguyễn Lương Vỵ viết, trích:

“Nhà văn Lê Lạc Giao khởi sự viết văn từ lúc còn là sinh viên ở trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đầu thập niên 70 của thế kỷ hai mươi. Anh cũng là cựu sĩ quan quân lực VNCH. Sau biến cố 30.4.1975, anh “hưởng” 9 năm tù cải tạo, định cư tại Hoa Kỳ năm 1993 và hiện nay đang làm việc tại công ty Boeing với vai trò là một chuyên gia về dữ liệu (data specialist). Tuy rất bận rộn trong việc làm thường ngày, nhưng Lê Lạc Giao vẫn thu xếp, dành khoản thời gian còn lại để tiếp tục viết, với một nỗ lực sáng tạo rất bền bỉ và đầy nội lực.

Gần 10 năm sống ở quê nhà sau khi ra tù cải tạo, Lê Lạc Giao đã tận mắt chứng kiến những biến động, đổi thay trên quê hương. Dấu ấn đậm nét nhất trong tâm hồn nhà văn là những bi kịch, những nỗi đau của vết thương tâm âm ỉ kéo dài sau chiến tranh ở miền Nam. Cuộc chiến đã qua, nhưng nhân tâm vẫn ly tán, hoài nghi, mất định hướng do gọng kìm của chế độ toàn trị áp đặt lên đời sống của người dân, chẳng những làm cho vết thương tâm của quá khứ khó lành, mà còn có thêm những vết thương tâm mới vì sự đảo lộn những giá trị nhân văn, đạo đức xã hội căn bản nhất. Những ghi nhận của Lê Lạc Giao trên những trang văn đầy chất suy tư và tâm huyết đã tái hiện một cách trung thực khoảng không-thời gian một thời đã qua.

Những truyện ngắn của Lê Lạc Giao, trong từng khung ảnh đa sắc đa dạng, trong từng thước phim quay chậm, trong từng phận người long đong số phận của nhân vật, qua từng câu chuyện mà nhà văn đã ẩn mình trong đó, với tư cách vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân, đã tạo được sự đồng cảm sâu xa với người đọc. Điều đáng trân trọng nhất là, cái “tôi nạn nhân” Lê Lạc Giao không hề cực đoan, sân hận, thù hằn, để cho cái “tôi chứng nhân” Lê Lạc Giao đủ tỉnh táo, khách quan nhìn nhận, cảm nhận hiện tượng và bản chất của thực trạng xã hội. Đó cũng là phẩm chất, giá trị nhân văn sâu sắc trên những trang văn của Lê Lạc Giao.

Tóm lại, tập truyện “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” là một nỗ lực sáng tạo mới với nhiều trải nghiệm dày dạn, phong phú, được chắt lọc bằng cấu trúc, bút pháp linh động và tinh tế trong từng truyện, đã làm giàu thêm tính văn chương trong tác phẩm của Lê Lạc Giao. Rất mong sẽ tiếp tục đón nhận thêm những tác phẩm mới của nhà văn, chẳng những đầy ắp những ký ức, kỷ niệm, mà còn phong phú hơi thở trong cuộc sống đương đại.”(hết trích)

Nhà văn Phan Tấn Hải, đã viết qua bài “Nhìn Về Nửa Vầng Trăng...” dùng làm Thay Lời Tựa, ghi nhận về tập truyện mới của Lê Lạc Giao:

“…Đó là những truyện rất buồn, rất đẹp, gói trọn những nỗi đau tan tác của nhiều thế hệ Việt Nam trong thời nội chiến và hậu chiến – nơi đó, tôi nhìn thấy thế hệ của tôi hiện ra trên các dòng chữ.

Tập “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” của Lê Lạc Giao gồm 14 truyện ngắn, trong đó ba truyện lấy bối cảnh ngoài nước. Hầu hết bối cảnh truyện là các ngôi làng và thị trấn vùng cát trắng Miền Trung Việt Nam, và rồi Sài Gòn... Nơi đó, một số nhân vật chính trưởng thành với nắng gió và bị xô vào một cuộc nội chiến. Tác giả không viết về chiến tranh, nhưng trên trang giấy là nỗi đau của chiến tranh một thời hiện lên.

Xin mời đọc những trang giấy này, nhiều chữ có thể trượt qua, và trí nhớ chúng ta cũng không đủ để lưu giữ hết các nhân vật và biến chuyển cốt truyện.

Điều nhớ lại, một lúc nào đó, khi lái xe về nhà và trên đường, bạn chợt thấy một vầng trăng và sẽ nhớ lại một trang sách. Cũng như tôi, trong một ngày đầu tháng 12-2015. Sẽ không y hệt như vầng trăng của biển Nha Trang nơi tác giả thường nhắc trong tập truyện, cũng không hẳn y hệt vầng trăng mà cô bé Khanh, người bạn thời thơ ấu, nhìn thấy trăng vỡ trên mặt nước bàu Gáo... Và bạn biết đó, không vầng trăng nào y hệt vầng trăng nào.

Nhưng đây đúng là nửa vầng trăng ký ức nơi mỗi người. Một hình ảnh cô bạn gái thời thơ trẻ của chúng ta, thời không dám nắm tay nhau, thời không dám nhìn thẳng vào mắt nhau cho dù vẫn đi học bên nhau, vẫn ngồi cạnh nhau trong một niên học, hay vài niên học. Vẫn còn nhớ chứ, khi bạn thấy một vành nón lá nghiêng xuống che mặt, và cũng đủ kịp cho một tia mắt liếc vội.

Nửa thế kỷ sau, cũng hệt như tác giả Lê Lạc Giao, chúng ta ngẩng lên nhìn, chợt thấy nửa vầng trăng kia; đó là nửa vầng trăng mang hình ảnh một cô bạn thời xa xưa. Và rồi ước mơ, để sẽ chỉ cần một đêm, một đêm thôi, được ngồi lại bên nhau bên bờ sông ký ức; và rồi kéo nhau về, nằm bên nhau, gối đầu bên nhau, ngủ thiếp đi trong khi cửa sổ rọi vào ánh trăng mờ nhạt. Chỉ thế thôi. Và chỉ thế thôi. Chỉ để hai mái đầu hoa râm tựa vào nhau, tiếc cho thời tóc xanh, khi những bàn tay rụt rè một cách mơ hồ. Đó là những gặp gỡ tiền định, và rồi những xa nhau tiền định, và là mối tình vượt ra ngoài hiểu biết đời thường, vượt ra ngoài cảm xúc của thịt da.

Truyện của Lê Lạc Giao cho thấy vầng trăng mát lạnh cũng có âm vang trách móc, rằng tại sao những câu nói thời học trò tới nửa thế kỷ sau mới có thể hiểu được.

Một điểm dễ thấy trong truyện Lê Lạc Giao là hình ảnh những người khai phá, nơi đó ông nội của nhân vật chính trong truyện “Lối Cũ” từ miền Bắc Trung Bộ tiến về phương Nam – khi đi bộ, khi cỡi ngựa, nhắm bước về hướng Nam trong nhiều tháng, và ngừng chân làm nhà bên một dòng sông tỉnh Khánh Hòa. Nơi đó, ông nội của nhân vật chính cùng bạn hữu là những người vỡ đất đầy nghĩa khí, ưa thích uống rượu và đi quyền, múa kiếm nhưng vẫn quý trọng chữ thánh hiền, khi dạy con và trao truyền cả những ước mơ văn nghiệp và võ nghiệp.

Hình ảnh về thế hệ đầy nghĩa khí đi vỡ đất đó được Lê Lạc Giao so sánh như những “nốt nhạc, những trường canh dài vô tận trong cái ngắn ngủi của đời người mà anh đã trải qua”...

Những chữ đó ngắn gọn, và thơ mộng. Gói trọn những mấy trăm năm tiến về phương Nam khai phá, dựng nhà bên sông, làm ruộng và dạy con sống cho trọn đạo làm người.

Hồn dân tộc đã hiện thân trong chữ viết của Lê Lạc Giao, không phải qua các lý luận phức tạp, nhưng đó là trí nhớ thời thơ ấu về tiếng trống chầu giòn giã của ông nội “trong đêm hát bội, những chiếc thẻ tre thưởng tiền màu đỏ ông tung lên sân khấu...”

Đọc tới những dòng chữ đó, tôi đã ngưng lại, áp sát tai vào trang giấy, để nghe xem tiếng trống chầu đêm hát bội ra sao, và rồi tôi nghe tiếng tim mình đập nhẹ nhàng, khẽ khàng...”(hết trích)

Độc giả có thể đọc nhiều trang trong tập truyện để trên Amazon trước khi đặt mua. Xin vào Amazon.com, gõ chữ “le lac giao” hay gõ “nua vang trang ky uc”...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.