Hôm nay,  

Đại Lễ Tưởng Niệm 36 Năm Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu

21/06/199900:00:00(Xem: 6626)
LITTLE SAIGON.- Ngày 11-6-1963, nhằm ngày 20 tháng Tư nhuần, năm Quí Mão, Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Lê văn Duyệt-Phan Đình Phùng, Saigon, để cúng dường Đạo Pháp, phản đối việc nhà cầm quyền kỳ thị Phật giáo.
“Ba mươi sáu năm đã trôi qua, kể từ khi ngọn lửa được thắp lên. Từ đó đến nay, đất nước thay đổi chủ mấy lần mà bóng tối vẫn còn vây phủ quê hương, bạo ác thì vẫn hoành hành trên sự sống của người dân Việt.” Hòa Thượng Thích Mạn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nói vậy khi chứng minh buổi đại lễ tưởng niệm Bồ Tát Quảng Đức, được tổ chức trưa chủ nhật 19-6-99.
Đây là lần đầu tiên một đại lễ tưởng niệm Bồ Tát Quảng Đức được tổ chức trọng thể tại chùa Việt Nam, Orange County — ngôi chùa do chính vị đích tôn của Bồ Tát là Thượng Tọa Thích Pháp Châu xây dựng và trụ trì— với sự tham dự đông đủ các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa và Chư tôn đức cùng quan khách và Phật Tử.
Đích thân thị trưởng Garden Grove, Ông Bruce Broadwater đến dự và phát biểu về sự Tự Do Tôn Giáo. Ông nói rằng, sự tiến triển sẽ bị cản trở vì không có tự do và công bằng thì sẽ làm cho giữa người dân và chính quyền không thể có được sự hòa đồng hài hòa....
Giáo sư Trần Văn Chi, đại diện ban tổ chức, đã chào mừng quan khách và trân trọng đề nghị: Trong bầu không khí trang nghiêm ngày hôm nay, chúng tôi kính đề nghị năm sau và tiếp theo sau nữa “Lễ Tưởng Niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức và chư vị tiền bối” phải được duy trì và kính đề nghị khắp nơi cùng làm. Hãy chọn ngày này tháng 6 là ngày Bồ Tát Thích Quảng Đức”- một vị Bồ Tát Việt Nam.
Thượng Tọa Thích Pháp Châu, viện chủ Chùa Việt Nam Orange County, với tư cách là đích tôn của H.T Thích Quảng Đức, đã đọc tiểu sử của Bồ Tát Thích Quảng Đức: Ngài tên là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, Quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nơi nổi tiếng nhiều gió nên gọi là Xứ Tụ Phong (Tu Bông).
Năm 15 tuổi, Ngài thọ Sa Di, 20 tuổi, thọ Tỳ Khưu và Bồ Tát Giới, pháp danh Thị Thủy, pháp tự là Hành Pháp, hiệu là Thích Quảng Đức.
Sau khi thụ giới Ngài lập thất tu ba năm trên núi ở Ninh Hòa, sau đó xây dựng ngôi chùa tên Thiên Lộc. Ngài lại rời chùa, viễn du hóa đạo, một mình với chiếc bình bát theo hạnh đầu đà. Sau hai năm, mãn nguyện, Ngài về nhập thất tại Chùa Thiên Ân.
Năm 1932, An Nam Phật Học ra đời, Đại Lão Hòa Thượng Hải Đức, đến tận nơi Ngài đang nhập thất, mời Ngài về chứng minh đạo sư tại chi hội Phật Học Ninh Hòa, sau đó Ngài nhận nhiệm vụ kiểm Tăng tại Tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo miền Trung, Ngài đã kiến tạo và trùng tu 14 chùa. Năm 1943, rời miền Trung vào Nam, Ngài đi hóa đạo khắp vùng Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bà Rịa, Hà Tiên, Cai Lậy và đến Nam Vang 3 năm để nghiên cứu kinh điển Pali.
Năm 1943, Ngài giữ chức Trưởng Ban Nghi Lễ tại Giáo Hội Tăng Già VN và kiêm chức Trụ Trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội.
Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam và Nam Vang, Ngài đã khai sơn và trùng tu 17 cảnh chùa, ngôi chùa cuối cùng nơi Ngài Trụ Trì là chùa Quán Thế Âm, số 68 Nguyễn Huệ, Phú Nhuận.
Ngày 20 tháng 4 nhuận, năm Quý Mão, để tranh đấu cho chính sách bình đẳng tôn giáo và sự tôn trọng lá cờ Phật Giáo cùng sự thực thi 5 nguyện vọng chơn chính của Phật Giáo, Ngài quyết định thực hành hạnh nguyện cúng dường nhục thân cho Phật Pháp và nguyện vọng chính đáng của Phật Giáo, đồng thời cũng để giải tỏa cho ba ngôi chùa ở Huế đang bị vây khốn.

Sự thi tịch của Bồ Tát Quảng Đức có những điều kỳ diệu: Khi lửa cháy phủ người, Ngài vẫn ngồi như tượng đồng đen, tay kiết ấn, chân ngồi kiết già, không hề lay chuyển. Khi trà tỳ, xương thịt cháy hết, nhiều mẫu xương phát ra những mầu sắc tốt đẹp. Đặc biệt quả tim không cháy, mặc dù đã đưa vào lò thiêu tới hai lần....”
Khi công đức Bồ Tát Quảng Đức được vị đích tôn kể tới đoạn này, quan khách và chư Phật Tử đều tôn kính chắp tay thành tâm đảnh lễ. Sau phần tiểu sử, ngọn lửa từ Bồ Tát Quảng Đức còn được thể hiện qua bài thơ Đuốc Từ Bi của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, qua giọng ngâm của một huynh trưởng Phật Tử.
Trong không khí trang nghiêm, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, khi ban “Đạo Từ” cho buổi lễ, đã nhấn mạnh về ý nghĩa từ ngọn lửa của Bồ Tát Quảng Đức:
“Đó là ngọn lửa đã khiến cho cả thế giới cùng nhìn về Việt Nam để thấy rõ một sự thực: Phật Giáo Việt Nam bị đàn áp, bị đối xử một cách kỳ thị, bất công. Nhưng sự kiện có ý nghĩa hơn, khi ngọn lửa đã soi sáng lương tâm của con người để khiến cho cả thế giới bấy giờ bàng hoàng xúc động mà nhận ra một sự thực cao quý hơn hơn ở con đường đấu tranh của Phật Giáo Việt Nam: Đó là, Phật Giáo Việt Nam đã không lấy hận thù để đáp lại hận thù, không kêu gọi bạo động để trả lời những đàn áp bạo động. Phật Giáo Việt Nam chỉ muốn lấy cái khổ đau của chính mình để thức tỉnh lương tâm của những người gây khổ, lấy chính thân mình làm ngọn đuốc để soi sáng đường đi cho dân tộc. Phật Giáo Việt Nam không đòi hỏi ai phải hy sinh ngoài chính mình phải hy sinh...
Hòa Thượng nhấn mạnh: “Những kẻ sống bằng thù hận, bạo ác như vẫn không chịu hiểu rằng, hận thù bạo ác chỉ kêu gọi hận thù bạo ác, và đó là thảm họa của dân tộc ta trong mấy mươi năm nay...”
Trong khi tưởng niệm 36 Năm Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu, buổi lễ cũng dành một phần chương trình để nhiều vị diễn giả nhắc nhở tới công đức của các vị tiền bối đã góp phần phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Nhân Sĩ Trần Văn Kha phát biểu về bối cảnh của VN năm 1963, đưa đến sự tự thiêu của H.T Thích Quảng Đức.
Tiến Sĩ Nguyễn Phúc Bửu Tập nói về đề tài “Phong Trào Chấn Hưng Đạo Phật 1920-1950”. Vinh danh từ Hội Phật Học Nam Việt và Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội An Nam Phật Học Trung Kỳ và Cụ Lê Đình Thám đến Bắc Kỳ Phật Giáo và Công Cuộc Chấn Hưng ở Miền Bắc với sự đóng góp của các Cụ Nguyễn Trọng Thuật, Cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim, Cụ Ưu Thiên Bùi Kỷ, Cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh. Bài soạn rất công phu và hấp dẫn.
Bác Sĩ Nguyễn Tường Bách nói về Văn Hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã có công lớn trong việc phát huy nền văn hóa dân tộc với Phật Giáo Việt Nam.
Cựu Thiếu Tướng Trần Văn Nhựt, nói về cuộc đời hoạt động của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, mở đầu bằng sự nhắc nhở bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của cố Giáo Sư: “Họ là những anh hùng không tên tuổi, Sống âm thầm trong bóng tối vô danh”, đã được in trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư trước năm 1975.
Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, nhân ngày kỷ niệm này, đã nhắc nhở tới Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục vừa mới ra đi, cố giáo sư đã có nhiều tác phẩm đóng góp cho văn hóa Phật Giáo.
Bác Sĩ Võ Văn Tùng, Phó Chủ Tịch Ban Trị Sự chùa Phật Giáo Việt Nam đã cảm tạ quan khách cùng đại chúng và giới thiệu đại diện của Dân Biểu Ken Maddox đã tặng bằng khen cho Chùa Việt Nam đã có công vinh danh cho những người đã hy sinh cho đạo pháp và dân tộc.
Buổi lễ được kết thúc bằng một Lễ “Dâng Hoa Cúng Dường của Gia Đình Phật Tử” và Lễ niệm hương, cầu siêu, tôn vinh các bậc Tiền Bối Hữu Công với đạo Phật, do Hòa Thượng Thích Mãn Giác chủ Lễ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.