Hôm nay,  

1 Cụ Từ Trần, Di Chúc: Gửi Tiền Cứu Trẻ Vn

17/06/200000:00:00(Xem: 6055)
MILPITAS, California (TVNs) - Đối với đất nước Việt Nam, tuy chỉ là một “người Việt gốc Hoa” nhưng, đối với ông Dương Cường thì nó vô cùng gắn bó, thắm thiết mà sợi giây gắn bó và thắm thiết này nó ăn sâu vào tâm tư của ông, cả đến khi ông “nhắm mắt buông xuôi”, trở về an nghỉ trong Chúa tình cảm ấy không hề phai nhạt.
Người Việt trong vùng, nếu những ai từng quen biết với ông Dương Cường, thì ngày qua không khỏi tiếc nuối bởi sự ra đi của ông này. Cộng Đồng người Việt đã mất đi một người bạn có một tấm lòng nhân ái, tình thương bao la không phân biệt Hoa hay Việt.
* Sinh quán Trung Quốc - quê quán Việt Nam
Sinh năm 1924 tại Trung Quốc, ông Dương Cường chính gốc là người Triều Châu. Năm 1933, khi ông Dương Cường lên 9, cha mẹ ông rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rún” của đất nước “người đông của khó” để sang Việt Nam lập nghiệp. Gia đình ông Dương Cường đã định cư tại Rạch Giá, một trong sáu tỉnh của miền Tây, vựa lúa của đất nước Việt Nam.
Kể từ đó đất nước cong cong hình chữ “S” trở thành quê hương thứ hai của ông Cường sau đất nước mẹ đẻ. Và cũng từ đó, cuộc đời của ông Cường dính liền với vận mệnh, sự trăn trở với quê hương thứ hai. Đối với ông Dương Cường thì sinh quán ở Trung Quốc - quê quán: Việt Nam.
* Sự cởi mở có từ trong cuộc sống gia đình
Là một người theo tây học, Ông Dương Cường rất cởi mở mà ở nơi ông, không hề có sự phân biệt người Hoa người Việt. Không những thế, sự cởi mở của ông Cường được chứng minh trong quan điểm rõ ràng, minh bạch của ông trong vai trò người gia chủ. Từ nhỏ, ông Cường theo đạo Thiên Chúa giáo và rất sùng đạo. Nhưng, khi lập gia đình với bà Dương Sầm Diệu, ông Cường không bắt người phối ngẫu với mình bỏ đạo theo đạo của ông. Đó chính là nguyên nhân khiến những ai đặt chân vào nhà ông Cường, lúc ông này còn sinh tiền đều phải ngạc nhiên. Vì bởi, khi cánh cửa ngôi nhà tọa lạc số 1040 Gordan Street, Milpitas mở ra, người ta nhìn thấy ở bên trong hai bàn thờ được thiết lập một cách đề huề.
Từ bên ngoài bước vào, dọc theo cầu thang, ở bên trái là bàn thờ Phật, tôn giáo của bà Dương Cường nhũ danh Dương Sầm Diệu. Sát tường, phía tay phải, là một bàn thờ Chúa trang nghiêm. Phật hay Chúa, cả hai đều có chỗ đứng đầy trang trọng trong ngôi nhà của vợ chồng ông Dương Cường.
* Không chấp nhận sự bỏ đạo, chuyển đạo
Không riêng gì đối với người “chung chăn xẻ gối” mà ngay cả với đàn con 7 đứa ông bà Dương Cường cũng để cho con cái hoàn toàn tự do chọn lựa ton giáo để theo. Cả 7 đứa con, vừa trai vừa gái, chưa một lần ông Cường lấy quyền gia trưởng để buộc một đứa con nào phải theo tôn giáo này hay tôn giáo khác.
Ông Dương Cường từng nói với các con: “Tôn giáo nào cũng có cái hay, cái tốt của nó. Hãy suy nghĩ thật chín chắn để tự quyết định chọn lựa cho mình một tôn giáo để theo.” Ông khuyên các con của mình không nên vì ảnh hưởng đối với ông hay của bà Diệu trong quyết định của họ khi chọn một tôn giáo để theo.
Nhưng khi đã quyết định, ông Cường nhấn mạnh với các con, thì phải theo đạo mình chọn cho đến cùng. Đối với ông Dương Cường, tôn giáo có tính chất tâm linh, nặng tính chất tinh thần nên không thể “nhảy qua nhảy lại”, thay đổi đạo mình thờ như chong chóng. Chính từ quan điểm đó mà ông vui vẻ để bà Diệu giữ đạo Phật chứ không phải theo đạo như người khác.
Khi từ trần, ông Dương Cường để lại vợ, 14 con trai gái, dâu rể, 18 cháu nội, ngoại và một chắc. Nhưng đại gia đình này rất thuận thảo trong việc tổ chức trang lễ nhất là phàn nghi thức tôn giáo.
* Cả gia đình cùng vượt biển
Trở lại câu chuyện lúc còn sinh tiền của ông Dương Cường, vào năm 1976, ông Dương Cường tổ chức cho cả gia đình vượt biển từ Rạch Giá. Chuyến tàu ông Cường ra đi ngày 14/5/1976 chở theo 30 người. Trong đó, gia đình ông Cường gồm hai vợ chồng ông Cường, và con, dâu, rễ, cháu là 25 người. 5 người còn lại là gia đình người tài công. Sau 4 ngày lênh đênh trên biển cả, chuyến tàu tị nạn cập đất liền ở Mã Lai. Đến 30/8/1976 cả 30 người được định cư tại Hoa Kỳ. Vốn bản tính thích tự lập, không muốn lệ thuộc bất cứ ai, khi qua đến Mỹ, ông Cường đã đi làm ngày, chứ không muốn ở không nhận trợ cấp xã hội.
24 năm định cư tại Hoa Kỳ, sống độc nhất ở miền Bắc California, ông Cường, trong gần 13 năm đầu dồn hết tâm trí, sức lực để ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình. Cũng may mắn, 7 người con của ông đều trưởng thành, biết nghe lời chỉ dạy của ông bà Cường, học hành thành tài, đều có công việc làm ăn vững chắc. Kèm theo đó, với các nàng dâu, chàng rễ hợp lực, cuộc sống của đại gia đình họ Dương trở nên vững mạnh. Vào năm 1989, cách đây 11 năm, khi 7 người con đều an cư lạc nghiệp, Ông Cường đã mở đầu cuộc sống cuộc người cao niên bằng việc nghỉ hưu, ở tuổi 66.
* Nghỉ hưu và du lịch

11 năm qua,- ngoại trừ một lần mổ tim, và vài tháng trước khi từ giả cuộc đời bị đau yếu - ông Dương Cường, cùng vợ đi du lịch khắp nơi.. Tiếp xúc với chúng tôi, trong căn nhà mà trước đây chỉ có hai vợ chồng ở, bà quả phụ Dương Cường nhũ danh Dương Sầm Diệu nói với chúng tôi: “Lúc ông nhà tôi còn sống, chúng tôi không muốn làm vướng bận con cháu nên đã mua một căn nhà ở riêng, dứt khoát không chịu về ở chung với một đứa nào. Dù cả 7 người con đều hết sức cố mời ông bà về sống chung với họ hầu con cháu có thể chăm sóc cho ông bà vào tuổi tuổi già hoặc khi “trái gió trở trời.” Thế nhưng cả hai ông bà đều không thuận. Đối với hai vợ chồng cao niên thì căn nhà nằm trên đường Gordan St, Milpitas thật quá rộng rãi với 3 phòng ngủ, một phòng khách.
Đã vậy căn nhà 11 năm qua ông bà ở thì ít, bỏ trống thì nhiều vì ông bà Cường đi du lịch liên tục. Ngoài trừ các nước Châu Phi là ông bà chưa đặt chân đến còn hầu như các nước khác ông bà Dương Cường đều có dừng chân. Cả hai ông bà, nói được tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, lại cởi mở, giao thiệp rộng; cho nên đi đến đâu cũng có bạn bè, bà con. Nhà cửa, cũng may, chung quanh đều có con cái ở để mắt trông chừng.
* Một khuôn mặt hoạt động xã hội tích cực
Ngoài ý thích đi du lịch, ông Dương Cường còn là một khuôn mặt hoạt động xã hội tích cực trong cộng đồng người Hoa, nhất là giới người Triều Châu. Năm 1976, khi vừa đặt chân đến bến bờ tự do, định cư tại thành phố Cảng San Francisco, Ông Dương Cường với một số người đứng ra thành lập Bang Hội Triều Châu. Trong số các tổ chức của người Hoa tại miền Bắc California, Bang Hội Triều Châu là một tổ chức hoạt động khá quy cũ và lớn mạnh trong mục tiêu xã hội, tương thân, tương trợ người đồng hương và hội viên. Tuy là một hội đoàn với danh nghĩa là của người Hoa, nhưng các công tác xã hội mà Hội đã thực hiện thì không thuần túy trong phạm vi người Hoa hay người Triều Châu mà mở rộng sang các sắc dân khác, đặc biệt là sự giúp đỡ đối với Việt Nam.
Bà quả phụ Dương Cường và cô Dương Bội Trinh, trưởng nữ của người quá cố, cho chúng tôi biết, việc làm này, xuất phát từ ông Dương Cường, một người Hoa nhưng có nhiều gắn bó với đất nước Việt Nam. Hội Triều Châu vẫn thường xuyên gửi tiền về Việt để giúp đỡ các tổ chức xã hội cũng như giúp đỡ đồng bào Việt Nam sau các trận thiên tai.
Những chuyến du lịch về Việt Nam, ông bà Dương Cường thường ghé thăm và giúp đỡ các chùa, nhà thờ, cô nhi viện, trại cùi, cơ sở nuôi người mù... Điển hình Tinh Thất Thường Quang, Phú Định, Quận 8 Sài Gòn là nơi nhận được nhiều sự giúp đỡ của ông bà Dương Cường. Sở dĩ có việc giúp đỡ này vì ông bà Dương Cường trong một chuyến về Việt Nam được biết Thầy Chơn Tịnh cực khổ vận động quyên góp để có tiền giúp các trẻ em khuyết tật, dị tật có tiền nhập viện gải phẩu.
Vào những ngày tháng, trước khi từ giã cuộc sống, ông Dương Cường để lại lời trăn trối với vợ và các con cháu là một khi ông có mệnh hệ nào, gia đình phải tổ chức tang lễ của ông thật đơn giản, không nhận phúng điếu. Thay vào đó, gia đình phải yêu cầu thân bằng, quyến thuộc xa gần nếu muốn phúng điếu xin tự tay gửi thẳng về Việt Nam giúp đỡ hai tổ chức:
- Cơ Sở BỪNG SÁNG
Nhà nuôi trẻ em mù, số 226/227 Nguyễn Tri Phương, Phường 4 Quận 10, thành phố Sài Gòn.
- TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT - CHÙA KỲ QUANG II
Samôn Thích Thiện Chiếu
154/4A đường Lê Hoàng Phái, Quận Gò Vấp, thành phố Sài Gòn.
Cả hai địa chỉ này, ông Dương Cường ghi nhận sau lần cuối cùng về thăm Việt Nam cách đây vài tháng.
Trong suốt 3 ngày linh cửu ông Dương Cường quàn tại nhà quàn Lima Family, số 48800 Warm Spring Blvd, Fremont tang gia đã sao khoảng trên 500 bản địa chỉ của hai nơi nói trên để phân phát.
Tuy nhiên, sau tang lễ bà quả phụ Dương Cường cho chúng tôi biết, một số người quá thân, nhất là những người lớn tuổi, đã gửi tiền phúng điếu để nhờ bà thực hiện ước nguyện của người quá cố lúc còn sinh tiền. Số tiền này lên khoảng trên 700 Mỹ kim. Bà Cường quyết định gửi số tiền này cho Thầy Thích Chơn Tịnh, Tịnh Thất Thường Quang, Phú Định, Quận 8 Sài Gòn để nơi đây giúp đỡ các trẻ em khuyết tật.
Cũng xuất phát từ căn bản của người sanh thành, mà trưởng nữ của ông Dương Cường, là cô Dương Bội Trinh cũng được xem là một người có nhiều gắn bó với Việt Nam. Cô Dương Bội Trinh là một khuôn mặt sinh hoạt quen thuộc của cộng đồng người Việt trong vùng. Cô Trinh là giáo viên của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang/San Jose và là một người trong nhiều năm liên tiếp đảm trách chức vụ Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Tuyển Lựa Thiếu Nhi Tài Sắc được tổ chức hàng năm tại Hội Tết Fairgrounds. Chương trình này nhằm mục đích duy trì, bảo tồn văn hóa, lịch sử Việt Nam; duy trì tiếng Việt trong thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tị nạn. Vì bởi, tiếng Việt còn, nước Việt còn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.