Hôm nay,  

Hội Thảo 5/8 Ở Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia: Nhìn Lại Chiến Tranh Việt Nam

13/08/201400:00:00(Xem: 2566)
Bởi ngày 5 tháng 8 cách đây đúng nửa thế-kỷ (1964) Quốc-hội Mỹ đã thông qua Nghị-quyết về Vịnh Bắc-Việt (The Gulf of Tonkin Resolution) với tỷ-lệ áp-đảo 99.6 phần trăm (chỉ có hai phiếu không thuận trên 500 phiếu), cho phép Tổng-thống Lyndon B. Johnson đưa quân ồ ạt vào miền Nam VN (tháng 3/1965) nên cũng đúng ngày 5/8 năm nay, một cuộc hội-thảo đã được tổ-chức tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (National Press Club) ở ngay thủ-đô Washington của Hoa-kỳ nhằm duyệt lại “Chiến-tranh VN,” cuộc chiến lâu nhất mà Mỹ đã tham-gia trong lịch-sử.

Tổ-chức bởi Vietnam Veterans for Factual History (Cựu-chiến-binh tham-chiến ở VN đi tìm sự thật lịch-sử qua các dữ-kiện), buổi hội-thảo đã thu hút được sự chú ý của không ít cơ-quan truyền-thông cả Mỹ lẫn Việt, có lẽ vì kinh-nghiệm của Mỹ trong chiến-tranh VN vẫn còn những bài học cho chính-trị, ngoại-giao của Hoa-kỳ cho đến tận ngày hôm nay.

Nói như một diễn-giả trong cuộc hội-thảo, ông Nguyễn Ngọc Bích, chiến-tranh VN không hẳn là đã kết thúc mà thực-sự là đã bị bỏ dở dang (“left unfinished”). Sau khi Mỹ rút ra, Hà-nội đã phải thọ địch hai đầu: Pol Pot ở phía Tây-nam và Đặng Tiểu-bình ở phía Bắc. Cũng do vậy nên khi Trung-Cộng xâm lấn ở Biển Đông hay đưa giàn khoan 981 vào vùng biển VN thì Mỹ cũng phải trở lại, như Tổng-thống Obama đã “quay gót” về Á-đông.

Nguồn gốc của “chiến-tranh VN”

Ở Mỹ người ta gọi “chiến-tranh VN” là giai-đoạn có người Mỹ tham-gia trực-tiếp vào cuộc chiến. Nhưng đích-thực một cách gọi chính-xác hơn phải là “chiến-tranh Đông-dương lần thứ hai” sau cuộc “chiến-tranh Đông-dương lầ thứ nhất” trong đó Việt-Minh lãnh-đạo một cuộc kháng-chiến chống Pháp kéo dài 9 năm. Tại sao nên gọi hai cuộc chiến đó là hai cuộc “chiến-tranh Đông-dương”? Bởi trước hết vì cả hai cuộc chiến diễn ra trên toàn cõi Đông-dương chứ không thuần-túy chỉ giới-hạn vào VN. Có hiểu như thế ta mới hiểu được một hiện-tượng như đường mòn Hồ Chí Minh mà 5/6 nằm trên lãnh-thổ Lào và Miên. Có hiểu như thế, ta mới hiểu được cuộc chiến tiếp-diễn giữa hai đảng CS Miên (của Pol Pot) và Việt, mà có người gọi là “chiến-tranh Đông-dương lần thứ ba,” kéo dài thêm 14 năm sau 1975 (tới tận 1989) với những kết-quả tàn khốc.

Diễn-giả đầu tiên tại cuộc hội-thảo, Giáo-sư Bob Turner thuộc Viện Đại-học Virginia, đã bằng vào nhiều tài-liệu mà ông có đem theo để chứng minh rằng những lập-luận của những người những năm xưa chống chiến-tranh VN, như đương-kim Tổng-trưởng Ngoại-giao John Kerry hay nữ-tài-tử Jane Fonda, là hoàn-toàn vô-căn-cứ. Bây giờ xem lại, ta không thể tưởng tượng được là nhiều người phản-chiến lúc bấy giờ đã dựng đứng câu chuyện như thế nào. Tỷ như ông John Kerry hồi đó ra trước Ủy-ban Ngoại-giao Thượng-viện Hoa-kỳ và tuyên-bố là từ “60 đến 80 phần trăm” các quân-nhân Hoa-kỳ ở VN “đều say túy lúy 24 giờ một ngày” và họ hành-động “làm ta nhớ đến Thành Cát Tư Hãn” của Mông-cổ ngày xưa. Ba mươi năm sau, trả lời trong chương-trình Meet the Press trên truyền hình, ông đã phải công-nhận những lời tố-cáo “diệt chủng” và trọng-tội do lính Mỹ đều đều phạm phải “là những lời lẽ của một thanh-niên giận dữ” để kết-luận là “binh lính của ta [ở Việt-nam], nói chung, đã hành xử cao cả như trong bất cứ trận chiến nào” (“our soldiers served as nobly, in the whole, as in any war…”).

Còn Jane Fonda thì sang tận Hà-nội và lên đài phát thanh của Hà-nội để kêu gọi các binh sĩ Mỹ hãy cưỡng lại mệnh-lệnh vì những đạn dược của Mỹ gồm đầy hóa-chất độc-hại bị [thế-giới] coi là “bất hợp pháp” và có thể dẫn họ đến chỗ sẽ phải ra trước tòa án quốc-tế về trọng-tội trong chiến-tranh. Bởi thế nên ngày nay cô ta mới bị gọi là cô “Jane phản thùng.”

Theo ông Turner, những người phản-chiến không nhìn ra là khi Hoa-kỳ ồ ạt đưa quân vào VN là lúc Lâm Bưu ở Trung-quốc đang kêu gọi các quốc gia nhỏ trên thế-giới hãy liên-kết lại với nhau để thành như “nông-thôn bao vây thành thị” và cũng là lúc Cộng-sản sắp lật đổ chính-quyền Sukarno ở Nam-dương. Nếu chuyện này xảy ra thì tình-hình Đông-Nam-Á đã đổi thay toàn-diện. Chính sự tham chiến của Mỹ ở VN đã mua được thời-gian để cho các đồng-minh Mỹ trong vùng, như Thái-lan và Nam-dương sau năm 1965, đã trở thành những quốc gia vững mạnh mà không bị đổ như những quân cờ Domino (điều lo ngại của Tổng-thống Eisenhower).

Trái lại, vì Mỹ bỏ cuộc ở Việt-nam mà một thời-gian Cộng-sản tung hoành ở khắp nơi, từ Âu sang Á, sang cả Phi-châu (với quân Cuba sang đánh nhau ở Angola) và vườn sau của Mỹ ở Trung-Nam-Mỹ cũng như Trung-Đông (Afghanistan, Iran). Nhưng kinh khủng nhất là hậu-quả kinh khiếp ở ngay Việt-nam và Campuchia: gần 1/3 dân-số (khoảng 2 triệu người) bị giết ở xứ Chùa Tháp còn ở VN thì hàng trăm nghìn người bị đưa đi học tập cải tạo, hàng triệu người bị đưa đi kinh tế mới, cả triệu người bỏ nước ra đi (ít nhất 400,000 bị chết dưới đáy biển), cả nước đi vào những đêm tăm tối của thời “bao cấp.”

Chiến-tranh VN có “bất khả thắng” không?

Trong những lời chỉ-trích sự tham chiến của Mỹ vào chiến-tranh VN thì có ba lập-luận được đưa ra: cuộc chiến đó “bất hợp pháp, vô luân, và bất khả thắng” (“illegal, immoral, and unwinnable”). Nếu G.S. Bob Turner đã trả lời được một cách hùng-hồn lời tố-cáo là cuộc chiến đó “bất hợp pháp” thì cựu-Đại-tá Andrew Finlayson đã dùng ngay những tiết-lộ sau này của chính phía CS để chứng minh là cuộc chiến “có thể thắng được” chứ không phải là “bất khả thắng” như ký-giả nổi tiếng Walter Cronkite đã tuyên-bố ở Huế khi ông sang VN sau trận Tết Mậu Thân. Tỷ dụ, ông dẫn lời cựu-Đại-tá Bùi Tín tuyên-bố với tờ Wall Street Journal là Bắc-Việt rất lo ngại chuyện Mỹ đánh sang đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào vì chuyện đó sẽ chặn đứng được con đường chủ-yếu tiếp liệu cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.


Một thí-dụ khác do ông Bích đưa ra là lời thú của một ông tướng Bắc-Việt chuyên lo về tiếp-tế trên đường mòn Hồ Chí Minh. Vẫn theo ông Bích, vị tướng này đã đòi ông Bùi Tín phải tuyệt-đối giữ bí-mật này cho đến ngày xuống mồ: theo ông tướng BV, Mỹ chỉ cần đem một sư-đoàn đánh lên Vinh là tất-yếu toàn-bộ Quân-đội Nhân-dân miền Bắc sẽ phải rút về để bảo vệ miền Bắc, và như vậy thì cuộc chiến của người CS sẽ chết khô, chết héo ở Miền Nam vì thiếu yểm-trợ từ “hậu-phương” miền Bắc.

Ông Bích còn nói: Mỹ sợ Trung-Cộng tham chiến nhưng mặc dù Mỹ không đánh sang đường mòn HCM ở Lào cũng như không đưa quân lên vùng lòng chảo của miền Bắc, Trung-Cộng cũng vẫn đã từng đưa 320 nghìn quân sang VN tham chiến để cho phép các đơn-vị chính-quy của Hà-nội có thể rời miền Bắc dồn hết sức lực vào Nam như trong chiến-dịch Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và đặc-biệt trong chiến-dịch Hồ Chí Minh (khi Hà-nội chỉ giữ có một sư-đoàn ở lại miền Bắc). Thành thử Mỹ đã bỏ lỡ hơn một cơ-hội đánh bại Miền Bắc trong mưu-đồ xâm-chiếm miền Nam.

Còn vấn-đề “ai thắng ai”

Nói đến vấn-đề “vô luân” (“immoral”) thì theo ông Nguyễn Ngọc Bích, một trong ba diễn-giả chính, ta cần phải nói rõ thế nào là “vô luân” hay “vô đạo đức” trong chiến-tranh bởi ít khi mà lại có một cuộc chiến “có đạo đức.” Nói cách khác, trong tiếng Việt người ta thường nói đến “chính-nghĩa” và do đó, theo ông Bích, vấn-đề là trong chiến-tranh Việt-nam bên nào có chính-nghĩa và bên nào không? Về phương-diện này thì ông Bích đã dẫn ngay nữ-văn-sĩ Dương Thu Hương khi bà nói trong một cuộc phỏng vấn với ký-giả Đinh Quang Anh Thái: “Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ… nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua một chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc VN phạm phải.”

Rồi ông nhắc đến những chứng-nhân khác như ông Bùi Tín, cựu-Đại-tá Quân-đội Nhân-dân và phó-Tổng-biên-tập của tờ Nhân Dân Chủ Nhật. Hay ông Võ Văn Kiệt cũng phải công-nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn.” Chứng tỏ là ông Kiệt công-nhận là có hai phe tranh chấp về chính-nghĩa trong cuộc chiến ở VN.

Để cuối cùng có những người như ông Nguyễn Hộ thẳng thắn thú nhận lả phe CS sai hoàn-toàn hay Nguyễn Văn Trấn, “con hùm xám Chợ Đệm,” tố-cáo là không có cái gì là “tư tưởng Hồ Chí Minh” cả, như chính ông Hồ đã xác-nhận ở Đại-hội Đảng CSVN lần thứ hai vào năm 1951.

Để chứng minh sự dã-man vô-nhân-đạo của người CSVN, ông Bích đã đưa ra trường-hợp Cải cách ruộng đất. Trong khi CCRĐ chỉ xảy ra trong có ba năm (từ 1953 đến 1956, tức là trong đó có hai năm hòa-bình) và trong một nửa nước, số nạn-nhân của nó đã lên tới 172.008 người trong số đó có 123.266 người bị quy oan là “địa-chủ” và “phú-nông.” Nghĩa là cứ 4 người thì đã tới 3 người bị giết oan. Và đây cũng là trường-hợp người Việt giết người Việt, hàng xóm giết láng giềng dù như những người này không có một tấc sắt trong tay. So với số người mất mạng trong chín năm chiến-tranh Việt-Pháp, chúng ta mới thấy hết sự kinh hồn của chiến-dịch CCRĐ ở miền Bắc: trong 9 năm này, phe Quân-đội Pháp, có súng trong tay nghĩa là có thể bắn trả, cũng chỉ mất có 75 nghìn người. Tóm lại, vụ CCRĐ trong 3 năm hòa-bình người Việt giết người Việt (không khác gì Pol Pot giết đồng-bào của ông ta ở Miên) khoảng 2 lần rưỡi số địch-quân chết trong 9 năm chiến-tranh.

Ông Bích còn làm cho nhiều người trong cử tọa thích thú khi để chứng minh “ai thắng ai,” ông đã đọc những câu vè bất hủ trong kho tàng văn-học dân-gian thời nhà Cộng. Cuối cùng, ông đã lấy ngay thí-dụ của cuộc hải-chiến Hoàng-sa anh-dũng của Quân-lực VNCH với 74 chiến-sĩ hy sinh để bảo vệ biển đảo VN. Theo ông Bích, sự-kiện đồng-bào ở Hà-nội ngay từ năm 2011 đã đem hình Trung-tá Hải-quân Ngụy Văn Thà và tên tuổi của 73 chiến-sĩ hy sinh trong trận Hoàng-sa đi giữa đường Hà-nội là một minh-chứng rõ ràng nhất người dân trong nước giờ đây công-nhận chính-nghĩa của Miền Nam, tức VNCH.

Cũng nhân cơ-hội này, ông Bích đã phổ-biến, ngoài bài nói chuyện 8 trang của ông, mấy tài-liệu của Ủy-ban Lâm-thời VNCH như bản Tuyên-ngôn ngày 14/5/2014 chống việc Trung-Cộng đưa giàn khoan 981 vào vùng biển VN hay bài Phản-biện lập-trường của TC phổ-biến tại LHQ về vụ Giàn khoan 981, đưa ra từ ngày 18/6/2014. Những tài-liệu này đã được đón nhận một cách rất sốt sắng bởi nhiều người trong cử tọa lên xin ba tài-liệu ông Bích mang đến.

Sau buổi nói chuyện và những trao đổi khá hào hứng với cử tọa, nhiều nhà báo đã lên liên-lạc với ông Bích để xin phỏng vấn (như ký-giả Lâm Kim Thu của VietTV, hay ký-giả người Nhật Noriyuki Yamaguchi của TBS News-tức Tokyo Broadcasting System International) hoặc trao đổi. Ký-giả kỳ-cựu Sol Sanders và ông Roger Canfield, tác-giả của cuốn sách trên 2000 trang về phong trào phản-chiến Mỹ mà ông gọi là “Ameri-Cong,” đã lên ủng-hộ lập-trường của ông Bích đưa ra. Và hãng C-SPAN cũng đã thu buổi hội-thảo từ đầu chí cuối và họ hẹn sẽ chiếu lên toàn-bộ cho bà con xem trong nay mai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.