Hôm nay,  

Từ Mùa Thu Paris Đến Mùa Hè Cali...

05/07/201400:00:00(Xem: 3084)
Mùa Thu Paris. Những năm đầu của thập niên 1950, một sinh viên du học vừa mới bước qua tuổi đôi mươi, cô đơn một thân một mình giữa xứ lạ quê người, đứng dưới ánh đèn vàng của ga Lyon hay ngồi trên ghế đá của vườn Luxembourg, mòn mỏi đợi chờ người em "tóc vàng sợi nhỏ" và rồi "tiễn em" đi với khung cảnh trời buồn Paris...

Mùa Hè Cali. Trong không gian đầy những cánh hoa jacaranda nở tím rực trời báo hiệu một mùa hè đang về ở quận Cam. Đó đây trên các góc phố, trước các tiệm ăn, những tấm poster trang nhã đã gây sự chú ý của mọi người với một chữ "C" màu trắng được design rất lạ nổi bật trên nền màu xám. Trên góc trái là tấm hình của người đàn ông với mái tóc bạc trắng mà tên tuổi của ông đã gắn bó với nền thi nhạc của Việt Nam từ nhiều thập niên qua: Thi sĩ Cung Trầm Tưởng.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, chương trình "Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng" do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tổ chức để vinh danh thi sĩ Cung Trầm Tưởng được khai mạc vào tối ngày Chủ Nhật 29 tháng 6.

Mặc dầu chương trình trong tờ poster ghi lúc 6 giờ, nhưng từ 5 giờ chiều, quan khách đã bắt đầu có mặt tại nhà hàng Emerald Bay, có lẽ vì đã gần 20 năm trôi qua, khán thính giả của quận Cam mới có dịp gặp lại thi sĩ Cung Trầm Tưởng, tác giả của những bài thơ tình được nhiều người biết đến như Mùa Thu Paris, Tiễn Em, Kiếp Sau, v.v. Các khán giả nao hức mong được gặp lại thi sĩ Cung Trầm Tưởng cũng như chờ đợi được nghe những bản nhạc mới được phổ nhạc từ những bài thơ chọn lọc của thi sĩ Cung Trầm Tưởng theo như lời giới thiệu của Ban Tổ Chức qua những chương trình Talk Show.

blank
Hình ảnh Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng.

Một tấm banner với hàng chữ quen thuộc "Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Chào Mừng Quan Khách" với hàng chữ xanh trên nền trắng được treo ở lối vào nhà hàng Emerald Bay. Phía sau chiếc bàn tiếp tân vẫn là những khuôn mặt thân quen với những nụ cười niềm nở của các chị trong Ban Hợp Ca của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ mà mọi người có thể dễ dàng nhận ra qua những chiếc áo dài đồng phục thường xuất hiện trong các chương trình trước đây. Lần này, các chị trong Ban Tiếp Tân dường như phải làm việc vất vả hơn vì số lượng quan khách đến tham dự chương trình.

Gần 400 quan khách đã hiện diện trong chương trình "Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng" nên nhà hàng phải kê thêm một số bàn cho các vị khách đến sau. Trong số những vị khách mời, chúng tôi thấy có những người bạn thân lâu năm với ông như nữ tài tử Kiều Chinh, ca sĩ Bạch Yến, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, nghệ sĩ Như Hảo, ông bà thi sĩ Thái Tú Hạp, v.v. cũng như một số đông các bạn bè trong binh chủng Không Quân của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng.

Bắt đầu chương trình là nghi thức chào cờ với Quốc Ca Việt Nam do Ban Hợp Ca của Câu Lạc Bộ phụ trách và phần hát Quốc Ca Hoa Kỳ do ca sĩ Nhã Đoàn trình bày. Sau phần giới thiệu các quan khách tham dự, các MC Ngọc Tịnh, Hạnh Cư và Cao Minh Hưng lần lượt giới thiệu các tiết mục văn nghệ trong khi mọi người thưởng thức các món ăn của nhà hàng Emerald Bay.

blank
Hình ảnh Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng.

Mở đầu chương trình là bài "Hè Về" do nhóm ca Minh Đức trình bày với những trang phục rất thích hợp với khung cảnh vui tươi của mùa hè.

Ban Tổ Chức cũng đã chọn nhạc phẩm "Một Chuyến Bay Đêm" do ca sĩ Bình Trương trình diễn để vinh danh những chiến sĩ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa mà thi sĩ Cung Trầm Tưởng cũng đã từng là một sĩ quan phục vụ trong binh chủng này sau khi ông du học ở Pháp về trong thập niên 1950. Tiết mục song ca với tiếng hát của ca sĩ Mỹ Dung và ca sĩ Thuỳ Châu với nhạc phẩm "Mười Thương" với sự phụ diễn của các anh chị trong ban múa đã mang đến không khí tươi vui cho chương trình.

Ca sĩ Ngọc Trọng cũng đã gửi đến đến khán giả nhạc phẩm "Tuyết Trắng" với tiếng hát trầm ấm của anh. Ca sĩ Ngọc Hà với giọng hát cao vút của chị cũng đã xuất sắc với nhạc phẩm "Nỗi Nhớ", một sáng tác của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, và một nhạc phẩm ngoại quốc "Les Feuilles Mortes". Tiếp đó là ca sĩ Bảo Ngọc từ San Jose đã gửi đến khán giả với nhạc phẩm "Suối Mơ". Ca sĩ Huy Tâm cũng đã đưa khán giả trở về với khung trời kỷ niệm của tuổi học trò qua ca khúc "Phượng Tím" được tô điểm với những tà áo và những chiếc nón lá được vẽ lên những đóa hoa phượng rất nên thơ do các chị Băng Tâm, Khánh Lan, Tuyết Nhung và Nhã Loan trong nhóm múa đã bỏ nhiều công sức để sáng tạo và thực hiện. Chương trình được tiếp nối với ca sĩ Lena Lệ Ngọc, một thành viên của CLB Tình Nghệ Sĩ từ Houston với một bài hát "Em Đẹp Nhất Đêm Nay" với một giọng hát rất nhẹ nhàng và lôi cuốn người nghe. Ca sĩ Thạch Hoàng cũng đã dành những lời tâm tình đến với thi sĩ Cung Trầm Tưởng trước khi anh trình bày bài hát "Vài Lần Đón Đưa".

Như thường lệ trong các chương trình của CLB Tình Nghệ Sĩ, các anh chị em trong Ban Hợp Ca đã trình bày nhạc phẩm "Tình Nghệ Sĩ Hành Khúc" trước khi 2 MC Thúy Anh và Hoàng Trọng Thụy mời mọi người bắt đầu bước vào chương trình nhạc thính phòng với những bản nhạc được các nhạc sĩ của CLB Tình Nghệ Sĩ và thân hữu phổ từ những bài thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng.

blank
Hình ảnh Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng.

Sau khi GS Lê Văn Khoa phát biểu những cảm nghĩ của ông về Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, ca sĩ Hồng Tước đã trình bày nhạc phẩm "Đêm Mưa" do nhạc sĩ Võ Vĩnh Thuận phổ nhạc. Ca nhạc sĩ Hạnh Cư đã chọn bài thơ rất cảm động với tựa đề "Bóng Mẹ Chiều Thu" của thi sĩ Cung Trầm Tưởng để phổ nhạc và trình bày cùng với phần giao duyên ngâm thơ của thi sĩ Phi Loan và tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi.


Một nhạc sĩ trong CLB Tình Nghệ Sĩ từ San Jose là nhạc sĩ Ngọc Loan cũng đã tự trình bày nhạc phẩm do chính chị phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng với tựa đề "Trong Trời Xanh Cao Vút". Một tiếng hát cũng đã được sự chờ đợi của khán giả trong Đêm Thơ Nhạc là ca sĩ Quang Tuấn với bài hát "Dạ Khúc Chiều Xưa" do Cao Minh Hưng phổ nhạc từ bài thơ "Một Gam Ru Hờ" của thi sĩ Cung Trầm Tưởng sáng tác ở Đà Lạt vào năm 1959 và nhà văn Việt Hải đã thêm một số đoạn thơ để hoàn thành ca khúc này.

Ca sĩ Huỳnh Anh, một giọng hát được mệnh danh là tiếng hát chuyên chở rất thành công những bài hát theo thể điệu rumba hay bolero, tuy nhiên trong chương trình này, anh đã gây ngạc nhiên cho mọi người khi chọn hát bản nhạc "Tiếng Gọi Yêu Thương" của nhạc sĩ Hạnh Cư, phổ nhạc theo thể điệu valse. Đây cũng là một bài thơ do anh Việt Hải tổng hợp từ thơ của các nhà thơ Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Rabindranath Tagore và Khalil Gibran. Xen kẽ trong chương trình là phần phát biểu của anh Phát Bùi, đại diện cho thi sĩ Bùi Ngọc Tuấn, đọc chia sẻ những tâm tình của người anh mình về thi sĩ Cung Trầm Tưởng vì anh Ngọc Tuấn ở xa không thể đến tham dự được.

blank
Hình ảnh Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng.

Cùng với MC Hoàng Trọng Thụy, MC Thúy Anh cũng đã khéo léo chọn những đoạn thơ trong các bài hát được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc để giới thiệu nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống và tình cảm của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng với những nhân sinh quan ông gửi gắm trong những bài thơ này. Bằng một giọng ngâm rất ngọt ngào, Thúy Anh đã ngâm 24 câu thơ trong bài thơ "Núi và Suối Một Huyền Sử" của TS Cung Trầm Tưởng. Một nhạc cảnh đã gây cảm động cho khán giả đó là khi bài hát "Lời Thề Nguyền Yêu Thương" được ca sĩ Bình Trương và ca sĩ Thuý Quỳnh dàn dựng và trình diễn. Nhạc phẩm này do nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc từ những vần thơ cũng do nhà văn Việt Hải tổng hợp từ thơ của 3 thi sĩ gồm bài thơ Rondel De L'Adieu (Ca Khúc Biệt Ly) của thi sĩ Edmond Haraucourt, The Mystery of Pain (Bí Mật Của Khổ Đau) của thi Sĩ Emily Dickinson, và Núi và Suối Một Huyền Sử - Một Hành Trình Thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng.

Ca sĩ Hùng Ngọc cũng đã diễn tả thành công nhạc phẩm "Đường Vào Thiên Thu" do Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn phổ từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Ca sĩ Bảo Nam, một tiếng hát rất được mến mộ của các cựu nữ sinh Gia Long đã chọn nhạc phẩm "Kiếp Sau" do nhạc sĩ Trường Sa phổ nhạc. Một điều khác biệt trong bản nhạc này so với bản nhạc đã được phổ nhạc trước đây là ông đã giữ những chữ nguyên thủy trong bài thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Ca sĩ Thúy Quỳnh trở lại sân khấu với nhạc phẩm "Núi Nhớ" do nhạc sĩ Nguyên Phan phổ nhạc. Kết thúc chương trình nhạc thính phòng với những bài hát được phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng là nhạc phẩm "Đêm Sinh Nhật" do nhạc sĩ Ngọc Loan phổ nhạc và ca sĩ Bảo Ngọc trình bày.

Sau chương trình nhạc thính phòng, thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã cảm động chia sẻ những cảm tưởng của ông về những tình cảm mà CLB Tình Nghệ Sĩ nói chung và các ca nhạc sĩ cũng như bạn bè nói riêng đã dành cho ông, từ buổi họp mặt thân mật tại tư gia của anh Trần Mạnh Chi, đến sự chuẩn bị chu đáo cho chương trình "Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng". Ông cũng ngỏ lời cảm ơn những nhạc sĩ đã phổ những bài thơ của ông cũng như các ca sĩ đã góp tiếng hát trong chương trình. Nhà văn Việt Hải và Cao Minh Hưng đã thay mặt BTC để cám ơn các vị quan khách đã tham dự cũng như các cơ quan truyền thông báo chí đã hỗ trợ giới thiệu góp phần vào sự thành công cho chương trình "Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng". Họa sĩ Lưu Anh Tuấn đã trao tặng thi sĩ Cung Trầm Tưởng một bức tranh do chính anh vẽ với chân dung của thi sĩ Cung Trầm Tưởng bên cạnh tháp Eiffel của nước Pháp, nơi đã cho ông nguồn cảm hứng để sáng tác nhiều bài thơ đã đi vào lịch sử văn học và âm nhạc Việt Nam. Anh Việt Hải và anh Huỳnh Anh cũng đã thay mặt Ban Tổ Chức trao tặng thi sĩ Cung Trầm Tưởng tấm poster được anh Thiên Thạch trình bày rất đẹp với tên các bài hát được ghi lại trên tấm poster này như một món quà kỷ niệm.

blank
Hình ảnh Đêm Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng.

Ban Hợp Ca của CLB Tình Nghệ Sĩ và các quan khách cũng đã cùng nhau hát bài Happy Birthday để tặng cho thi sĩ Cung Trầm Tưởng trong khi ông cắt chiếc bánh kỷ niệm lần sinh nhật thứ 83. Chương trình dạ vũ đã được tiếp tục sau phần cắt bánh sinh nhật với những bước nhảy vui vẻ trong tiếng nhạc tưởng chừng như không muốn dứt.

Những bài thơ từ những thăng trầm trong cuộc đời của ông, từ những ngày du học ở Pháp, những năm tháng trong quân ngũ hay những ngày trong lao tù đã được chấp cánh theo những cung nhạc trầm bổng chắc chắc không chỉ để lại trong lòng những người tham dự trong chương trình đêm nay, mà mãi mãi về sau, để mọi người sẽ nhớ đến một Thi Sĩ đã dâng hiến cuộc đời mình cho quê hương và thi nhạc.

Từ Mùa Thu Paris năm xưa đến Mùa Hè Cali năm nay, nhiều thập niên đã trôi qua nhưng những dòng thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã được tiếp tục tuôn chảy với những cố gắng không ngừng của các anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trong nổ lực vinh danh và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.

-Cao Minh Hưng-

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.