Hôm nay,  

Phụ Tá Đạt Lai Lạt Ma Tiếp Xúc Với Phật Tử Quận Cam

28/06/199900:00:00(Xem: 7387)
Vài nét giới thiệu về Tiến Sĩ Phật Học Chusang Rinpoche.
Tiến Sĩ Phật Học Chusang Rinpoche, Tu Viện trưởng Tu Viện CHUSANG ở Nepal, cùng Đại Đức Lobsang Jinpa và vị Thư Ký dân sự Ngoedup Tsering, nhân chuyến qua Mỹ nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự của Đại Học Trinity, đã ghé lại Quận Cam và tiếp xúc với Phật Tử lần đầu tiên ở Quận Cam vào lúc 7:30 chiều Thứ Tư ngày 23 tháng 6 năm 1999 tại chùa Liên Hoa, Garden Grove. Ngài là vị Rinpoche hóa thân 5 lần, tu học trên hai mươi năm, đỗ bằng Cao Học Phật Pháp (Gheshe Degree- Doctor of Buddhist Philosophy) năm 1989. Ngài hiện được đề cử là một phụ tá cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trong công việc hoằng pháp. Vì thế Chusang Rinpoche rất bận rộn với công việc Phật sự.

NÓI VỀ NGHIỆP VÀ DUYÊN
Lời nói đầu tiên của Chusang Rinpoche là do một duyên lành kết với một Phật Tử Việt Nam từ năm 1993, hôm nay Ngài có cơ hội gặp và thăm Phật Tử Việt Nam. Ngài rất mừng nhận thấy trong đại chúng đi nghe Pháp hôm nay, có đủ mọi tuổi tác, có cả cụ già, người trẻ. Ngài khuyến tấn tất cả Phật tử nên thường nghe Pháp, nên thường tụng kinh, để hiểu biết thêm về Phật pháp và để sự hành trì lời Phật dạy được chuyên cần tinh tấn hơn.
Trong thế giới này có rất nhiều tôn giáo. Có tôn giáo tin rằng có một vị Thượng Đế tạo ra thế giới này. Phật giáo tin rằng thế giới này được tạo ra do những nghiệp duyên ràng buộc mọi người với nhau. Sự hiểu biết chân chánh về Phật pháp giúp ta am tường hơn về luật nhân quả, về nghiệp, về duyên. Người làm điều xấu thì nghiệp xấu sẽ đến, không thể tránh được. Mình tạo duyên nào, mình hưởng nghiệp đó, không nên đổ tại người khác. Nếu ta có nghiệp khó khăn trong đời này, chúng ta phải hiểu chúng ta có làm điều gì trong đời trước mới dẫn dắt đến nghiệp này. Nghiệp quả như trái cây, đã đến tình trạng ra trái thì không thể ngưng được. Tạo nghiệp lành có thể dẫn dắt ta đến Phật pháp, và tạo nghiệp dữ cũng có thể dẫn dắt ta đến Phật pháp, để được chuyển hóa.
Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều người có tâm tốt, làm nhiều việc tốt, mà cuộc đời cứ chịu lận đận lao đao. Trong khi có những người làm việc không tốt, như người đồ tể chẳng hạn, lại có vẻ có cuộc sống thoải mái" Trong gia đình, có những đứa con lớn lên chuyên tạo chuyện buồn phiền cho cha mẹ, mặc dầu cha mẹ đã hết lòng hy sinh cho con. Tại sao như thế" Tại vì quả tốt hay xấu đều do nơi tâm ta tạo ra. Mỗi phút trong cuộc đời, hành động, lời nói của ta tạo rất nhiều quả. Lời nói, cách nói, tư tưởng trong đầu ta, có thể gây tổn hại cho người khác. Đó là quả xấu trong tương lai. Các quả xấu này, hiện tại bây giờ không có ảnh hưởng đến các quả hiện tiền, thế nên, người tốt mới chịu khổ, và người dữ được sung sướng.
Chusang Rinpoche nói các Phật tử cùng Ngài gặp gỡ hôm nay là do các duyên lành từ trước. Vậy làm sao tạo duyên lành để ra quả lành"

THỰC HÀNH LỜI PHẬT DẠY
Phật dạy chúng sanh ai cũng có từ tâm. Có 3 yếu tố gây phiền não khổ đau, đó là: tham, sân, si. Phật pháp là con đường dạy chúng sanh thực hành lời Phật dạy để giảm và giải thoát khỏi khổ đau.
Làm sao thực hành lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày" Lấy thí dụ sân hận gây cho ta sự khổ đau. Sự nổi giận cho ta cảm tưởng ta mạnh hơn, ta có thể chống cự với người khác. Nhưng suy cho cùng, sự nổi giận đó không giúp được ai, kể cả chính ta. Ngược lại, sự hiểu biết lời Phật dạy một cách chân chính, giúp ta xem đó là một cơ hội để thực tập hạnh nhẫn nại, hạnh nhẫn nhục.


Mọi sự, mọi pháp trong đời đều vô thường, không có gì là thường trụ, là chặt cứng cả. Sự tu tập có thể chuyển hóa được khổ đau. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có nhiều cơ hội thực tập hạnh nhẫn nhục. Ngồi thiền không, không đủ để đối trị cơn giận. Niệm Phật, lần chuỗi, đi nghe pháp, thực hành lời Phật dạy v.v... đều là những phương pháp chuyển hóa sự khổ đau đến từ nghiệp.
Phật dạy chúng sanh phát Bồ Đề Tâm, thương mọi người, mọi loài, mọi giới. Đây là một hạnh nguyện lớn, vì ngay trong gia đình nhỏ của chúng ta cũng có những tranh chấp bất hòa chứ đừng nói đến đại gia đình ở cõi thế gian này.

THANH TỊNH HÓA THÂN VÀ TÂM
Sám hối, lễ lạy Phật, cúng dường chư Phật là những sự thực hành khác để chúng ta thanh tịnh hóa thân và tâm, trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ sự thanh tịnh đó mà ta phát triển được Như Lai Tánh hay là Phật tánh nơi tâm của ta. Các vị tu sĩ Cao học Phật, Gheshe, mỗi tối trước khi đi ngủ, phải kiểm điểm tâm và hành động, để sám hối. Có nhiều cách sám hối, lạy sám hối, lần tràng hạt, đi hành thiền sám hối v.v... đều tốt cả.
Quỳ lạy Phật, để cúng dường Phật là cách thanh tịnh hóa thân. Có 3 cách lạy: lạy thân nằm sát đất, lạy quỳ gối và chắp tay lạy.
Rinpoche Chusang nói rằng ngài và các bậc Giảng Sư khi giảng Pháp cho đại chúng, thường ngồi trên ngai, hay trong Kinh Pháp Hoa gọi là Tòa Như Lai. Trước khi ngồi, các vị thường lạy Tòa ngồi để cúng dường Tâm và xin sự đồ trì trước khi giảng Pháp. Tại sao các Pháp sư phải lạy ngai hay tòa ngồi" Tại vì đó là phương pháp tự tiết giảm cái ngã, không để tự ngã dâng lên. Vì các ngài Giảng Sư vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, phải có Tâm Như Lai, để giảng Pháp Như Lai.

HỘI THIỆN NGUYỆN VÔ VỤ LỢI MERIT FIELD
Một trong những giấc mơ của Chusang Rinpoche là thành lập và hướng dẫn một Hội Thiện Nguyện Vô Vụ Lợi, MERIT FIELD, gọi là Ruộng Phước Điền, để Phật Tử có cơ hội tạo công đức cho thửa ruộng phước điền của mình. Nơi đó, quý Phật Tử có thể học Phật pháp, cầu nguyện, tu tập, làm công tác xã hội giúp các người nghèo khổ, vô gia cư, các nước bị nạn đói đe dọa, các ngươibị tù đàyv.v... không phần biệt màu da, chủng tộc. Hội sẽ cần rất nhiều bàn tay giúp đỡ. Rinpoche có thể mời nhiều Giảng Sư cao cấp về Phật Học, có thể mời Đức Đạt Lai Lạt Ma, về giảng Pháp cho Phật tử nghe.
Nói tóm lại, chúng ta nương tựa vào Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, và chúng ta nương tựa vào nhau để tu tập lời Phật dạy. Chúng ta có cả một cuộc đời để hành trì lời Phật dạy. Chúng ta hành trì với một sự hiểu biết chân chính là chúng ta không mong cầu kết quả hiện tiền, kết quả liền lập tức. Nhiều người Tây phương có đầy đủ tiền tài, của cải, họ bỏ hết, chạy qua Nepal, qua Ấn Độ, để tìm kiếm cái gì" Họ tìm kiếm một điều mà họ không có, mà Rinpoche và các vị Phật tử đã có. Điều đó là: sự hiểu biết và sự thực hành lời Phật dạy một cách chân chính.
Lời chót nhắn nhủ của Chusang Rinpoche là xin quý vị Phật tử tinh tấn hành trì lời Phật dạy.

Địa chỉ liên lạc tại Nepal:

DR S. CHUSANG RINPOCHE (Ph.D)
CHUSANG MONASTERY
G. P. O. BOX 12350, Boudha Nath,
JORPATI, CATHMANDU, NEPAL
Điện thoại: 478029. Fax: 977.1.478029
E-mail: Chusang@Wlink.com.np hoặc Chusang@hotmail.com
Điện thoại liên lạc tại Mỹ: Người nhận message tên là Thupten Ginpa- (949)552-9002.
Mọi cúng dường, bảo trợ, liên lạc, xin quý Phật Tử gửi theo địa chỉ trên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.