Hôm nay,  

Buổi Ra Mắt Sách Ngày Thứ Bảy 14 Tháng 6 2014 Tại Sceaux- France

19/07/201400:10:00(Xem: 4023)

Chương trình Buổi ra mắt sách ngày thứ bảy 14 tháng 6 2014 tại SCEAUX- FRANCE

*

TRẦN VĂN THẠCH (1908-1945)

cây bút chống bạo quyền áp bức

Dẫn chương trình : Đặng Mai Lan và Kim Hương

*

14-14g30 Tiếp đón thân hữu và diễn giả

14g30-16 g00 Mai Lan và Kim Hương khai mạc chương trình

.

Phần I

Quỳnh Dao giới thiệu tác giả Trần Mỹ Châu

Phan Thị Trọng Tuyến giới thiệu tác phẩm

Từ Dung giới thiệu Văn Nghệ : Silicon Band

Ký tên sách - giải lao

.

16g00-17h30 Phần II

Tham Luận và trao đổi với các diễn giả :

Ông Trần Thanh Hiệp

Thay thế Ý Thức Hệ bằng Văn Hóa Chính Tri

Ông Vũ Thư Hiên

Những người trotskistes - tấn bi kịch Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Trần

Mạng ấy yểu nhưng danh ấy thọ

17h 30 -18 h 30 Văn Nghệ Silicon Band - Ký tên sách - giải lao

18h 30 Chấm dứt chương trình

.
blank

Bản tường thuật

Phan Thị Trọng Tuyến

Về buổi ra mắt sách tại Sceaux ngày thứ bảy 14 tháng sáu tại Sceaux từ 15g 15 đến 18h30.

**

Vì lý do ngoài ý muốn, chương trình thật sự bắt đầu sau hơn 15 giờ. Cho nên có những phần bài viết bị thu ngắn chút ít với sự đồng ý trước của các diễn giả.

Bây giờ trong bài viết này chúng tôi xin ghi lại toàn văn các bài nói của chị Trần Mỹ Châu và giáo sư Nguyễn Văn Trần, bản tóm tắt của chúng tôi phần tham luận cùng trao đổi với khán giả và các bài tham luận luật sư Trần Thanh Hiệp và nhà văn Vũ Thư Hiên (được các tác giả xem lại) .

Chúng tôi kết thúc bản tường trình bằng bài phát biểu của nhà văn Vũ Huy Quang và Phan Thị Trọng Tuyến (đã bỏ vì thiếu giờ) bài sau này có sửa chữa và thêm vài chi tiết.

Một lần nữa thay mặt tác giả Trần Mỹ Châu, xin cám ơn Association Viet Nam Etudes và SiliconBand, các tiếng hát tuyệt vời Anh Chi, Kim Hương, Tuyết Dung, Nguyên Dung và

luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà văn Vũ Thư Hiên đã cho hai bài nói rất lôi cuốn, cám ơn các bạn Từ Dung, Đặng Thái Bình, Huỳnh Tâm, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Yến...các nhà văn Đặng Mai Lan, Đỗ Quỳnh Dao đã góp phần tổ chức và tất cả thân hữu có mặt trong buổi ra mắt sách thân mật và hào hứng này.

**

Mai Lan : Kính thưa quý vị và các bạn,

Trước hết chúng tôi Mai Lan và Kim Hương xin thay mặt ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự hiện diện của quý vị và các bạn trong buổi ra mắt sách chiều nay.

Đây là một tập sách ( cầm trên tay) mà hai tác giả đã bỏ ra rất nhiều công sức để tìm tài liệu, và dịch từ những văn bản tiếng Pháp qua tiếng Việt. Với tinh thần là mong mỏi những người yêu nước được nhớ đến, được ghi ơn ..., bởi vì trong lịch sử nhiễu nhương của đất nước, qua nhiều biến cố chồng chéo. Nhất là cuộc chiến chống thực dân tại miền Nam, đã có rất nhiều những trí thức, dùng ngòi bút của mình để đấu tranh cho dân tộc qua phương tiện báo chí. Họ đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích chính quyền, chống lại mọi sự áp bức. Những người yêu nước này đã phải chịu cảnh lao tù bởi chính quyền thuộc địa, nhưng trớ trêu thay họ bị giết hại, và còn bị bôi nhọ về lý tưởng từ những người CSVN vì đã đi khác đường lối của họ. Những cái chết âm thầm, và mọi dấu tích đều bị bôi xoá. Một trong số của những người này là nhà ái quốc Trần Văn Thạch mà chúng tôi giới thiệu trong tập sách này.

Kim Hương : Cũng có thể nói đây là hành trình của một cô con gái đi tìm dấu vết của người cha, mong ước lấy lại danh dự và sự thật đã bị bóp méo sau những biến cố. Cô gái mới lên hai thì cha đã bị vào tù, và cô chỉ gặp được cha mình một lần trước khi ông bị sát hại. Xin thưa đó là tác giả của tập sách, ái nữ của nhà ái quốc Trần Văn Thạch. Tác giả hiện đang sống tại Canada. Vì nhiều lý do riêng và tình trạng sức khoẻ không tốt, chị không thể đến góp mặt với chúng ta ngày hôm nay, nên chúng tôi xin mời chị Đỗ Quỳnh Dao thay mặt tác giả lên có đôi lời cùng quan khách.

Mai Lan : Chúng tôi cũng xin được nói thêm, tác giả Trần Mỹ Châu lớn hơn chị Đỗ Quỳnh Dao cả một thập niên, mà Quỳnh Dao xem như một người chị vì sự gắn bó thân thiết của hai gia đình. Thân phụ của chị Quỳnh Dao là ông Đỗ Bá Thế, một nhà báo, nhà văn nổi tiếng trước năm 1975. Và là bạn chí thân cùng chung lý tưởng, hoạt động với các nhà ái Quốc Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch., và cũng là người trẻ nhất trong đám.

Xin mời chị Đỗ Quỳnh Dao

.
blank
.

1) Tham luận Trần Mỹ Châu do nhà văn Đỗ Quỳnh Dao đọc

Tiểu sử

Việc học và việc làm

Sanh ở Vĩnh Long. Lớn lên và đi học ở Sài Gòn.

1950-1956: Học chương trình Pháp, trường Gia Long.

1957-1960: Đi làm giúp gia đình

1960-1963: Đai Học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn

1963-1965: Học bổng Mỹ ( M.A. , Đai học Hawaii, ngành Dạy Anh văn, 1965

1965-1967: Dạy tiếng Việt tai JFK Center for Special Warfare, North Carolina; và Presidio of Monterey, California.

1968-1972: Học bổng Ontario Institute for Studies in Educaion (OISE), Ontario, Canada; Ph.D. ngành Giáo dục và Applied Linguistics, Đại Học Toronto, 1972

1973-1976: Dạy tai Đai Học Bochum, Tay Đức; phu trách ngành Applied Linguistics

1976-1978: Research Officer, Ontario Institute for Studies in Education, Toronto.

1980-1997: Educational Consultant, Sở Giáo dục Toronto

1998: Về hưu

Hoạt động xã hội

Ở CANADA: Từ 1979 đến 1997: On the Boards of Directors and Management Boards of various non-profit organizations in Metro Toronto: the Vietnamese Association, the Vietnamese Women’s Association, the Vietnamese Seniors’ Association and Access Alliance Multicultural Health Center.

Ở VIệT NAM : Giúp Hội Khuyến Học tỉnh Vĩnh Long xin các tổ chức NGO nước ngoài tài trợ, xây được 5 nhà mẫu giáo. Cho học bổng sinh vien và học sinh nghèo trong tỉnh, mỗi năm khoảng 2000 usd từ 10 năm nay.

**

Bài tham luận

Tưởng niệm BA, tâm tình gởi MẸ

Trần Mỹ Châu

Trước hết tôi xin quý khách và bạn bè thân hữu thứ lỗi cho tôi, không đến dự buổi ra mắt sách hôm nay được. Cuối năm rồi, sau khi sách đã hoàn tất, ngày ra mắt sách được chọn, như hàng năm, tôi khăn gói lên đường về Việt Nam thăm mẹ. Trở về Canada, không lâu sau, được tin mẹ tôi qua đời. Từ đó đến nay tôi vẫn còn vướng tâm trạng trầm cảm, đêm đêm thường nghĩ đến mẹ, đến cuộc đời bất hạnh của bà.

Mẹ tôi qua đời ngày 12 tháng 2, 2014 tại Vĩnh Long, hưởng thọ 96 tuổi. Rất thọ, nhưng hưởng thì không được bao nhiêu. Vào tuổi 33, từ một người thông minh, đảm đang, duyên dáng, bà trở thành người mất trí sau lần bị mật thám Pháp bắt và tra khảo. Bịnh thần kinh bám lấy bà cho đến cuối đời; suy luận hầu như mất gần hết, khái niệm thời gian cũng không còn.

Vài tuần sau khi mẹ tôi mất, tình cờ tôi được nghe một đoạn nhạc trong bản trường ca Hòn vọng phu của Lê Thương trên mạng internet. Chưa bao giờ tôi xúc động mạnh như lần này khi nghe hai câu "người đi ngoài vạn lí quan san, người đứng chờ trong bóng cô đơn." Lần chót tôi về thăm mẹ, nằm trên giường bịnh, bà hỏi tôi: Sao ba Thạch chưa về thăm má? Trước đó một năm, với giọng trầm buồn, bà nói nhỏ với tôi: Ba Thạch dặn Má Ngọc chờ rồi về rước đi… Sáu mười chín năm qua, trong cai thế giới riêng tư, huyền ảo, mẹ tôi vẫn ngồi đợi ba tôi về.

Cách đây 69 năm, sau những ngày hỗn loạn mùa thu 1945, ba tôi biệt tin. Nhưng gia đình vẫn còn bám níu hy vọng là có một ngày ông sẽ trở về. Niềm hy vọng mỏng manh đó tan vỡ vào một đêm khuya. cuối năm 1946, khi có một người khách lạ tìm đến tận nhà báo hung tin. Lúc đó tôi chỉ mới 8 tuổi.và 3 năm sau đến lượt mẹ mất trí

Ba mẹ tôi chung sống với nhau chưa tròn ba năm thì cuối năm 1939 ông bị chính quyền Pháp bắt giam Khám lớn Sài Gòn, rồi một năm sau đày ra Côn Đảo. Ở tuổi 23, đơn chiếc, túng thiếu, mẹ tôi phải đưa các anh chị về Phú Lâm, nhờ bác Hai chăm sóc; còn tôi thì gởi cho bà ngoại ở Vĩnh Long để mẹ tôi có thể buôn bán tảo tần, nuôi mẹ nuôi con.

Trong 10 năm gần đây, bịnh tình của bà có phần thuyên giảm. Những lúc mẹ tôi tỉnh táo, tôi thường gợi lại chuyện xưa để tìm hiểu thêm cuộc đời của ba mẹ. Mẹ tôi nói nhiều về những sự việc xảy ra trong 3 năm ngắn ngủi chung sống với ba tôi. Nhưng có vài câu nhắn nhủ có thể suốt đời mẹ tôi không quên được, nhưng không hề nói tới:

Em Ngọc,

Nếu em còn cảm tình cùng anh, anh xin em nghĩ đến mấy con nhỏ dại của anh, khi nào giúp được nó, chớ quên. Anh thương Mỹ Châu nhiều lắm, nhưng trong thời buổi đảo điên này, cha con lại vội xa nhau.

Ba tôi mãn án tù cuối năm 1943, nhưng còn án biệt xứ, bị quản chế ở Cần Thơ. Có ông hiệu trưởng một trường tư thục nhận ba tôi làm giáo sư Pháp văn. Hè 1944, nhờ có đồng lương ba tôi mướn căn phố nhỏ tập hợp con cái về. Tôi được 6 tuổi. Lần đầu tiên được biết ba, được sống cạnh ông suốt hai tháng hè, nhưng đó cũng là lần chót.

Cuối năm 1946, mẹ tôi xây được căn phố trên hẻm đường Dixmude (nay là Đề Thám), sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Có nhà mới, làm ăn khá giả, mẹ tôi đem anh Điển và chị Dung về nuôi ăn học. Bà tôi đem em Mỹ Chung từ Vĩnh Long lên, về ở với mẹ tôi. Đó là những năm vui suớng nhất trong thời thơ ấu của tôi, có bà và anh chị em bên cạnh, nhất là lúc nào cũng có mẹ kề bên.

Cuối niên học, buồn cảnh gia đình rối ren, anh Điển tìm nơi tạm ở mấy tháng hè. Anh về cù lao An Thành cách châu thành Vĩnh Long một con sông.

Nghỉ hè tôi rất thích đi “cắm trại” với các anh, các cậu bên cù lao: tắm sông, chèo thuyền, đi cầu khỉ, ngủ sàn gạch. Sau này mới biết “trại hè” của tôi là một trong những “chiến khu” chống cộng đầu tiên ở miền Nam của Đại Việt Quốc Dân Đảng.

Hè đó, lúc anh Điển ở cù lao An Thành thì tôi đang ở nhà dì Hai. Một buổi sáng đột nhiên có người đến nhà báo tin anh Điển đã chết ! Người này cho biết đêm trước Việt Minh về phá khuấy, bắn thị oai, anh Điển bị trúng đạn. Mất mát vô bờ: một người anh hiền lành, điềm đạm, học giỏi, gương mặt giống hệt ba tôi; anh chưa được 17 tuổi.

Sau khi mẹ tôi lâm bịnh, dì Hai mở một quán cơm bình dân gần nhà, kiếm chút tiền nuôi gia đình. Chúng tôi tiếp tục sống lây lất qua ngày.

Nam 1950, tôi thi đỗ lớp 6ème, chương trình Pháp Collège Gia Long. Tưởng cuộc sống tạm yên, không ngờ một năm sau một biến cố bi thảm lại đến với gia đình tôi. Một hôm đap xe đạp từ trường về đến nhà, bỗng nhiên thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Tất cả bàn ghế đố đạc trong nhà nằm ngổn ngang chồng chất lên nhau dưới một mái che tạm bợ, cạnh bức tường nhà. Tôi quá ngỡ ngàng xúc động, cho đến bây giờ cũng không nhớ được mẹ, em, bà và tôi ngủ cách nào, tắm rửa ra sao trong những ngày đó ?

Nhà mẹ tôi cất trên đất mướn. Một thời gian không thấy giấy báo đóng tiền đất, bà tôi đâm ra lo ngại. Có người mách bảo, bà tìm gặp một ông trạng sư tiếng tăm mà ngày trước ba tôi được quen biết ở Cần Thơ. Văn phòng ông nằm ở đường Pellerin, ngang rạp chớp bóng Casino. Tôi đưa bà tôi đến đó vài lần. Lần nào ông cũng bảo: "Mọi việc để tôi lo". Bà tôi vẫn tin như thế … cho đến ngày thưà phát lại đem trát tòa đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, với lý do 3 lần có trát đòi đều không ra hầu tòa nên bị xử khiếm diện, thua trong việc tranh chấp nhà cửa đất đai. Hỏi ra mới biết chính ông trạng sư mà bà tôi hằng tin tưởng, trông cậy lại là trạng sư chính thức của ông thương gia có cơ sở bán nước mấm trong căn phố nối đuôi với căn nhà mẹ tôi. Từ đó suy ra mới biết là ông ta với sự đồng lõa của chủ đất và ông bạn trạng sư, đã tìm cách chiếm đoạt nhà của mẹ tôi để dễ bề bành trướng cơ sở.

Mất nhà, gia đình tôi phải dọn về Vĩnh Long, sống chen chúc trong căn nhà nền đất, vách ván một người bà con thương tình, bán rẽ cho dì tôi. Rất may cho tôi năm đó (1952) trường Gia Long mở nội trú lại sau một thời gian đóng cửa vì các cuộc biểu tình đưa đến cái chết của trò Trần Văn Ơn. Là học sinh nghèo, điểm tốt, tôi được học bổng, ở nội trú miễn phí cho đến khi đỗ xong Tú tài I. Sau đó tôi phải nghỉ học, đi làm kiếm tiền giúp gia đình. Ban ngay đi làm, tối tự học. Năm 1960 thi đỗ vô ban Anh văn trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, ra trường 3 năm sau.

Buồn cảnh gia đình, học xong Đại học Sư phạm, tôi tìm đường “thoát ly”, xin được học bổng Mỹ, rời Việt Nam du học năm 1963, sau đó tiếp tục học ở Canada và cuối cùng định cư ở xứ này.

Năm tháng trôi qua, chuyện xưa dần dần lui xa về quá khứ. Việc học, việc làm bận rộn giúp tôi quên đi phần nào những ngày đen tối. Khi người Việt tị nạn bắt đầu đến Toronto cuối thập niên 70, một số sinh viên và Việt kiều chúng tôi (lúc đó tại Toronto không quá 50 người) tìm cách gây quỹ và tổ chức chương trình giúp người tị nạn học Anh văn, tìm việc làm, v..v..

Qua hoạt động xã hội tôi được nhiều người biết đến, và dần dà bạn bè khám phá ra: tôi là con gái của Trần Văn Thạch, trước ’75 có tên đường ở Sài Gòn. Vài lời nhắc nhở, ngợi khen, mến tiếc của bạn làm tôi phấn khởi, muốn tìm hiểu thêm về người cha mà tôi chỉ được biết trong thời gian ngắn, một mùa hè xa xôi.

Ý định “đi tìm cha” bắt đầu từ đó, nhưng phải đợi đến lúc về hưu mới thực hiện được. Hành trình “tìm cha”của tôi kéo dài trong nhiều năm, từ Canada đến Pháp, đến Việt Nam. Tôi lục lạo tài liệu, sách vở trong Thư viện và Văn khố Quốc gia Pháp ở Paris, Văn khố Pháp quốc Hải ngoại ở Aix-en-Provence, và cuối cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp ở Sài Gòn.

Nhờ hai sử gia Huỳnh Kim Khánh và Daniel Hémery mà tôi được biết cặn kẻ về “Mặt trận thống nhứt La Lutte” và tờ báo cùng tên, một mặt trận liên minh Đệ Tam-Đệ Tứ chưa từng thấy trong lịch sử mác-xít thế giới. Cột trụ chinh là các ông Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Chánh và ba tôi.

Tôi tìm được khoảng 80% các tờ báo La Lutte (mà nhiều nhan chứng thời đó cho rằng ba tôi là chủ nhiệm) và rất nhiều tài liệu mật thám Pháp về các sinh vien Việt Nam có thái độ chống Pháp đang du học tại Pháp. Ngoài những người kể trên, tôi cũng đọc được hồ sơ của nhiều người khác, như các ông Nguyen The Truyen, Nguyen Ai Quoc, Tran Van Giau, Ho Van Nga, Le Ba Cang, v..v…

Tôi cảm thấy có một tình cảm đặc biệt nào đó gắn bó tôi với con cháu những người một thời là bạn đồng hành hay có quen biết ba tôi. Tôi di tìm họ. Tìm được anh Phan Kieu Dương, con bac Hùm; chị Nguyen Thị Minh, con bác Ninh; em Quynh Dao, con của nhà văn, nhà báo Do Ba The (ban của bac Thau, biết ba tôi, thân với mẹ tôi); bác sĩ Tran Nguơn Phieu, học trò cũ của ba tôi; chị Ho-Tai Hue-Tam, con bác Tường. Và một người có công rất nhiều giúp tôi thực hiện quyển sách này: Phan Thi Trong Tuyen. Một điều rất hay, lạ là con cháu của một số nhân vật chánh trong nhóm La Lutte đều có xuất bản sách viết về ba của minh. Nghĩ lai cũng không lạ lắm vì các ông đều là những người yêu nước chân thành – mặc dù xu hướng chính trị khác nhau – và đã ghi danh vào lịch sử ; lam sao con cháu họ không khỏi hãnh diện để cố gắng vinh danh các ông. Tôi là đàn em nên sách về ba tôi đến nay mới ra mắt, nhưng tôi còn có một người em. Đó là Đỗ Quỳnh Dao. Em QD, chị chúc em sớm hoàn tất việc xuất bản
tiểu thuyết lich sử của ba em, đăng trên báo Quyết Tiến trong những năm ’60

Ba tôi bị giết vì chính sách độc quyền lãnh đạo của Cộng sản. Mẹ tôi hóa thành người mất trí suốt đời vì chế độ đàn áp của thực dân. Anh tôi chết vì một viên đạn của Việt Minh lộng quyền. Gia đình tôi mất cửa mất nhà vì lòng tham lam của nhà giàu bắt tay với trí thức. Tôi lớn lên thương những ai nghèo khó, những ai bị bạo quyền áp bức, bị doanh thương tư bản bóc lột. Tôi tìm cách giúp họ trong phạm vi khả năng của mình.

Nhơn dịp tôi về thăm mẹ lần chót, Hoi Khuyến Học tỉnh Vĩnh Long tổ chức phát học bổng cho các sinh viên và học sinh nghèo do tôi tài trợ, phần đông mồ côi cha hay mẹ. Trong bài phát biểu, tôi kể ngắn gọn cho các em nghe câu chuyện “đi tìm cha” của tôi với cái tựa “Bà già 70, tập làm văn, học viết sử”, để khuyến khích các em cố vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn, học thành tài, giúp xã hội. Kiên trì sẽ thành công.

Với buổi ra mắt sách hôm nay, tôi cảm thấy mình thành công trên nhiều mặt: vượt được bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống để làm một vài việc hữu ích cho đời. Lúc ban đầu, khi đặt bút viết về ba tôi, tôi chỉ muốn trao lại cho con cháu chút di sản tinh thần ba tôi để lại. Cho đến nay sách chỉ được phân phát trong gia đình, than hưu, và vài nhà văn nhận lời điểm sách. Phản hồi của họ đem lại cho Tuyến và tôi nhiều rất nhiều phấn khởi.

.

Một nhà văn/nhà báo ở Việt Nam viết:

....Thú thật, tôi không nghĩ đây là tác phẩm của một người "chưa hề viết sử". Và cuốn sách đã khiến tôi phải rớt nước mắt, một cách thiệt sự, vì tấm lòng của người con đối với người cha quá cố đã lâu. ..Nhờ đọc lại các trang sách, báo, tài liệu cũ tôi được biết ông thân của chị, ông Trần Văn Thạch, một trong những nhà đấu tranh chống thực dân trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Biết nhưng để hiểu tương đối tường tận về ông, phải đợi đến cuốn sách của chị, một công trình riêng về ông Thạch mà chị đã dầy công sưu tập và viết rất đáng kính trọng.

.

Một giáo sư Việt Nam ở Mỹ viết:

“Rất cảm phục lối viết khách-quan của Chị, một điều rất khó về một người thân.”

Rất nhiều độc giả cho biết “sách có giá trị lịch sử”

Nhà văn Võ M. Nghĩa, người đã viết nhiều tác phẩm tiếng Anh liên quan đến Việt Nam và người Việt hải ngoại, viết trong tạp chí online Sacei số 65, tháng 3, 2014 của tổ chức Saigon Arts, Culture &Education Institute (California):

"Hy vọng rằng tác giả một ngày kia sẽ gửi đên chúng ta bản tiếng Anh để cho giới nghiên cúu người Việt hải ngoại cũng như phương Tây tiếp cận được tài liệu lịch sử phong phú này".

Trước đó ông có viết email riêng cho tôi:

Sách của chị trích dẫn rất nhiều tài liệu, công trình nghiên cúu của chi thật xuất sắc và có giá trị

Chương trình làm việc trong tương lai của tôi là soạn thảo quyển tiếng Anh. Chúng tôi sẵn sàng và vui mừng đón nhận ý kiến của quý vi để quyển Trần Văn Thạch trong lần tái bản tới được hoàn hảo hơn. Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn Ban Tổ chức đã ra công sức giúp chúng tôi có được buổi họp mặt vui vay hôm nay. Xin cám ơn tất cả quý vị

Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn quy vi, sự có mặt của quý vi hôm nay là một điều khích lệ lớn lao cho tôi và Phan Thị Trọng Tuyến.

Tôi cũng xin cảm ơn ban Tổ chức đã ra công sức giúp chúng tôi có được buổi họp mặt vui vầy hôm nay.

Trần Mỹ Châu

.

Kim Hương : Thưa quý vị và các bạn, qua bài viết của tác giả Trần Mỹ Châu, chúng tôi xin được giới thiệu tiếp tác giả thứ nhì, người đã dịch những bài báo từ tiếng Pháp qua tiếng Việt. Đó là chị PTTT.

Xin mời chị Phan Thị Trọng Tuyến.

.

. 2) Tham luận giáo sư Nguyễn Văn Trần do Phan Thị Trọng Tuyến đọc

Phần mở đầu

Thưa quý vị và các bạn,

Chị Quỳnh Dao vùa giới thiệu tiểu sử và tóm tắt cuộc hành trình chị Trần Mỹ Châu sau mấy mươi năm khảo cứu để tìm lại người cha thân yêu. Như nhận xét và lời khen của những độc giả kiêm học giả đầu tiên đọc ấn bản thứ nhất in tại Canada, đây là những tài liệu lịch sử trong những thập niên 1940 và 1950, trong đó thân phụ chị và các bạn hữu đã giữ miền Nam một vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và chống Pháp.

Được giao trách nhiệm giới thiệu tác phẩm, lẽ ra tôi phải xin thưa ngay bây giờ phần tôi giới thiệu tác phẩm nhưng có bất ngờ xảy ra : chị Trần Mỹ Châu và giáo sư Nguyễn Văn Trần chỉ gởi bài viết, vắng mặt vì lý do bất khả kháng.

Nhờ biết trước nội dung các bài tham luận của tác giả Trần Mỹ Châu và diễn giả, cho nên chúng tôi phải thay đổi thú tự trình bày, nghĩa là ngay bây giờ tôi xin đọc bài giới thiệu của giáo sư Nguyễn Văn Trần, và bài nói của tôi, đã thay đổi nhằm tránh trùng lặp và xin dời lại vào lúc cuối chương trình, ở phần hai, xin hứa vói quý vị và MC Mai Lan sẽ rất ngắn gọn, nếu còn thì giờ cho chương trình.

Thay đổi tuy bất ngờ nhưng nhờ vậy chắc chắn diễn tiến chương trình hôm nay được thêm phần hợp lý và tôi rất mong là hữu hiệu nữa vì quý vị qua các bài tham luận, biết những chi tiết lịch sử cũng như về cuộc đời tác giả Trần Văn Thạch, sẽ hiếu kỳ muốn đọc hết quyển sách.

Trần Văn Thạch đã đấu tranh như thế nào, phản ứng chính quyền thuộc địa ra sao.

Lịch sử rối ren trong khoảng cuối thời đô hộ Pháp được quyển sách vẽ lại thật cô đọng và sắc nét khiến chúng ta hiểu rõ hơn tình hình chính trị và lịch sử Việt Nam hiện tại.

Sau đây là phần giới thiệu đầy đủ và nhiều xúc cảm của giáo sư Nguyễn Văn Trần

.

Bài đọc

Trần văn Thạch : Tấm gương ái quốc thất bại của những người Nam kỳ

"Mạng ấy yểu nhưng danh ấy thọ »

Nguyễn Văn Trần

Cách nay vài hôm, tôi nhận được thư mời tham dự buổi giới thiệu quyển sách về nhà ái quốc nam kỳ Trần văn Thạch do Bà Phan thị Trọng Tuyến, nhà văn có tiếng và nhà hoạt động rất quen thuộc của Việt nam Hải ngoại gởi cho. Phải nói đó là một niềm vui lớn của tôi. Trước nhứt, vui vì từ lâu lắm, ở Paris mới có một sanh hoạt chữ nghĩa, sách vở, tuy người Việt Nam « tao nhơn mặc khách » ở Paris cũng khá đông. Nhưng điều bất ngờ kế tiếp không khỏi làm cho tôi ái ngại là Bà Phan thị Trọng Tuyến lại yêu cầu tôi có vài lời về nhà ái quốc tiền bối Trần văn Thạch. Tôi đã không dám từ chối thẳng mà chỉ thưa qua là mình đi vắng trong lúc đó. Khi bị yêu cầu viết vài lời để « phạt sự vắng mặt » thì tôi không dám từ chối, không phải, thật lòng mà nói, vì uy tín của Bà Trọng Tuyến – có mà chỉ ít thôi - mà vì lòng ngưỡng mộ sâu xa của của kẻ hậu sanh đối với bậc tiền bối. Một bậc tiền bối vĩ đại !

Thật vậy, lúc trẻ, tôi có cái may mắn được gần gũi lớp người lớn, thầy học như Cụ Võ Thành Cứ, cha chú như các Cụ Nguyễn văn Đính, Trần văn Ân, Đào Hưng Long, …Những vị này là những người tranh đấu ái quốc giành độc lập cho Việt nam. Các cụ là bạn thân, bạn học, bạn tranh đấu với Cụ Trần văn Thạch nên có dịp là nhắc lại Cụ Trần văn Thạch như một tấm gương sáng tranh đấu ái quốc. Từ đó, tôi ngưỡng mộ cụ như thần tượng của tôi, một cách trực tiếp vào tiềm thức, không qua sách vở.

Sự xuất hiện quyển sách nói về một nhơn vật của lịch sử Việt nam gần đây mà hậu quả là thực tế của đất nước ngày nay dưới ách thống trị bạo ngược của cộng sản Hà Nội là điều vô cùng quan trọng, đầy ý nghĩa tốt đẹp. Việc làm này là một bổ khuyết chẳng những cần thiết làm sáng tỏ một giai đoạn hệ trọng của lịch sử Việt Nam đầy mâu thuẫn và phức tạp, trong đó những ngưòi ái quốc không có chỗ đứng, mà còn cần cho tủ sách của người Việt Nam vốn đông đảo mà thiếu sách vở. Rất tiếc việc làm có tầm vóc lịch sử mà chỉ do cá nhơn đảm trách bởi sự thôi thúc của tình cha con, tình gia đình.

Về giai đoạn lịch sử hiện đại, người ta chỉ nhắc nhở, đề cao, tâng bốc một cách quá đáng như huyền thoại những nhơn vật cướp được chánh quyền ở Hà Nội. Những người ái quốc thật sự, lương thiện, quên hạnh phúc gia đình, hy sanh cho đất nườc, bị bỏ quên. Có khi còn bị lên án là kẻ thù của cách mạng, của nhơn dân chỉ vì dám chống lại những kẻ chủ tâm cướp chánh quyền mà không nhằm phục vụ quyền lợi của dân tộc và đất nước .

.

Sơ lược về quyển sách

Dưới cái tựa nhẹ nhàng « Trần văn Thạch (1905 – 1945) Cây bút chống bạo quyền áp bức », sách thành hình và được giới thiệu hôm nay là do Bà Trần Mỹ Châu, ái nữ của Cụ Trần văn Thạch, dày công sưu tầm tài liệu và biên soạn với sự đóng góp của nhà văn Phan thị Trọng Tuyến phiên dịch những bài báo bằng pháp văn của Cụ Trần văn Thạch.

Sách dày 447 trang, theo bản thảo Bà Phan thị Trọng Tuyến gởi cho, với nhiều hình ảnh của Cụ Trần văn Thạch và bạn tranh đấu cùng thời, những bài báo của cụ viết nguyên văn, cả bút tích của cụ. Riêng về phần tài liệu liên quan tới nhơn vật lịch sử, phải nói là cả một công trình sưu tầm dài hơi. Để phát họa lại con người Trần Văn Thạch, tác giả Mỹ Châu đã phải đi nhiều nơi lục tìm trong văn khố để có được chừng đó tài liệu gốc. Trong gia đình và quan hệ gia đình, không có một vết tích gì về cụ. Một phần vì gia đình ly tán, kẻ ở nơi này, người ở nơi khác. Bản thân Cụ Trần Văn Thạch cũng không có được một chỗ ở yên ổn lâu dài vì phải nay đây, mai đó, vừa cho nhu cầu tranh đấu, vừa lo trốn tránh thực dân pháp ruồng bố. Hoàn cảnh chung của những người tranh đấu ái quốc lúc đó, không ai có thể sống yên ấm dưới mái gia đình. Có người còn không nuôi được con cái, phải gởi bạn nuôi dưỡng. Tạ Thu Thâu gởi con cho một gia đình bạn tranh đấu người Pháp thợ thuyền nuôi dùm người con trai duy nhứt. Vì cha mẹ nuôi là thợ thuyền nên người con của Ông Bà củng trở thành thợ may. Đến lúc thuận tiện, Bà Tạ Thu Thâu tới gia đình bạn xin lại con nhưng vợ chồng người bạn nói « Chúng tôi nuôi nó tứ đó tới nay, chúng tôi thương nó như con ruột . Nay, chị bắt nó đi, chúng tôi mất con » . Người mẹ đành ôm hun con, gạt nước mắt ra về và sống xa con. Nhờ Bà có nuôi một người con gái nên đỡ cô đơn. Người con nuôi có nghĩa, ở vậy không lấy chồng, chăm sóc bà cho tới ngày bà mất ở Saint Germain en Laye năm 2012 thọ bách tuế. Cụ Trần Văn Ân, vợ chết, không lo ma chay cho vợ được vì phải trốn Tây. Một tháng sau, Cụ từ Singapour vừa về tới nhà, các bạn Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Lịnh (cùng Đệ Tứ), Nguyễn Thạnh Cường, …từ Sài gòn xuống Long Xuyên tìm cụ. Cụ Trần văn Thạch là bạn thân của Cụ Ân nên nói ngay với Cụ Ân là Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật giáo Hòa hảo mời cụ trở lên Sài gòn gấp để tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt (không phải Front unique của La Lutte trước đó) cho kịp ứng phó với thời cuộc đi quá mau. Thế là Cụ Ân đành để 5 người con nhỏ nhờ em gái trông nom. Đầu thập niên 50, cụ có cơ hội dẫn 2 người con qua Tây gởi đi học. Cụ chỉ kịp mua cho con một cái áo lạnh, hẹn kỳ tới sẽ mua thêm một cái nữa. Về Sài gòn bị nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm đày Côn Đảo 9 năm sau khi không thi hành bản án tử hình. Tới những năm gần đây, trước khi Cụ mất, hai người con trai này vẫn còn oán hận cụ bỏ con không nuôi.

Cụ Phan văn Hùm, trước viễn ảnh, không biết sẽ còn gặp lại vợ con nữa hay không, đã phải âm thầm đau đớn và bày tỏ sự can đảm, để cho nước mắt chảy ngược vào tim :

.

« …. Gia đình cũng muốn chìu đầm ấm,

Non nước trông ra luống nảo nề .

Đại nghĩa xưa nay trên tiểu tiết,

Gắng nuôi đôi trẻ trọn lời thề » (Phan văn Hùm)

.

Tôi nhắc lại những chuyện này để bày tỏ lòng tưởng nhớ và kính trọng lớp tìền bối đã vì đại nghĩa mà xa gia đình, hy sanh cả mạng sống và đồng thời cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với tác giả Trần My Châu, đến tuổi thất thập, hoàn thành đươc một công trình giới thiệu khá đầy đủ, trung thực, đượm đầy tình thương người cha đã mất không để lại một dấu vết từ hơn nửa thế kỷ qua. Một nhà tâm lý học người Nhựt nói « Con có nhu cầu tình cảm từ trong tâm thức đi tìm cha khi thiếu vắng cha ». Không biết điều này có liên hệ xa gần với tác giả khi biên soạn quyển sách về Trần văn Thạch trong đó có Chương « Tìm cha, gặp mẹ » ?

Tác giả thuật lại lời má kể cảnh đi thăm ba ở khám lớn Chí Hòa, Sài gòn, trước khi bị đày ra Côn Đảo « Má mua một chai dầu Nhị Thiên đường và vài cái bánh đem cho ba vì má không có tiền. Ngồi ngăn cách, nói chuyện với ba không được nhiều … » . Đọc tới đây, ai mà không rơi nước mắt ? Cảnh vợ thăm chồng ở tù vì tội chánh trị của hơn bày mươi năm trước không khác hoàn cảnh của hằng vạn người vợ cũng đi thăm nuôi chồng sau ngày 30/04/1975 của Miền nam. Lý do Cụ Trần văn Thạch ở tù thực dân Pháp cũng không khác những thanh niên Việt Nam yêu nước tranh đấu cho nhơn quyền và chống giặc tàu xâm lăng ngày nay « Tập họp lực lượng bất hợp pháp, vận động lật đổ chánh quyền » . Có khác là tù chánh trị ngày trước, dưới chế độ thực dân Pháp, có bản án và có thời hạn rõ ràng. Nên Phạm Văn Đồng, cố Thủ tướng ở Hà nội, một hôm nói chuyện về cán bộ cộng sản bị tù thực dân « Ngày xưa, nếu thực dân pháp có chế độ tù tội như ta thì ngày nay cấp lãnh đạo đảng đã không còn người nào. » !

.

Trần văn Thạch, Ái quốc và Đệ Tứ

Cái đặc điểm của những người tranh đấu ái quốc Nam kỳ là những người thuộc thành phần tư sản hoặc tiều tư sản và trí thức Tây học. Họ đúng là những người nối tiếp thế hệ nho sĩ trước kia. Họ học Tây, giỏi chữ nghĩa không thua Tây nhưng không chịu làm việc cho Tây để có đời sống sung sướng. Dùng cái học ở Tây để chống lại Tây, khôi phục nền độc lập cho Việt nam. Phần lớn những người cộng sản như Hồ Chí Minh, nếu được địa vị như Tạ Thu Thâu, Trần văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, …chắc chắn đã không phải vất vả « xuống tàu tìm đường cứu nước ». Nhìn lại đám cộng sản cầm quyền ở Hà nội, từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Đỗ Mười…cho tới cái đám Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng ngày nay, nếu không đi làm cách mạng thì có thể làm gì hơn ? Làm cách mạng cộng sản là đem cái mạng, vốn liếng cuối cùng, ra thí. Nếu cướp được chánh quyền thi làm quan cách mạng, giàu có, sung sướng. Nếu chẳng may, thì chỉ mất có cái mạng cùi. Nên không thể nói những người cộng sản là những người tranh đấu vì lòng yêu nước. Nhìn lại lịch sử cộng sản cầm quyền, có chánh quyền cộng sản nào là yêu nước ? Bởi có chánh quyền cộng sản nào không xem nhơn dân là kẻ tử thù ?

Trần văn Thạch và các bạn của cụ đều là những người học giỏi, đổ đạt cao. Vào thời đó, họ đi làm việc cho Tây không những rất dễ dàng, mà còn được nhiều ưu đãi nữa. Không thiếu những người chỉ có bằng Diplôme (DEPSI) hoặc cao hơn, là bằng Brevet Supérieur, thi vào ngạch hành chánh, lên tới Đốc phủ sứ, giàu sang một bực. Trần văn Thạch có văn bằng Cử nhơn Văn khoa ở Pháp về, đi dạy học trường tư, kiếm sống qua ngày, để có hoàn cảnh thuận tiện mà chống Tây. Cụ dạy học ở các trường tư như Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh, là những nơi cũng của những « bạn đồng chí hướng », mở trường với mục đích « khai dân trí, chấn dân khí » đào tạo một lớp thanh niên biết ý thức hoàn cảnh nước nhà bị thực dân cai trị mà sớm un đúc lòng yêu nước và tinh thần quật khởi.

Tôi nói những người « bạn đồng chí hướng » là có ý muốn nhắc lại lời của tác giả khi đề cập tới những người bạn tranh đấu, cùng Đệ Tứ với Cụ Trần văn Thạch, không dùng từ ngữ phù hợp là « đồng chí » Cụ Trần văn Ân thường nói với bạn tiếng « đồng chí » đẹp quá, nhưng bị cộng sản dùng rồi và tiếng « đồng chí » vì đó đã bị mất đi ý nghĩa đẹp của nó. Nay mình dùng tiếng « đấu sĩ » hay bạn « đồng đức » để thay thế. Và cụ tự giới thiệu cụ là « Đấu sĩ » Trần văn Ân.

Cụ Trần văn Thạch và các bạn của cụ đều là những người yêu nước trước tiên. Tư tưởng ái quốc của cụ được phơi bày rõ qua lời viết của cụ « Chương trình hành động tốt nhứt mà chúng ta có thể chấp nhận được là chương trình bao gồm giải pháp cho vấn đề xã hội, vừa là giải pháp cho quốc gia dân tộc … » . Cụ gắn liền xã hội với quốc gia vì « giải pháp cho vấn đề xã hội » là xây dựng một xã hội hài hòa, bình đẳng để cho quốc gia phát triển và vững mạnh. Chánh sách sociale mà không phải socialiste.

Các cụ chống thực dân chỉ vì lòng yêu nước thôi thúc phải giành độc lập cho đất nước. Đó là lý tưởng trước sau như một. Các cụ trở thành Đệ Tứ khi nhận thấy phải cần dựa vào một thế lực mới đủ sức chống thực dân. Với các cụ độc lập, thoát khỏi ách thực dân là trên hết. Trong lúc đó, phe Đệ Tam của Trần văn Giàu, Nguyễn văn Trấn, Nguyễn văn Tạo, …cũng chống thực dân nhưng chống cho cộng sản nga-tàu nắm quyền ở Việt nam và tóm thâu Đông Nam Á .

Nhưng đặc điểm có một không hai trong lịch sử là chỉ có ở xứ Nam kỳ : Đệ Tam và Đệ Tứ nhiều lần hợp tác nhau. Đệ Tứ hợp tác thật lòng vì muốn có sức mạnh chống thực dân. Trái lại, Đệ Tam hợp tác chỉ để giải quyết khó khăn giai đọan. Như trong dịp đưa người ứng cử Hội đồng Thành phố hay Hội đồng Quản hạt, phe Đệ Tam không có người đủ khả năng và uy tín lập danh sách riêng nên đã phải thương lượng với Đệ Tứ. Cụ Trần văn Thạch đắc cử với số phiếu cao nhứt.

Khi phải tiếp xúc với Đồng Minh tới giải giới Quân đội Nhựt, Trần văn Giàu đã phải nhờ Luật sư Huỳnh văn Phương, Trần văn Thạch, Bs Nguyễn thị Sương ( Bà Hồ Vỉnh Ký ) thành lập Ủy Ban Ngoại giao. Nhưng khi gặp Đồng Minh để xin khí giới thì Trần văn Giàu lại nói « Để Việt Minh đi vì Việt Minh có thành tích chống Tây và chống phát-xít Nhựt » . Khi thấy khí thế hùng hậu của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt, tổ chức biểu tình ở Sài gòn qui tụ tới 200 000 người, Trần văn Giàu bèn xin gia nhập, nói là để tăng cường thế lực tranh đấu.

Phái Bộ Quân sự Anh thay mặt Đồng Minh ra lịnh quân đội Nhựt phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự cho Việt nam. Nhựt liền đưa bảy tiểu đoàn vào Sài gòn giải tán các tổ chức võ trang, cấm tụ tập, cấm báo chí việt ngữ. Lâm Ủy Hành chánh phải giao nạp võ khí.

Giàu vội vàng chỉ thị cho công an của Giàu là Lý Huê Vinh đi tìm ám sát những người cùng tranh đấu nhưng chống lại Giàu như các ông Vũ Tam Anh, Hồ văn Ngà,Trần Quang Vinh, Lương Trọng Tường, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Phú Sổ. Lý Huê Vinh bao vây Trụ sở Việt nam Độc lập Vận động Hội ở đường Miche, Sài gòn I, đê bắt Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo nhưng Ngài thoát được.

Tướng Douglas Gracey tới Sài gòn giải giới quân đội Nhựt từ vĩ tuyến 16 trở xuống. Ông không nhìn nhận Lâm Ủy Hành chánh, thả hết tù nhơn người Pháp và phát võ khí để họ tự vệ . Ngày 23/09/1945, người Pháp bắt đầu tấn công các cơ sở Việt Minh. Lập tức, bốn sư đoàn Quân dân cách mạng của các tổ chức ái quốc (không cộng sản) xuất quân với đủ loại võ khí từ thô sơ đến súng ống lấy được của Pháp và do Nhựt cho. Các ông Kha Vạng Cân, Nguyễn văn Sâm, Hồ văn Ngà, Trần văn Ân thành lập Ủy ban Phong tỏa Sài gòn-Chợ lớn. Cuộc kháng chiến ở Nam kỳ ( hay Nam Bộ kháng chiến) bắt đầu !

Ngày 25/09/1945, Tướng Douglas Gracey đuồi Lâm Ủy Hành chánh ra khỏi Dinh Gia Long,. Họ phải khăn gói đùm túm nhau rút êm về Chợ Đệm lánh nạn. Sài gòn-Chợ lớn lâm vào cảnh binh lửa vì không đèn, không nước, … Dân quân kháng chiến và quân Pháp với chà chóp, trong bóng tối, từng bước, tranh thủ từng góc phố, từng con đường.

Ủy viên Cộng hòa Pháp, Đại tá Cédille, đề nghị hưu chiến để cải thiện tình hình ngột ngạt của thành phố. Hai bên Việt-Pháp thỏa thuận.

Lợi dụng lúc hưu chiến, công an của Trần văn Giàu đi tìm ám sát những chiến sĩ ái quốc không đi với Việt Minh. Các ông Hồ văn Ngà, Dương văn Giáo, Huỳnh văn Phương, Trần Quang Vinh, Bùi Quang Chiêu, và các lãnh tụ tên tuổi của Đệ Tứ như Trần văn Thạch, Phan văn Hùm, Phan văn Chánh, Nguyễn văn Sổ…đều lần lượt bị bắt, có người bị sát hại ngay tại chỗ. Riêng 64 người vừa đảng viên Đệ Tứ, vừa những người tranh đấu ái quốc không đảng phái, sau buổi họp tại Thủ Đức, lấy quyết định « ở lại thà chết hơn trở ra thành mang tiếng Việt gian » đều bị Việt Minh giết hết và thả xuống sông Lòng Sông ở Phan Thiết. Riêng Tạ Thu Thâu, vừa là thầy học vừa là người thương Giàu như em, bị Giàu giết tại Quảng Ngãi, trên đường ông từ Bắc về (Trần văn Giàu chối ? ) .

Mục đích của Trần văn Giàu thanh toán những người tranh đấu ái quốc không theo cộng sản và Đệ Tứ để phong trào kháng chiến không có lãnh đạo, Việt Minh mới có thể giành trọn quyền lãnh đạo kháng chiến. Năm 1946, bị triệu hồi về Hà nội, Trần văn Giàu trên đường, ghé qua Bangkok nghe ngóng tình hình, gặp ông Trịnh Hưng Ngẫu, ngày 12/03/1946, đưa cho ông Trịnh Hưng Ngẫu coi một danh sách 2500 người trí thức ở Nam kỳ mà Giàu chưa kịp giết (Trịnh Hưng Ngẫu, Hồi kỳ 3 tập, 2b Phan thanh Giản, Sài gòn, 1973) .

Riêng với Đệ Tứ, Trần văn Giàu thẳng tay tìm sát hại( vì ganh tỵ?) . Những người Đệ Tứ tài giỏi hơn, đạo hạnh sáng ngời, uy tín mạnh trong quần chúng. Còn Hồ Chí Minh căm thù Đệ Tứ, ra lịnh tìm tiêu diệt Đệ Tứ ở Việt nam là làm theo lịnh Staline « với Bọn trostkistes, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát-xít . Phải tiêu diệt chúng về chánh trị ». Phải chăng Hồ Chí Minh đã học thuộc lòng lời dạy của Lê-nin « Phải biết làm cách mạng xâm lược và bạo lực để làm cho xã hội xáo trộn tận gốc rễ. Tức chánh sách khủng bố, thanh trừng và thanh lọc trên qui mô lớn nhằm nhiều thành phần dân chúng … » (Nicolas Werth, Lénine, những văn kiện không xuất hiện trong Lê-nin Toàn tập) .

.

Trần văn Thạch, Chí sĩ nam kỳ

Ngay từ lúc học Trung học ở Trường bổn quốc Chasseloup-Laubat Sài gòn, Cụ Trần văn Thạch đã lập chí phải học cho thật giỏi để làm chánh trị tranh đấu trực tiếp với người pháp, đem lại độc lập cho đất nước. Cụ luyện thêm tiếng pháp hằng ngày với ông thầy dạy pháp văn Paul Baudet. Có giỏi, khi đấu lý lẽ với người Pháp mới được họ nễ trọng.

Về mặt nhận xét, đánh giá tầm vóc Trần văn Thạch trong lịch sử việt nam, có thể nêu lên 3 điểm để có kết luận : lập Đức, lập Công và lập Ngôn. Trần văn Thạch là người ở tuổi 40 đã hội đủ 3 điều kiện này.

Lập Đức, bản tánh can trường, ngay thẳng, dám nói, dám làm, cụ hy sanh hạnh phúc gia đình, tánh mạng, coi thường vinh quang lúc đất nước bị thực dân độ hộ, quyết chí tranh đấu giành độc lập cho đất nước.

Lập Công, luôn luôn sát cánh với lớp dân nghèo như giới thợ thuyền, phu kéo xe, phu xe ngựa để bênh vực quyền lợi chánh đáng cho họ. Cụ còn ứng cử Hội đồng Thành phố và Hội đồng Quản hạt để có tiếng nói chánh thức chống những bất công xã hội như cụ cùng với Cụ Phan văn Hùm chống lại mức lương quá chênh lệch giữa người Pháp và người dân bản xứ. Lương của người Pháp quá lớn và chiếm mất một phần lớn ngân sách quốc gia. Ngoài ra, việc các ông tham gia cơ quan Đại diện dân còn nhằm huấn luyện người dân hìểu biết về quyền lợi chánh đáng của mình, chớ hoàn toàn không vì danh lợi.

Lập Ngôn, cụ gởi gắm lại qua nhiều buổi diển thuyết, nhiều bài báo, những tư tưởng về ý chí tranh đấu của người dân mất nước, quyền lợi của người dân, quyền lao động, cả sách giáo khoa.

Sự nghiệp của cụ, chi có chừng đó ở tuổi đời 40, tưởng cũng đã đủ để đưa cụ bước vào lịch sử dân tộc bằng cửa chánh như một Chí sĩ nam kỳ.

Khác hẳn với một người chưa có mấy ngày thật sự tranh đấu cho đất nước, gần gủi dân chúng, bỗng một hôm tự suy tôn nguyên thủ quốc gia, thi hành chánh sách độc tài, bàn tay bết máu đồng bào, mà lại được gọi là chí sĩ ?

Cụ Vương Hồng Sển, bạn học cùng trường với Cụ Trần văn Thạch, trong Hồi ký « Hơn nửa đời hư », nhắc lại bạn xưa với lòng đầy cảm mến « Mạng ấy yểu, danh ấy thọ » .

Trong cuộc chiến Việt nam từ 1945, phe những người Việt nam yêu nước, không riêng gì Chí sĩ Trần văn Thạch, đã thất bại vì năm 1954, cộng sản làm chủ được phân nửa nước, năm 1975, làm chủ trọn cả nước. Người cộng sản thắng, ngoài yếu tố quốc tế, còn yêu tố đặt sệt cộng sản mà phía quốc gia yêu nước không có, đó là họ dám thẳng tay sát hại mọi người bị xem là kẻ thù của cách mạng để đạt mục tiêu. Nên nhớ với cộng sản, chỉ có mục tiêu là trên hết. Đạt cho được mục tiêu, bằng mọi phương tiện, đó chính là đạo đức cách mạng cộng sản. Sức mạnh của cộng sản xưa nay vẫn là bạo lực và dối trá. Dối trá để che dấu bạo lực và bạo lực để làm cho dối trá được tin là sự thật .

Lời sau cùng, tôi thật lòng cảm ơn tác giả, Bà Trần Mỹ Châu, đã gởi cho một tác phẩm, khi đọc, tôi có cảm tưởng như mình bỗng trở thành người của thời cuộc Việt Nam những năm trước và sau Đệ nhị Thế chiến bởi bị cuốn theo, không kịp ý thức, những biến cố lịch lịch sử do tác giả dẫn lại quá rõ ràng bằng những tài liệu đầu tay giá trị.

Và tôi cũng mong được tác giả và quí vị có mặt hôm nay vui lòng lượng thứ cho sự vắng mặt không đúng lúc của tôi .

Trân trọng,

Nguyễn văn Trần

.

Mai Lan : Trước khi bước qua phần 2, mà tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều thú vị, chúng tôi xin mời quý vị thưởng thức vài ca khúc sẽ do nhóm Silicon Band cùng thân hữu và chị Từ Dung đảm trách. Theo chương trình thì phần giải lao và ký sách sẽ nằm trong phần hai, tuy nhiên quý vị có thể mua sách và giải lao nhẹ trong khoảng thời gian này. Sách và nước giải khát luôn luôn sẵn sàng chờ đón quý vị nơi dãy bàn đằng kia ạ

**

Phần II

Mai Lan : Thưa quý vị, trong buổi họp mặt, giới thiệu sách chiều nay, ban tổ chức rất hãnh diện vì đã mời được ba vị khách quý. Với quá trình sống cùng những kinh nghiệm quý báu của họ, những vị khách quý này sẽ chia sẻ với chúng ta... những thông tin, những hệ luỵ, hay những bi kịch xảy ra trong cuộc chiến tranh VN từ thời chống thực dân cho tới bây giờ. Người đầu tiên là một giáo sư mà chị Phan Thị Trọng Tuyến đã đọc bài tham luận ông gửi đến. Vị khách thứ hai mà chúng tôi muốn giới thiệu là một Luật Sư

.
blank
.

3) Phần tham luận của luật sư Trần Thanh Hiệp

. Luật Sư Trần Thanh Hiệp, sanh năm 1927 tại Hà Tĩnh, Tốt nghiệp Cao Đẳng Công Pháp và Chính-tri-học, Đại Học Paris II, cựu luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon và Tòa Thượng Thẩm Paris, cựu Bộ trưởng VNCH, hiện là đương kim Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền ở Paris.

Năm 1969, ông tham gia phái đoàn VNCH tham dự cuộc hòa đàm Paris, với tư cách chuyên gia về chính trị học và luật học quốc tế.

Ông là chứng nhân đặc biệt và trực tiếp của rất nhiều biến cố lịch sử trọng đại từ 1945 đến nay. Là luật gia, nhưng lãnh vực hoạt động của ông vượt ra khỏi ngành luật học.

Trong những năm cuối thập niên 1950, ông đã cùng với một nhóm thân hữu như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sĩ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Duy Thanh, Ngọc Dũng. Thái Tuấn, Tô Thùy Yên, v.v...ấn hành Tạp chí Sáng Tạo, một thời đóng góp rực rỡ cho văn học tại miền Nam Việt Nam.

Với một số lượng tác phẩm cao, qua đủ các thể loại văn, thơ, bình luận, hồi ký, phóng sự, phỏng vấn...về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, nhất là về pháp luật, từ hơn 60 năm nay, Ls Hiệp đã tích cực đóng góp cho cao trào chống độc tài, xây dựng dân chủ cho đất nước..

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn Ls Trần Thanh Hiệp đã có mặt trong buổi ra mắt sách ngày hôm nay.

Bằng một giọng nói sang sảng, Trần Thanh Hiệp lôi cuốn khán giả vào lĩnh vực bao la của văn hoá và chính trị một cách rất bất ngờ, thú vị. Rất tiếc cho chúng tôi là khi thảo chương trình, theo ý kiến số đông, e ngại không khí khô khan vì tính chất chính trị và lịch sử bắt buộc phải có do chủ đề tác phẩm, cũng như do tựa đề các bài diễn văn, chúng tôi buộc lòng giới hạn phần thời gian tham luận và trao đổi. Là điều ông cũng tiếc nhưng rộng lượng cho là điều tự nhiên trong một buổi giới thiệu tác phẩm.

Nhưng bây giờ với thời gian, có cái nhìn lui lại, chúng tôi nhận thấy nếu được, chương trình kéo dài thêm vài giờ vẫn chưa đủ vì khán giả, thân hữu có mặt rất chú ý đến phần lịch sử còn nhiều bóng tối này. Văn hoá và chính trị thật ra thiết thân, gần gũi với chúng ta hơn chúng ta tưởng(Pttt ghi)

.

Thay thế Ý Thức Hệ bằng Văn Hóa Chính Trị

Trần Thanh Hiệp

Thưa qúi vị,

Thưa các bạn,

Nếu tôi được phép nói với quí vị và các bạn, như trong chỗ tình thân, những cảm nghĩ cuối đời của tôi, thì tôi muốn được qúi vi và các bạn chia sẻ với tôi nhận định, chỉ tầm thường thôi, là chuyện đời rút lại không là gì khác hơn chuyện sống và chết. Ai cũng muốn sống chẳng ai thích chết nhưng sau cùng thì rồi ai cũng phải chết. Vậy mối quan tâm của mọi người là phải sống như thế nào và nếu chẳng tránh được chết thì phải chết ra sao.

Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để được giới thiệu về một tác phẩm có liên quan tới cuộc sống của một người dân Việt Nam, một nhân vật văn hóa chính trị, vào thời điểm đầu thế kỷ trước, đã hiến trọn cuộc dời của mình cho sự nghiệp tranh đấu chống Pháp, giành dộc lập cho đất nước và tự do cho đồng bào.

Qúy vị đã nghe mấy diễn giả trước tôi trình bày rất đầy đủ về thân thế và sự nghiệp tranh đấu chính trị của ông Trần Văn Thạch, một nhà trí thức dân thuộc địa chống mẫu quốc thực dân, rồi khi không còn thực dân nữa, chống dộc tài bản địa.

Trường hợp của ông Trần Văn Thạch hôm nay đã được gợi lại, đúng vào lúc đất nước đang trải qua một cơn khủng hoảng toàn diện vì chế độ, cách đây hơn nửa thê kỷ, đã tước đoạt quyền chính trị, thậm chí cả quyền sống của ông Trần Văn Thạch, với thực chất toàn trị không hề thay đổi, vẫn còn đang tiếp tục cầm quyền. Do đó phải khẩn cấp đặt vấn đề tổ chức lại cuộc sống chung trong xã hội, theo tiêu chuẩn của thời dại văn minh những năm 2000. “Thay thế ý thức hệ bằng văn hóa chính trị” là một trong nhiều cách nhìn, cách hiểu, cách thực hiện cuộc vận động thay đổi ấy.

Nhưng trước hết cần hỏi rằng “Thay thế ý thức hệ bằng Văn Hóa Chính Trị” là gì? Và tại sao phải thay thế ý thức hệ bằng Văn Hóa Chính Tri?

Nhóm chữ “Thay Thế Ý thức hệ bằng Văn Hóa Chính Trị” có hai thuật ngữ khó hiểu là Ý thức hệ và Văn Hóa Cính Trị. Néu hai thuật ngữ này được định nghĩa một cách rõ ràng, chúng sẽ giúp giải thích vì sao lại phải lấy Văn Hóa Chính Trị thay thế Ý thức hê.

Rất tiếc là một buổi ra mắt sách không phải là loại khung cảnh trao đổi ý kién mang đặc tính những cuộc hội luận chuyên đề. Ngoài ra, thời lượng dành cho phần tham luận vì rất ngắn nên sự phát biểu của người tham luận cũng chỉ được triển khai trong phạm vi đại cương.

Trước những hạn chế như vậy, tôi xin góp với tác giả Trần Mỹ Châu và các thuyết trình viên trong buổi ra mắt sách này mấy nhận định sau đây về trường hợp ông Trần Văn Thạch.

Tôi sẽ khởi đi từ sự khẳng định rằng, tại Việt Nam, tập đoàn cầm quyền cộng sản thuộc phe Đệ Tam Quốc Tế, vì lý do ý thức hệ, đã thủ tiêu ông Trần Văn Thạch như trước đó ở Liên Xô, Stalin đã cho người ám sát Trosky. Ý thức hệ của phe Đệ Tam đã thúc đẩy và cho phép những người làm chính trị của phe này đứng ngoài vòng pháp luật, đứng trên pháp luật, ngang nhiên phạm những tội ác cướp của, giết người. Vì ý thức hệ đó là một thứ văn hóa bệnh hoạn thể hiện phần thú tính còn tàng trữ trong con sinh vật người và tuân theo sự hướng dẫn của bản năng. Thế kỷ XX là thời toàn thịnh của ý thức hệ phát xít, na di và ý thức hệ cộng sản toàn trị trong đó bạo lực khủng bố đã được định chế hóa, được hậu thế ghi khắc như một thời của đại họa vô nhân đạo. May thay, cuộc thế chiến lần thứ hai, một cuộc chiến tranh nóng, đã loại trừ được ý thức hệ phát xít na di, đẩy lui nó ra khỏi vũ đài lịch sử. Với cuộc chiến tranh lạnh, đến lượt ý thức hệ cộng sản bị đào thải gần như khắp trên hoàn vũ, chỉ còn sót lại bốn nước cộng sản tàn dư, trong đó có Việt Nam, thủ phạm của những tội ác đối với nhà trí thức chiến sĩ tự do Trần Văn Thạch.

Hôm nay hồi tưởng lại những tội ác đó chúng ta như đang được đặt trước một cuộc thử thách mà chúng ta phải vượt qua.

Bài học và tấm gương Trần Văn Thạch đưa chúng ta đến việc vận động thay thế ý thức hệ bệnh hoạn đó bằng văn hoá chính trị lành mạnh để đào tạo con người lành mạnh. Bằng cách nào và làm sao, đó là thách thức cho tất cả chúng ta.

Quyển sách Trần Văn Thạch, Cây bút chống bạo quyền áp bức ra đời đúng lúc, vì Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng toàn diện. Ý thức hệ cộng sản dưới chế độ xã hội gọi là chủ nghĩa tại Việt Nam đã và vẫn còn đang chà đạp giá trị con người.

Tại Việt Nam, giá trị bẩm sinh con người đã được tiền nhân từ bác học đến người bình dân đề cao từ thời xa xưa. Giá trị ấy được gói ghém trong câu sau đây trích dẫn từ Kinh Lễ :

« Nhân giả kỳ thiên hạ chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã ». Nghĩa là « Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần và cái khí tinh tú của ngũ hành ».

Còn ca dao thì định giá trị con người như sau:

Dẫu xây chín đợt phù đồ

Không bằng làm phước cứu cho một người

Con người lành mạnh sống chung với đồng loại trên nền tảng bình đẳng. Ai cũng có quyền sống và quyền sống đó được tôn trọng.

Trên thực tế, và trong các xã hội văn minh tiến bộ, con người và giá trị con người được luật pháp bảo vệ. Không ai có thể nhân danh bất kỳ danh nghĩa gì để xâm phạm đến giá trị ấy. Và luật pháp trừng trị nghiêm khắc những hành vi xâm phạm giá trị này.

Từ hơn nửa thế kỷ trước, đất nước bị người Pháp đô hộ, Trần Văn Thạch đã anh dũng tranh đấu cho giá trị con người Việt Nam tại miền Nam thuộc địa. Khi cả nước được đặt dưới quyền cai trị của tập đoàn cầm quyền người bản địa, ông vẫn tiếp tục tranh đấu. Ông đã ngã xuống vì đấu tranh cho một cuộc sống lành mạnh, văn minh, độc lập, tự do. Chúng ta ghi nhớ sự nghiệp và sự hy sinh của ông. Chúng ta nhận lãnh trước lịch sử sứ mạng thực hiện viêc thay thế ý thức hệ bệnh hoạn đó bằng văn hoá chính trị lành mạnh. Càng sớm càng tốt.

Đó là lấy văn hoá chính trị lành mạnh thay thế cho ý thức hệ bệnh hoạn với bàn tay giết giết không ngừng nghỉ, ngoại lai, xa lạ với dân tộc ta.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy thời cơ đến gần với chúng ta như bây giờ. Nhưng thời cơ đến không phải để hành động thay cho chúng ta. Mà để mở đường cho chính chúng ta hành động

Tôi thấy dường như chúng ta đang đi trên đại lộ Champs Élysées, tiến bước đến trước Khải Hoàn Môn, trên đó sáng ngời hàng chữ

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia đó bằng ba chữ tài ./.

Trần Thanh Hiệp

**

Kim Hương :Kính thưa quý vị,

Vào khoảng giữa năm 1997, cộng đồng người Việt hải ngoại rất vui mừng khi đón nhận một tập hồi ký mang tên " Đêm giữa ban ngày" mà tác giả là một nhà văn đến từ miền Bắc. Hẳn chúng ta không thể nào quên được tên ông và tập hồi ký gây nhiều tiếng vang thuở đó. Chúng tôi muốn nói đến nhà văn Vũ Thư Hiên.

Nhà văn Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu.
Bị tù giam 9 năm (1967 đến 1976) trải qua nhiều nhà tù vì tội Xét lại Chống Đảng. Năm 1980 mới được phép vào Nam
Năm 1993, ông làm phiên dịch cho một công ty thương mại tại Nga. Cuối năm 1995 ông sang Ba Lan và cuối cùng xin tỵ nạn tại Pháp. Tại đây ông đã hoàn tất và ra mắt tập hồi ký Đêm giữa ban ngày vào tháng 4 năm 1997 và nổi tiếng từ đó trong cộng đồng người Việt;
Ông là khách mời danh dự của International Parliament of Writers và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg (Nurnberg) 2000-2001, ông hiện cư ngụ tại Paris

Xin mời nhà văn Vũ Thư Hiên

.

4) Tham luận của nhà văn Vũ Thư Hiên

Những người trotskistes - tấn bi kịch Việt Nam

Thưa quý vị, thưa các bạn,

Lịch sử cận đại VN đầy rẫy bi kịch. Các phương tiện truyền thông, chính thống cũng như phi chính thống, nếu có nhắc tới thì chỉ nói đến những bi kịch lớn: Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, cuộc di tản cả triệu người sau năm 1975...

Nhưng lịch sử Việt Nam không phải chỉ có những bi kịch lớn ấy. Bên cạnh chúng còn nhiều bi kịch bị quên lãng. Những bi kịch này sẽ chìm nghỉm trong dòng đời, sẽ mai một hoàn toàn, nếu như không có những ngòi bút rỉ máu xuống những trang giấy để chúng vĩnh viễn tồn tại, để cho hậu thế được biết về chúng, ngõ hầu tránh những lặp lại trong tương lai.

Hận thù có thể xóa bỏ, nhưng tội ác thì không được quên. Tội ác được quên lãng sẽ quay lại, chắc chắn là thế.

Những kẻ gây ra những bi kịch được biết đến và không được biết đến ấy luôn kêu gọi sự xoá bỏ hận thù, trong sự mong muốn vết tích những việc làm nhơ nhuốc của chúng, của phe đảng chúng được tẩy xóa, được cạo sửa, làm cho chúng biến mất trong trí nhớ của dân tộc.

Trong ý nghĩa ấy, tôi chào mừng và cảm ơn sự ra đời của cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay của tác giả Trần Mỹ Châu với sự cộng tác của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến.

Trong cuốn này người đọc sẽ thấy được dù chỉ một mảnh vỡ nhỏ nhoi trong tấn bi kịch ít được biết đến nhất, cũng là tấn bi kịch bị xuyên tạc nhiều nhất, là tấn bi kịch của nhóm nguời yêu nước mang tên "những người trotskistes Việt Nam".

Những tài liệu lưu trữ của chính quyền thuộc địa được bạch hoá đã cho ta thấy đủ rõ: những người trotskistes Việt Nam trong thực tế là những chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tội thay, họ đã bị vu cáo là tay sai đế quốc, bị tiêu diệt không phải bởi quân xâm lược, mà bởi những bạn đường khác chính kiến.

Sự kiện những người trotskistes VN bị sát hại vì sao, bị sát hại như thế nào, đòi hỏi những công trình nghiên cứu nghiêm túc, với sử quan khoa học, không thiên vị. Điều giờ đây chúng ta đã biết, đã có thể khẳng định là: những người trotskistes VN không phải và không hề là những người chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc.Giết họ là tội ác. Do sự che giấu và bóp méo lịch sử của ngành tuyên truyền dối trá, thế hệ trẻ hôm nay hầu như không biết đến những chiến sĩ anh hùng ấy: Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Lương Đức Thiệp... và rất nhiều người khác nữa.

Mà chẳng cứ thế hệ trẻ, ngay thế hệ chúng tôi, những người đã già, cũng chẳng biết bao nhiêu về tấn bi kịch xảy ra cho họ. Nếu có ai gọi là biết thì đó là sự biết sai lạc qua những tài liệu giả mạo.

Vì thế mà cuốn sách của tác giả Trần Mỹ Châu lại càng có ích. Nó bổ xuyết cho lỗ hổng kiến thức về lịch sử. Nó chiêu tuyết cho những tên tuổi bị bôi nhọ.

Tôi có quen biết vài người được nhắc đến trong cuốn sách như Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu..., tiếc thay, trong những hồi ký về vụ tàn sát những người trotskistes trong thời kỳ Việt Minh vừa cướp được chính quyền ờ Nam Bộ, lại là những người được coi là những hung thần đã giết hoặc ra lệnh giết họ. Những người này, qua những câu chuyện tình cờ được nghe, cho biết những dị bản khác của vụ tàn sát, dưới một ánh sáng khác, có thể coi như sự chối tội, sự đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Chúng để lại những khoảng trắng trong lịch sử VN thời cận đại. Tôi hi vọng những khoảng trắng ấy rồi sẽ được làm rõ nhờ những người có tâm huyết với lịch sử như tác giả cuốn sách này. Nhân tiện cũng cần nói thêm rằng nhà cầm quyền cộng sản có thói gán tội trotskistes cho cả những người chẳng dính dáng gì tới chủ nghĩa trotsky như Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Minh Đức... trong vụ án nguỵ tạo gọi là "Nhân văn - Giai phẩm".

Tôi có đưa một bài viết của Trần Văn Thạch về báo chí Việt Nam năm 1937 được đăng trên tờ La Lutte cùng năm ấy lên mạng xã hội Facebook để làm một so sánh báo chí thời Pháp thuộc với báo chí thời nay. Kết quả bất ngờ: chỉ trong vòng một ngày đã có hơn một trăm Facebookers đọc và thích (like) bài viết 77 năm trước của tác giả Trần Văn Thạch. Thật vui mừng khi thấy những dòng chữ của ông được đón nhận như vậy. Nó có ý nghĩa: ông vẫn còn sống bên chúng ta.

Bi kịch của một cá nhân lớn không kém bi kịch của một đám đông. Hơn bi kịch của đám đông, nó được cảm nhận rõ ràng hơn, đau đớn hơn.

Một lần nữa, tôi nói lời cảm ơn tác giả và những ngưòi đã góp sức cho việc ra đời cuốn sách về một người con xứng đáng của nước Việt: Trần Văn Thạch.

Xin cảm ơn quý vị và các bạn.

Paris 14.06.2014 Vũ Thư Hiên

**

Mai Lan : Kính thưa quý vị và các bạn, qua những gì vừa trao đổi trao đổi, với một nhà văn và một LS, cùng với bài tham luận của một giáo sư mà chị Phan Thị Trọng Tuyến đã đọc trong phần 1 của chương trình, và chị có hứa sẽ nói với chúng ta về tác phẩm qua cách nhìn của chị. Vì vây, ML xin mời chị Phan Thị Trọng Tuyến.

Vì phần thảo luận chiếm nhiều thì giờ, ngoài dự đoán của ban tổ chức nên hai bài phát biểu Vũ Huy Quang và Phan Thị Trọng Tuyến được thêm vào sau trong bản tường thuật này.(Hai bài này đánh số 5 và 6 )

.

Thảo luận (tóm tắt các câu hỏi)

Trong hơn 45 phút còn lại của chương trình có cả phần văn nghệ, tuy một số khán giả bắt đầu ra về, không khí lại náo nhiệt hẳn lên vì các câu hỏi như :

- làm sao có được con người lành mạnh để xây dựng văn hoá chính trị lành mạnh

- về con người VN chịu ảnh hưởng đạo Khổng, về tiểu nhân, quân tử

- sự khác biệt giữa ĐệTam Đệ Tứ

- cái chết đầy dấu hỏi của Dương Bạch Mai( và một số khác sau 1975)

Hai diễn giả Trần Thanh Hiệp và Vũ Thư Hiên đã phân tích, giải thích, giải đáp thắc mắc và đưa thêm lý lẽ cho phần tham luận trước đó

.

Kính thưa quý vị, và các bạn... ML trở lại với sân khấu, nhưng không phải là để tiếp tục chương trình mà để xin nói lời chia tay và cám ơn tất cả quan khách, nhóm Silicon band cùng các thân hữu va đặc biệt là Association Etude Việt-Nam đã giúp chúng tôi thực hiện buổi ra mắt sách này.

(Quý vị nào chưa mua sách thì vẫn còn thì giờ để mua ạ)

.

5) Nhà Văn Vũ Huy Quang gửi lời Phát biểu từ San Jose, California (USA)

Vũ Huy Quang

Những người Trốtkít Việt Nam, họ đã chết rồi. Họ đã bị mất xác.

Họ còn bị thóa mạ trước và sau khi chết.

Đó là thiệt thòi cho người Việt Nam.

Nay có thêm một cuốn sách về họ là một hiếm hoi đáng quý vì tinh thần Trốtkít đã bị vùi dập khắp thế giới, hiếm hoi chỉ vì không có nhu cầu, không có người tìm hiểu lịch sử Việt Nam nhiều như chúng tôi tưởng.

Thực ra, lúc này cũng có người Việt Nam suy nghĩ sâu xa về nguồn gốc lịch sử Việt Nam của những năm tăm tối nhất, của những năm 39-45 mà hằng triệu người chứng kiến.

Những người ấy, đến nay vẫn còn. Dù ít dù nhiều, con cháu họ vẫn còn.

Và những chứng nhân, những hậu duệ của thời đại ấy, dù càng hiếm hoi, lại cảng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Đó là chứng cớ cụ thể qua cuốn sách “Trần Văn Thạch” nay đã ra đời.

.
blank

6) Bài tham luận Phan Thị Trọng Tuyến

Kính thưa quý vị, bài nói của tôi gồm hai phần

A - Vài lời về sự đóng góp

B - Giới thiệu tác phẩm bằng những bài học lấy ra từ đó

A) về đóng góp :

Trước hết xin nói thêm về nội dung tác phẩm dày 441 trang này, phần đầu khoảng 150 trang rất quan trọng, do chị Trần Mỹ Châu nghiên cứu và thực hiện.

Phần này vẽ lại bối cảnh lịch sử và thân thế Trần Văn Thạch, với di ảnh, di bút của người quá cố và gia đình, bạn hữu thời kỳ sinh viên o Pháp, hình ảnh tòa soạn và vài trang báo La Lutte, kế đến là chứng từ kỷ niệm với cha của người anh khác mẹ với chị là Trần Văn Tự.

Phần sau là bản phiên dịch các bài báo Pháp ngữ do Trần Văn Thạch viết.

Cuối cùng là thư mục sách vở, tài liệu tham khảo và phần chú thích tên người và các cơ quan, tổ chức hành chánh cũng do chị Trần Mỹ Châu thực hiện.

Tôi ngần ngại phân vân khi chị đề nghị và thuyết phục tôi làm đồng tác giả quyển sách, bởi vì lúc ban đầu, tôi nghĩ mình góp phần cho gia đình con cháu chị ở VN hiểu được việc làm của cha ông, như chị đã nói lúc ban đầu và nhất là góp phần chứng minh cho họ thấy rõ ông không hề là Việt gian, bán nước, chó săn theo phát xít như người ta đã vu khống.

Nhưng khi tôi đọc lại toàn bộ bản thảo, nối ráp các phần rời rạc mà chúng tôi đã bắt đầu từ vài năm trước đây, nhất là khi đọc xong bài viết của chị và người anh của chị, là phần mở đầu sách nhưng được viết sau cùng, tôi nhận lời đề nghị vì hiểu rằng chị đã tìm ra cha mẹ và tôi đã đi cùng chị vài bước trên con đường dài vừa qua.

Và nhất là chúng tôi đã ghi lại trung thực một phần lịch sử quan trọng của miền Nam. Tuy đã vô tình đặt mình rất tự nhiên vào địa vị chị, đã xúc động và vui buồn theo dõi ngòi bút của người cha vắng mặt và vắn số, tôi cũng hiểu rằng ngoài giá trị tinh thần đó, tôi thấy quyển sách còn một giá trị vượt ra ngoài vòng cá nhân và gia đình.

Cho nên tôi xin cám ơn chị cho tôi cơ hội đóng góp và được hưởng vinh dự này.

Như chị Trần Mỹ Châu có nhắc nhở, tên Trần Văn Thạch vốn đã gieo hiếu kỳ vào trái tim non nớt của tôi từ thuở nhỏ, để rồi hơn 50 năm sau khi " lớn lên", mới bừng vỡ câu trả lời như một thứ công án thiền tí hon tuyệt đẹp.

.

Thật vậy, trong những năm thời trung học, vì nhà tôi ở Cầu Bông gần Đa Kao, các trục lộ chính tôi thường lui tới là vùng ngã tư Đinh Tiên Hoàng, Lê Văn Duyệt ( bây giờ là Đinh tiên Hoàng). Lê Văn Duyệt và Lê Quang Định, Nguyễn Văn Học.

Quanh xóm nhà tôi ở Cầu Bông, vào thập niên 60, có nhiều rạp xi nê : Cao Đồng Hưng, Huỳnh Long, Moderne, Kinh Thành, Asam, Casino và Văn Hoa.

Rẻ nhất là Casino Đa Kao, giờ chiếu thường trực, vô lúc nào cũng được, năm đồng một vé hai phim. Bị nóng nực, ồn ào, muỗi cắn, nhưng coi mỗi phim hơn hai lần cũng chẳng ai rầy rà. Sang nhất và mới nhất (xóm) thuở đó là rạp Văn Hoa, có máy lạnh.

Đa số nếu không nói là hầu hết phim (Pháp và Mỹ, Ý) đều nói tiếng Pháp phụ đề Việt ngữ. Có rạp còn thêm chương trình phụ diễn tân nhạc, cả xóm (?) mê ghiền xi nê là chuyện đương nhiên.

Năm học đệ tứ, đệ tam và đệ nhi (thi tú tài một), trưa nào tôi cũng đi qua đường Trần Quang Khải vì học thêm toán ở trường Văn Hiến của thầy Phan Ngô, ở cuối đường Trần Quang Khải.

Đường này cắt ngang đường Trần Văn Thạch, nơi có rạp xi nê Moderne và Yiễm Yiễm thư quán, (của thi sĩ Đông Hồ) chuyên bán dụng cụ văn phòng, sách báo. Đi xi nê hay mua sách vở, bút mực tôi luôn chực chờ hy vọng coi mặt -mà không bao giờ thấy - thi sĩ Đông Hồ (với Mộng Tuyết Thất tiểu muội ) !

Tên đường quẩn quanh đều là tên những nhân vật quen thuộc vì chúng tôi học lịch sử việc làm, học văn, học thơ, học ròng rã các tác giả và lịch sử từ thời tiểu học. Về ai chúng tôi cũng biết gốc tích, nên hiểu rằng tổ quốc ghi ơn, lịch sử ghi công và chúng tôi ...phải học thuộc, để biết nguồn cội.

Nhưng chỉ có mỗi con đường Trần Văn Thạch, thì tôi không biết là ông là ai. Và ông đã làm gì khiến tổ quốc, lịch sử lưu danh ? Thắc mắc nhỏ nhưng dai dẳng.. cho đến mấy mươi năm sau.

Đường đã đổi tên từ sau tháng tư 1975. Rạp xi nê và nhà sách trên đường ấy, cũng không còn, bây giờ là...quán ăn.

.

Khi đọc những bài báo Trần Văn Thạch xin quý vị thử thay thế những chữ bộ máy chính quyền/quan toàn quyền thuộc địa/ tư bản/ thực dân/ thống đốc/toàn quyền bằng chữ đảngnhà nước, quan chức cộng sản/ chủ tịch UBND ; nông dân mất đất bị giựt nợ bằng dân oan, bị cưỡng chế...Mật thám, côn đồ ...bằng công an, dân phòng đầu gấu... Kể cả những bài báo về kinh tế suy kiệt, về thâm thủng ngân sách, đồng lương chết đói của tiểu công chức, công dân, công nhân bị bóc lột, thuế má khắc nghiệt...bên cạnh đời sống nhàn nhã xa hoa của quan chức mẫu quốc, cầm quyền thuộc địa. Khi chúng ta đọc những bài báo ông đòi quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do báo chí cho dân nghèo, dân thuộc địa vân vân chúng ta ngỡ rằng ông đang viết về thời buổi bây giờ.

Đó là tôi muốn nói về :

B) Những Bài học khám phá ra cho mình nhưng tôi chắc chắn quý vị cũng sẽ nghiệm ra thêm cũng như có nhũng khám phá khác sau khi đọc quyển sách này. Thứ nhất là :

1- Bài học về lịch sử cận đại

Tình hình chính trị thuộc địa Đông Dương vào đầu thế kỷ 20 tuy bớt sôi động sau Phong Trào Cần Vương rồi Đông Kinh Nghĩa Thục nhưng cuộc chuẩn bị dài hơi kể từ lời kêu gọi của Phan Bội Châu và nhất là của Phan Châu Trinh vẫn tiếp tục mang lại kết quả.

Về mặt tư tưởng, văn hoá, thì sách vở, báo chí Pháp được tương đối tự do lưu hành, ít ra là cho đến đầu thế chiến 2, và sách cấm vẫn qua được bằng các ngả đường không chính thức, và ảnh hưởng tư tưởng tả phái và chủ nghĩa cộng sản bắt đầu lớn mạnh, nhất là sau cuộc cách mạng tháng 10 -1917 của Nga.

Nguyễn An Ninh thổi cao ngọn gió Cao Vọng Thanh Niên từ thập niên 1920.

Thanh niên học sinh đua nhau du học Pháp, Nhật.

Nhất là Pháp, ngoài Nguyễn An Ninh, có Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo...những tên tuổi sẽ làm (cách mạng- theo nghĩa thuần tuý nhất- và làm) nên lịch sử miền Nam những thập niên sau đó.

Khi trở về nước, trong thuở ban đầu, họ đều chọn hay buộc lòng phải chọn, con đường đấu tranh bất bạo động, phải dùng những phương tiện rất hạn hẹp mà luật lệ nhà cầm quyền thuộc địa cho phép.

Đó là cuộc đấu trí và đấu lý trong hoàn cảnh không thuận lợi nếu không nói là quá chênh lệch về quyền lực giữa người trí thức khoa bảng Việt và bộ máy cầm quyền thuộc địa Pháp. .

Như sinh viên TVT đã viết, họ có ba cách để tham gia việc quản lý đất nước xã hội. (xem bài đầu tiên TVT viết vào thời sinh viên ở Toulouse, tr.150)

Tham gia vào Nghị trường và ngành báo chí, ông và các bạn đồng chí thực hành nhũng điều đã viết hay nói.

Về việc dạy học, xin xem chú thích Hoàng Đôn Trí về những người thầy dạy học mình thuở đó và trong bài đi tìm cha của Trần Mỹ Châu. ( tr. 70)

Về việc làm báo, ngoài tài liệu Trần Mỹị Châu nhiều sách vở trong và ngoài nưóc cũng nhắc về tờ báo nổi tiếng La Lutte này (xem danh sách tài liệu tham khảo ở cuối sách).

Báo có lúc phát hành đến 10000 tờ, con số rất lớn cho người dân Sài Gòn, Chợ Lớn biết đọc chữ Pháp thời bấy giờ.

b) bài học thứ hai về báo chí, thông tin

Và về chánh sách kiểm duyệt, về trình độ báo chí của thế kỷ vùa qua để so sánh với thể chế hiện tại. ( Báo giới, chính quyền tr.351)

Biết khung cảnh xã hội, văn hoá miền Nam : từ vui chơi hội chợ, hút xách, rượu chè, đến việc mật thám sử dụng các tay giang hồ, về thói cờ bạc, rượu chè, hút xách, về sai biệt lương bổng và cách đối xử của quan chức mẫu quốc vó quan chức và dân bản xứ. (tr.238)

Đặc quyền đặc lợi dành cho bộ máy cường quyền và đồng loã cũng như tù đày nghèo khổ cho đồng bào nghèo và người yêu nước, và đặc quyền, đặc lợi của giới thống trị (mẫu quốc /đảng) lúc nào cũng giống nhau và sự cùng cực, thống khổ của dân bản xứ/ dân nghèo bị cai trị cũng chẳng khác.

Đây là bài học đắng cay, nhưng cần thiết cho những người mong muốn làm chư hầu đại quốc. Người xưa khẳng khái thà làm quỷ nước nam hơn làm vương đất bắc. Ngày nay một số con cháu lai căng nào đó, dám muối mặt xin làm thân phận chư hầu thì còn đau lòng và nhục nhả nào hơn ? Tóm lại Bài học đó là không thể có công bằng bình đẳng cho dân bản xứ, dân bị trị, dân nô lệ công dân hạng hai. Không thể có đề huề (như vàng thật/giả) mà chỉ có chết (tốt) cho kẻ yếu kém.

.

c) bài học thứ ba về Tình bạn và Lòng yêu nước của người xưa

Là bạn thời trung học trong nước và sinh viên tại Pháp với nhau, một số vẫn giữ tình thân cho dù đường hướng chính trị khác biệt, một số khác phần lớn phe Đệ Tam, không ngần ngại tuân lệnh lãnh đạo, bắt giết bạn bè. Dù lòng yêu nước của tất cả đều lên đến cực độ.

Và lòng yêu nước cực độ ấy có khi đưa đến nhũng hậu quả cực đoan bất ngờ khi cảm tính và bản năng lấn lướt trí tuệ, lòng nhân.

Có những người không ngần ngại hy sinh chính mạng sống của mình và một bên khác không ngần ngại hy sinh mạng sống của người khác hoặc hèn nhát phủ phục trước ngoại xâm.

Khi một nhà cầm quyền duy trì tình trạng phân hoá lạc hậu cho xã hội thì rõ ràng đó là hành trạng của kẻ xâm lấn hay âm mưu xâm lấn(Tr.288).

Hậu quả tức thì của mù quáng vô minh là nhũng đớn đau oán hận dai dẳng và hậu quả khủng khiếp dài lâu : không còn người dám nói lên tiếng nói khác với quyền lực chính thống, không còn người tài giỏi hiệp sức khi đất nước trên bờ vực thẳm, tình thế nguy nan nghìn cân treo sợi tóc ( Hậu quả chánh sách độc quyền lãnh đạo.Tr. 123)

Trần Văn Thạch và các nhân vật đồng thời đã đặt tình đoàn kết lên trên khác biệt ý hướng chính trị để thoả thuận chung lòng đấu tranh với kẻ thù duy nhất là mẫu quốc và chánh quyền thuộc địa Pháp, các ông bỏ qua nghi vấn Trần Văn Giàu được Pháp sắp đặt cho vượt ngục để giữ lực lượng và đoàn kết trước quân Đồng Minh sắp sửa mở nhà tù và giao khí giới cho quân Pháp (Trần Văn Giàu gặp chống đối tú bề; tr. 103-105).

.

Các ông đã chống cự đến người cuối cùng khi đánh nhau với quân Pháp, (xem chuyện kể 214 người đệ tứ và Những ngày cuối cùng của nhóm Tranh Đấu tr.118-120) nhưng những người thủ lãnh đã xuôi tay buông súng cho đồng bào (đồng chí cũ) của mình là Việt Minh đến bắt (và giết).

Những lời nhắn nhủ của Trần Văn Thạch cho gia đình trước giờ bị giết cũng là lời nhắn nhủ chung cho chúng ta : luôn luôn thương yêu đoàn kết, để đủ sức đối phó với bọn ngoại bang xâm lấn.

.

Bài học ông cho tôi là không bao giờ mẫu quốc, một khi đã chinh phục ta bằng sức mạnh quân sự hay kinh tế, văn hoá...hay bằng bất cứ mưu mẹo bẩn thỉu và gian ác nào, chúng sẽ không bao giờ cho ta quyền tự do hay độc lập, đừng hòng nói đến bình đẳng, kính trọng.

Một nhận xét khác là sự dối trá và bạo lực không bao giờ chinh phục được lòng người.

.

d) Kết luận

Rõ ràng cha ông chúng ta đã hành động vì lòng yêu nước. Rõ ràng họ đã hy sinh vì độc lập và tự do cho đất nước; là con cháu, nếu không đủ sức noi theo gương ấy, ít ra cũng không nên làm tủi hổ vong linh người xưa và làm thất vọng con cháu của chính chúng ta sau này bằng sự im lặng đồng loã với tội ác và dối trá.

Dĩ nhiên những người đã gây tội ác sẽ không còn dễ dàng tiếp tục ngăn cản sự thật, che giấu tội lỗi nếu không tiếp tục dùng bạo lực. Nhưng muốn dùng bạo lực họ cũng sẽ không dễ tìm ra thời cơ tái diễn chuyện xưa và không thể dễ dàng tiếp tục dối trá người dân, tiếp tục xoá nhoà hay bóp méo lịch sử. Họ không thể bịt miệng ngay cả những đồ tể trực tiếp hay gián tiếp thi hành lệnh (miệng ?) nhưng nay bừng chợt thức tỉnh; bởi vì trong số những kẻ chủ mưu, những tòng phạm xa gần lớn nhỏ, sẽ có những lương tâm sống dậy, khiến họ có nhu cầu sám hối, nhu cầu kể chuyện lại và xin được tha thứ.

Hơn thế nữa những kẻ đã gây tội ác không thể mãi mãi tiếp tục ngăn cấm những người muốn phục hồi danh dự cho thân nhân, trả lại sự thật quá khứ để mạnh mẽ, trong sáng hướng về tương lai.

Tôi đã đọc được những trang blog do hậu duệ Phạm Quỳnh, hậu duệ và học trò Phan Chu Trinh, Phan Khôi. Và nghe bừng dậy hy vọng.

Xin cám ơn quý vị.

Phan Thị Trọng Tuyến

(Xem lại, sửa chữa tháng 7-2014 )

Ảnh: Huỳnh Tâm


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
California có thể tự hào với nền y tế hướng tới toàn dân của mình, với khoảng 15 triệu cư dân (tương đương 1/3 dân số) đang được hưởng Medi-Cal
Tại Trường Valley High School, 1801 S. Greenville St, Santa Ana, CA 92704, sáng Thứ Bảy ngày 13 tháng Tư năm 2024, Giám Sát Viên Quận Cam Vicente Sarmiento Địa hạt 2 và Phó Thị Trưởng Santa Ana cô Thái Việt Phan đã tổ chức Hội Chợ Y Tế và Thông Tin Quyền Lợi của Cộng đồng. Hội chợ diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều, quy tụ hàng trăm cư dân, đa số là người Mễ Tây Cơ, một số ít người Việt Nam và các sắc dân khác. Đúng 9 giờ 15, Giám Sát Viên Vicente Sarmiento, Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan và Dân Biểu Lou Correa cùng một số viên chức thành phố Santa Ana ra chào mừng mọi người. Giám Sát Viên Vicente Sarmiento nói, hôm nay tôi và Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan tổ chức Hội Chợ Y Tế và giới thiệu với Cộng đồng các dịch vụ giúp phục vụ mọi cư dân trong thành phố hữu hiệu hơn. Chúng tôi cũng chào mừng Dân biểu Lou Correa đã đến với chúng ta, chứng tỏ ông rất quan tâm đến đời sống cư dân chúng ta.
Tại Clara Studio 15138 Goldenwest Circle Thành Phố Westminster vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 14 tháng Tư năm 2024 Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng làm Hội trưởng đã tổ chức thành công Chương Trình Văn Nghệ Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 với chủ đề "QUÊ HƯƠNG và TÌNH MẸ." Điều hợp chương trình do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng và MC Hồng Vân. Mở đầu với nghi thức chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện.
Hiệp Hội Pháp Huy Công lý Người Mỹ gốc Á Nam California (AJSOCAL) đã công bố gói lập pháp năm 2024, bao gồm 04 ưu tiên nâng cao cộng đồng gốc Á. Các ưu tiên này nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động song ngữ, giáo dục những người lao động có trình độ Anh ngữ hạn chế về quyền lao động, cung cấp nghiên cứu về nạn buôn người và chấm dứt phương thức tuyển sinh truyền thống ở các trường đại học tư ở California.
– Vào trưa ngày Thứ Năm 11 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là để giới thiệu về những đặc điểm ưu việt của chương trình Medi-Cal mở rộng. EMS dự định sẽ có 6 buổi họp báo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng sắc tộc về những cải tiến gần đầy của Medi-Cal.
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 14 tháng 4, năm 2024, văn thi sĩ Y Thy Võ Phú có buổi ra mắt tập truyện ngắn "Xóm Chài" và tập thơ "Nhật Ký 6/8 2023" của anh tại Mason District Government Center. Với hơn 150 thân hữu và bạn hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách của văn thi sĩ trẻ trong vùng Hoa Thịnh Đốn.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Medi-Cal hiện nay đang chăm sóc y tế cho khoảng 1/3 dân số California, đang đi đầu trong cuộc cách mạng y tế toàn dân ở nước Mỹ.
Sky River Casino hào hứng giới thiệu một loạt những chương trình khuyến mãi vô cùng kích thích vào Tháng Tư này, hứa hẹn một Mùa Xuân ngập tràn cơ hội vui đùa, kích thích, và trúng lớn. Thêm vào đó, Sky River Casino thật là hãnh diễn và kích thích loan báo việc vừa mới kết hợp với Đội Bóng Đá Sacramento Republic FC. Việc kết hợp này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm giải trí cho quý vị khách cũng như 'fan' mà còn nhằm vinh danh và hỗ trợ di sản phong phú của Bộ tộc Wilton Rancheria và sự kết nối có từ thời tiên tổ của Bộ tộc với vùng Sacramento.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.